Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng cường an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN

 
Thái Lan cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với các cuộc biểu tình của phong trào "áo đỏ" trong thời gian này. (Ảnh: Getty images)

Ngày 12/10 Chính phủ Thái Lan bắt đầu triển khai kế hoạch an ninh toàn diện nhằm đảm bảo an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN 15, ASEAN+6 và các hội nghị liên quan, dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/10 tại hai quận Chaam và Hua Hin thuộc hai tỉnh Prachuap Khiri khan và Petchaburi.

Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban cho biết Luật An ninh Nội địa (ISA) bắt đầu có hiệu lực tại hai quận Chaam và Hua Hin từ sáng 12/10. Người dân địa phương đã bắt đầu đầu đưa ôtô, xe máy tới đăng ký thẻ lưu hành đặc biệt để có thể đi lại trong thời gian hội nghị và tạo thuận lợi cho lực lượng an ninh kiểm soát phương tiện giao thông.

Không quân Hoàng gia Thái Lan cũng đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm ngay tại sân bay Hua Hin để duy trì an ninh sân bay, bảo vệ vùng trời và sẵn sàng phản ứng nhanh để hỗ trợ các lực lượng khác thực thi kế hoạch đảm bảo an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN và bảo vệ an toàn cho nguyên thủ các nước tham dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Suthep khẳng định việc triển khai kế hoạch an ninh nhằm ngăn ngừa mọi diễn biến ngoài mong đợi và Chính phủ Thái Lan tin tưởng sẽ tổ chức thành công hội nghị này để nâng cao hình ảnh Thái Lan trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ áp dụng ISA tại thủ đô Bangkok trong thời gian diễn ra Hội nghị ASEAN để duy trì trật tự kỷ cương và đối phó với các cuộc biểu tình của phong trào "áo đỏ" trong thời gian này.

Quyết định áp dụng ISA tại Bangkok dự kiến được Nội các Thái Lan thông qua vào ngày 13/10 và nhiều khả năng thời hạn áp dụng sẽ kéo dài từ ngày 15/10 cho tới khi Hội nghị cấp cao ASEAN bế mạc ngày 25/10.

Trong cuộc họp ngày 13/10, Nội các Thái Lan cũng sẽ xem xét quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh miền Nam gồm Pattani, Narathiwat và Yala để ngăn chặn bạo lực leo thang.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/10, cựu Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan, Tướng Sondhi Boonyaratglin cho rằng cần phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân để cho phép người dân Thái Lan tham gia tiến trình sửa đổi Hiến pháp. Theo Tướng Sondhi, nếu như các đảng phái chính trị thấy Hiến pháp hiện hành đã lỗi thời, họ có thể tiến hành sửa đổi nhưng cần phải tham khảo Hiến pháp năm 1997 trước khi sửa đổi./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

 

  • Ấn Độ - Mỹ tập trận chung lớn nhất giữa hai nước
  • Tổ chức "Ngày Gia đình ASEAN" tại Argentina
  • Ấn Độ phóng thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
  • Nạn đói tấn công hơn 1 tỷ người
  • Vợ chồng Nữ hoàng Anh "bị bắt gặp”... đi xem kịch
  • Sứ mệnh khó khăn
  • Kẻ khủng bố giấu mặt
  • Phát-xít Đức từng có kế hoạch ném bom nước Mỹ