Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tan hoang rừng Suriname

Ở nước Cộng hòa Suriname, Đông Bắc Nam Mỹ, rừng nguyên sinh chiếm tới 80% đất đai. Giống như Peru, mấy tháng gần đây vàng tặc gia tăng hoạt động, bốc đi từng mảng rừng, đầu độc sông rạch và giết lần giết mòn con người bằng thủy ngân

Suriname, cựu thuộc địa Hà Lan, là nước nhỏ nhất ở Nam Mỹ với 470.000 dân, có đường ranh giới chung với Guyana thuộc Pháp, Guyana và Brazil rộng lớn. Ngành kinh tế lớn nhất của Suriname là khai thác bauxite và vàng. Nước này chỉ có vài công ty khai thác vàng nhưng có đến 14.000 bãi vàng lậu quy mô nhỏ có năng suất khá cao.

16,5 tấn vàng lậu mỗi năm

Năm 2009, theo số liệu thống kê của chính phủ Suriname, riêng khu vực khai thác vàng trái phép đã sản xuất 16,5 tấn vàng. Đồng thời cũng những vàng tặc này đã tàn phá hàng chục ngàn hecta rừng và thải ra hàng chục tấn thủy ngân đầu độc môi trường.

Ben Fox, phóng viên hãng tin Mỹ AP, hồi cuối tháng 8 đã bay đến Suriname chứng kiến sự tàn phá của khu rừng được Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản thế giới bởi vàng tặc do tác động của giá vàng thế giới.

Nhiều nơi, rừng mưa nhiệt đới đang rậm rạp bỗng xuất hiện một khoảng trống nham nhở để lộ lớp đất màu vàng nâu đùn lên một bên còn bên kia là những đống cây rừng ngã rạp.

Quang cảnh giống như một vụ thiên thạch đâm vào trái đất. Thế nhưng đó không phải là thiên tai. Nó là “tác phẩm” của vài chục người đi chân đất. Trong 3 ngày qua, họ dùng vòi nước cao áp bắn phá các lớp đất để đãi vàng. Họ tàn phá không thương tiếc cây rừng.

Thợ đào vàng Juergen Plein, 29 tuổi, làm việc tại một bãi vàng nằm gần thị trấn nhỏ mang tên Nieuw Koffiekamp giữa khu rừng mưa nhiệt đới hẻo lánh. Kế hoạch đào bới đất tìm vàng của nhóm Plein kéo dài khoảng một tuần. Phương tiện chủ yếu là máy đào đất, máy bơm nước cao áp và thủy ngân.

Bụi vàng trong đất sẽ kết với thủy ngân vón thành cục. Dùng hơi nóng làm bay hơi thủy ngân, vàng cục sẽ lộ ra. Hết kế hoạch tuần này, họ tiếp tục kế hoạch tuần khác, ở một góc rừng khác.
 

Dùng vòi nước cao áp để xới đất tìm vàng. Ảnh: CBS News
Plein thừa nhận có biết và từng nghĩ đến hậu quả phá rừng. “Nhưng đối với tôi, sống sót là ưu tiên số một. Tôi biết làm gì khác bây giờ?” – Plein bộc bạch.

Vàng tặc đi tới đâu, rừng bị xóa tới đó.

Nước thải chứa thủy ngân tự do chảy xuống các sông rạch. Cá tôm bị nhiễm thủy ngân, người dân không biết, ăn vào sẽ bị ngộ độc. Nhiều thị trấn nhỏ được dựng lên cấp tốc để phục vụ dân đào vàng. Trên trục lộ duy nhấtdài chừng 1 km, cửa hàng bách hóa, nhà trọ, nhà thổ, quán nhậu cất bên cạnh nhà thờ nằm san sát nhau.

Đa số vàng tặc là di dân Brazil bất hợp pháp. Họ có mặt ở khắp châu thổ sông Amazon. Trước khi đến Suriname, họ bị cảnh sát và quân đội Venezuela, Guyana thuộc Pháp và Guyana truy quét gắt gao.

Suriname, mới giành được độc lập từ tay Hà Lan năm 1975, là đất nước của nô lệ và di dân tứ xứ. Ở đất nước rất giàu tài nguyên này, lực lượng thực thi pháp luật thuộc hàng yếu nhất trong khu vực, cho nên trở thành thiên đường của vàng tặc.

10 năm, 30.000 ha rừng biến mất
 
Ben Fox cho biết tân chính phủ Suriname mới thành lập hồi tháng 8 vừa qua cũng có kế hoạch chấn chỉnh tình hình khai thác vàng. Phó Tổng thống Robert Ameerali gần đây tuyên bố sẽ có những biện pháp hạn chế sử dụng thủy ngân vốn là mặt hàng bất hợp pháp nhưng những kẻ đào vàng muốn mua rất dễ.

Cố vấn khai thác mỏ Chris Healy nói chính quyền Suriname cần tách bạch các nhóm vàng tặc để dễ kiểm soát. Những người này cần được huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật để từ bỏ kiểu khai thác vàng thủ công sử dụng toàn thủy ngân.

Tuy nhiên, theo Healy, trở ngại lớn nhất vẫn là chuyện nhân sự. Suriname hầu như chẳng có ai thực thi pháp luật. Ông Marieke Heemskerk, chuyên gia về nhân loại học, từng nghiên cứu các bãi vàng lậu khắp Suriname trong nhiều năm qua, cho biết chính phủ biết rõ tình trạng khai thác trái phép đó nhưng bất lực đành nhắm mắt làm ngơ.
Các bãi vàng lậu trong một khu rừng già ở Suriname. Ảnh: AP
Nguyên do không có gì khó hiểu. Hệ thống giao thông Suriname cực kỳ lạc hậu. Riêng chuyện phát hiện bãi vàng lậu là cả một vấn đề, nói chi đến việc kiểm soát. Những bãi vàng lậu nằm rải rác trong rừng nguyên sinh rộng mênh mông.

Vàng được xuất sang các nước Bắc Mỹ và châu Âu là một nguồn xuất khẩu chủ yếu mang lại ngoại tệ mạnh. Suriname quá nghèo để có thể bỏ qua nguồn lợi đó dẫu biết rằng phải trả giá đắt.

Vấn đề đặt ra cho chính phủ mới là gần đây, cùng với giá vàng leo thang chóng mặt do đồng đô la Mỹ và đồng euro suy yếu, vàng tặc có khuynh hướng sử dụng ngày càng nhiều thiết bị hạng nặng như máy đào đất, máy nạo vét lòng sông, để khai thác vàng. Do đó, mức độ tàn phá môi trường và rừng ngày càng khốc liệt hơn.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vàng tặc đã tàn phá ít nhất 30.000 ha rừng nguyên sinh và gây ô nhiễm 2.200 km sông rạch trong 10 năm qua.

Theo ông Dominiek Plouvier, đại diện khu vực của Tổ chức Quỹ Hoang dã Thế giới (WWF), trong cùng thời gian đó, ít nhất 20 tấn thủy ngân đã làm ô nhiễm nặng môi trường, đe dọa ngư dân và những người ăn cá, tôm đánh bắt trên các sông rạch đó.

 


 

( Theo NGUYỄN CAO // Người lao động online )

  • Đối mặt thảm họa môi trường
  • Chuyện ở Huepetuhe
  • Biến rác thành vàng “xanh”
  • Bin Laden - điệp viên CIA?
  • Thiên nga khát máu
  • Đua xe lấy “uy”
  • Mafia Italy rửa tiền bằng cách kinh doanh xổ số
  • Ký ức lịch sử