Tổng thống Muanmar Gaddafi |
Dù đã bùng phát từ hai năm qua, nhưng cuộc đối đầu ngoại giao Thụy Sĩ - Libya không những không được giải quyết, mà còn có những động thái gia tăng theo chiều hướng nghiêm trọng hơn. Những rắc rối và biện pháp trả đũa lẫn nhau không còn bó hẹp trong khuôn khổ quan hệ giữa hai nước, mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ cộng đồng tại châu Âu.
Mới đây nhất, Tripoli đã ban hành lệnh cấm cấp thị thực cho công dân tất cả những nước thuộc Hiệp ước Schengen - một hình thức trả đũa trước việc Thụy Sĩ công bố một danh sách cấm nhập cảnh vào nước này, trong đó có tên của Tổng thống Muammar Gaddafi cùng khoảng 200 quan chức khác nhau của Libya. Ông Gaddafi còn kêu gọi về một cuộc "thánh chiến" chống lại quốc gia thuộc liên minh châu Âu này…
Quay trở lại với thời điểm bùng nổ xung đột ngoại giao, khi chính quyền Thụy Sĩ vào ngày 15/7/2008 đã bắt giữ cậu con trai Hannibal của thủ lĩnh Libya vì nghi ngờ ngược đãi người phục vụ. Vụ việc đã kịp thời được dàn xếp bên ngoài tòa án, nhưng mọi thông tin nhạy cảm đã không thể được giữ kín, khiến hình ảnh cậu con trai Gaddafi phải ngồi sau song sắt đã tràn ngập trên nhiều tờ báo lá cải. Libya đã yêu cầu Thụy Sĩ phải điều tra kỹ lưỡng về vụ rò rỉ thông tin cho các nhà báo. Mọi chuyện sau đó cứ phát triển theo chiều hướng xấu đi do cả hai bên đều không chịu nhượng bộ. Ngay sau vụ bắt giữ Hannibal, Libya đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt chống lại các công ty Thụy Sĩ đang làm ăn tại quốc gia châu Phi này, cũng như hạn chế việc nhập cảnh của các công dân Thụy Sĩ. Tổng thống Thuỵ Sĩ Hans - Rudolf - Merz. Chưa hết, Tripoli còn cho tạm ngừng nguồn cung cấp dầu mỏ tới Thụy Sĩ. Trong một năm sau đó, các quan chức hai nước đã tạm thỏa thuận và ký kết được một văn bản nhằm bình thường hóa quan hệ. Đáng chú ý trong nỗ lực này là "chuyến đi bẽ bàng" (theo như bình luận của công chúng Thụy Sĩ) của Tổng thống Hans-Rudolf Mertz tới Tripoli, nơi ông này đã chính thức đưa ra lời xin lỗi về vụ bắt giữ Hannibal. Hành động trên của Tổng thống Mertz đã phải đón nhận một làn sóng chỉ trích kịch liệt từ phía báo chí và công luận Thụy Sĩ, kèm theo đó còn có không ít yêu cầu đòi ông này phải từ chức. Đến mùa thu năm 2009, thỏa thuận tạm thời trên cũng chẳng còn giá trị, khi Tripoli bắt giữ hai thương gia Thụy Sĩ vì tội kinh doanh trái phép. Cả hai hiện vẫn đang bị giam lỏng tại Libya không biết trong vai trò bị cáo hay con tin chính trị. Không chịu kém, Thụy Sĩ đưa ra danh sách gần 200 công dân Libya (trong đó có cả ông Gaddafi) bị cấm nhập cảnh vào nước này. Đổi lại, Libya chính thức tuyên bố về việc cấm người châu Âu nhập cảnh vào nước này từ ngày 15/2/2010, ngoại trừ trường hợp một số quốc gia không thuộc Hiệp ước Schengen và nước Anh (có quy chế đặc biệt). Ông Gaddafi còn công khai lên truyền hình kêu gọi về một "cuộc thánh chiến" chống lại Thụy Sĩ. Ngay sau tuyên bố trên, đã xuất hiện những "nạn nhân" đầu tiên - một nhóm công dân Hà Lan dù vừa xuống máy bay nhưng không thể bước chân ra khỏi sân bay Tripoli, cho dù quốc gia này chẳng liên quan gì đến chuyện "ân oán" giữa Thụy Sĩ và Libya. Xét về lâu dài, hậu quả của quyết định trên chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là đối với các nước trong Hiệp ước Schengen đang có mối quan hệ làm ăn với các quốc gia Bắc Phi. Một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Italia (Libya từng là thuộc địa cũ của nước này), do dầu mỏ của Libya đang là nguồn tài nguyên chiến lược đối với tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của nước này. Phía các cơ quan ngoại giao châu Âu ngay lập tức đã có phản ứng trước thông tin bất lợi trên. Ngày 16/2, Ủy ban châu Âu có tuyên bố bày tỏ thái độ "lấy làm tiếc" trước quyết định của Tripoli, tuy nhiên không nêu đích danh ai là người có lỗi trong chuyện này. Nhưng quan chức đại diện của Italia và Malta lại không ngại chuyện "vạch mặt chỉ tên". Theo họ, hậu quả người dân các nước trong khuôn khổ Hiệp ước Schengen đang phải hứng chịu không chỉ thuộc về Libya mà cả Thụy Sĩ. Bộ trưởng Ngoại giao Italia tuyên bố: "Thụy Sĩ không cần phải sử dụng Hiệp ước Schengen để gây áp lực. Còn có nhiều phương pháp khác để giải quyết bất đồng với Libya". Còn trong một lá thư riêng gửi cho người đồng nghiệp Didier Burkhalter tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Nội vụ Malta Carmelo Mifsud Bonnici đã gọi lệnh cấm các công dân Libya nhập cảnh vào Thụy Sĩ và những hậu quả của nó đã "vi phạm tinh thần của Hiệp ước Schengen". Dù Thụy Sĩ mới gia nhập Hiệp ước Schengen vào cuối năm 2008, nhưng chính vì chuyện này mà cả châu Âu đang phải "vạ lây". Nếu như hục hặc về ngoại giao Libya - Thụy Sĩ xảy ra từ 5 năm trước, dư luận bên ngoài có lẽ cũng không quá quan tâm đến chuyện riêng này. Nhưng giờ đây, danh sách 188 cá nhân từ Libya bị cấm nhập cảnh vào Thụy Sĩ - quốc gia nằm trong "không gian Schengen" có một đường biên giới chung đối với toàn khu vực - chắc chắn phải là chuyện liên quan tới tất cả các nước thành viên. Để trả đũa, Libya không phải là không có cơ sở khi áp dụng các biện pháp hạn chế chống lại tất cả các nước trong Hiệp ước Schengen. Trước nguy cơ leo thang căng thẳng trên, các bên đã bắt đầu có những nỗ lực nhằm cải thiện tình hình. Từ ngày 18/2, hai Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ và Libya đã có dịp cùng ngồi vào bàn thương lượng tại Madrid (Tây Ban Nha) để hy vọng có thể tìm ra lối thoát. Các bên liên quan hy vọng, dưới áp lực của các nước liên quan trong Hiệp ước Schengen, tất cả những biện pháp trừng phạt của cả hai bên sẽ được gỡ bỏ trong thời gian tới. Chưa thể nói gì về kết quả đàm phán, nhưng theo các nhà quan sát, Libya đang có được một lợi thế rõ ràng hơn. Trong khi đó, Thụy Sĩ đang lâm phải thế khó do phải hứng chịu sức ép ngày càng tăng từ các nước trong không gian Schengen. Công luận đang hy vọng Thụy Sĩ - quốc gia vốn nổi tiếng về quan điểm trung lập và chính sách khôn khéo để tránh được nhiều cuộc chiến trong quá khứ - sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tai hại trên Hiệp ước Schengen - Một châu Âu không biên giới Hiệp ước Schengen được ký kết vào ngày 14/6/1985 tại thị trấn Schengen (Luxemburg) với các đối tác ban đầu là Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Đức và Pháp. Sau đó danh sách các nước tham gia hiệp ước này đã mở rộng thành 25 thành viên. Theo tinh thần của hiệp ước, các nước tham gia sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm soát về thuế quan và thị thực giữa các đường biên giới nội bộ trong khối. Còn khách du lịch đi lại trong "không gian Schengen" chỉ cần có một thị thực chung cho tất cả các nước.
(Theo Hồng Sơn // Báo Công an nhân dân Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com