Kể từ mùa xuân năm 2004, CIA bắt đầu thực hiện một trong những chiến dịch ám sát mục tiêu khổng lồ nhất kể từ thời chiến tranh Việt Nam, đó là triển khai hàng chục chiếc máy bay do thám “sát thủ” tới các bộ tộc xa xôi của Pakistan để săn lùng quân Taliban và nhóm khủng bố al-Qaeda.
Từ đó cho tới nay, đã có hơn 600 người thiệt mạng (quân khủng bố và dân thường) từ những cái chết bất ngờ từ trên không.
Sát thủ không người lái
![]() |
Dân thường là những người phải gánh chịu hậu quả từ những vụ tấn công nhầm mục tiêu |
Vũ khí chủ yếu mà Mỹ sử dụng trong các cuộc không kích bất ngờ trên là loại máy bay không người lái (UAV) MQ-1 Predator, hay còn gọi là loại máy bay do thám, từng được sử dụng để chống người Serbia tại Bosina và Kosovo trước đó.
Phiên bản đầu tiên của chiếc Predator chỉ có khả năng do thám đơn thuần, nghĩa là chỉ chụp ảnh và quay video khu vực do thám rồi gửi về trung tâm điều khiển tại Căn cứ không quân Creech, Nevada hoặc trụ sở CIA ở Langley Virginia. Phiên bản đầu tiên của Predator không được trang bị vũ khí.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2001, nhằm phục vụ chiến lược “tăng tốc” tìm kiếm tung tích Bin Laden, Không quân Mỹ đã trang bị cho Predator máy chiếu tia laser và tên lửa AGM-114 Hellfire ở hai bên cánh. Tên lửa của Predator được laser dẫn đường tấn công và phá hủy mục tiêu. Trong phần lớn trường hợp, khả năng dẫn đường này là chính xác, nhưng không ít vụ trục trặc, khiến nhiều dân thường phải chết oan.
Kể từ năm 2007, CIA đưa vào sử dụng tại chiến trường Pakistan phiên bản UAV tối tân hơn, đó là chiếc MQ-9 Reaper, được trang bị động cơ lớn hơn, cho phép nó bay xa hơn và nhanh hơn (gấp 3 lần Predator), và mang theo lượng vũ khí gấp 15 lần phiên bản trước đó. Reaper được trang bị bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II và tên lửa Sidewinder. Hiện Không quân Mỹ đang có 195 chiếc Predator và 28 chiếc Reaper.
Những cái chết bất ngờ
Cũng phải thừa nhận rằng nhờ có các phương tiện không người lái mà Mỹ đã tiết kiệm khá nhiều công sức, tiền bạc, và máu để phục vụ cho chiến dịch chống khủng bố. Chỉ tính riêng năm 2002, CIA đã sử dụng Predator để theo dõi 150 trại huấn luyện của al-Qaeda và Taliban trên lãnh thổ Pakistan.
Tháng 6/2004, một vụ nổ bất ngờ và bí mật đã giết chết chỉ huy quân sự Taliban Nek Muhammad, người mà trước đó hai tháng đã tuyên bố sẽ “phụng sự” suốt đời cho “sự nghiệp” chống Mỹ. Về vụ tấn công này, báo Dawn của Pakistan nói rằng trước khi Nek Muhammad bị tiêu diệt bằng tên lửa, người ta thấy một chiếc máy bay không người lái quần thảo trên bầu trời.
Tháng 5/2005, CIA tiếp tục triển khai hai đợt không kích nhằm vào al-Qaeda. Vụ tấn công đầu tiên đã giết chết chuyên gia cao cấp về thuốc nổ người Yemen có tên Haitham al Yemeni. Còn vụ thứ hai đã tiêu diệt Abu Hamza Rabia, chỉ huy cao cấp đứng hàng thứ 3 trong tổ chức al-Qaeda.
Cả hai vụ tấn công này đều được thực hiện tại vùng bộ tộc xa xôi phía Bắc Pakistan. Lạ là ở chỗ, chính phủ Pakistan thì một mực cho rằng chính họ mới là tác giả của những vụ tấn công này, trong khi những người địa phương nói rằng họ tìm thấy những mảnh vỡ của tên lửa Hellfire tại hiện trường.
Thảm họa tấn công
Nhưng dù sao, đó đều là những vụ tấn công trúng mục tiêu định sẵn, còn những vụ tấn công nhầm mục tiêu thì hậu quả lại rất nặng nề, và người chịu thiệt là dân thường. Tháng Giêng năm 2006, CIA đã triển khai vài chiếc Predator tới làng Damadola, thuộc bộ tộc Bajaur. 10 quả tên lửa đã được bắn vào ba ngôi nhà được cho là nơi cư trú của Ayman al-Zawahiri, nhân vật quan trọng thứ 2 của al-Qaeda.
Kết quả là 18 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và vấn đề là ở chỗ không có Ayman al-Zawahiri ở đó. Vụ tấn công đã gây phẫn nộ lớn tại Pakistan, hàng nghìn người đã biểu tình dọc biên giới nước này, khiến cho giới chức Pakistan phải chính thức lên án Mỹ.
Tình hình tạm lắng cho tới tháng 10/2006 khi Mỹ triển khai một chiếc Predator tới làng Damadola. Vụ tấn công bằng tên lửa đã giết chết Mullah Liaquat, chỉ huy lực lượng Tanzim Nifaz Shariat-i-Mohammadi (TNSM). Vấn đề ở chỗ không chỉ riêng Mullah Liaquat thiệt mạng trong vụ này mà còn kéo theo 80 người nữa, chủ yếu là các tay chân của hắn.
Hàng nghìn thành viên của bộ lạc đã phản đối vụ tấn công, và kết quả là Taliban đã tấn công trả đũa vào một trại huấn luyện quân sự Pakistan ở Punjab, khiến 45 binh lính thiệt mạng.
Rút kinh nghiệm từ những vụ tấn công rất dễ biến thành thảm họa, CIA bắt đầu áp dụng chiến thuật rải tờ rơi trước khi tấn công. Điển hình như năm 2007, CIA đã thực hiện năm vụ tấn công al-Qaeda tại phía Bắc Waziristan, và cả năm lần này đều rải tờ rơi cảnh báo các bộ lạc từ trước. Năm 2008 được ghi nhận là năm hoạt động ráo riết nhất của Predator với tổng cộng 36 đợt tấn công. Đặc biệt là từ tháng 8/2008, cường độ các vụ tấn công được đẩy lên cao hơn khi chính quyền Bush đơn phương thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ Pakistan mà không phải “hỏi ý kiến” chính quyền bản địa. |
(Theo Tienphongonline)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com