Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðối phó đại dịch cúm A (H1N1)

Bệnh viện đeo khẩu trang đề phòng nhiễm cúm A (H1N1) khi đi khám bệnh tại một bệnh viện ở Rio de Janeiro (Brazil).

Ðại dịch cúm A (H1N1) lây lan nhanh và xuất hiện ở hầu khắp các nước trên thế giới. Khoảng 200 nghìn người đã bị nhiễm cúm A (H1N1), trong đó có hơn một nghìn ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch cúm A (H1N1) mới ở giai đoạn đầu và trong vòng hai năm tới sẽ có khoảng hai tỷ người (một phần ba dân số thế giới) bị nhiễm virus cúm A (H1N1). Cả thế giới đang tích cực đối phó nguy cơ đại dịch cúm A (H1N1) bùng phát với quy mô lớn chưa từng có.

WHO cho biết, mặc dù mới bùng phát trong bốn tháng, nhưng virus cúm A (H1N1) đã cướp đi sinh mạng của gần một nghìn người. WHO cảnh báo, đại dịch cúm A (H1N1) sẽ tiếp tục lan rộng trong thời gian tới và chẳng bao lâu nữa virus cúm A (H1N1) sẽ có mặt tại tất cả các nước trên thế giới.

Theo các quan chức WHO, những bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với cúm A (H1N1) hiện mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Trong khi đó, LHQ cảnh báo cúm A (H1N1) có thể đẩy những nước bị đói nghèo và xung đột hoành hành vào một cuộc khủng hoảng "nghiêm trọng" mới.

Bà M.Chan, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo hiện dịch cúm A (H1N1) là không thể ngăn chặn được và có thể trở thành đại dịch cúm với quy mô lớn chưa từng có. WHO khuyến cáo các nước cần chuẩn bị lượng lớn vaccine nhằm đối phó dịch cúm A (H1N1) có thể diễn biến nguy hiểm trong mùa đông tới. Vi-rút cúm thường lây lan nhanh nhất trong mùa đông, khi điều kiện thời tiết lạnh và khô giúp chúng có thể tồn tại ngoài cơ thể con người. Theo người phát ngôn của WHO, phần lớn các trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) đều ở thể nhẹ, diễn tiến bệnh thường không nghiêm trọng. Các bệnh nhân đều có thể phục hồi kể cả khi không cần điều trị y tế và thường chỉ bị ốm một tuần.

Cho đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia y tế chưa phát hiện thấy bất kỳ thay đổi nào trong diễn biến phát triển mới của virus này, mà chỉ chứng kiến tốc độ lây lan chưa từng có trên diện rộng. Tuy nhiên, đại diện WHO cảnh báo nhiều khả năng virus cúm A (H1N1) sẽ biến thể để thích ứng với nhiệt độ thấp vào mùa đông. Vì thế, các nước cần sẵn sàng đối phó nguy cơ dịch cúm sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. WHO cam kết cho đến nay đã có đủ 150 triệu liều vaccine để cung cấp cho các nước đang phát triển có hệ thống y tế yếu kém. Hiện WHO cũng đang đàm phán với các hãng dược phẩm khác trên thế giới để tiếp tục phát triển vaccine phòng cúm.

Hiện có ít nhất 50 chính phủ trên thế giới đã đặt hàng hoặc đang thương lượng với các công ty dược phẩm để bảo đảm nguồn cung vaccine cúm A (H1N1), cho dù các loại vaccine này vẫn trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm. Trong bối cảnh đại dịch cúm A (H1N1) lây lan rộng, WHO và nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đang ráo riết đẩy nhanh việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng ngừa virus cúm A (H1N1). Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, quá trình này phải diễn ra đúng quy trình, không được tiến hành một cách vội vã nhằm bảo đảm an toàn cho con người. WHO cam kết, sẽ có đủ liều vaccine để cung cấp cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, hai hãng dược Sanofi-Aventis và GlaxoSmith Kline hứa tặng 150 triệu liều vaccine cho những nước nghèo. WHO khuyến cáo các nước nên tự cân nhắc các biện pháp phòng tránh phù hợp điều kiện cũng như tình hình.

Chính phủ Mỹ đã chi một tỷ USD cho công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống cúm A (H1N1) - sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine với một số người tình nguyện trong tháng 8. Dự kiến, Bộ Y tế Mỹ sẽ có 160 triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Các quan chức y tế Mỹ cảnh báo, sẽ có khoảng 40% số người Mỹ có thể nhiễm cúm A (H1N1) trong năm nay và năm tới, thậm chí vài trăm nghìn người có thể chết nếu chiến dịch tiêm vaccine thất bại. Ðến nay, virus cúm A (H1N1) đã làm hơn 300 người Mỹ chết.

Tại Pháp, tờ Le Monde đăng bài dự đoán rằng từ nay đến cuối năm, số người nhiễm virus cúm A (H1N1) ở nước này "có thể lên tới 20 triệu người", tương đương một phần ba dân số Pháp và gấp nhiều lần con số 2,5 triệu người nhiễm cúm hằng năm ở Pháp. Bộ Nội vụ Pháp đã tăng cường biện pháp bảo vệ một số cơ sở sản xuất của Tập đoàn dược phẩm Sanofi, một trong ba công ty cung cấp vaccine phòng cúm ở Pháp. Italy xác nhận tại nước này có hơn 1.000 trường hợp nhiễm virus cúm A (H1N1). Dự kiến, khoảng 8,6 triệu người Italy sẽ được tiêm chủng từ nay đến cuối năm 2009. A-rập Xê-út cho biết, số ca nhiễm cúm A (H1N1) ở nước này hiện lên tới hơn 300 người, gây lo ngại cho giới chức A-rập Xê-út trước mùa hành hương của hàng triệu tín đồ Hồi giáo vào cuối năm nay.

Nhiều nước châu Âu đang khẩn trương tiến hành thử nghiệm vaccine phòng, chống cúm A (H1N1). Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết, các nước như Anh, Hy Lạp, Pháp và Thụy Ðiển có thể bắt đầu sử dụng vaccine chống cúm A (H1N1) sau khi có kết quả thử nghiệm trong vài tuần tới. Ðức đã đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng cúm A (H1N1) với tổng số tiền 700 triệu ơ-rô, đủ để bảo vệ 30% dân số Ðức trước đại dịch cúm A (H1N1). Số người nhiễm cúm tại Ðức hiện lên tới hơn ba nghìn người.

Ngoài việc đặt mua vaccine, chính quyền và ngành y tế các nước châu Âu đang khẩn trương triển khai các biện pháp phối hợp nhằm đối phó nguy cơ đại dịch cúm A (H1N1) lây lan nhanh trong cộng đồng. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" là khẩu hiệu mà các nước châu Âu đang ráo riết thực hiện. Tại Phần Lan, chính quyền đã phát động chiến dịch mang tên "Ðừng quên rửa tay!", một việc làm tuy nhỏ, song hiệu quả lại rất lớn. Các siêu thị ở Thụy Sĩ yêu cầu khách hàng rửa sạch tay và đeo khẩu trang trước khi vào mua hàng. Pháp lên kế hoạch thành lập các đơn vị ứng cứu để đề phòng khả năng dịch có thể bùng phát vào mùa thu tới. Bộ Y tế Tây Ban Nha kêu gọi sự phối hợp tổng thể chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành để huy động hiệu quả các lực lượng ứng phó. Tại Italy, các nhà chức trách cho biết, không loại trừ khả năng sẽ phải hoãn ngày khai trường hai tuần để bảo đảm an toàn cho học sinh. Một chiến dịch thông tin sẽ được tiến hành trên các phương tiện truyền thông vào đầu tháng 9 và chính phủ đã thiết lập các đường dây nóng với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời tình hình dịch cúm tại nơi làm việc.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Australia đã bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng cúm A (H1N1) trên người. Bộ Y tế Australia đặt mua 21 triệu liều vaccine, đủ để cung cấp cho toàn bộ dân chúng, trong bối cảnh nước này đang bị dịch cúm A (H1N1) hoành hành với 14.000 người nhiễm dịch, trong đó 38 người đã tử vong.

Tại Thái-lan, nước có số người chết vì dịch bệnh này cao nhất khu vực Thái Bình Dương với 65 ca tử vong, Chính phủ nước này đã thông qua ngân sách 38,2 triệu USD để mua vaccine mới và các loại thuốc chống virus cúm A (H1N1) khác. Trong khi đó, WHO đang xem xét những biện pháp khác, kể cả hoãn các sự kiện tụ tập đông người, một biện pháp chưa từng được khuyến cáo kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4 vừa qua.

(Theo Ðiền Tâm // Báo Nhân dân điện tử)

  • Triển vọng hòa bình ổn định ở Sudan
  • Một nhân tố gây mất ổn định ở Mỹ la-tinh
  • Bom xe tại bắc Tây Ban Nha
  • Vê-nê-xu-ê-la "đóng băng" quan hệ với Cô-lôm-bi-a:Vết rạn mới
  • Nữ điệp viên siêu hạng
  • Thảm kịch của không lực Anh tại chiến trường Triều Tiên
  • “Quái vật” biển Cát-xpi
  • Chính trường Cư-rơ-gư-xtan:Nguy cơ bất ổn