Ngành xe hơi Mỹ đang tăng trưởng đầy khả quan, các nhà sản xuất xe hơi Đức đang thắng lớn ở Trung Quốc, thì các đại gia xe hơi ở Nhật lại vướng vào hàng loạt vụ thu hồi. Sau khủng hoảng kinh tế, bản đồ ngành sản xuất xe hơi thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu, người Nhật hớn hở với việc Toyota bệ vệ bước lên ngôi vị số một của làng ôtô thế giới. Thế nhưng, vị thế của người Nhật có lẽ đang bị đe doạ.
Nhật lao đao, Mỹ tăng trưởng
![]()
|
Tuần trước, General Motors (GM) tuyến bố việc sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra thị trường vào tháng 11 tới, đánh dấu sự hồi sinh. Dẫu có những chỉ trích cho rằng GM thực hiện IPO một cách vội vã do áp lực của chính phủ, cổ đông lớn nhất của hãng hiện nay, nhưng rõ ràng GM đã kinh doanh có lãi hai quý liên tiếp với mức lợi nhuận đầy ấn tượng, chứ không còn lỗ lã khủng khiếp như năm trước. Hai nhà sản xuất xe hơi lớn khác của Mỹ là Chrysler và Ford cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong kinh doanh. Doanh số của GM trong quý vừa qua tăng 14%, còn doanh số của cả ngành xe hơi Mỹ tăng đến 17%. Ấn tượng hơn cả là doanh số của Ford tăng đến 21%, với khoản lãi quý 2/2010 lên đến 2,6 tỉ USD, và tổng mức lãi gộp của sáu tháng đầu năm lên đến 4,7 tỉ USD, là mức lợi nhuận nửa năm lớn nhất kể từ năm 1998.
Trong khi đó, các hãng ôtô Nhật Bản vẫn còn ngụp lặn trong việc thu hồi xe bị lỗi. Honda đã phải thu hồi 383.000 xe. Còn Toyota sau khi thu hồi hàng loạt model xe bị lỗi, mới đây lại phải thu hồi dòng xe mới nhất Lexus GX460, hay còn có tên là Toyota Landcruiser Prado ở Nhật và châu Âu. Mức lợi nhuận trong quý 2/2010 của Toyota đạt 2,2 tỉ USD, thấp hơn so với Ford. Ác mộng thu hồi xe vẫn đang đeo bám các hãng Nhật Bản, giữa lúc tình hình kinh tế Nhật đang ngày càng ảm đạm, đồng yen tăng giá càng khiến khả năng cạnh tranh của các hãng xe hơi Nhật giảm sút hơn.
Trung Quốc: “chìa khoá” của xe hơi Đức
Nhà sản xuất ôtô số một châu Âu là Volkswagen đang hăm he soán ngôi dẫn đầu thế giới của Toyota. Bảy tháng qua, Volkswagen đã tăng doanh số bán ra đến 13,7%, với tổng số bán 4 triệu chiếc. Tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng và cũng là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, Volkswagen có doanh số tăng 42,2% với 1,11 triệu xe. Trong khi đó, chính các nhà sản xuất ôtô của Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng doanh số hơn 10% trên sân nhà, và chỉ kỳ vọng đạt doanh số 800.000 chiếc trong cả năm. Volkswagen đã không ngần ngại đẩy mạnh quy mô tại Trung Quốc. Tháng trước, hãng này động thổ nhà máy công suất 300.000 chiếc/năm tại Nghi Chinh, Giang Tô, và cũng khởi công một nhà máy khác tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Cả hai chính là một phần của kế hoạch nâng gấp đôi công suất sản xuất của Volkswagen tại Trung Quốc. Trên tổng thể thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Volkswagen tăng trưởng 42,3% đạt 1,23 triệu chiếc, và doanh số tại Ấn Độ cũng tăng 121%.
Từ nhiều năm trước, các hãng Đức đã nhanh chóng xâm nhập thị trường Trung Quốc trong khi các hãng Nhật vẫn mải mê thị trường Bắc Mỹ, trong khi các hãng Mỹ cố giữ vững thị phần trong nước. Ôtô đang trở thành ngành dẫn đầu của Đức trong nhóm các ngành xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong năm nay, các thương hiệu sang trọng của Đức như Mercedes, BMW, hay Audi đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng từ 63 – 132% doanh số ở Trung Quốc. Một lợi thế mà các hãng Đức đang có là việc đồng euro giảm giá khá nhiều trong thời gian qua, trong khi đồng nhân dân tệ tăng giá. Thị trường Trung Quốc ngày càng quan trọng đối với các hãng xe Đức. Lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 90% trong tổng số lợi nhuận 1,3 tỉ euro của hãng BMW.
(Theo Ngô Minh Trí // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com