Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ chiến tranh thế giới ảo

Trong cuộc chiến trên mạng, sẽ không còn tồn tại cái gọi là siêu cường nữa và bất kỳ nước nào cũng có nguy cơ bị tổn thương
 
Cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo có thể diễn ra trên không gian ảo. Đó là viễn cảnh được không ít chuyên gia công nghệ và quan chức chính phủ lo ngại trong bối cảnh internet đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người.


Một phòng giám sát của Trung tâm An ninh Internet Hàn Quốc. Ảnh: AP

Hiểm họa từ không gian ảo

Tại Hội chợ Viễn thông 2009 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vừa diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, ông Hamadoun Toure, Tổng Thư ký ITU, cảnh báo: “Cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo có thể diễn ra trên không gian ảo và đó sẽ là một thảm họa. Chúng ta phải làm sao để mọi quốc gia hiểu rõ rằng trong cuộc chiến này sẽ không còn tồn tại cái gọi là siêu cường nữa”. Theo ông Toure, sự tổn thương của các hệ thống mạng thiết yếu sẽ nhanh chóng làm tê liệt bất kỳ nước nào và mọi quốc gia đều có nguy cơ bị tổn thương trên không gian ảo. Ông nói thêm rằng khi các nước ngày càng phụ thuộc nhiều vào công nghệ trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, chăm sóc y tế, phân phối lương thực... thì cách tốt nhất để chiến thắng cuộc chiến tranh này là tránh nó ngay từ đầu.

Tương tự, các chuyên gia cũng cho rằng khi internet ngày càng gắn bó nhiều với cuộc sống thường nhật, các vụ tấn công và tội phạm trên mạng cũng diễn ra dồn dập hơn. Theo hãng tin AFP, những vụ tấn công thuộc loại này bao gồm việc sử dụng các công cụ thu thập trái phép mật khẩu người sử dụng để dùng vào các vụ gian lận hoặc nỗ lực đánh sập các mạng an ninh của tin tặc. Carlos Aolari, một phó chủ tịch của Tập đoàn viễn thông Alcatel-Lucent (Pháp), cho rằng số lượng vụ xâm phạm an ninh trong lĩnh vực thương mại điện tử đã lên đến nhiều tỉ.

Theo các chuyên gia, một vấn đề đáng quan tâm là những phần mềm và hạ tầng web hiện nay có những điểm yếu không khác gì 2 thập kỷ trước. Bà Cristine Hoepers, Tổng Giám đốc Nhóm đối phó máy tính khẩn cấp quốc gia Brazil, nhấn mạnh: “Những lỗ hổng đang bị khai thác hiện nay không khác gì so với 20 năm trước”.

Cần sự hợp tác toàn cầu

Trước mối đe dọa hiện hữu nói trên, các nước đang bắt đầu tăng cường khả năng phòng vệ của mình. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jane Napolitano cho biết bà vừa được bật đèn xanh cho việc tuyển dụng đến 1.000 chuyên gia an ninh mạng để cải thiện khả năng phòng chống các mối đe dọa thuộc loại này cho nước Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch đào tạo hơn 3.000 “cảnh sát trưởng trên mạng” vào năm tới để bảo vệ doanh nghiệp nước này sau một loạt vụ tấn công nhằm vào website nhà nước và tư nhân.

Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của các vụ tấn công trên mạng trong vài năm trở lại đây là nước Estonia. Vào năm 2007, một loạt vụ tấn công trên mạng buộc các website chính phủ phải ngưng hoạt động và làm gián đoạn hoạt động của một số doanh nghiệp hàng đầu nước này. Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế và thông tin của Estonia Juhan Parts cho rằng cần có sự hợp tác quốc tế đầy đủ, bởi lẽ nếu có điều gì đó xảy ra trên không gian ảo thì đó là vấn đề xuyên biên giới và cần có sự hợp tác tương xứng trên quy mô toàn cầu.

Để hướng đến mục tiêu nói trên, ngày càng có nhiều nước tham gia vào cơ chế đối tác đa phương quốc tế chống nguy cơ tin tặc (IMPACT), được thành lập trong năm nay để chủ động theo dõi và chống lại các mối đe dọa trên mạng. Khoảng 37 nước thành viên ITU đã tham gia IMPACT, trong khi 15 nước đang thảo luận về vấn đề này.

(Theo Phương Võ // Người lao động online)

  • Đoàn tàu thực hiện hành trình 9.000km vì môi trường
  • Ngày bảo vệ động vật: Đừng sát hại gấu trắng
  • Củng cố khả năng các thể chế tài chính quốc tế
  • Mỹ lúng túng trong chiến lược ở Afghanistan
  • Nhìn nhận lại vai trò của người di cư
  • Thâm hụt ngân sách Mỹ cao chưa từng có
  • Muhammad Yunus và công cụ giúp thoát nghèo
  • Giá dầu giằng co quanh mức 67 đô la/thùng