Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những chuyển động mới trên bán đảo Triều Tiên

Bí thư T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên KimKi Nam
(người bên trái) gặp Tổng thốngHàn Quốc Li Miêng
Pắc tại Seoul ngày 23-8. Ảnh Reuters
 Sau một thời gian căng thẳng, vài tuần qua, trong quan hệ CHDCND Triều Tiên - Mỹ cũng như quan hệ liên Triều diễn ra một số chuyển động mới đáng chú ý.

Ðầu tháng 8 vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton đến Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Châng In. Sau cuộc gặp, Chủ tịch Kim Châng In ra lệnh ân xá hai nữ nhà báo Mỹ là Euna Lee  (gốc Triều Tiên) và Laura Ling  (gốc Trung Quốc), bị Bình Nhưỡng kết án 12 năm cải tạo lao động với tội danh "chống lại nước Triều Tiên và vượt biên bất hợp pháp". Hai nữ nhà báo đã cùng ông Clinton trở về Mỹ.

Phát biểu ý kiến với giới báo chí tại Nhà trắng ngay sau khi hai nhà báo về nước và đoàn tụ với gia đình, Tổng thống Mỹ B.Obama nói rằng "đây là niềm hạnh phúc không chỉ với gia đình của hai nữ nhà báo mà còn với toàn nước Mỹ". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ G.Giôn bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ mang lại "những điều tốt đẹp". Trả lời phỏng vấn hãng CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton đánh giá sứ mạng của ông Clinton có thể thúc giục Triều Tiên tiến tới cải thiện đối thoại với Mỹ.

Trước chuyến thăm Triều Tiên của ông Clinton, từ cuối tháng 7, Bình Nhưỡng đã đề xuất đàm phán với Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố cho rằng, việc nối lại đàm phán sáu bên mà không nắm được thực chất vấn đề sẽ không giúp giảm căng thẳng. Tuyên bố nhấn mạnh: "Có một hình thức đối thoại riêng có thể giải quyết tình hình hiện nay". Trước đó, Ðại sứ CHDCND Triều Tiên tại LHQ Xin Xôn Hô khẳng định, cơ chế đàm phán sáu bên "không còn tồn tại", song Triều Tiên "không phản đối thương lượng trực tiếp với Mỹ".

Trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton vẫn đề nghị Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên và tuyên bố không có cơ hội cho đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, sau khi ông Clinton từ Triều Tiên trở về, phát biểu ý kiến trên các kênh truyền hình Fox News Sunday, NBC và CBS, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ James Jones khẳng định, Mỹ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp từng được tiến hành với Triều Tiên trong những năm cuối của chính quyền tiền nhiệm G.Bush, và nếu Triều Tiên quay trở lại các cuộc đàm phán đa phương, Washington sẽ tiến hành đối thoại song phương với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J Crâu-li vừa qua nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng thương lượng song phương với Triều Tiên trong khuôn khổ các vòng đàm phán sáu bên".

Trước đó, trong cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng tại LHQ với Thống đốc bang New Mexico (Mỹ) Bill Richardson tại TP Xan-ta Phê, đại diện Bình Nhưỡng đề xuất tiến hành các cuộc thương lượng hạt nhân mới song phương với Mỹ, thay vì cơ chế đàm phán sáu bên như trước đây.

Báo chí Hàn Quốc ngày 25-8 đưa tin, Triều Tiên đã mời Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách chính sách đối với Triều Tiên S. Bosworth và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Xung Kim đến Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới để thảo luận về vấn đề hạt nhân của nước này.

Những chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên được dư luận nhiều nước hoan nghênh. Các hãng tin nước ngoài đều có nhận định rằng, Bình Nhưỡng đang để ngỏ khả năng tiến hành đàm phán về hạt nhân. Theo nhận định của Ðài Tiếng nói nước Nga, tuyên bố của Triều Tiên sẵn sàng tiến tới đối thoại là một "tín hiệu tích cực". Ðài này dẫn quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao Nga rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Ðài phát thanh Hàn Quốc KBS cũng cho rằng Triều Tiên đã "bắn" tín hiệu sẵn sàng tham gia đối thoại về vấn đề hạt nhân, nói đúng hơn là sẵn sàng đối thoại song phương với Mỹ. Tương tự, Washington cũng bớt đề cập những điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun hoan nghênh việc CHDCND Triều Tiên ân xá cho hai nữ nhà báo Mỹ, đánh giá cao cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton "hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nhân đạo" đưa hai nhà báo về nước, đồng thời bày tỏ hy vọng "động thái đáng khích lệ này từ phía Triều Tiên sẽ dẫn tới việc nối lại đối thoại giữa Bình Nhưỡng và các bên liên quan để giải quyết mọi vấn đề tồn đọng, kể cả vấn đề hạt nhân", nhấn mạnh quan điểm nhất quán của ông cho rằng tất cả các vấn đề tồn đọng "cần phải được giải quyết thông qua đối thoại". Ông Ban Ki Mun khẳng định, đàm phán sáu bên là "phương thức tốt" để giải quyết bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, song ông sẽ ủng hộ một cuộc đối thoại song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington nếu cần thiết. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên ân xá hai nữ nhà báo Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết, Bắc Kinh vui mừng vì sự việc đã được giải quyết một cách thoả đáng và kêu gọi tất cả các bên liên quan khôi phục những nỗ lực nhằm tái khởi động đàm phán sáu bên. Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản T.Ca-oa-mư-ra bày tỏ hy vọng việc Triều Tiên trả tự do cho hai nhà báo sẽ dẫn tới những tiến bộ trong các lĩnh vực, gồm cả đàm phán hạt nhân. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố hoan nghênh những động thái tích cực trên của Triều Tiên.

Trong quan hệ liên Triều cũng diễn ra những chuyển động mới. Sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, bà Hun Châng Ơn đã tới Bình Nhưỡng với một sứ mệnh tương tự là thương lượng về việc thả một nhân viên của công ty này bị Bình Nhưỡng bắt giữ cuối tháng 3 vừa qua. Ngày 13-8, Bình Nhưỡng đã thả nhân viên người Hàn Quốc này. Trong chuyến thăm Triều Tiên mười ngày, bà Hun Châng Ơn đã gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng In. Trong bài diễn văn nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách xâm lược của Nhật Bản (15-8-1945 - 15-8-2009), Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc tuyên bố: "Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng thảo luận và phối hợp với Triều Tiên trong bất cứ vấn đề nào liên quan mối quan hệ song phương vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ cấp nào".

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ngày 20-8, CHDCND Triều Tiên gửi thông báo tới Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ mở cửa trở lại Văn phòng đàm phán kinh tế liên Triều tại khu công nghiệp Kê-xâng, đồng thời nối lại hoạt động của tuyến đường sắt liên Triều, đã bị đình chỉ từ đầu tháng 12-2008. Bình Nhưỡng cũng bãi bỏ các hạn chế về đi lại qua biên giới đường bộ giữa hai miền, được áp đặt từ ngày 1-12-2008. Ngày 21-8, chính quyền Triều Tiên đã cử một phái đoàn do Bí thư T.Ư Ðảng Lao động Triều Tiên Kim Ki Nam dẫn đầu đến Seoul để dự lễ tang cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung, người đã có công lớn trong việc thúc đẩy hòa giải và hòa hợp dân tộc giữa hai miền Triều Tiên. Nhân dịp này, hai bên đã tổ chức được cuộc gặp cấp cao chính thức liên Triều lần đầu trong suốt gần hai năm qua. Ngoài ra, phái đoàn Triều Tiên đã có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc. Tại các cuộc gặp, hai bên đã khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại cũng như mong muốn củng cố và cải thiện quan hệ liên Triều. Trước đó, hai bên cũng thỏa thuận nối lại hoạt động đoàn tụ những gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, đã bị gián đoạn suốt hai năm qua. Bình Nhưỡng cũng đồng ý mở lại tua du lịch tới thành phố Kê-xâng và sớm khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung này. Ngày 25-8, hai miền Triều Tiên đã nối lại liên lạc điện thoại và đường fax của Hội Chữ thập Ðỏ, kênh liên lạc chủ chốt giữa Seoul và Bình Nhưỡng bị cắt tháng 11-2008.

Về cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc và phái đoàn do Bí thư T.Ư Ðảng Lao động Triều Tiên Kim Ki Nam dẫn đầu sang Hàn Quốc viếng cố Tổng thống Kim Tê Chung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ I.Kê-li tuyên bố Washington ủng hộ cuộc gặp này vì đây là một bước tiến đầy ý nghĩa giúp làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản T.Ca-oa-mư-ra bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ tạo tiền đề cho việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên nhằm hướng tới tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Dư luận khu vực và thế giới quan tâm theo dõi những chuyển động mới trong quan hệ CHDCND Triều Tiên - Mỹ cũng như trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, hoan nghênh những chuyển động theo hướng giảm căng thẳng, thúc đẩy giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

(Theo Thành An/ND)

  • Hải tặc Xô-ma-li: Vấn nạn không dễ ngăn chặn
  • Hải quân Nga giải mật hồ sơ đĩa bay
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Lụi tàn dòng họ Kennedy
  • Mong manh thỏa thuận hòa bình ở Sudan