Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát-xít Đức từng có kế hoạch ném bom nước Mỹ

Cuối những năm 1930, phát-xít Đức đã lên kế hoạch chế tạo loại máy bay ném bom có khả năng tấn công nước Mỹ mang tên "Amerika Bomber". Thống chế Đức Héc-man Gơ-ring là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này vào năm 1938, nhưng kế hoạch chỉ thực sự khởi động vào đầu Thế chiến thứ 2 khi Hít-le tuyên bố muốn có những chiếc máy bay ném bom tầm xa để tấn công các thành phố Mỹ. Kế hoạch chính thức được trình lên Gơ-ring vào ngày 27-4-1942.

 
Một mẫu máy bay trong kế hoạch “Amerika Bomber”. Ảnh: Militaryphotos 

Mặc dù mục tiêu ban đầu là tấn công nước Mỹ nhưng phát-xít Đức sau đó đã nhận thấy thêm một mục tiêu chiến lược khác. Hít-le tính toán rằng, nếu sử dụng máy bay ném bom tấn công các thành phố của Mỹ, quân đội Mỹ sẽ buộc phải sử dụng nhiều binh lực hơn cho việc phòng thủ đất nước. Kết quả là sự tăng viện của Mỹ cho nước Anh đồng minh sẽ giảm đi đáng kể và Không quân Đức sẽ dễ dàng hơn trong việc tấn công quốc đảo này. Trong kế hoạch, Không quân Đức đã chỉ ra 21 mục tiêu quan trọng cần đánh phá, bao gồm 19 tại Mỹ, 2 tại Ca-na-đa, tập trung vào các nhà máy sản xuất máy bay.

Những thiết kế ban đầu

Sau khi kế hoạch được thông qua, Không quân Đức đã bắt tay vào thiết kế, lựa chọn một số mẫu máy bay ném bom như Me-264, Fw-300, He-277 hay Ju-390. Đây là những thiết kế mới hoặc nâng cấp từ những mẫu đang được sử dụng. Tuy nhiên, cuối cùng mẫu Ju-390 được lựa chọn để thử nghiệm. Theo các ghi chép còn lưu lại, đã có ba chiếc Ju-390 được chế tạo trước khi chương trình bị hủy bỏ. Đến đầu năm 1944, một chiếc Ju-390 thử nghiệm đã thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương tới vùng trời cách bờ biển nước Mỹ khoảng 20km.

Một thiết kế đáng chú ý khác là thiết kế máy bay mẹ - con. Theo đó, một chiếc He-177 sẽ cõng theo một chiếc máy bay nhỏ Do-217 sử dụng động cơ phản lực. Chiếc He-177 sẽ bay càng xa càng tốt trước khi thả tự do chiếc Do-217. Phi hành đoàn của chiếc Do-217 tiếp tục chuyến hành trình tấn công nước Mỹ sau đó hạ cánh xuống biển và sẽ được tàu ngầm chờ sẵn vớt lên. Thiết kế này có thêm triển vọng khi phát-xít Đức hy vọng chế tạo thành công bom hạt nhân. Song, hy vọng về bom hạt nhân chưa thành hiện thực cùng với việc hải quân phát-xít khẳng định không thể phái tàu ngầm nằm chờ ngoài khơi nước Mỹ để vớt phi hành đoàn, thiết kế này đã bị xếp xó vào giữa năm 1942. Ngoài ra, quân đội Đức cũng đã xem xét một số ý tưởng khác như máy bay "lai" tên lửa có người lái. Thiết kế này đã được cân nhắc nhưng đã không thành hiện thực.

Tính khả thi của kế hoạch

Tất cả các thiết kế của kế hoạch tấn công Mỹ đều bị giới lãnh đạo phát-xít Đức cho rằng quá đắt đỏ, tham vọng. Tuy nhiên, sau chiến tranh, các chuyên gia hàng không Anh đã sử dụng một thiết kế của "Amerika Bomber" để phát triển thành máy bay dân dụng. Còn các lý thuyết và ý tưởng trong một số thiết kế máy bay đã được nghiên cứu trong kỷ nguyên vũ trụ hàng chục năm sau này.

Những tài liệu được cơ quan tình báo Anh khai thác cho thấy, Không quân phát-xít Đức đã thường xuyên thực hiện các chuyến bay qua lại giữa Đức và Nhật Bản với máy bay Me-264. Khoảng cách từ Phranh-phuốc (Đức) tới Tô-ki-ô (Nhật Bản) khoảng 9.160km. Tuy nhiên, muốn tấn công Niu Yoóc (Mỹ), các máy bay Đức phải có tầm hoạt động 11.680km. Chiếc máy bay có tầm hoạt động lớn nhất của Không quân phát-xít Đức lúc đó là Me-261 với 11.025km. Theo các nhà phân tích quân sự, nếu Hít-le quyết định thực hiện kế hoạch đến cùng, có lẽ kế hoạch đã thành công.

Nguyên nhân thất bại

Các chuyên gia quân sự cho rằng, sở dĩ kế hoạch "Amerika Bomber" thất bại là do phát-xít Đức thiếu một cơ quan thống nhất phụ trách phát triển và chế tạo vũ khí và các nhà khoa học Đức khi đó buộc phải tập trung toàn lực nhằm thỏa mãn những yêu cầu nhất thời của cuộc chiến đang diễn ra. Hơn nữa, Hít-le lại phải tận dụng thời gian, tiền bạc và nguồn lực cho "những loại vũ khí ưu việt" hơn là một kế hoạch bay ít có cơ hội thành công. Do vậy, "Amerika Bomber" đã thất bại không phải vì không khả thi mà vì không đủ nguồn lực cần thiết. Đến nay, khi nghiên cứu lịch sử, hẳn nhiều người Mỹ đã cảm thấy may mắn khi chiến tranh cuối cùng cũng chỉ ở phía bên kia đại dương.

(Theo Minh Huy // Hanoimoi Online)

  • Tiền thưởng giải Nobel được sử dụng ra sao?
  • Thắt chặt an ninh trước biểu tình của phe "áo đỏ"
  • Quốc tế tăng áp lực đối với Afghanistan về bầu cử
  • Ông Manuel Zelaya đơn phương gia hạn đàm phán
  • Vị cứu tinh của trẻ em vùng chiến sự
  • Sự thay đổi nhận thức cần thiết
  • Một nhà khoa học Mỹ bị bắt vì hoạt động gián điệp
  • Kết thúc cuộc tập trận "Hợp đồng tác chiến - 2009"