- Những ngày đầu tháng 10, hàng nghìn nông dân châu Âu lại tiến hành một đợt biểu tình mới, còn gọi là "cơn thịnh nộ trắng", nhằm phản đối giá sữa ngày càng giảm mạnh và sự chậm trễ của Liên hiệp châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sữa. Ðây là đợt biểu tình thứ ba trong một năm qua trên phạm vi toàn EU liên quan tình trạng giá sữa giảm. Cuộc biểu tình quy mô lớn, do Liên đoàn sữa châu Âu (EMB) phát động, diễn ra rầm rộ tại nhiều nước EU như Bỉ, Ðức, Hà Lan, Pháp... Khoảng năm nghìn nông dân và một nghìn xe tải đã tập trung bên ngoài Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp EU được triệu tập bất thường tại Thủ đô Brussels (Bỉ), để thảo luận vấn đề giá sữa. Xe tải đã phong tỏa mọi ngả đường vào hội nghị, kêu gọi các Bộ trưởng Nông nghiệp EU tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, trong đó có việc giảm hạn ngạch xuất khẩu để tăng giá sữa. Những người nông dân đổ ba thùng sữa vào một cái ao nhỏ được đào trước Trụ sở Ủy ban châu Âu (EC), nhằm tượng trưng cho quyết định đổ 40 triệu lít sữa trong đợt biểu tình này. Cùng lúc đó, nông dân vùng Wallonie, miền nam Bỉ, cũng đổ ba triệu lít sữa ra cánh đồng, xua hàng trăm con bò chặn đường giao thông. Tại Pháp, 12 nghìn nông dân chăn nuôi bò tham gia biểu tình, đổ 3,5 triệu lít sữa xuống khu du lịch nổi tiếng Mont Saint-Michel, khiến hơn 80 cơ sở sản xuất sữa trên toàn nước Pháp phải đóng cửa. Trung tuần tháng 9, ở Pháp, 40 nghìn người sản xuất sữa ngừng sản xuất và cung cấp sữa. Khoảng 6 nghìn nông dân Ðức trên 700 chiếc máy kéo biểu tình, phong tỏa các tuyến đường ở Thủ đô Berlin, khiến giao thông tê liệt. Nông dân Hà Lan đổ 100 nghìn lít sữa ra cánh đồng ở phía bắc Thủ đô Amsterdam... Kể từ năm 2007, giá sữa ở một số nước châu Âu đã giảm xuống hơn một nửa. Ðặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với quyết định của EU tăng hạn ngạch sản xuất sữa thêm 1%/ năm và bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2014-2015, đã khiến giá sữa sụt giảm mạnh. Theo đó, giá sữa đã giảm 40% kể từ đầu năm đến nay và thấp hơn 75% so với giá thành, khiến nông dân thua lỗ nặng. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất sữa Pháp, người nông dân chỉ được trả 0,21 euro/ lít, thấp hơn 40% so với mức giá tháng 4-2008. Chủ tịch EMB R. Saber cho biết, cuộc sống của nông dân ngành sữa châu Âu lâm vào khó khăn do giá sữa giảm. Nếu tình hình không được cải thiện, ước tính đến cuối năm nay, các nhà sản xuất sữa sẽ thua lỗ khoảng 14 tỷ euro. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp B. Lemaire cam kết, các ngân hàng sẽ hỗ trợ ngành sản xuất sữa của Pháp khoản vay ưu đãi trị giá 250 triệu euro để ngành sữa vượt qua thời điểm khó khăn này. Nhiều nước trong EU ủng hộ đề xuất của Pháp và Ðức tăng cường hỗ trợ tài chính giúp ngành sữa châu Âu phục hồi sau cuộc suy thoái, áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm nâng giá sữa, đồng thời quy định mức giá sàn ở cấp quốc gia. Cao ủy phụ trách nông nghiệp của EU M. Boel đề xuất hỗ trợ tài chính để một số nông dân nuôi bò sữa chuyển nghề, ngân sách hỗ trợ sẽ được trích từ tiền phạt những người sản xuất sữa vượt hạn ngạch. Nông dân EU hiện được bù lỗ hai euro/ ngày cho mỗi con bò sữa. Tuy nhiên, mức trợ cấp này không giúp họ tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh giá sữa liên tục giảm. Năm 1984, EU đã áp dụng hạn ngạch sữa nhằm tránh tình trạng hàng nghìn thùng sữa và bơ ế ẩm trong kho, do cung vượt cầu. Các nước EU là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới. Các sản phẩm từ sữa chiếm khoảng một phần sáu giá trị các loại nông sản châu Âu và 8% giá trị toàn ngành xuất khẩu nông sản. Thực tế, chỉ khoảng 10% số sữa của châu Âu dành cho người tiêu dùng để uống, 30% để làm pho-mát, 25% để làm bơ, 12% để làm kem và phần còn lại để sản xuất sữa bột và các sản phẩm liên quan đến sữa. |
(Theo GIA KHÁNH // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com