Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tỷ lệ nào thích hợp?

Trong chiến tranh hay chiến dịch quân sự, người ta thường so sánh tỷ lệ quân số giữa hai bên để dự đoán kết quả thắng thua thế nào. Chẳng hạn, trong chiến dịch quân sự của quân đội Nga tại nước Cộng hòa Chechnya trực thuộc giai đoạn 1999-2000, quân Nga đông gấp 4 lần so với lực lượng nổi dậy, tức chiếm tỷ lệ 4 chọi 1. Kết quả là quân đội Nga thắng. Tuy nhiên, hồi thời chiến tranh ở Đông Dương giai đoạn 1945-1954, quân đội viễn chinh Pháp có khoảng 400.000 người, dù nhiều hơn lực lượng kháng chiến, nhưng rút cuộc Pháp vẫn thua tan tác.

Điều đó cho thấy quân số đông nhiều khi không phải là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, lực lượng đa quốc gia tại Afghanistan khoảng 104.000 quân, trong đó có 68.000 lính Mỹ, cùng với 200.000 binh sĩ, nhân viên an ninh và cảnh sát địa phương. Trong khi đó, số liệu của chính phủ Mỹ mới đây ước tính quân Taliban chỉ khoảng 25.000 tên. Nghĩa là số quân ủng hộ chính phủ Afghanistan chiếm tỷ lệ 12/1 so với phe nổi dậy. Nếu không tính con số 2/3 lực lượng quân đội, an ninh và cảnh sát Afghanistan không được đào tạo và chưa có kinh nghiệm tác chiến thì tỷ lệ chọi này cũng đạt mức 4 hoặc 5/1, cao hơn tỷ lệ trung bình 3/1 trong lịch sử các cuộc chiến tranh du kích.

Thế nhưng, theo Ljubomir Stojadinovic, chuyên gia về chiến tranh du kích và là nhà phân tích quân sự người Serbia, cho dù Tướng Stanley McChrystal có được phép tăng hơn 40.000 binh sĩ nữa tới Afghanistan và thậm chí đạt tỷ lệ chọi 20/1 hay lớn hơn nữa thì cũng chẳng giúp ích gì. Quân đội Xô-viết những năm 1980 từng nỗ lực tăng cường viện binh đến mức đó nhằm bình ổn Afghanistan nhưng không thành công. Peter Mansoor, một đại tá lục quân về hưu của Mỹ từng phục vụ ở chiến trường Iraq năm 2007-2008, cho rằng tương quan lực lượng có mang tính chất quyết định thành bại hay không chỉ khi nào ta biết rõ kẻ thù của mình. Đằng này, phe Taliban là “đội quân vô hình”, không có đồng phục và trà trộn vào quần chúng rất khó xác định. Vậy nên, theo Mansoor, lực lượng an ninh mới là yếu tố sống còn có thể giúp “điểm danh” quân nổi dậy. Ông cho biết một người làm công tác an ninh có thể kiểm soát 50 công dân. Vì thế, ở một quốc gia có khoảng 32 triệu người như Afghanistan thì cần có khoảng 600.000 nhân viên an ninh. Đây là một con số khổng lồ.

Tuy nhiên, rất có thể, Mỹ và phe đồng minh sẽ giúp Afghanistan đào tạo và huấn luyện được một lực lượng an ninh đồ sộ như vậy, cho dù sẽ khó khăn và tốn kém. Dẫu vậy, dư luận tin rằng chỉ khi nào phần lớn người dân Afghanistan ủng hộ và trông cậy chính quyền hợp pháp thì đất nước này mới yên ổn. Đây quả là một thách thức đối với Mỹ và quân đồng minh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Afghanistan sau vòng bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi vừa qua vẫn chưa tìm ra lối thoát vẹn toàn.

(Theo KIẾN HÒA // Cantho Online // AP )

  • Malaysia: Phụ nữ nô nức tới... nhà tù để làm đẹp
  • Bi kịch của kẻ đào tẩu
  • Từ 2020, Bắc Cực không còn băng vào mùa hè
  • Kêu gọi toàn thế giới chống biến đổi khí hậu
  • Quan chức Mỹ đầu tiên từ chức phản đối cuộc chiến tại Afghanistan
  • Đời ô nhục của trai nhảy Afghanistan
  • Dự án khu thương mại tự do Nhật - Trung - Hàn
  • Triều Tiên ngụ ý tăng cường kho vũ khí hạt nhân