Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao Mỹ chưa xử Julian Assange?

Nhiều chính khách Mỹ đòi xử Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đủ kiểu từ bỏ tù mục xương về tội gián điệp đến tiêu diệt bằng máy bay không người lái

Kể từ ngày WikiLeaks "bật mí” kho điện tín nhạy cảm của các đại sứ quán Mỹ trên thế giới gửi về Bộ Ngoại giao (ngày 29-11), tại Mỹ ngày càng có nhiều ý kiến đòi "xử đẹp" Tổng Biên tập Julian Assange của trang web này. 


Bà Sarah Palin: "Julian Assange cần bị truy nã như Bin Laden". Ảnh: Reuters

 Khủng bố

 Nghị sĩ Cộng hòa Peter King ở bang New York, người sắp giữ chức chủ nhiệm Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, yêu cầu Ngoại trưởng Hillary Clinton tiến hành điều tra xếp trang web WikiLeaks vào nhóm "tổ chức khủng bố nước ngoài" (FTO). Nếu được, Chính phủ Mỹ sẽ rộng đường xử lý WikiLeaks.
 
Ông King còn yêu cầu bàClintontuyên bố Julian Assange là "trùm khủng bố". Nhiều người cho rằng ông King đã "sáng tạo" một định nghĩa mới của từ "khủng bố", theo đó không cần có đạn, bom hay mạng lưới nằm vùng, thậm chí cũng không cần có âm mưu gì ghê gớm hay bạo lực cũng có thể bị gán tội khủng bố. Định nghĩa này, theo ông King, có thể áp dụng ngay với trang web WikiLeaks vì nó tiết lộ thông tin nhạy cảm - chứ không cần tối mật - đụng chạm lòng tự ái của Mỹ.
 
Ông King còn hùng hồn tuyên bố trên đài phát thanh CBS rằng việc WikiLeaks tiết lộ những bức điện ngoại giao còn "tệ hại hơn một cuộc tấn công quân sự". Từ nhận định này, ông King nói Mỹ có thể "phong tỏa tài sản và truy tố ông Assange" theo Luật Tình báo năm 1917 của Mỹ.
 
Nữ chính khách Sarah Palin còn bạo miệng hơn khi gọi Assange là "tuyên truyền viên của Al-Qaeda" và tố cáo – nhưng không trưng ra được bằng chứng nào - bàn tay ông này "tanh máu". Viết bình luận trên trang mạng xã hội Facebook, bà Palin chất vấn Chính phủ Mỹ "tại sao không truy nã khẩn cấp (Assange) như chúng ta đang truy nã các thủ lĩnh Al-Qaeda và Taliban?".
 
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia luật, khép WikiLeaks và Julian Assange vào tội khủng bố là không ổn. Giáo sư Jonathan Hafetz, dạy luật tại Trường Đại học Seton Hall ởNewark, cho biết theo pháp định, Mỹ không thể gọi WikiLeaks là FTO được.
 
Hai ý kiến của chính khách Đảng Cộng hòa nói trên vẫn chưa sốc bằng ý kiến của ông Tom Flanagan, cựu cố vấn của Thủ tướng Canada Stephen Harper.Ông phát biểu trên đài truyền hình CBC: "Tôi cho rằng phải ám sát Assange ngay lúc này. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama nên thuê một sát thủ hoặc có thể sử dụng máy bay không người lái (để làm việc đó)". Tuy nhiên, theo AP, sau đó ông Flanagan, một công dân Canada gốc Mỹ đang giảng dạy tại khoa chính trị học Trường Đại học Calgary, đã xin lỗi khán thính giả.
 
Gián điệp
 
Khép ông Assange vào tội gián điệp là khả năng mà các luật gia của chính phủ Mỹ đang cố gắng tìm cách thực hiện. Hai thượng nghị sĩ Mỹ trưởng và phó chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Thượng viện là bà Dianne Feinstein (Đảng Dân chủ) và Kit Bond (Đảng Cộng hòa) ngày 2-12 đã gửi công văn yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder truy tố Julian Assange về tội gián điệp theo Luật Tình báo năm 1917.
 
Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng cũng cho hãng tin AP biết các luật gia của chính phủ đang tìm cách truy tố nhà sáng lập WikiLeaks. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ P.J. Crowley cho rằng WikiLeaks không phải là một cơ quan báo chí và Assange không phải là nhà báo: "Tôi cho rằng ông ta là một kẻ vô chính phủ tìm cách làm tổn hại hệ thống quốc tế cho phép chúng ta hợp tác và cộng tác với chính phủ các nước".
 
Nói mạnh miệng như vậy nhưng ôngCrowleythừa biết không dễ bắt nạt ông Assange. Đây không phải là lần đầu Mỹ tìm cách khép tội kẻ phá bĩnh. Cuối tháng 7 vừa rồi, hàng trăm chuyên gia của Bộ Quốc phòng và Tư pháp Mỹ từng mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Assange khi WikiLeaks tung hê hàng chục ngàn tài liệu mật về cuộc chiếnAfghanistan. Năm tháng đã trôi qua nhưng kết quả điều tra vẫn chưa có.
 
Không dễ bắt tội

Giáo sư William Banks, Viện trưởng Viện Chống khủng bố và An ninh quốc gia, dạy luật ở Trường Đại học Syracuse, cho biết muốn khép ông Assange vào tội gián điệp theo Luật Tình báo năm 1917, Mỹ phải chứng minh được ba điều:
 
1) Đối tượng sở hữu trái phép những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ.
 
2) Đối tượng cố tình giữ thông tin đó mặc dù Chính phủ Mỹ yêu cầu trả lại.
 
3) Đối tượng có thể gây hại cho Mỹ hoặc giúp kẻ thù gây hại cho Mỹ.
 
Theo ông Banks,Washingtoncó thể chứng minh được ba điều nêu trên và Assange có thể bị truy tố về tội gián điệp. Tuy nhiên, giáo sư Hafetz tỏ ý nghi ngờ vì vụ này có thể vi phạm điều 1 của hiến pháp Mỹ. Theo đó, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí được hiến pháp bảo đảm.
 
Cơ quan điều tra Mỹ hiện đang lấn cấn về chuyện chứng minh WikiLeaks không phải là cơ quan báo chí truyền thống như ôngCrowleynói. Các chuyên gia ở Bộ Quốc phòng không nhất trí về chuyện này, cho nên truy tố Assange trong lúc này có thể vi hiến.
 
"Hơn nữa, nếu truy tố WikiLeaks thì tại sao lại tha tờ The New York Times" - giáo sư Hafetz nhấn mạnh. Cả hai đều tiết lộ những thông tin giống nhau.
 
Ngay cả trong trường hợp có đủ chứng cứ để buộc tội ông chủ WikiLeaks, vẫn còn một trở ngại khác không nhỏ: Assange không phải là công dân Mỹ, hoạt động ở nước ngoài và thay đổi liên tục chỗ ở. Mỹ chỉ có thẩm quyền đối với Assange khi ông đặt chân lên đất Mỹ hoặc được dẫn độ về nước này từ một nước khác sẵn lòng hợp tác với Mỹ.
 
Úc là đồng minh thân cận của Mỹ và đang điều tra xem việc Assange tiết lộ thông tin của Mỹ có phạm luật nước này hay không. Thái độ của Úc hiện nay rất dè dặt. Mới đây, Úc đã cải chính tin nhận được yêu cầu của Mỹ thu hồi sổ thông hành của Assange.

( Theo NGUYỄN CAO // Người lao động online )

  • Thấy gì từ thương vụ vũ khí khổng lồ?
  • Lãng tử Julian Assange: Tin tặc mũ trắng
  • Lãng tử Julian Assange: Tuổi thơ lưu lạc
  • Cướp biển Somalia đang tái đầu tư khoản "tiền bẩn"
  • Một vụ án kỳ lạ
  • An ninh 3 D
  • Thêm đường hầm ma túy bị phát hiện
  • Bắt hai mẹ con nghi can