Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỗi năm thế giới mất 13 triệu hécta rừng

Rừng chiếm ít nhất 15% diện tích bề mặt Trái đất và là mái nhà của 50% các loài động vật. Rừng hấp thu khoảng 15% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và ngăn chặn tình trạng xói lở đất. Theo Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế, hiện nay hơn 1 tỉ người trên thế giới phụ thuộc vào rừng để có nơi ăn chốn ở, thực phẩm, dược liệu và nhiên liệu.

Một khu rừng ở bang Sarawak của Malaysia trở thành đồi trọc. Ảnh: AFP

Thế nhưng, theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF), mỗi năm có đến 13 triệu hécta rừng trên thế giới bị phá hủy. Nói cách khác, mỗi phút nhân loại mất đi diện tích rừng tương đương 36 sân bóng đá. Theo WWF, nạn chặt phá rừng đã góp phần làm hiện tượng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Để duy trì “sức khỏe” của Trái đất đồng thời ngăn chặn một thảm họa khí hậu có thể xảy ra, WWF kêu gọi thế giới phải hành động khẩn cấp để chấm dứt triệt để nạn phá rừng vào năm 2020.

Các chuyên gia WWF nhấn mạnh cách phòng tránh biến đổi khí hậu cấp thiết hiệu quả nhất là chấm dứt nạn phá rừng. Theo tổ chức này, tốc độ phá rừng trên thế giới hiện nay mỗi năm “góp thêm khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu”. Liên Hiệp Quốc cho rằng con số này tương đương tổng lượng khí thải hằng năm của Mỹ hoặc Trung Quốc, và cao hơn

lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do tất cả phương tiện giao thông trên toàn cầu giải phóng vào bầu khí quyển mỗi năm.

WWF công bố số liệu đáng buồn trên tại Đại hội Ngành Lâm nghiệp thế giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức, bế mạc hôm qua 23-10 tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina. Thu hút 4.500 đại biểu đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đại hội tập trung thảo luận tầm quan trọng của các khu rừng trên thế giới cũng như mối liên hệ giữa rừng với khí hậu, nguồn cung thực phẩm, nhà ở, nhiên liệu và dược liệu. Những nghiên cứu công bố tại Đại hội Buenos Aires sẽ được sử dụng tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới

(Theo LONG CHÂU // Cantho Online // AFP, Earthtimes, AP)

  • Khủng hoảng chính trị ở Roumanie
  • Đức với bài toán làm sao để tiền “đẻ” ra trẻ em?
  • Người Nhật đổi thói quen tiêu dùng vì khủng hoảng
  • Vì sao Trung - Ấn "khẩu chiến"?
  • Jose Mujica - Niềm hy vọng của phong trào cánh tả ở Uruguay
  • Mua dây buộc mình
  • Ngoại giao bóng đá !
  • Đồng minh nghi kỵ