Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cái chết của một huyền thoại leo núi trẻ tuổi

Rob Gauntlett, người từng lên đỉnh Everest năm 19 tuổi và đi xuyên hai cực trái đất chỉ bằng những phương tiện sử dụng sức người năm 20 tuổi, vừa tử nạn khi thám hiểm đỉnh Mont Blanc của châu Âu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng anh vẫn được bạn bè nhớ đến như một huyền thoại.

Cùng đi với Gauntlett và cũng thiệt mạng còn có nhà leo núi chuyên nghiệp James Atkinson. Cả hai đều mới 21 tuổi. Thi thể hai người được một nhóm leo núi khác tìm thấy hôm thứ bảy tuần trước, 10-1. Nguyên nhân cái chết của họ vẫn chưa được làm rõ.

 

Gauntlett là người Anh trẻ tuổi nhất chinh phục thành công đỉnh Everest. Đó là vào ngày 17-5- 2006, chỉ một tuần sau khi anh tròn 19 tuổi. Cùng đi với Gauntlett còn có bạn học James Hooper.

 

Hooper cũng tham gia chuyến thám hiểm đỉnh Mont Blanc (cao 4.810m) lần này nhưng hôm đó anh quyết định không đi cùng Gauntlett và Atkinson bởi “không thấy khoái kiểu thời tiết đó.”

 

Từ tháng 3-2007 đến 4-2008, Gauntlett và Hooper còn cùng nhau thực hiện chuyến đi xuyên hai cực trái đất dài 26.000 dặm (41.600 km) chỉ bằng ván trượt tuyết, xe trượt tuyết chó kéo, thuyền buồm và xe đạp. Tạp chí National Geographic Adventure đã tặng Gauntlett và Hooper giải thưởng “Nhà thám hiểm của năm 2008” cho chiến tích này và mô tả đó là chuyến đi phiêu lưu nhất mà họ được chứng kiến từ trước đến nay.

 

 

Gauntlett, phải, và Hooper ở Pakistan; hai người trở thành
những người Anh trẻ tuổi nhất chinh phục đỉnh Everest.

 

Gonzalez, 26 tuổi, người từng có bảy tháng đi cùng Gauntlett và Hooper đến Nam Cực, kể, Gauntlett luôn là thủ lĩnh của nhóm. Anh dậy từ khi bình minh mới ló rạng và sắp xếp mọi thứ sẵn sàng trước khi những người khác trong nhóm tỉnh dậy.

 

Gonzalez nhớ lại chuyến đi bằng xe đạp xuyên sa mạc Atacama ở miền bắc Chile trong lúc xảy ra bão cát: “Cát bay rát mặt, bạn phải đạp xe chỉ với một mắt mở,” Gonzalez kể. “Rob không bao giờ, không bao giờ dừng bước. Cậu ấy thật xông xáo. Khi chúng tôi cắm trại, cậu ấy là người đầu tiên tỉnh dậy. Cậu ấy dọn bàn, chuẩn bị bữa sáng và mọi thứ.

 

“Anh có thể nghe thấy tiếng xoong chảo reo và đó thật là thứ chuông báo thức tuyệt vời.”

 

Gauntlett cũng là người chịu trách nhiệm làm vô số các loại giấy tờ cần thiết mỗi khi nhóm của họ đi từ nước này sang nước khác, Gonzalez nhớ lại.

 

“Một lần, tôi nhớ, chúng tôi từ Guatamala sang El Salvador. Gauntlett đang mắc bệnh đường ruột. Cậu ấy xanh xao và đau vã mồ hôi nhưng vẫn không ngừng đạp xe. Ai cũng nói với Gauntlett, ‘Cậu phải nghỉ thôi,’ ” Gonzalez kể.

 

Gonzalez hiện đang ở Mexico City, nơi anh vừa kết thúc hành trình bằng xe đạp khởi hành từ Austin, Texas cùng người bạn đồng hành khiếm thị. Hành trình tiếp theo của anh là đi thuyền 600 dặm (960 km) từ Veracruz, Mexico đến Key West, Florida.

 

Khi được hỏi cái chết của Gauntlett có khiến anh chùn bước không, Gonzalez nói, cuộc đời của Gauntlett đã truyền cho anh thêm nhiều nghị lực.

 

 

Gauntlett giúp Gonzalez chỉnh phanh xe đạp
trên hành trình đến Nam Cực.

 

“Hãy lắng nghe cậu ấy… cậu ấy sẽ nói, 'Anh bạn, tôi hy vọng tôi có thể tạo dấu ấn trên trái đất này. Tôi tin rằng Chúa nghĩ trên thiên đường còn có những đỉnh núi khó chinh phục hơn và vì vậy người đã đưa tôi đến đó để thử thách.' "

 

Nhà thám hiểm người Anh Ben Saunders, hiện đang giữ kỷ lục người có hành trình một mình xa nhất đến Bắc Cực, viết về cái chết của Gauntlett trên blog.

 

“Tôi gặp Rob tại một cuộc làm từ thiện ở Luân Đôn hồi cuối năm ngoái và rất ấn tượng về sự nổi bật của anh,” Saunders viết. “Sự ra đi của anh ấy là một cú sốc lớn.”

 

Còn nhà báo Tarquin Cooper của tờ Telegraph đã có một bài viết dài, kể lại những kỷ niệm khó quên với Gauntlett:

 

Cách đây ba năm, một hôm điện thoại của tôi đổ chuông. Một giọng nói trẻ trung, sôi nổi gọi đến, tự giới thiệu là Rob Gauntlett. Cậu ta hỏi liệu tôi có thể viết về cuộc chinh phục đỉnh Everest sắp tới của cậu và người bạn học James Hooper trên Telegraph hay không. Cậu ấy mới 18 tuổi. Câu hỏi đầu tiên của tôi - cậu đã có đủ tiền để đi chưa? - được cậu ấy bẽn lẽn trả lời rằng cậu chưa có đủ tiền. “Nhưng nếu ông viết một bài báo thì có thể giúp chúng tôi,” cậu ấy nói.

 

Không cố tỏ ra kẻ cả, tôi giải thích rằng chuyến đi phải chắc chắn được thực hiện thì chúng tôi mới viết. Và để chinh phục Everest, mỗi người cần 10 nghìn bảng. “Nếu kiếm đủ tiền, nhớ tìm mọi cách gọi cho tôi,” tôi nói, hy vọng cậu ấy không bao giờ gọi điện lại nữa. Sau rốt, vì họ chỉ còn mỗi hai tuần là đến ngày lên đường.

 

Nhưng tôi đã không tính được hết sự kiên trì nhẫn nại của cậu ấy. Cậu ấy và người bạn kiếm một quyển danh bạ và bắt đầu gọi điện cho các nhà đầu tư chứng khoán ở thành phố cho đến khi tìm ra người cam kết trả tiền cho chuyến đi của họ.

 

Như vậy họ không chỉ kiếm được tài trợ mà còn dùng tiền đó để chinh phục được đỉnh núi cao nhất thế giới, thật đáng khâm phục. Nhờ thiết bị hiện đại và sự hỗ trợ của các Sherpa (những người dẫn đường bản địa), việc chinh phục Everest đã trở nên dễ dàng hơn so với trước đây nhưng vẫn đòi hỏi sức lực và quyết tâm phi thường.

 

Tôi nói với Gauntlett qua điện thoại vệ tinh từ tiền trạm ở độ cao 20,000 ft (6.100 m) ngay sau khi đôi bạn lên đến đỉnh Everest hôm 17-5-2006. Gauntlett đã kiệt sức nhưng vẫn rất hân hoan và cậu đồ rằng mình đã sụt gần 20 kg trong suốt hành trình. “Tôi biết đó là một thử thách lớn,” cậu ấy nói, giọng khàn khàn từ trên cao. “Nhưng nó còn khó hơn chúng tôi tưởng. James và tôi đang tập quen với cảm giác chúng tôi đang ở nơi cao nhất trên trái đất.”

 

Cuộc sống đó, đầy sinh lực, hoài bão và sự phiêu lưu, giờ đã kết thúc trên rặng Alps. Có phải thành công trên đỉnh Everest khi còn quá trẻ đã khiến họ khinh suất? Theo mẹ cậu, không phải như vậy. “Mới đây thôi, chúng tôi còn nói về những chuyện tương tự. Chúng tôi chỉ cảm thấy được an ủi rằng Gauntlett đã chết khi đang làm công việc mà nó yêu thích,” bà nói.

 

Vào thời điểm này trong năm, chính giữa mùa đông, hầu hết các nhà leo núi thường tập trung vào việc chinh phục các thác nước đóng băng ở dưới thung lũng. Nhưng Gauntlett lại muốn lên đến đỉnh. Có thể cậu và bạn đồng hành đã không lường hết nguy hiểm.

 

…Trong khi những người bạn cùng trang lứa chọn những tuyến đường đã mòn chân người ở Australia, Viễn Đông để đi du lịch hay chọn làm việc cho những dự án từ thiện an toàn, Gauntlett đã thử thách mình bằng đỉnh núi cao nhất thế giới.

 

…Lần cuối tôi gặp Gauntlett ở Hạ viện cách đây sáu tháng. Khi ấy cậu đã là đại sứ của Dự án Xanh bảo vệ môi trường. Trầm tĩnh và tự tin, cậu khiến tôi nhận ra cậu đã thay đổi rất nhiều, từ một học sinh ngây thơ nhưng đầy khát vọng, cậu đã trở thành người đàn ông được thời gian tôi luyện.

(Theo THÁI THANH (Theo CNN và Telegraph) // Báo Nhân dân điện tử)