Mọi sự quan tâm đang đổ dồn về Iran sau khi nước này cam kết sẽ đưa ra câu trả lời trong vòng 48 giờ tới về bản dự thảo thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran với “một số thay đổi cần thiết”.
Theo bản dự thảo này, 1,2 tấn uranium làm giàu cấp thấp mà Iran đã chế tạo được (chiếm khoảng 75% số dự trữ của nước này) sẽ được chuyển sang Nga làm giàu mức cao hơn-dưới 20%-trước khi biến chúng thành các thanh nhiên liệu tại Pháp. Những thanh nhiên liệu này sau đó sẽ được đưa trở lại Iran, để sản xuất chất đồng vị phục vụ cho mục đích y tế theo tuyên bố của Iran.
Bản dự thảo do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lập ra được Mỹ, Nga và Pháp chấp thuận và đánh giá cao bởi “thuận cho cả đôi bên”.
Nếu Iran đồng ý với bản thỏa thuận, nghi ngờ “sử dụng uranium vào sản xuất vũ khí hạt nhân” của 3 nước trên sẽ được giải tỏa trong khi Tehran vẫn có nguyên liệu “để phục vụ cho mục đích hòa bình”.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hiện còn lưỡng lự chưa đưa ra câu trả lời chính thức.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc Iran chưa sẵn sàng ký vào bản thỏa thuận bởi chính quyền nước này “sợ rơi vào cái bẫy”. Đó là liệu sau khi đưa uranium ra nước ngoài làm giàu họ có thể nhận lại số thanh nguyên liệu này? Lo lắng của Iran không phải là không có cơ sở bởi lâu nay các nước phương Tây không muốn cho quốc gia Hồi giáo này tiếp cận, phát triển các công nghệ sản xuất hạt nhân hiện đại vì sợ Iran sản xuất vũ khí. Vì lý do này, Iran tỏ ra khá cân nhắc việc chấp nhận bản dự thảo thỏa thuận.
Tình hình trong nước cũng khiến nhà cầm quyền Iran thận trọng hơn. Iran vừa trải qua một khoảng thời gian đầy biến động sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 vừa qua. Mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị trong nước chưa kịp lắng, bất cứ một bước đi sai lầm nào của chính quyền Tehran với bản dự thảo thỏa thuận hạt nhân có thể thổi bùng lên một làn sóng bạo lực mới.
Trong những ngày qua, các chính trị gia đối lập đã công khai phản đối dự thảo thỏa thuận trên và cho rằng “Tổng thống M.Ahmadinejad đang bị lừa”. Trong số những nhân vật phản đối có Chủ tịch quốc hội Iran Ali Larijani, người từng đảm trách vai trò nhà thương thuyết về hạt nhân Iran trước đây. Ông Ali Larijani phản đối gay gắt lời đề nghị của các cường quốc bởi “mục tiêu của phương Tây là muốn Iran từ bỏ kho dự trữ hạt nhân của mình”.
Theo Chủ tịch quốc hội Iran, nhập khẩu uranium làm giàu từ các nước tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân là thượng sách.
Mỹ đang trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” khi Iran cân nhắc đắn đo đưa ra câu trả lời. Trì hoãn càng dài, Iran càng có thời gian để làm giàu uranium vì “mục đích hòa bình” và đó là điều làm Mỹ thực sự thấp thỏm không yên
(Theo SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com