Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thử nghiệm thành công vắc-xin ngừa HIV/AIDS

Các nhà khoa học hôm nay công bố đã thử nghiệm thành công loại vắc-xin đầu tiên ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh Reuters

Lần đầu tiên một loại vắc-xin thử nghiệm đã có tác dụng ngăn ngừa sự lây nhiễm virus HIV – một thành quả bước ngoặt trong y học nhằm chống lại đại dịch AIDS mà nhiều nhà khoa học tưởng chừng đã bó tay sau nhiều nỗ lực không thành công.

Vắc-xin mới có khả năng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV được 31% - các nhà nghiên cứu vừa công bố như vậy ngày hôm nay, thứ Năm 24-9, tại Bangkok sau đợt thử nghiệm lớn nhất thế giới về vắc-xin ngừa HIV với 16.000 tình nguyện viên ở Thái Lan tham gia.  

Bước ngoặt lịch sử

Mặc dù kết quả này còn khiêm tốn, “đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy chúng ta có thể tạo ra một loại vắc-xin an toàn và ngăn ngừa hiệu quả”, đại tá Jerome Kim cho biết qua điện thoại. Ông là người hướng dẫn cuộc nghiên cứu do quân đội Mỹ thực hiện và Viện nghiên cứu quốc gia về bệnh dị ứng và các bệnh truyền nhiễm tài trợ.

Giám đốc của Viện, bác sĩ Anthony Fauci, cảnh báo rằng, đây “chưa phải là điểm cuối con đường”, nhưng ông cho biết mình rất ngạc nhiên và sung sướng trước kết quả thử nghiệm. “[Cuộc thử nghiệm] cho tôi một sự lạc quan thận trọng về khả năng cải thiện kết quả này” và phát triển một loại vắc-xin phòng chống AIDS hữu hiệu hơn. Đây là việc chúng tôi có thể làm”, bác sĩ Fauci nói qua điện thoại.

“Ngày hôm nay là một mốc lịch sử. Cần có thêm thời gian và nguồn lực để phân tích hiểu biết đầy đủ các dữ kiện nhưng ít ai nghi ngờ rằng phát hiện này sẽ làm tăng cường năng lực và tái định hướng lĩnh vực vắc-xin ngừa bệnh AIDS”

Mitchell Warren, giám đốc điều hành Liên minh Ủng hộ Vắc-xin phòng AIDS

Ngay cả một loại vắc-xin có hiệu lực khiêm tốn cũng gây được tác động lớn. Theo ước tính của cơ quan phòng chống AIDS Liên hiệp quốc (UNAIDS), mỗi ngày trên thế giới có thêm 7.500 nhiễm virus HIV, năm 2007 đã có 2 triệu người chết vì đại dịch AIDS.

“Ngày hôm nay là một mốc lịch sử”, ông Mitchell Warren, giám đốc điều hành Liên minh Ủng hộ Vắc-xin phòng AIDS – một tập hợp quốc tế chuyên nghiên cứu và phát triển vắc-xin, cho biết. “Cần có thêm thời gian và nguồn lực để phân tích hiểu biết đầy đủ các dữ kiện nhưng ít ai nghi ngờ rằng phát hiện này sẽ làm tăng cường năng lực và tái định hướng lĩnh vực vắc-xin ngừa bệnh AIDS”, ông nói thêm.

Bộ Y tế Thái Lan chủ trì cuộc thử nghiệm này, sử dụng một chủng virus HIV phổ biến ở đất nước này. Các nhà khoa học nhấn mạnh, hiện vẫn chưa rõ loại vắc-xin mới có hiệu lực đề kháng với các chủng virus HIV khác ở Mỹ, châu Phi và những khu vực khác hay không.

Cuộc thử nghiệm lớn nhất thế giới

Ở châu Phi, hàng triệu trẻ em bị mồ côi do cha mẹ mất vì bệnh AIDS. Ảnh AFP

Mỗi người tham gia thử nghiệm được tiêm một liều hỗn hợp “combo” gồm hai mũi tiêm, mũi thứ nhất kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể người phản ứng chống lại virus HIV và mũi thứ hai củng cố phản ứng đó.

Liều vắc-xin combo này gồm thuốc ALVAC của Công ty Sanofi Pasteur – bộ phận chuyên về vắc-xin của hãng dược phẩm Pháp Sanofi Aventis; và thuốc AIDSVAX, lúc đầu do Công ty VaxGen Inc. phát triển và hiện thuộc bản quyền của Global Solutions for Infectious Diseases (Giải pháp toàn cầu đối với bệnh truyền nhiễm) – một tổ chức phi lợi nhuận do các cựu nhân viên của VaxGen lập ra.

Thuốc ALVAX dùng canarypox, một virus của chim được biến đổi để không thể gây bệnh cho người, để chuyển tải các phiên bản tổng hợp của ba gene thuộc virus HIV vào cơ thể. Thuốc AIDSVAX gồm một phiên bản đã biến đổi gene của một protein trên bề mặt virus HIV. Hai loại vắc-xin này không làm từ virus – dù sống hay chết – và do đó không gây nhiễm HIV cho người thử nghiệm.

Trước đây, khi được thử nghiệm riêng rẽ, cả hai loại thuốc này đều không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm HIV, và khi cuộc thử nghiệm mới bắt đầu vào năm 2003 một số nhà khoa học đã cho rằng đây là việc làm vô ích. Chính bác sĩ Fauci cũng thú nhận: “Tôi thực sự không có nhiều hy vọng rằng chúng tôi sẽ có được kết quả tích cực.

Nhưng kết quả hôm nay đã chứng minh những nỗi hoài nghi là không đúng. “Sự kết hợp tỏ ra mạnh hơn nhiều so với từng mũi thuốc riêng lẻ”, đại tá Kim của quân đội Mỹ nói.

Cuộc thử nghiệm đã tiến hành với mũi tiêm “combo” trên cơ thể đàn ông và phụ nữ Thái Lan độ tuổi từ 18 đến 30, âm tính với virus HIV và có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình. Một nửa số tình nguyện viên được chích 4 mũi thuốc ALVAC “kích thích” và 2 mũi AIDSVAC “tăng cường” mỗi 6 tháng một lần. Nửa số tình nguyện viên còn lại được chích thuốc “giả” (dummy) và không ai biết mình được tiêm thuốc gì cho đến khi cuộc thử nghiệm kết thúc.

Tất cả tình nguyện viên đều được phát bao cao su, được tư vấn và chữa trị mọi chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và được xét nghiệm HIV mỗi 6 tháng. Ai bị nhiễm virus sẽ được điều trị miễn phí bằng các loại thuốc chống virus. Người tham gia được theo dõi tiếp tục trong ba năm sau khi việc tiêm chủng kết thúc.

Kết quả: việc lây nhiễm đã xảy ra cho 51 trong 8.197 người được tiêm vắc-xin và trong 74 người trong số 8.198 người được chích thuốc “giả”; như vậy nhóm được chích vắc-xin có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn 31% so với nhóm còn lại.

Con đường gian khổ và những câu hỏi còn lại

Vắc-xin không có ảnh hưởng lên mức độ nhiễm HIV trong máu của những người bị nhiễm bệnh. Đây sẽ là một mục tiêu khác của công trình nghiên cứu – xem thử liệu vắc-xin có thể giới hạn tổn thất cho hệ miễn dịch và ngăn virus tiến triển thành bệnh AIDS hay không.

Bác sĩ Fauci cho biết, kết quả này là “một trong những phát hiện quan trọng nhất và hấp dẫn nhất của cuộc thử nghiệm”. Nó cho thấy rằng những dấu hiệu mà các nhà khoa học sử dụng để đo lường xem một loại vắc-xin nào đó có thật sự hiệu quả hay không có thể đã không còn đúng đắn. 

Chi tiết về cuộc nghiên cứu tiêu tốn 105 triệu đô la Mỹ này sẽ được trình bày tại một hội nghị về vắc-xin ở Paris, Pháp trong tháng 10 tới.

Đây là cuộc thử nghiệm lớn thứ 3 vắc-xin ngừa HIV từ năm 1983 đến nay, khi virus HIV được xác nhận là tác nhân gây ra bệnh AIDS. Năm 2007, Công ty Merck & Co. đã ngừng việc nghiên cứu một loại vắc-xin thử nghiệm sau khi thấy nó không ngăn chặn được sự lây nhiễm, thậm chí còn làm tăng nguy cơ này ở một số người đàn ông dù bản thân vắc-xin không gây ra sự lây nhiễm.

Năm 2003, thuốc AIDSVAX cũng đã bỏ hai đợt thử nghiệm lớn.

Người dân Pittsburgh, Mỹ, biểu tình đòi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc hôm nay phải quan tâm tới đại dịch AIDS. Ảnh Reuters

Hiện vẫn chưa rõ những nhà sản xuất vắc-xin có tìm kiếm giấy phép kết hợp hai loại vắc-xin này ở Thái Lan hay không. Trước khi cuộc thử nghiệm tiến hành, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã nói rằng, cần có các cuộc nghiên cứu khác nữa trước khi loại vắc-xin này được xem xét cấp giấy phép của Mỹ.

Vẫn không rõ rằng những tình nguyện viên người Thái Lan đã được tiêm thuốc “giả” bây giờ có được cung cấp vắc-xin “thật” hay không. Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ cung cấp thuốc nếu loại vắc-xin này cho thấy có ích lợi rõ ràng, chẳng hạn như làm giảm nguy cơ nhiễm virus được 50%.

Những vấn đề này, cùng với phương cách tiến hành những cuộc nghiên cứu tương lai, sẽ được thảo luận giữa các chính phủ, các nhà tài trợ nghiên cứu và các công ty dược có tham gia thử nghiệm, đại tá Kim cho biết như vậy. Các nhà khoa học vẫn đang muốn biết hiệu quả phòng ngừa kéo dài được bao lâu, có cần tiêm thêm thuốc tăng cường hay không, liệu vắc-xin có tác dụng với những người đồng tính, người tiêm chích ma túy hay không. Trong đợt thử nghiệm lớn vừa qua, vắc-xin chỉ được cung cấp chủ yếu cho những người Thái có giới tính bình thường.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành ở Thái Lan vì các nhà khoa học của quân đội Mỹ đã thực hiện những nghiên cứu chủ chốt tại đất nước này khi Thái Lan bùng nổ đại dịch AIDS, họ đã cô lập các chủng virus và cung cấp thông tin di truyền học của các chủng virus đó cho các công ty dược phẩm. Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho ý tưởng thực hiện công trình nghiên cứu trên đất nước mình.  

(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn // AP)

  • Ông Zelaya về nước, Honduras thêm khủng hoảng
  • Háo danh !
  • Trước cáo buộc gian lận bầu cử tại Áp-ga-ni-xtan: Hy vọng đổi thành lo ngại
  • Ngày tàn của trùm khủng bố Noordin Top: Quy cố hương
  • Ngày tàn của trùm khủng bố Noordin Top
  • New York kỷ niệm 8 năm ngày 11-9
  • Điểm mặt các "sát thủ" lớn nhất của giới trẻ
  • Mỹ: Trưng bày 2000 “di sản” ngày 11/9