Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quan hệ liên Triều tan băng

Trong một tháng qua, quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc từ chỗ đột ngột căng thẳng hơn một năm nay, đã có dấu hiệu hòa giải mà dư luận đánh giá là “sự tan băng” trong quan hệ liên Triều
 

Hàng loạt sự kiện quan trọng đã diễn ra trong quan hệ hai miền Triều Tiên mà đỉnh cao là đoàn đại biểu cấp cao của Bình Nhưỡng do ông Kim Ki-nam, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu tới Seoul viếng tang cựu tổng thống (TT) Hàn Quốc Kim Dae-jung. Phái đoàn đã được TT Hàn Quốc Lee Myung-bak tiếp để nhận bức thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.

Sau sự kiện có ý nghĩa này, các hoạt động hòa giải giữa hai miền Triều Tiên đã liên tục diễn ra. Bà Hyun Jung-eun, Chủ tịch Công ty Hyundai Asan thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hyundai của Hàn Quốc, được nhà lãnh đạo Kim Jong-il tiếp tại Bình Nhưỡng để bàn về vấn đề hợp tác kinh tế. Hai miền Triều Tiên đã đạt được sự thỏa thuận nối lại các cuộc đoàn tụ những gia đình ly tán từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khởi đầu từ năm 2000 nhưng bị đình trệ từ cuối năm 2007 do quan hệ hai miền xấu đi.


Từ ngày 1-9, Bình Nhưỡng đã bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại  giữa hai miền ở vùng biên giới thuộc khu phi quân sự và tại khu công nghiệp Kaesong nơi có 40.000 công nhân Triều Tiên làm việc trong 100 công ty Hàn Quốc. Hàng trăm nhân viên Hàn Quốc bị trục xuất từ cuối năm 2008, đã trở lại làm việc bình thường. Hội Chữ thập đỏ hai miền đã khôi phục đường thông tin liên lạc, trong khi hai chính phủ đã nối lại đường dây nóng quân sự ở khu vực phía Tây biên giới hai miền.


Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên dần ấm lên được giới quan sát quốc tế đánh giá là có “vai trò ở hậu trường” của Mỹ. Hãng AP nhận xét: “Chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu TT Mỹ Bill Clinton để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il và tiếp nhận hai nữ nhà báo Mỹ bị Triều Tiên bắt (được trả tự do sau đó) đã thúc đẩy Bình Nhưỡng có những bước đi hợp tác không chỉ với Mỹ mà với cả Hàn Quốc”.


Có 3 sự kiện tạo điều kiện tốt cho ông Kim Jong-il khôi phục cục diện chính trị có lợi cho CHDCND Triều Tiên. Đó là gặp cựu TT Mỹ Bill Clinton, tiếp chủ tịch Công ty Hyundai Asan của Hàn Quốc và cử phái đoàn cấp cao tới Seoul dự lễ tang cựu TT Hàn Quốc Kim Dae-jung – người khởi xướng chính sách “Ánh Dương” hòa giải quan hệ hai miền Triều Tiên.


Theo hãng tin KCNA của Triều Tiên, để thúc đẩy quá trình hòa giải bị đình trệ từ hơn một năm nay, hai miền Triều Tiên thỏa thuận sẽ nhanh chóng áp dụng một loạt biện pháp mở rộng quan hệ giao lưu, cụ thể là mở cửa trở lại khu du lịch Kim Cương đón du khách Hàn Quốc, khôi phục nguyên trạng giao lưu đường bộ qua giới tuyến tại khu phi quân sự, thúc đẩy phát triển khu công nghiệp Kaesong.


Đại công báo Hồng Kông viết: “Hàn Quốc hy  vọng thông qua con đường phi chính thức để thúc đẩy hai miền Triều Tiên mở rộng cánh cửa lớn, khai thông quan hệ song phương. Sử dụng sức mạnh phi chính thức càng dễ được xã hội chấp nhận và có hiệu quả hòa giải lớn hơn. Cục diện bán đảo Triều Tiên tan băng, Hàn Quốc có thể sẽ được lợi trước nhất. Với Seoul, duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng rõ ràng là cần thiết và quan trọng”.


Theo giới quan sát Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên hòa giải với Hàn Quốc cũng nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ. Nhật báo The Hankyoreh ở Seoul viết: “Dường như Bắc Triều Tiên tin chắc rằng bình thường hóa quan hệ hợp tác giữa hai miền sẽ góp phần tạo không khí cho cuộc đối thoại với Mỹ”.


Tuy nhiên, đối với Bình Nhưỡng, việc mở cửa đối thoại trực tiếp với Mỹ thật không dễ dàng. Trở ngại lớn nhất là Triều Tiên vẫn chưa chịu trở lại bàn đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đã vậy, tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng về thành công của cuộc thử nghiệm làm giàu uranium càng khó mở cánh cửa đối thoại với Mỹ.


Tuy vậy vẫn có hy vọng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dụ nói: “Do tình hình Đông Bắc Á đã có dấu hiệu tan băng, chúng tôi hy vọng các bên liên quan đến cuộc đàm phán 6 bên hãy nắm lấy cơ hội này để không ngừng cải thiện tình hình”.

(Theo Đỗ Chuyên // Nguoilaodong Online)

  • Vụ không kích giết hại thường dân Afghanistan: NATO xoa dịu sự phẫn nộ
  • Chùm ảnh: Nỗi đau còn lại khi cơn địa chấn đi qua
  • Học làm lính NATO
  • Nói lại cho rõ !
  • Có thêm phát hiện mới về virus cúm A/H1N1
  • Cảnh "màn trời chiếu đất" của người dân vùng động đất ở Indonesia
  • Bình luận: Chặng đường chông gai
  • Ấn Độ: Trực thăng chở thủ hiến bang mất tích