Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những hóa đơn xin thanh toán kỳ lạ

Trong số một chục vị bộ trưởng trong nội các ông Brown xin từ chức vừa qua có nhiều vị buộc phải ra đi vì dính líu đến xì-căng-đan lạm dụng công quỹ, khiến cho công luận phẫn nộ

 

Xì-căng- đan lạm dụng công quỹ của những thành viên đáng kính Viện Thứ dân (tức Hạ viện Anh) bùng nổ hồi đầu tháng 5 vừa qua. Người thổi còi là nhật báo Daily Telegraph của phe Bảo thủ. Tờ báo này nắm trong tay một ổ đĩa cứng chứa hơn 700.000 hóa đơn yêu cầu công quỹ thanh toán của quý vị hạ nghị sĩ. Mỗi ngày, tờ báo tung ra vài tên tuổi cùng với những lá đơn yêu cầu công quỹ thanh toán lại  những số tiền mà họ đã chi. Có những khoản chi bình thường và những khoản chi bất bình thường, thậm chí gian dối và tham lam không thể tưởng tượng.

Tham lam

Lương hằng năm của mỗi nghị sĩ Quốc hội Anh là 63.291 bảng (1 bảng = 29.119 đồng) nhưng tiền bồi hoàn tiền nhà tại London và tại địa phương họ ở có thể lên đến  24.006 bảng. Thật ra, tiền lương và tiền bồi hoàn này chưa phải là hậu hỉ nhất ở châu Âu. Nhưng việc chi trả dễ dàng và không hề bị cơ quan độc lập nào kiểm soát trở thành những kẽ hở lớn làm động lòng tham.


Các nghị sĩ  có thể yêu cầu công quỹ bồi hoàn những chi phí tuy nằm trong giới hạn cho phép nhưng khi kể ra dễ làm những người đóng thuế Anh bất ngờ và bất bình vì xưa nay họ không biết. Hằng ngày, báo chí Anh liệt kê những chi phí phổ biến  như tiền mua ghế xích đu, tiền công làm vườn, tiền bảo  trì hồ bơi, mua sắm thiết bị điện tử như nhà hát tại gia, thậm chí lạ lùng như  tiền thuê xử lý phân súc vật và tiền mua thức ăn cho chó, mèo hay  buồn cười như tiền mua tã, mua khay làm đá tủ lạnh (2,50 bảng), mua trứng Scotland (1,25 bảng), tiền duỗi tóc (150 bảng) v.v... Các nghị sĩ cũng kê khai chi phí đi du lịch, hóa đơn điện thoại và mua sắm dụng cụ văn phòng để được hoàn trả.


Tất cả những chi phí kể trên  nằm trong quy định của quốc hội nhưng đáng trách là nhiều vị nghị sĩ tìm đủ mọi cách tận dụng tiền công quỹ cho những mục đích cá nhân trong bối cảnh toàn dân Anh sống thắt lưng buộc bụng để đối phó với thời kỳ suy thoái kinh tế.


Nguồn gốc sâu xa nhất của xì-căng-đan đang làm rung chuyển Chính phủ Anh hiện nay chính là những chi phí  khá lớn  liên quan đến ngôi nhà phụ. Xưa nay, những chi phí này được giữ bí mật nhưng nay hạ viện buộc phải công khai những hóa đơn được bồi hoàn từ nay đến cuối năm theo một quyết định mang tính pháp lý của quốc hội. Trong quá trình thực hiện quyết định này, một số tài liệu đã bị rò rỉ. Tờ Daily Telegraph và nhiều tờ báo khác đã khai thác tối đa những tài liệu này, thổi bùng lên thành xì-căng-đan lớn  để làm khó chính phủ ông Brown.


Theo quy định, trừ những ông bà nghị sĩ đắc  cử ở London, các nghị sĩ hạ viện khác được hưởng chế độ bồi hoàn tiền sửa chữa hoặc mua sắm đồ trang trí nội thất trong căn nhà phụ của mình ở các tỉnh như bàn ghế, đồ điện gia dụng, tiền lãi vay tiền mua nhà, hóa đơn điện, nước, lò sưởi, điện thoại v.v...


Gian dối


Một số nghị sĩ đã khai thác triệt để những quy định nói trên một cách quá đáng. Trong số các bộ trưởng xin từ chức trong tuần qua, bà Bộ trưởng Bộ Cộng đồng Hazel Blears là một ví dụ. Trong vòng một năm, bà này kê khai có đến ba ngôi nhà phụ để có  được số tiền bồi hoàn tối đa. Bà cũng từng yêu cầu bồi hoàn 5.000 bảng tiền trang trí nội thất trong vòng ba tháng. Bà còn bị tố cáo trốn thuế khi bán lại một căn nhà phụ. Chịu không nổi búa rìu dư luận, ngày 3-6, bà tuyên bố xin từ chức đồng thời chấp nhận trả lại 13.000 bảng tiền thuế bán nhà.


Trường hợp  của bà bộ trưởng Bộ Nội vụ Jacqui  Smith, đã xin từ chức hồi tuần rồi, còn ly kỳ, hài hước hơn. Ngoài chuyện bà kê khai nhà phụ nhưng không ở lại mua nhà ở London cùng với em gái, một tờ báo khổ nhỏ chuyên đăng tin giật gân tiết lộ bà xin bồi hoàn tiền thuê hai bộ phim sex của chồng! Số tiền không lớn (khoảng 1,8 triệu đồng) nhưng hành động bất thường -  mà bà nói là vô tình – này đã gây tranh cãi sôi nổi ở Anh và kể cả ở nước ngoài. Bà bộ trưởng thừa nhận sai lầm của mình và hứa sẽ trả lại tiền.


Ngoài những vụ được coi là lặt vặt nhưng rất tai hại cho uy tín nghị sĩ kể trên, báo chí Anh còn tiết lộ những vụ lớn. Ví dụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Shalik Malik (đã từ chức ngày 15-5) đang bị điều tra lạm dụng công quỹ. Theo Daily Telegraph, ông này đã được bồi hoàn ba năm liên tiếp một số tiền lên đến cả chục ngàn bảng chi phí phát sinh tại ngôi nhà phụ trong khi ông chỉ phải trả vài trăm bảng tiền thuê  (thấp hơn thị trường) nhà chính ở ngoại ô London. Một vị khác yêu cầu bồi hoàn 1.000 bảng tiền vay tín dụng thế chấp cho căn nhà phụ trong khi thực tế ông ta bỏ tiền ra mua, không hề vay đồng nào.


Đảng nào cũng dính


Công bằng mà nói, không chỉ các nghị sĩ Công Đảng dính líu đến xì-căng-đan này. Tờ Daily Telegraph cho biết có đến 646 nghị sĩ của hầu hết các đảng phái, trong đó có ba đảng lớn là Công Đảng, Bảo thủ và Dân chủ Tự do liên can trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ án này.


Ngày 12-5, David Cameron, lãnh tụ Đảng Bảo thủ đối lập, tuyên bố “lấy làm tiếc” vì trong đảng ông có một số nghị sĩ thâm lạm công quỹ một cách bất xứng. Ông hứa sẽ buộc tất cả các vị này hoàn trả tiền công quỹ. n 

(Theo NGUYỄN CAO // Người lao động online)

  • 70 năm ngày bùng nổ Thế chiến hai: Không thể xuyên tạc lịch sử
  • Vụ không kích giết hại thường dân Afghanistan: NATO xoa dịu sự phẫn nộ
  • Quan hệ liên Triều tan băng
  • Chùm ảnh: Nỗi đau còn lại khi cơn địa chấn đi qua
  • Học làm lính NATO
  • Nói lại cho rõ !
  • Có thêm phát hiện mới về virus cúm A/H1N1
  • Cảnh "màn trời chiếu đất" của người dân vùng động đất ở Indonesia