Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển

Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 15 (HNCC KLK 15) diễn ra tại TP nghỉ mát Sam el-sheikh bên bờ Biển Ðỏ của Ai Cập đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị có sự tham dự của 118 đoàn đại biểu các nước thành viên ở khắp các châu lục, cùng đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quan sát viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Ðoàn Việt Nam dự Hội nghị. Trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị lần này là tăng cường đoàn kết quốc tế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và hòa bình trên thế giới.

 

 Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức trên các lĩnh vực hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, quyền con người... HNCC KLK 15 đã chọn chủ đề "Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển". Với chủ đề này, các nước KLK thể hiện mong muốn thiết tha của mình về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và một trật tự thế giới công bằng, khắc phục tình trạng gia tăng xung đột và căng thẳng ở nhiều khu vực, chấm dứt áp dụng các biện pháp đơn phương, ép buộc của một số nước phát triển và đẩy lùi tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, lương thực, năng lượng và biến đổi khí hậu.

 

Trong hai ngày làm việc (15 và 16-7) với chương trình nghị sự dày đặc, Hội nghị đã bàn thảo hàng loạt vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới như khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, tiến trình hòa bình Trung Ðông, an ninh lương thực, các vấn đề năng lượng và hạt nhân... Kết quả tốt đẹp của HNCC KLK 15 thể hiện trước hết ở sự nhất trí cao của các vị lãnh đạo Phong trào KLK trên các vấn đề lớn được xem xét, cũng như nội dung thông qua trong Văn kiện cuối cùng, Tuyên bố Sam el-sheikh và các tuyên bố của Hội nghị. HNCC lần này đã nêu rõ lập trường, kiến nghị giải pháp của Phong trào KLK về tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế thông qua việc phát huy chủ nghĩa đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, các cuộc xung đột ở các khu vực, bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, giải trừ quân bị, nâng cao hiệu quả của các hoạt động gìn giữ hòa bình, tái thiết sau xung đột. Trong đó, Văn kiện cuối cùng của hội nghị đề cập toàn diện phương hướng phấn đấu giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp hiện nay. Về chính trị, văn kiện khẳng định sự cần thiết phải đề cao vai trò và tính chủ động của Phong trào KLK trong việc đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới; cam kết kiên trì các nguyên tắc cơ bản của phong trào (các nguyên tắc Bandung và các nguyên tắc thông qua tại HNCC KLK 14 ở Cuba); nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của LHQ; bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; có các hình thức đoàn kết về tinh thần, vật chất với các thành viên Phong trào KLK bị đe dọa sử dụng vũ lực, xâm lược hoặc là nạn nhân của các hành động gây sức ép đơn phương từ bên ngoài. Về kinh tế - xã hội, bên cạnh các nội dung về cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay, văn kiện đề ra nhiều biện pháp hợp tác cụ thể ở cấp khu vực và toàn cầu qua việc tăng cường nội lực, thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, mở rộng giao lưu xã hội, đối thoại văn hóa, văn minh, tín ngưỡng... Văn kiện khẳng định ủng hộ nhân quyền như những giá trị phổ cập của nhân loại, đồng thời cho rằng, không có một mô hình dân chủ duy nhất cho mọi quốc gia, phản đối sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia. Văn kiện đánh giá ba năm qua, vị thế của Phong trào KLK đã được nâng cao, có tiếng nói trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, đề ra các cơ chế, cách thức phối hợp cụ thể trong các lĩnh vực nêu trên tại các diễn đàn quốc tế.

 

Ðối với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, các nhà lãnh đạo các nước KLK nhấn mạnh yêu cầu cải tổ cơ bản hệ thống kinh tế, tài chính quốc tế, tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển vào quá trình xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế quốc tế và thực hiện hiệu quả những thỏa thuận của Hội nghị Cấp cao LHQ mới đây về Khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, nhất là về các biện pháp hỗ trợ, giảm, xóa nợ, tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho các nước đang phát triển.

 

Sự đồng thuận của hội nghị trong việc thông qua các văn kiện và tuyên bố nói trên cho thấy quyết tâm của Phong trào KLK trong việc tăng cường đoàn kết quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh hiệu quả để giải quyết và đối phó những thách thức hiện nay vì sự phát triển và hòa bình trên thế giới. Thành công của hội nghị còn thể hiện trong việc tạo điều kiện và cơ hội để giải quyết hòa bình các vấn đề quốc tế. Cụ thể như vấn đề hòa bình ở Nam Á. Dư luận khu vực và quốc tế hoan nghênh cũng như đánh giá cao cuộc gặp bên lề hội nghị giữa Thủ tướng Ấn Ðộ M.Singh và người đồng cấp Pakistan R.Gillani, tạo đà khôi phục cuộc đối thoại hòa bình giữa New Delhi và Islamabad. Quan hệ giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á này vốn trở nên căng thẳng sau vụ tiến công khủng bố vào TP Mumbai của Ấn Ðộ năm ngoái làm hơn 160 người chết. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp nói trên cho biết, "hai bên xác nhận quyết tâm hợp tác cùng chống khủng bố".

 

Dư luận quốc tế cho rằng, với kết quả đạt được tại Sam el-sheikh, Phong trào KLK đã khẳng định vai trò của mình trong thế giới hiện đại. Hội nghị đã tạo cơ hội tốt cho các nước đang phát triển tăng cường đối thoại và đoàn kết, tiến tới mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị, kinh tế và thương mại quốc tế mới, thể hiện sự bình đẳng và cân bằng hơn. Hàng loạt cuộc gặp bên lề giữa các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác giữa các nước trong Phong trào KLK. Ðây đồng thời là những hoạt động cụ thể, hiệu quả của hợp tác Nam - Nam. Tổng thống Nga D.Medvedev đánh giá cao vai trò của Phong trào KLK, cho rằng Phong trào KLK là một trong những lực lượng nòng cốt của trật tự chính trị mới đang hình thành trên thế giới, sẵn sàng hợp tác và phấn đấu để củng cố ổn định quốc tế, vì lợi ích của nhân dân các nước thành viên và toàn thể cộng đồng thế giới.

 

Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với thành công của HNCC KLK 15. Sự tham gia của Ðoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với sự nghiệp chung của Phong trào. Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Phong trào KLK trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của mình. Ðoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp những vấn đề hội nghị quan tâm, nội dung của Văn kiện cuối cùng, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích của Việt Nam. Văn kiện cuối cùng hoan nghênh Việt Nam, với vai trò Chủ tịch HÐBA LHQ tháng 7-2008, có sáng kiến cải tiến phương thức làm Báo cáo năm của HÐBA và đồng thời cảm ơn các chủ tịch năm 2009 của Hội nghị Giải trừ quân bị (trong đó có Việt Nam) đã thúc đẩy thông qua Chương trình làm việc của diễn đàn giải trừ quân bị đa phương duy nhất này sau nhiều năm bế tắc.

 

Với quyết tâm khẳng định vai trò của mình trong thế giới hiện đại, Phong trào KLK đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm mạnh của thế giới đa cực. Nhằm mục tiêu này, Tổng thống Ai Cập H.Mubarak khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên của Phong trào KLK trong ba năm tới, Ai Cập sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của Phong trào KLK, tăng cường thực hiện các mục tiêu, tuyên bố và sáng kiến của Phong trào, thúc đẩy sự hợp tác với tất cả các nước thành viên, hỗ trợ nâng cao vai trò và vị thế của Phong trào KLK trên trường quốc tế.

(Theo Ðiền Tâm // Báo Nhân dân điện tử)

  • Israel bác bỏ kêu gọi dừng xây dựng tại Jerusalem
  • Trung Quốc có "đầy đủ bằng chứng" vụ Rio Tinto
  • APEC cam kết thúc đẩy vòng đàm phán Doha
  • Hàn-Mỹ hợp tác chế tạo tàu chiến thế hệ Aegis
  • Chung quanh vụ bê bối của CIA
  • Mỹ lùi thời hạn công bố báo cáo về tù nhân Goan-ta-na-mô
  • Mỹ tuyên bố có thể tái vũ trang cho Gruzia
  • Xác nhận danh tính kẻ nghi đánh bom tại Jakarta