Sau đúng 3 năm ngày diễn ra cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ngày 19-9-2009, hàng ngàn người thuộc Mặt trận dân chủ chống độc tài UDD, phe “áo đỏ”, đã đổ về Bangkok biểu tình yêu cầu đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức và tiến hành bầu cử.
Cuộc biểu tình của lực lượng “áo đỏ” chống chính phủ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa 2 đảng lớn trong liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ và Bhum Jai Thai đang ở trong tình trạng xấu nhất. Điều này dấy lên quan ngại lại xảy ra bạo động gây bất ổn chính trị trên chính trường Thái Lan. Chính vì vậy, Chính phủ Thái Lan đã phải áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA), triển khai hàng ngàn binh lính và cảnh sát để đề phòng có biến. Các nhà phân tích nhận định nếu phe “áo đỏ” kêu gọi được 50.000 người tham gia, cuộc biểu tình có thể “đe dọa trực tiếp” đến sự tồn tại của chính phủ.
Tháng 9 năm nay tại Thái Lan dường như tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi hội tụ nhiều “sự kiện nhạy cảm” như sửa đổi hiến pháp, tình trạng đối đầu giữa các lực lượng chính trị và những phán quyết của hệ thống tư pháp có khả năng sẽ góp phần hình thành các “cơn bão chính trị mới”.
Lưỡng viện Thái Lan hiện đang xem xét kiến nghị 6 điểm về sửa đổi hiến pháp mà Ủy ban Hạ viện về hòa giải dân tộc đệ trình, trong đó các đảng phái tham gia đang cố gắng tìm cách sửa đổi có lợi nhất cho phía mình. Cuộc họp lưỡng viện diễn ra do áp lực từ các đảng trong liên minh cầm quyền, đặc biệt là đảng Bhum Jai Thai. Dân chủ và Bhum Jai Thai hiện bất đồng quan điểm về công thức bầu cử: nên quy định “một đơn vị bầu cử có một hay nhiều nghị sĩ đại diện”.
Trong khi đó, các đảng khác cũng tranh cãi với đảng Dân chủ trong vấn đề trừng phạt các chính đảng khi vi phạm hiến pháp. Việc sửa đổi hiến pháp phải thông qua 1 trong 2 con đường là Ủy ban dự thảo hiến pháp hoặc Quốc hội, mất từ 9 đến 12 tháng. Tổng tuyển cử chỉ được tiến hành sau khi hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp. Điều này được xem là may mắn cho ông Abhisit bởi chính phủ của ông có thêm thời gian chuẩn bị nếu tổng tuyển cử bắt buộc phải diễn ra.
Thủ tướng Abhisit sẽ lên đường tới Mỹ vào hôm nay (20-9) để dự khóa họp Đại hội đồng LHQ. Các chuyên gia cho rằng, ông Abhisit chỉ có thể “thở phào nhẹ nhõm” sau khi đã trở về nước ngày 26-9, vì chính cựu Thủ tướng Thaksin đã bị lật đổ trong chuyến công du tương tự tới Mỹ vào năm 2006.
Trong khi đó, ngày 21-9 sắp tới là thời điểm Tòa án tối cao Thái Lan ra phán quyết đối với 44 quan chức trong chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin, liên quan đến những cáo buộc tham nhũng, trong số đó có cả lãnh đạo từ hậu trường của đảng Bhum Jai Thai, ông Newin Chidchob. Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan tư pháp đưa ra phán quyết đối với các quan chức thuộc chính quyền Thaksin trước đây.
Trước đó, ông Thaksin đã bị kết án 2 năm tù giam vì tham nhũng; cựu Thủ tướng Samak Sundaravej-người được cho là gần gũi của Thaksin-buộc phải từ chức vì vi hiến; trong khi em rể ông Thaksin, cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat cũng phải ra đi vì bị nghi gian lận bầu cử… Vì thế, phán xử sắp tới của tòa đối với ông Newin theo hướng nào cũng đều có thể gây ra các dư âm chính trị.
Nếu tòa xử Newin vô tội, phe “áo đỏ” sẽ lập tức tập trung công kích mạnh mẽ vào hệ thống tư pháp. Ngược lại, nếu kết tội Newin, Bhum Jai Thai sẽ không chịu đứng yên chứng kiến vị thế của đảng này suy tàn
(Theo ANH VĂN // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com