Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chung quanh vụ bê bối của CIA

Tại QH Mỹ đang có những tranh cãi quyết liệt  về việc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống G.W.Bush đã vạch ra những kế họach bí mật và "giấu nhẹm" QH trong tám năm qua. Vụ bê bối mới bị phát giác, gây phản ứng dữ dội trong chính trường và dư luận Mỹ.

Hãng tin AP và  tờ Thời báo Niu Oóc  ngày 11-7 trích đưa nguồn tin từ các quan chức của CIA cho biết, CIA đã không thông báo cho QH nước này một chương trình chống khủng bố bí mật suốt tám năm theo lệnh của  Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là  Dick Cheney. Nội dung cụ thể của chương trình này chưa được tiết lộ, nhưng theo hai cơ quan báo chí này, chương trình chống khủng bố bí mật  là kế hoạch tổ chức những lực lượng bí mật tiêu diệt và bắt giữ tất cả các thủ lĩnh Al Qaeda trên thế giới. CIA đã mở chương trình bí mật trên sau vụ khủng bố 11-9-2001 và không liên quan tới các chương trình thẩm vấn của CIA hay hoạt động tình báo trong nước. Chính phủ G.W.Bush đã chi nhiều triệu USD cho chương trình này.

 

Ngày 13-7, một số quan chức chính phủ giấu tên cho biết, chương trình bí mật của CIA là  tung các nhân viên  đi phát hiện rồi bắt giữ hoặc giết các phần tử cầm đầu mạng lưới khủng bố, thay vì tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những kẻ này có thể gây thương vong cho dân thường. Theo các quan chức Mỹ, CIA đã chi tiền để lập kế hoạch và thậm chí có thể tổ chức đào tạo các mật vụ thực thi việc này. Kế hoạch được thi hành dựa trên một phán quyết hợp pháp của tổng thống năm 2001, theo đó ủy quyền thực thi nhiệm vụ cho CIA. Ông Pi-ti Hô-ếch-xtra, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, tiết lộ, chỉ có một ít tiền, khoảng một triệu USD, chứ không phải 50 triệu USD, đã được chi cho dự án này.

 

Các cơ quan báo chí Mỹ  dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết, Giám đốc CIA Leon Panetta được Tổng thống B.Obama bổ nhiệm hồi đầu năm, đã phát hiện ra chương trình này và quyết định chấm dứt   chương trình này vào ngày 23-6 vừa qua. Ông Panetta đã tiết lộ về vai trò của ông Dick Cheney trong vụ việc trên tại buổi báo cáo kín với Ủy ban Tình báo của hai viện QH Mỹ. Từ đó, các nghị sĩ thuộc cả hai phe trong QH Mỹ đang gia tăng sức ép đòi mở cuộc điều tra những phát giác mới đây về một chương trình bí mật của CIA nhằm bắt giữ và tiêu diệt các phần tử cầm đầu lực lượng Al Qaeda đã bị giấu nhẹm trước QH trong suốt tám năm qua. Thông tin về chương trình chống khủng bố bí mật được công bố một ngày sau khi một cơ quan điều tra của Chính phủ Mỹ cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò chủ chốt của ông cựu Tổng thống Dick Cheney trong việc hạn chế số quan chức biết về một chương trình nghe trộm điện thoại bí mật được thực hiện sau vụ khủng bố ở Mỹ ngày  11-9-2001.

 

Liên quan những hoạt động bí mật của CIA, các nghị sĩ đảng Dân chủ đang yêu cầu  lập "Ủy ban sự thật" để điều tra hai chính sách của chính quyền G.W.Bush, đó là  chính sách chống khủng bố và tra tấn tù nhân. Trong khi đó, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã yêu cầu CIA cung cấp các tài liệu về kế  hoạch giết các thủ lĩnh Al Qaeda. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà  Dianne Feinstein nêu rõ, chương trình chống khủng bố mà chính quyền Bush đã không thông báo với QH liên bang trong tám năm qua "là một vấn đề lớn, vi phạm pháp luật và không để sự việc tương tự tái diễn". Hồi tháng 5-2009, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cáo buộc CIA năm 2000 đã "qua mặt" các nghị sĩ về công nghệ thẩm vấn tù nhân như các biện pháp tra tấn "giội nước làm ngạt". Tuy nhiên, CIA đã bác bỏ cáo buộc này. Việc áp dụng phương pháp thẩm vấn bằng nhục hình đối với nghi can khủng bố hay chương trình nghe trộm điện thoại đã gây tổn hại tới uy tín của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G.W. Bush và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và QH Mỹ vừa qua. Tờ Thời báo New York trước đó cũng tiết lộ, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã nhiều lần tìm cách ngăn cản các cuộc điều tra về những vụ tàn sát khiến tổng cộng hai nghìn tù nhân Taliban bị giết trong cuộc chiến tại Afghanistan hồi năm 2001. Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ đã ngăn cản các cuộc điều tra riêng rẽ do Cục Ðiều tra liên bang (FBI), Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành. Nguyên nhân là những vụ tàn sát nói trên do tướng Áp-đun Ra-sít Ðô-xtam, một thủ lĩnh quân sự cát cứ tại Afghanistan được Mỹ ủng hộ, thực hiện. Vào thời điểm đó, tướng Ðô-xtam đang được CIA trả lương và lực lượng của tướng Ðô-xtam đã hợp tác chặt chẽ với đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến  tranh tại Afghanistan. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn lo ngại rằng một cuộc điều tra có thể ảnh hưởng tới vị thế của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người từng nhận được sự ủng hộ của chính quyền Bush. Sau cuộc giao tranh dữ dội ở tỉnh Cun-đu-dơ đông - bắc Afghanistan tháng 11-2001, lực lượng của tướng Ðô-xtam đã bắt và giam giữ các tay súng Taliban  trong các container cho đến khi chết vì nghẹt thở và nã đạn vào các thùng container này trước khi hất xác tù nhân xuống các hố chôn tập thể. Ước tính có khoảng vài trăm tới vài nghìn tù nhân Taliban bị giết trong các cuộc tàn sát như vậy.

 

Cho đến nay, chính quyền Obama có những phản ứng dè dặt và hạn chế  về những thông tin cáo buộc những việc làm bí mật nêu trên của CIA cũng như sự lạm quyền của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney. Một cựu đại sứ Mỹ cho báo giới biết, không có ai nói "không" với một cuộc điều tra, nhưng cũng chẳng ai nói "có". Các nghị sĩ nhận định đây là vấn đề nhạy cảm. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện S. Rây-ét quyết định sẽ mở cuộc điều tra tổng thể về hoạt động của CIA. Chính phủ B.Obama cho biết, họ "không có cơ sở pháp lý để mở cuộc điều tra về các vụ tàn sát người nước ngoài tại một nước khác không phải Mỹ", đã quyết định hoãn công bố một báo cáo đầy đủ của CIA về chương trình giam giữ bí mật và các biện pháp thẩm vấn hà khắc gây nhiều tranh cãi đối với các nghi can khủng bố do cơ quan này thực hiện. Chính quyền Obama cho biết cần hơn hai tháng để xem xét lại báo cáo nội bộ của CIA trước khi công bố. Tuyên bố  với báo giới, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Trây-xi Sme-lơ nói rằng, một số thông tin trong báo cáo của CIA "chồng chéo" với các tài liệu khác của cơ quan này, do đó Chính phủ dự định sẽ công bố cùng lúc báo cáo nội bộ và các tài liệu khác của CIA theo lệnh của tòa án vào ngày 31-8 tới. Lúc đầu, Bộ Tư pháp Mỹ dự định xem xét lại một báo cáo do CIA soạn thảo năm 2004 và công bố báo cáo đó trong tuần cuối cùng của tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, những tranh cãi liên tiếp giữa Bộ Tư pháp, CIA và Liên minh vì quyền tự do dân sự (ACLU) của Mỹ chung quanh việc liệu bao nhiêu báo cáo bí mật có thể được công bố đã khiến việc công bố bị trì hoãn nhiều lần.

 

Báo cáo do Tổng thanh tra của CIA thực hiện đặt câu hỏi về tính hiệu lực của các phương pháp thẩm vấn hà khắc (như biện pháp giội nước) mà các nhân viên CIA áp dụng đối với các nghi can khủng bố dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống G.W.Bush. ACLU, tổ chức từng yêu cầu Chính phủ Mỹ công bố tất cả các tài liệu liên quan chương trình thẩm vấn và giam giữ nghi can khủng bố của CIA, cho rằng đã đến lúc Tổng thống Obama thực hiện lời hứa cho công bố báo cáo của CIA thay vì tiếp tục trì hoãn thêm nữa. Giám đốc Dự án an ninh quốc gia của ACLU cho rằng, công chúng Mỹ có quyền biết những gì đã diễn ra trong các nhà tù bí mật của CIA.

 

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ khẳng định rằng, việc không thông báo cho các Ủy ban tình báo của hai viện thuộc QH đã vi phạm các quy định của luật pháp về giám sát, theo đó đòi hỏi cộng đồng tình báo phải thông tin cho QH về các hoạt động của mình. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh rằng, các Ủy ban tình báo của cả Hạ viện lẫn Thượng viện cần "thực hiện bất cứ hành động nào họ cho là cần thiết để có được thông tin liên quan đến vấn đề cần điều tra", kể cả việc điều tra làm rõ việc ông Dick Cheney đã đóng vai trò trực tiếp trong việc đề xuất chương trình bí mật của CIA và giấu giếm QH.

 

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1-2009, Chính quyền Obama đã đồng ý xem xét lại báo cáo nội bộ của CIA về chương trình thẩm vấn và giam giữ bí mật các nghi can khủng bố dưới thời chính quyền tiền nhiệm, song vì những lý do chính trị, báo cáo này cho đến nay vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, Chính phủ Obama trên thực tế vẫn tránh đồng tình với QH kêu gọi tổ chức các cuộc điều tra toàn diện về những hoạt động của cộng đồng tình báo dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Người phát ngôn Nhà trắng Robert Gibbs tỏ ra thận trọng khi nói rằng, quan điểm Tổng thống Obama là QH phải luôn được thông tin đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Những cáo buộc về hoạt động bí mật và lạm quyền của CIA đã  và đang đẩy Tổng thống Obama vào tình thế khó xử.

(Theo Trịnh Minh Phương // Báo Nhân dân điện tử)

  • Mỹ lùi thời hạn công bố báo cáo về tù nhân Goan-ta-na-mô
  • Mỹ tuyên bố có thể tái vũ trang cho Gruzia
  • Xác nhận danh tính kẻ nghi đánh bom tại Jakarta
  • Chính phủ Philippines ra lệnh ngừng tấn công MILF
  • Triều Tiên chính thức xác nhận đã phóng thử tên lửa
  • Triều Tiên cho rằng đàm phán sáu bên "đã chết"
  • Israel thử hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow II
  • Băng chìm khó tan