Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Con đường duy nhất

Sau những lời đồn đoán với các nguồn tin tình báo và quân sự được “tiết lộ”, CHDCND Triều Tiên đã liên tục bắn một loạt tên lửa trong những ngày qua bất chấp sự cảnh báo, đe dọa cứng rắn từ Mỹ và đồng minh.

Thời điểm Triều Tiên phóng thử tên lửa là khá nhạy cảm, trước và trong ngày quốc khánh Mỹ (4-7). Tuy chưa phóng tên lửa tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ, nhưng loạt tên lửa 7 quả vừa qua của Triều Tiên cũng có thể nhắm tới những mục tiêu là các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. “Chiếc ô hạt nhân” và hệ thống phòng thủ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á đang phải thực sự đương đầu với những thách thức mới.

Mặt khác, những diễn biến chính trị - quân sự mới tại Đông Bắc Á đã trở thành một mối quan ngại lớn do căng thẳng gia tăng tại đây có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa an ninh khu vực. Các nguồn tin quân sự ước tính hiện nay Triều Tiên có hơn 800 tên lửa đạn đạo, 600 tên lửa Scud, 200 tên lửa Rodong và hơn 1.000 tên lửa đủ loại khác. Triều Tiên đang phát triển tên lửa Taepodong-X sử dụng nhiên liệu dạng rắn và có tầm xa từ 2.500 - 4.000km.

Trên danh nghĩa, bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950 - 1953 chấm dứt bằng thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có hiệp định hòa bình. Chuyên gia Baek Seung-Joo của Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc cho rằng việc phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo Scud có tầm bắn 500km cho thấy “Triều Tiên muốn phô trương khả năng đáp trả được mọi biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, kể cả các biện pháp quân sự”.

Mặc dù  vậy, Seoul tuy lo ngại nhưng muốn giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự kiện nói trên khi cho rằng, Triều Tiên thử tên lửa là việc làm hàng năm của họ.

Phản ứng chung của cộng đồng quốc tế đối với việc Triều Tiên bắn thử tên lửa là lo ngại. Các nước có liên quan trực tiếp như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga lại khá bình tĩnh và có sự kiềm chế đáng ngạc nhiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng không nên làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay và cho rằng những vụ thử tên lửa mới nhất của nước này là “không có lợi” và “nguy hiểm”. Nga và Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh sau khi CHDCND Triều Tiên bắn hàng loạt tên lửa.

Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thì gọi các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là “hành động khiêu khích”. HĐBA LHQ cũng bày rỏ sự lo ngại trước việc Triều Tiên phóng thêm tên lửa sau khi HĐBA vừa siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Có thể hiểu được rằng, không ai muốn chiến tranh nổ ra vì không lường được hậu quả và đặc biệt trước nguy cơ lại xảy ra một thảm họa hạt nhân nữa như Nhật Bản đã từng chịu đựng hồi năm 1945 do bom nguyên tử của Mỹ.

Các vấn đề tại khu vực Đông Bắc Á chỉ có thể và cần phải được giải quyết bằng con đường duy nhất là ngoại giao hòa bình thông qua các cuộc thương lượng, tham vấn và đối thoại. Hơn nữa, việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á phù hợp với lợi ích của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

(Theo Nguyễn Khắc Đức // SGGP online)

  • Campuchia hướng Đông
  • Nhật Bản có chính phủ mới
  • Thái Lan: phe "áo đỏ" lại biểu tình
  • Thắng lợi của Nga
  • Dân Bangladesh đổ xô đi mua giày... Zaidi
  • Ấn Độ có tàu dành riêng cho phụ nữ
  • Thái Lan: Áo đỏ ngưng biểu tình, áo vàng bám đền Preah Vihear
  • Công ty Trafigura bồi thường ô nhiễm cho Bờ Biển Ngà