Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiền thưởng giải Nobel được sử dụng ra sao?

 

Một trong những đại diện nổi bật nhất trong đội ngũ những người từng được nhận giải Nobel đã tiếp tục dành trọn số tiền thưởng để nghiên cứu những công trình khoa học là nhà bác học Marie Curie. Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel và cũng là nhà bác học nữ duy nhất cho đến nay đoạt hai giải Nobel ở hai lĩnh vực là Vật lý và Hóa học vào năm 1903 và năm 1911.

Vì khoa học, Marie Curie đã không chỉ hy sinh tiền bạc mà cả chính sức khỏe của bà. Trong quá trình tiến hành những thí nghiệm nguy hiểm về phóng xạ, bà đã bị phát bệnh bạch cầu và bà đã qua đời ở tuổi 67.

Nhà khoa học nghiên cứu thần kinh Paul Greengard, GS Trường Đại học Tổng hợp Rockefeller, chủ nhân giải Nobel Y học 2000, đã dành trọn 400.000 USD tiền thưởng để tạo nguồn quỹ cho giải thưởng Pearl Meister Greengard do chính ông sáng lập dành cho những nhà khoa học nữ trong lĩnh vực y sinh. Giải thưởng này lấy tên người mẹ quá cố của ông.

Lý giải cho sự ra đời của giải thưởng, Greengard cho rằng, những người phụ nữ làm khoa học ngay cả ở những quốc gia văn minh và phát triển nhất vẫn đang bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Vì thế, giải Pearl Meister Greengard được trao mỗi năm một lần từ năm 2004 kèm theo số tiền là 50.000 USD sẽ tôn vinh và giúp đỡ những nhà khoa học nữ tài năng nhất trong lĩnh vực y sinh.

Mẹ Teresa, người được mệnh danh là “Vị Thánh của người cùng khổ”, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, sau khi nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1979 mẹ Teresa đã dành toàn bộ số tiền thưởng vào những bữa ăn từ thiện cho hàng ngàn người nghèo.

Nữ bác học Christiane Nusslein – Volhard đoạt giải Nobel Y học năm 1995, đã chuyển phần lớn số tiền vào quỹ từ thiện mang chính tên bà để giúp đỡ các nhà nghiên cứu khoa học nữ ở Đức trong giải quyết các bận bịu đời thường như: mua nhà trả góp, sửa chữa nhà và mua những vật dụng gia đình… để họ có thể yên tâm nghiên cứu.

Giáo sư Gunter Blobel của Trường Đại học Tổng hợp Rockefeller, chủ nhân giải Nobel Y học 1999, đã chuyển toàn bộ số tiền thưởng về Đức góp phần trùng tu nhà thờ lớn ở Dresden và xây dựng tại đó một thánh đường Do Thái mới…

Ông muốn dành tặng toàn bộ số tiền này cho quê hương vì những ám ảnh của những ký ức đau buồn thời thơ ấu. Vào năm 1945, cậu bé Gunter Blobel đang phải ẩn náu trong một trại dành cho những người đi sơ tán ở gần Dresden đã phải chứng kiến cảnh máy bay quân đồng minh ném bom tàn phá thành phố đẹp đẽ. Cũng trong những trận ném bom đó, người chị gái của ông đã chết.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2007, người đã góp tiếng nói mạnh mẽ nêu lên những tác động khủng khiếp do biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã dành số tiền thưởng góp vào quỹ Liên minh Bảo vệ khí hậu do chính ông sáng lập. Sau khi nhận giải thưởng, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống trên trái đất.

Việc tư

Bên cạnh những danh nhân nhận giải Nobel sử dụng tiền thưởng vào những việc công ích cũng có người dùng tiền thưởng để thực hiện những mơ ước cá nhân đã ấp ủ từ lâu.

Giáo sư Phillip Sharp, nghiên cứu lĩnh vực sinh học nguyên tử, đã trở thành một doanh nhân giàu có sau khi đoạt giải Nobel Hóa học 1993. Việc đầu tiên ông thực hiện là dùng số tiền thưởng để thực hiện ước mơ tuổi thơ là mua một ngôi nhà cổ có khu vườn cổ tích. Và vài năm sau, ông đã kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc lập ra nhiều công ty công nghệ sinh học.

Nhà văn Nga Mikhail Solokhov sau khi đoạt giải Nobel Văn chương năm 1965 đã sử dụng tiền thưởng vào việc đi du lịch, xây dựng câu lạc bộ tại vùng Rostov. Nhà văn Nga Ivan Bunin, nhận giải Nobel Văn chương năm 1933 lại có một cách tiêu tiền khác. Vốn là người hào phóng và hay xúc động, Bunin hào phóng giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp và tổ chức nhiều tiệc chiêu đãi.

Một trong những trường hợp khác khá đặc biệt là nhà bác học Albert Einstein đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921, đã trao một phần giải thưởng cho vợ cũ mà ông đã chia tay 2 năm trước đó là Mileva Maric. Bằng cách này, ông hoàn thành một giao ước hôn nhân mà ông và vợ từng thỏa thuận, nếu được giải thưởng, ông phải chia cho vợ vì bà đã hỗ trợ ông trong công tác nghiên cứu.

Thay vì chọn việc sử dụng tiền thưởng để chi tiêu vào việc chiêu đãi bạn bè, du lịch, mở câu lạc bộ, một số danh nhân khác đã dùng tiền thưởng để đầu tư sinh lời. Điển hình là nhà kinh tế học Paul Krugman đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 đã đầu tư vào cổ phiếu của tòa thị chính. Ông tuyên bố đó là những khoản đầu tư ít lãi nhất nhưng lại đáng tin cậy nhất…
 

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm nay đã dành toàn bộ số tiền thưởng trị giá 1,4 triệu USD cho mục đích từ thiện.

Và không chỉ riêng Tổng thống Obama, có rất nhiều danh nhân khác đã dành trọn tiền thưởng đóng góp cho xã hội thông qua hoạt động từ thiện hoặc cống hiến cho việc nghiên cứu những công trình khoa học mới mang lại lợi ích cho nhân loại.


(Theo THANH HẰNG/ TIME, Wikipedia/TPO)