Tháng 7-1969, với sứ mệnh Apollo 11 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), lần đầu tiên con người đặt chân lên một thiên thể ngoài trái đất: Mặt trăng. Tròn 40 năm sự kiện lịch sử này, một công trình nghiên cứu của Craig Nelson, được đánh giá là chi tiết nhất về sứ mệnh đầu tiên chinh phục “chị Hằng” vừa được giới thiệu: Rocket Men – The Epic Story of the First Men on the Moon. Trong quá trình nghiên cứu các nguồn lưu trữ của NASA để viết cuốn sách này, Nelson đã phát hiện nhiều điều thú vị.
* Các máy tính sử dụng cho Apollo 11 có năng lực xử lý yếu hơn khả năng của các loại điện thoại di động hiện nay.
* Nước uống là một sản phẩm phụ của pin nhiên liệu nhưng các bộ lọc khí hydrogen của Apollo 11 đã không hoạt động làm cho nước uống luôn đầy bọt. Thực phẩm đựng trong các túi nhựa hút chân không và các viên ngũ cốc, bánh quy này phải được ăn ngay sau khi mở túi.
Lúc đó, NASA chưa thành công trong việc xử lý chất thải lỏng và rắn của phi hành gia trong điều kiện không trọng lực nên các bác sĩ yêu cầu chế tạo các loại thực phẩm sinh ít chất thải nhất. Tuy thế, có ít nhất một phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 11 đã phải uống thuốc chống tiêu chảy liên tục để khỏi bị rắc rối bởi chất thải.
* Khi Eagle (module đổ bộ của Apollo 11) được tách ra trên quỹ đạo, cabin của nó không được giảm áp đủ mức cần thiết nên đã gây ra một vụ nổ khí nhỏ, tương đương việc khui một chai sâm banh nhưng cũng đủ đẩy Eagle hạ cánh xuống mặt trăng, cách xa địa điểm NASA dự trù hơn 6,4km.
* “Bước đi nhỏ” trên mặt trăng của Armstrong, như ông đã gọi, thực ra không “nhỏ” chút nào: Armstrong đã phải nhảy xuống từ bậc thang cuối của Eagle, cách bề mặt mặt trăng đến 1,2m. Khi phi hành gia Buzz Aldrin bước xuống mặt trăng sau Armstrong, ông phải kiểm tra chắc chắn rằng mình đã không khóa cửa Eagle vì module này không có tay nắm cửa ở bên ngoài.
![]() |
Tấm ảnh nổi tiếng của sứ mệnh Apollo 11: Phi hành gia Aldrin trên mặt trăng ngày 20-7-1969 – do phi hành gia Armstrong chụp (có thể thấy Amstrong phản chiếu trong kính của Aldrin). |
* Nhiệm vụ đầu tiên của Armstrong là phải lấy ngay một tảng đá, đề phòng trường hợp sứ mệnh bị hủy bỏ khẩn cấp. Thay vì vậy, Armstrong lại ham chụp ảnh nên trung tâm kiểm soát phải nhắc nhở tới 3 lần. Đến lượt Aldrin chụp ảnh cho Armstrong thì hình ảnh ông rất nhỏ trong toàn cảnh module đổ bộ. Do đó, trong sứ mệnh Apollo 11 này, Armstrong chụp chỉ có một tấm ảnh rõ nét nhất đó là tấm ảnh ông tự chụp mình phản chiếu trong kính che mặt của Aldrin.
* Việc khó nhất của sứ mệnh chính là cắm lá cờ Mỹ trên mặt trăng. Các nghiên cứu trước đó của NASA đã cho rằng mặt đất trên mặt trăng mềm nhưng khi xuống đến nơi, Armstrong và Aldrin mới biết rằng bề mặt đó là lớp đá cứng được phủ bởi một lớp bụi mỏng. Họ phải xoay xở mãi nhưng cũng chỉ ấn cây cờ xuống sâu được vài inch rồi cố tránh xa để không đụng ngã nó.
* Lá cờ cắm trên mặt trăng được mua từ nhà bán lẻ Sears nhưng NASA luôn từ chối thừa nhận điều này với lý do không muốn có ai đó lợi dụng sự kiện này để quảng cáo.
Apollo 11, với 3 phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins, là sứ mệnh có người lái thứ 5 trong chương trình Apollo của NASA. Apollo 11 được phóng ngày 16-7-1969 và đổ bộ mặt trăng ngày 20-7-1969. Sau khi đổ bộ 6 giờ, Armstrong và Aldrin trở thành những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại ghi dấu chân trên bề mặt mặt trăng, nơi Aldrin mô tả là “hiu quạnh đầy ấn tượng”. Họ thám hiểm bề mặt mặt trăng trong 2 giờ rưỡi, thu thập các mẫu vật và chụp ảnh, sau đó quay lại tàu mẹ trở về trái đất, đáp xuống ngoài khơi Hawaii ngày 24-7-1969. (NASA). |
(Theo THIỆN NGUYỄN // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com