Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ốc đảo Champa ở đầu nguồn Cửu Long: Giáo luật ở xóm Chăm

Điều nhìn thấy được, tệ nạn lánh xa cộng đồng người Chăm, dù hầu hết mọi người ra ngoài làm ăn. Chính giáo luật và tập quán truyền thống đã cố kết cộng đồng bé nhỏ này lại với nhau để tránh những điều cám dỗ.


Trong đền thờ, vào giờ cầu nguyện, chỉ có đàn ông. Phụ nữ cầu nguyện ở một nơi khác. Ảnh: Trần Việt Đức

Pho Jamin và Ty Phá là hai vợ chồng trẻ, cưới nhau được ngoài năm, cả hai lên Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) đánh cá. Mấy bữa trước trước, sông ô nhiễm, cá chết phơi trắng, anh dong ghe, chở vợ con sang Vàm Cỏ Tây (Long An) kiếm cá. Nhìn người vợ 20 tuổi nằm trên ghe ôm đứa con mới tròn tháng tuổi, Pho Jamin tủm tỉm cười một mình, anh nhớ lại ngày cưới năm ngoái, rất gần.

Rước rể

Hồi mới lớn, cả hai biết nhau nhưng chẳng thể nói chuyện vì theo luật đạo, nam nữ không được ngồi chung một chiếu, chung một bóng cây. Một ngày Pho Jamin nói cha mẹ nhờ người đến nhà Ty Phá ngỏ lời. Nhà Ty Phá hỏi con gái có chịu không, cô im lặng. Thế là hai bên định ngày làm đám nói (đám hỏi). Dù chàng trai cô gái Chăm nào cũng có câu cửa miệng “cha mẹ đặt đâu ngồi đó” nhưng cô gái có toàn quyền quyết định lấy người đó hay không. Cũng có khi người lớn không chịu, đôi trẻ tìm đến ông cả (người có chức sắc cao nhất trong thánh đường). Ông cả sẽ làm thủ tục cho cả hai nên vợ chồng. Trong đám nói không thể thiếu mặt ông cả, nhà trai một mâm mang bánh trái sang nhà gái dự tiệc. Sau đám, cô dâu, chú rể không được gặp mặt nhau cho đến ngày cưới để phòng ngừa nếu có gặp chuyện trắc trở, cô gái vẫn giữ được danh giá. Trước ngày cưới, phía nhà Pho Jamin khiêng sang nhà gái một cái giường đặt ở phòng Ty Phá và cặp chiếu bông. Đây cũng là lúc nhà gái trổ tài trang hoàng nhà cửa, phòng tân hôn.

Đám cưới của người Chăm tổ chức trong hai ngày. Ngày đầu, giống như trù bị, tự mỗi nhà làm tiệc mời bà con lối xóm. Lễ chính vào trưa ngày hôm sau, lúc đó cả hai bên lên thánh đường làm lễ (không có cô dâu). Tại thánh đường, Pho Jamin ngồi đối diện với chủ hôn, cha của Ty Phá. Hai vị bô lão ngồi hai bên làm chứng, một trong hai vị này đọc kinh dạy bảo chú rể bổn phận làm chồng, theo tập quán và giáo luật. Lễ xong, Pho Jamin được mọi người đưa thẳng đến phòng cô dâu. Ngày trước, nghi thức đưa chú rể còn ngồi lên kiệu khiêng, nay nhiều người cũng đã giản lược, giống như cách đưa dâu của người Việt. Đến đây, chú rể sẽ thay sàrông và áo kapeh do cô dâu tặng, tiếp khách xong, chú rể về nhà mình cho đến tối, được đưa đến nhà gái. Có một nghi thức rất vui, chú rể và cô dâu cùng tranh nhau lấy bạc cắc đựng trong cái xô nước, ai giành được nhiều hơn, người đó sẽ giữ tiền sau này. Sau ba ngày ba đêm, nhà Pho Jamin mang đồ đạc như nồi niêu, chén bát, gạo, cà ràng… đến nhà gái. Lúc này, vợ chồng Pho Jamin muốn ra riêng hay ở chung đều được. Thực tế rất nhiều thanh niên Chăm ở rể vì thường đi làm ăn xa, nhờ ông bà ngoại chăm vợ con giùm.

Chuyện vợ chồng

Trước môt câu hỏi tò mò của khách: người đàn ông theo đạo Hồi được phép lấy đến bốn vợ, một ông cả xác nhận có. Ông giải thích, ở Ả Rập Saudi, báo chí vẫn đăng một ông tỷ phú có bốn cô vợ; nhưng thực tế ở cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, không có chuyện này. Theo giáo luật, lấy thêm một vợ (tối đa được bốn) phải thoả mãn các điều kiện sau: 1/ Phải được người vợ lấy trước đồng ý; 2/ Phải có một cơ ngơi tương đương nhau cho mỗi người vợ vì không ai ở chung (thật giàu); 3/ “Lịch” sống phải phân bổ đều cho các bà vợ (cấm thấy trẻ đẹp ở càng lâu, già ở ít); 4/ Khi muốn rủ một trong các vợ đi chơi, không đựơc quyền chọn mà phải bốc thăm (bình đẳng)… Chiếu theo các điều kiện này, sẽ không một người đàn ông nào ở Việt Nam có thể lấy được nhiều vợ. Ngay như điều kiện thứ nhất, phải được người vợ đồng ý, đã không được vì sẽ không có bà vợ nào lại chịu chia sẻ chồng. Mặt khác, pháp luật nghiêm cấm điều này.


Người Chăm đặt tên con dựa theo tên của các vị thánh trong đạo, và chỉ quanh quẩn chừng đó tên. Ban đầu họ không có họ, nhưng rồi theo luật Việt Nam, họ buộc phải kiếm cho mình một cái họ. Ảnh: Trần Việt Đức

Với người Chăm, chuyện ly hôn cực kỳ hiếm hoi bởi bị giáo luật và tập quán ràng buộc. Thực tế, người phụ nữ vốn bị “quản” chặt hơn nên khi vợ chồng có “cơn cớ” hầu hết bắt nguồn từ người đàn ông. Ông cả Musa Haji kể, theo giáo luật, cả hai được thoả thuận ly thân ba tháng. Quá hạn này, nếu quay về với nhau, cả hai phải làm lại lễ cưới hẳn hoi. Nếu vợ chồng ly thân đến lần thứ ba, ông cả sẽ buộc cho ly hôn, lúc này vợ - chồng không được phép quay lại với nhau nữa. Tất nhiên, thủ tục ra toà vẫn tuân thủ. Muốn sống chung lại, cả hai phải đi một đường vòng cam go, có phần như trừng phạt. Sau ba tháng bị ông cả tuyên ly hôn, người vợ buộc phải lấy một người chồng khác, ăn ở như vợ chồng với người chồng mới (thường là ở xứ khác cho kín tiếng) ít nhất một đêm, sau đó ly hôn. Đợi ba tháng sau, mới được lấy lại người chồng cũ. Toàn bộ việc này chỉ mỗi ông cả biết. Mỗi thời hạn luôn dài ba tháng để đề phòng người phụ nữ có thai.

Chuyện ăn uống

Người Chăm dù có đi làm ăn xa đều không bao giờ ăn cơm của người Việt nấu bởi theo giáo luật, kiêng ăn thịt heo, chó, mèo, rắn… Những loại thịt ăn được như bò, gà, vịt, dê… họ chỉ ăn khi người Chăm làm thịt. Trước khi làm thịt, con vật sắp bị cắt tiết sẽ được đọc kinh làm lễ cẩn thận. Với những loài vật sống dưới nước như cá, tôm… thì không cấm. Xét ở góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, người Chăm ăn thịt phải còn sống và có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, dù có đi buôn bán hay chài lưới bận rộn đến đâu, trong hành trang tha hương của người Chăm luôn có một bộ đồ nấu ăn. Ngư phủ Sammael ở Mộc Hoá (Long An) kể, nhiều lúc thèm thịt bò nhưng đành chịu, dù chợ bán đầy, chỉ khi về quê mới được ăn. Đấy là những người đi xa, còn ở nhà, tại các chợ ở vùng An Giang, nơi gần những xóm người Chăm sinh sống, luôn có người bán thịt riêng.

Rượu bia là thứ cấm kỵ vì thuộc vào điều cấm (haram) nên trong tất cả những tiệc vui trong năm, không ai uống. Khi bị phát hiện, sẽ được ông cả nhắc nhở, nặng hơn sẽ bị bêu tên trước thánh đường hoặc bị xóm giềng cô lập. Hút thuốc lá, ăn trầu thuộc điều không làm thì ban phước, làm thì thiếu phước (mak roh), tức không cấm nhưng không khuyến khích.

>>> Bài 1: Bí ẩn những “thế giới” bé nhỏ
>>> Bài 2: Ông cả - người của mỗi người
>>> Bài 3: Xứ sở “digan”

(Theo Nguyễn Trọng Tín – Doãn Khởi // SGTT Online)

  • Phụ nữ thường che giấu ngoại tình khéo hơn nam
  • Hàng loạt phụ nữ mắc bẫy tình online
  • Bạo hành gia đình ở Brazil: Kỳ án Eliza Samudio
  • Việt - Trung - Mỹ -Nhật - Hàn - Nga: Quan hệ hợp tung - liên hoành ?
  • Trình làng chiếc đồng hồ lớn nhất thế giới
  • 8 tuổi đã là họa sĩ thiên tài
  • Những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô - Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng
  • Bạo hành gia đình ở Brazil: Cú điện thoại của người tình cũ