Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trịnh Các Trang và hành trình xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

Trịnh Các Trang - làng giàu đẹp

Cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc 22 km, nhiều năm nay Trịnh Các Trang nổi danh là một “làng đẹp nhất Bắc Kinh”. Làng Trịnh Các Trang có diện tích 2,9 km², 576 hộ dân với 1.400 nhân khẩu.

Con đường đi lên giàu đẹp của Trịnh Các Trang bắt đầu từ năm 1986, khi anh thanh niên Hoàng Phúc Thủy, 21 tuổi, cùng 10 người khác ra thành phố tìm cách thoát khỏi đói nghèo đeo đẳng của nghề nông. Lang thang các công trường xây dựng, nhóm người này phát hiện ra một nghề mới, có thể thu nhập cao hơn làm thợ xây - đó là vận chuyển đất phục vụ san nền các công trình. Làm thủ tục xin vay vốn của chính quyền được 50.000 NDT, họ đầu tư vào công việc mới này và chẳng bao lâu đã kiếm được 500.000 NDT.

Nhưng khác với nhiều người, số tiền kiếm được này họ không chia, mà tiếp tục tái đầu tư vào kinh doanh khiến công việc ngày càng phát triển. 6 năm sau, nhóm thanh niên này huy độïng vốn được 1,4 triệu NDT, mua 4 chiếc xe tải để lập một công ty chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng.

Cũng từ đây, làng Trịnh Các Trang có thêm các công ty khác như xây dựng, cung ứng vật liệu... Năm 1996, Hoàng Phúc Thủy cùng bạn bè thành lập Tập đoàn Hồng Phúc. Từ nguồn lợi nhuận trong kinh doanh, Hồng Phúc từng bước đầu tư trở lại ngay trên chính mảnh đất của làng.

“Trong quy hoạch của làng, nhà nước không phải tốn một đồng nào. Tất cả là nguồn tiền do làng tự đầu tư, tự xây dựng và quản lý” – ông Tú nói đầy tự hào. Để có nguồn vốn đầu tư cho làm việc này, làng hiện có tới 5 nhóm ngành khác nhau. Đó là: kinh doanh vật liệu xây dựng, vườn khoa học công nghệ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư, dịch vụ, du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa.

Về dịch vụ, hệ thống siêu thị, cửa hàng, chỉ riêng phục vụ hậu cần (cung cấp nhà ở, điện, gas) cho 9.600 sinh viên Trường Đại học Thông tin Bắc Kinh đóng trên địa bàn đã mang lại nguồn thu 22 triệu NDT/năm. Còn về du lịch, ngoài 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao, làng còn có hẳn một trung tâm trị liệu bằng tắm nước khoáng nóng. Làng còn phục dựng lại kiến trúc khu hành cung theo thời Khang Hy để tăng sức hấp dẫn khách tham quan du lịch.

Kinh doanh đa ngành, song tất cả đều được tổ chức bởi Tập đoàn kinh tế Hồng Phúc, nhờ vậy các lĩnh vực đều tăng trưởng và ổn định. Tổng tài sản của làng hiện nay là 3,5 tỷ NDT. Năm 2008, tổng thu nhập ròng của làng đạt hơn 2 tỷ NDT, bình quân đạt 30.000 NDT/người (khoảng 81 triệu đồng VN). Hoàng Phúc Thủy, người nông dân năm xưa đã được người dân tín nhiệm nhiều năm bầu làm Bí thư Đảng ủy của làng, giờ đang tiếp tục đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồng Phúc.

Sau khi bị thu hồi đất canh tác, ngoài số tiền đền bù, mỗi hộ dân ở Trịnh Các Trang được mua 170 ngàn NDT giá trị cổ phần của tập đoàn, hàng năm có lãi suất cổ tức là 15%. Toàn bộ người nông dân xưa hiện đều trở thành công nhân của Hồng Phúc, được đóng bảo hiểm xã hội và làm việc theo chế độ: nam đến 55 tuổi, nữ 50 tuổi thì nghỉ hưu. Toàn bộ người dân trong làng giờ được ở trong những ngôi nhà với diện tích bình quân đạt 70 m²/người. Trong khi giá thị trường là 7.000 NDT/m², thì những hộ dân của làng chỉ phải trả cho Hồng Phúc 665 NDT/m² và họ còn được “bao cấp” không phải trả tiền điện, nước và khí đốt.

Cổng làng Trịnh Các Trang.

        “Nông thôn mới” phải “mới” toàn diện

Là người nhiều năm nghiên cứu về vấn đềø xây dựng nông thôn mới của Trung Quốc, GS Từ Tường Lâm của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là một nước nông nghiệp truyền thống, cho nên muốn giải quyết căn bản vấn đề phát triển của Trung Quốc cần phải bắt đầu từ chính vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Song quá trình phát triển, nhất là sau những năm đầu thực hiện cải cách mở cửa, khu vực nông thôn của Trung Quốc cũng bộc lộ không ít hạn chế. Năm 1978, thu nhập bình quân đầu người của nông dân là 133 NDT/năm, chỉ bằng 1/3 thu nhập của dân thành thị. Các khoản đóng góp của người nông dân ở các nơi hầu hết lên tới 10% thu nhập ròng bình quân đầu người hàng năm. Năng lực sản xuất nông nghiệp giảm sút: từ 500 triệu tấn lương thực năm 1990 còn 470 triệu tấn năm 2003, diện tích đất canh tác cũng giảm từ 140 triệu ha xuống còn 122 triệu ha. Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp xuống cấp nghiêm trọng.

Nhìn rõ những hạn chế này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định phải kiên quyết đầu tư phát triển khu vực nông thôn để tương xứng với mục tiêu phát triển XHCN. Cũng vì thế, thay vì nói phát triển “nông thôn mới” một cách chung chung, các văn kiện cũng như trong quá trình chỉ đạo, nhiệm vụ này bao giờ cũng gắn với một cụm từ “nông thôn mới XHCN”.

Hội nghị Trung ương 5, khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (họp tháng 10-2005) ghi một dấu mốc quan trọng trong phát triển nông thôn khi đề ra phương châm “cho nhiều, lấy ít, nới lỏng” đối với khu vực này. Đi đôi với mang “cho” người nông dân nhiều lợi ích, chính sách “lấy ít” sẽ giảm bớt gánh nặng cho nông dân thông qua bỏ thuế nông nghiệp và các khoản phí đóng góp. Hàng loạt chính sách khác cũng được “nới lỏng” nhằm tạo cơ hội cho người nông dân trong phát triển kinh tế.

Nói về hiệu quả chính sách phát triển nông thôn mới XHCN ở Trung Quốc, GS Từ Tường Lâm dẫn ra những con số: Từ năm 2006, mức tăng chi ngân sách bình quân 20%/năm, hầu hết đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sản lượng lương thực của Trung Quốc tăng từ 470 triệu tấn năm 2003 tăng lên 525 triệu tấn năm 2008. Mức tăng thu nhập của nông dân giai đoạn 1997-2003 chỉ đạt 5%/năm, thì từ năm 2004 đạt bình quân 6%/năm, năm 2008 đạt tới 9,5%. Cơ sở hạ tầng nông thôn (đường đi, điện lực, viễn thông...) được cải thiện rõ rệt - từ 50%, nay có tới 80% các con đường được cứng hóa. Các làng, thôn đều có đường dây điện thoại và đều có thể truy cập in ternet băng thông rộng. Các lĩnh vực y tế, giáo dục,văn hóa phát triển nhanh. Đặc biệt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân ngày càng chặt chẽ, gắn bó... 

(Theo SGGP Online)

  • Chuẩn bị ứng phó bão Parma - Philippines ban bố tình trạng “thảm họa thiên tai”
  • “Phân vai” trong liên minh
  • Những kỷ lục về độ dài thế giới
  • Nước nào có điều kiện sống tốt nhất thế giới?
  • Chùm ảnh: Làn sóng biểu tình phản đối Hội nghị G20
  • Trung Quốc công bố 'sách trắng' về Tân Cương
  • Thiên tai - mối họa lớn nhất của nhân loại
  • Núp bóng