Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cận cảnh nông thôn mới Trung Quốc : Thành thị “nuôi” nông thôn

Trong khi nguồn vốn của nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn hạn hẹp, các thôn xã đã làm cuộc cách mạng “đi ra thành thị” kiếm tiền để xây dựng nông thôn mới. Hàng loạt chính sách mới hỗ trợ nông dân đã thay đổi…


Một hình ảnh tương phản giữa cũ và mới ở nông thôn Trung Quốc. Nông dân Hoàng Dung Tiêu trước hai ngôi nhà (cũ và xây mới).
Ảnh: Hữu Lực

Nếu không có người giới thiệu trước, ắt hẳn chúng tôi sẽ nghĩ rằng mình đã lạc bước vào một thành phố nhỏ nào đó trên đại lục Trung Hoa mà không biết rằng đó chỉ là một thôn làng bình thường cách thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) gần 200km. Thôn có một cái tên khá thơ mộng: thôn Đông Cảnh, thuộc trấn Tiểu Lâu, huyện Tăng Thành.

“Cuộc họp một đêm”

Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đông Cảnh Chu Bá Huy hướng dẫn cho xe chúng tôi đi theo xe hơi của ông để đi thăm một vòng khắp làng Đông Cảnh. Ấn tượng đầu tiên gây bất ngờ với chúng tôi là một quảng trường rộng lớn… của làng, các ao hồ trong làng đều trồng sen nên mùi hương toả ra thơm ngát cả một vùng. Dọc đường làng, các cửa hàng cửa hiệu mọc lên san sát nhưng đều tăm tắp. Đông Cảnh hôm ấy mưa lất phất, mới đến mười một giờ trưa mà các nam thanh, nữ tú của làng đã cầm ô che đến các nhà ăn của làng để dùng cơm. Bên cạnh làng, lại có một bến xe lớn, nối giao thông với các thôn khác trong vùng.

Trưởng thôn Chu Bá Huy cho hay, Đông Cảnh có được như ngày hôm nay là nhờ cuộc cách mạng “đi ra thành thị” từ năm 2003. Trước đó, hơn 2.000 hộ Đông Cảnh cũng như các hộ dân của thôn khác trong vùng đều sống trong cảnh thiếu thốn. Các hạ tầng cơ sở ở nông thôn đều xuống cấp, xập xệ.

“Tôi nhớ rõ đó là dịp tết năm 2003, khi những người đi ra thành thị trở về làng để mừng năm mới. Trưởng thôn của làng lúc đó đã triệu tập một cuộc gặp mặt gần 400 gương mặt trai tráng của làng đang làm ăn xa để bàn kế xây dựng quê hương. Chủ đề của cuộc gặp mặt là trao đổi vì sao chúng ta phải ra đi, chúng ta kiếm được tiền từ thành thị để làm gì và làm thế nào để chúng ta được sống sung sướng như…người thành thị”.

Theo trưởng thôn Chu, đã có rất nhiều ý kiến được những “người nông dân từng trải” những đắng cay của cuộc mưu sinh ở thành thị ấy hiến kế trong “cuộc họp một đêm” ấy. Và họ đã đi đến thống nhất một quan điểm chung là phải cải tạo hạ tầng cơ sở nông nghiệp của làng. Có một sự phân công rõ ràng, ngoài số tiền gửi về nhà cho vợ con, những người đi ra ngoài còn đóng góp một quỹ chung “xây dựng làng”. Quỹ đó được sử dụng làm đường giao thông, xây dựng kênh mương dẫn nước để cải tạo đồng ruộng và áp dụng những khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

“Chẳng kém gì thành thị”

Kế toán trưởng của thôn Đông Cảnh, ông Chu Bá Thành cho biết với tổng số 400.000 NDT được góp quỹ xây dựng làng (tương đương với 114 tỉ VND) của các nông dân đi làm ăn xa trong những năm 2003 – 2005. Lãnh đạo thôn Đông Cảnh đã làm kế hoạch đệ trình lên cấp có thẩm quyền xin cho… quy hoạch lại đồng ruộng, đường sá và kênh mương nội đồng. Chính quyền huyện Tăng Thành đã có nhiều cuộc thảo luận để cho ra một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân khát khao đổi đời. Cụ thể, huyện đã cử các chuyên gia nông nghiệp, giao thông về Đông Cảnh giúp dân làm quy hoạch có tầm nhìn hẳn hoi. Bên cạnh đó, huyện Tăng Thành cũng đề nghị thành phố Quảng Châu và tỉnh Quảng Đông có chính sách hỗ trợ đầu tư nông dân Đông Cảnh. Kế toán Chu cho biết, đó cũng là khởi đầu chính sách “nhà nước và nhân dân cùng làm” ở Quảng Đông. Đông Cảnh được chính quyền tỉnh và thành phố hỗ trợ thêm 200.000 NDT nữa để cải tạo nông thôn. Chính quyền tỉnh Quảng Đông quy định không được sang nhượng đất nông nghiệp dưới bất cứ hình thức nào kể cả là người trong thôn, nhưng có thể được thuê mà không được sử dụng sai mục đích và quy hoạch. Bên cạnh đó, mỗi năm chính quyền còn trực tiếp hỗ trợ nông dân 220 NDT/mẫu đất. Những quỹ đất công chưa sử dụng chỉ để cho người địa phương thuê, người ngoài địa phương không được thuê), số tiền đó để phục vụ thêm vào chi phí thuỷ lợi phí cho nông dân. Đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình nông dân sử dụng là 15 năm, sau 15 năm căn cứ vào nhân khẩu lại được chia lại, không căn cứ độ tuổi già trẻ.

Sau khi dùng bữa cơm trưa khá thịnh soạn được chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp của thôn sản xuất và nuôi trồng được như đông qua (bí đao), thức ăn có cá và thịt heo do đầu bếp là các thôn nữ chế biến tại nhà ăn của thôn, chúng tôi được nông dân Hoàng Dung Tiêu (28 tuổi) dẫn về thăm nhà. Hoàng cũng là người từng đi phiêu bạt lên tận Thiên Tân, cách Quảng Châu gần 4.000km để làm thêm. Từ năm 2005, anh không phải đi nữa mà ở nhà làm ăn vì ở nhà sướng hơn rất nhiều. Dẫn chúng tôi vào thăm ngôi nhà mới xây xong, Hoàng chỉ vào các thiết bị gia dụng trong gia đình như tivi, tủ lạnh, lò vi sóng… và cho biết “để sắm những thứ này, tất cả là nhờ sản phẩm làm ra của gia đình tôi!”, Hoàng nói.

Hoàng cho hay, tất cả sản phẩm của nông dân làm ra đều do hợp tác xã tiêu thụ của thôn bao mua và chế biến, thôn có hẳn một nhà máy chế biến xuất khẩu sản phẩm sang Đài Loan và các nước ASEAN.

Trưởng thôn Chu cho biết thêm, Đông Cảnh hiện nay có gần 2.000 hộ dân thì có 200 xe hơi và nhà nào hầu như cũng có xe ôtô tải nhỏ để vận chuyển sản phẩm nông nghiệp.

(Theo Hữu Lực – Lam Phong // SGTT Online)

Kỳ sau: Khi nông dân trở thành thị dân

Nhiều đồng ruộng bị thu hồi đất để trở thành khu công nghiệp hay khu đô thị mới, thậm chí có thôn xã bị di dời
toàn bộ. Người nông dân được di dời đến khu đô thị mới do nhà nước hoặc doanh nghiệp bố trí tái định cư. Một tầng lớp là nông dân bắt buộc phải trở thành thị dân, cuộc sống của họ thế nào…