Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vấn đề pháp lý và đạo đức

Chương trình không kích bằng máy bay không người lái của CIA là trường hợp tấn công bất hợp pháp hay là tự vệ hợp pháp?

Đó là câu hỏi trọng tâm được nêu ra khi chương trình bí mật của CIA bị một số học giả lên án. Những vị này kêu gọi quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động này, đồng thời cho rằng các cuộc tấn công đó có thể vi phạm luật pháp quốc tế và khiến các nhân viên tình báo Mỹ có nguy cơ bị truy tố về tội giết người ở nước ngoài.

Vi phạm rõ ràng
 
Theo hãng tin Reuters, luật sư hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Harold Koh, đã đưa ra những cơ sở pháp lý để bào chữa cho các vụ không kích của máy bay không người lái nhắm vào các mục tiêu vạch sẵn. Nhưngbên cạnh đó, một số tổ chức dân sự chỉ trích hành động này.
 
Thời tổng thống (TT) George Bush, máy bay không người lái đã thực hiện 45 vụ không kích trong vòng 8 năm. Dưới thời TT Barack Obama, chỉ trong năm 2009 đã có đến 51 vụ. Trong năm nay, con số này đang tăng lên.
 
Thực ra, trong mấy năm nay, Mỹ đã thực hiện cuộc chiến tranh bí mật ở Pakistan chống lại Taliban và Al-Qaeda. Sau khi TT Obama nhậm chức, CIA đã tăng cường việc sử dụng máy bay không người lái để tấn công các thủ lĩnh quân nổi dậy, các chiến binh và gia đình họ.
 
Sau khi nhiều người đặt vấn đề về tính hợp pháp của điều mà một số người gọi là những vụ giết người ngoại tụng, tháng 5-2010, chính quyền TT Obama đã đưa ra những lý lẽ để bào chữa về mặt pháp lý.
 
Phát ngôn viên của CIA George Little cho rằng các chiến dịch chống khủng bố của CIA phù hợp với luật pháp một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, luật sư Harold Koh nói rằng chính quyền TT Obama cam kết tuân thủ luật pháp trong mọi chiến dịch chống khủng bố của mình. Ông nói các cuộc tấn công có mục tiêu, kể cả các chiến dịch gây chết người do máy bay không người lái thực hiện, đều tuân theo luật trong đó có cả luật chiến tranh.
 
Chương trình không kích bằng máy bay không người lái được chính quyền Mỹ xếp vào loại mật. Ảnh: ALL VOICES

Chính quyền Mỹ thời TT Bush trước đây lẫn thời TT Obama hiện nay đều bảo vệ việc không kích từ các máy bay không người lái nhưng họ không lớn tiếng về vấn đề này bởi vì chương trình nói trên của CIA - vốn leo thang ở Pakistan trong năm qua - được xếp vào loại mật và chưa được chính phủ công khai thừa nhận.
 
Giáo sư luật Mary Ellen OConnell, Trường Đại học Notre Dame, khẳng định các cuộc không kích của CIA là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. Bà nói thế giới không chấp nhận cho nhà chức trách Mỹ thực hiện các cuộc tấn công như vậy ở Yemen và Pakistan bởi Mỹ chẳng liên quan gì đến cuộc xung đột vũ trang ở các nước này. Bên cạnh đó, bà cảnh báo các nhân viên CIA điều hành các máy bay không người lái có thể bị bắt và bị buộc tội giết người ở nước ngoài.
 
Bà OConnell nhận định ý tưởng cho rằng Mỹ có thể theo dõi, tấn công bất cứ ai nước này muốn là một điều hư cấu do các luật sư tạo ra. Theo bà, Mỹ cần phải làm việc với các quốc gia Pakistan và Yemen chứ không nên đối xử với các nước này như những khu vực chiến tranh.
 
Bên nói “để tự vệ”, bên nói “phi pháp”
 
Theo dõi tình hình bạo lực ở Pakistan và Afghanistan, người ta dễ nhận thấy năm 2009 là năm tệ hại nhất ở cả hai bên biên giới. Riêng ở phía Tây Bắc Pakistan, trong vòng 6 năm qua, Mỹ đã tiến hành rất nhiều vụ không kích bằng máy bay không người lái. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng có khoảng 800 - 1.200 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công đó. Người ta ước tính 1/3 số nạn nhân kể trên là dân thường.
 
Thời TT Obama, CIA tăng cường hơn nữa việc sử dụng máy bay không người lái trong cuộc chiến chống lại Taliban và Al-Qaeda. Bảo vệ hoạt động này, luật sư Harold Koh quả quyết rằng Al-Qaeda không hề bỏ ý định tấn công nước Mỹ.
 
Theo ông, Mỹ có thẩm quyền quốc tế và có trách nhiệm đối với công dân của mình để sử dụng sức mạnh, kể cả sức mạnh làm chết người, để tự vệ, trong đó bao gồm cả cách nhắm vào mục tiêu là các cá nhân như các thủ lĩnh Al-Qaeda cao cấp, những kẻ đang hoạch định các vụ tấn công. Một số nhà hoạt động nhân quyền và học giả về luật không chấp nhận, họ nói hành động đó phi pháp.
 
 
Giáo sư Mary Ellen OConnell khẳng định các cuộc không kích của
CIA là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. Ảnh: NEWS INFO
 
Theo hầu hết các bản tin, khi Baitullah Mehsud, thủ lĩnh Taliban ở Pakistan, bị tiêu diệt, cả cha vợ lẫn vợ của Mehsud cũng bị sát hại. Thậm chí có tin nói Giám đốc CIA Leon Panetta đã chấp thuận cuộc tấn công trên dù biết rằng lúc đó có ít nhất một người đang cùng ở trong nhà với y. Luật sư Harold Koh cũng tranh cãi rằng đó là sự tự vệ. Theo ông này, xét cho cùng, đây là những kẻ đang lên kế hoạch tấn công nước Mỹ.
 
Bàn về vấn đề này, giáo sư Philip Alston, chuyên viên của Liên Hiệp Quốc về các vụ hành hình ngoại tụng, đưa ra ví dụ về vụ đánh bom xe điện ngầm ở Moscow gần đây để so sánh. Ông lập luận người Nga không thể bắn giết bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu mà họ cho là có liên hệ đến âm mưu tấn công khủng bố nước Nga. Theo ông, không thể mở rộng khái niệm tự vệ như vậy được.
 
Ngoài ra, giáo sư Alston nhận định rằng khó có thể nắm được con số thực sự về số lượng thường dân thương vong khi mọi thứ vẫn còn bí ẩn. Nếu phải nói về các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, các giới chức chính phủ Mỹ sẽ nói tỉ lệ thương vong của thường dân là rất thấp, chỉ khoảng 2% hoặc 3%.

(Theo nld online)

  • Nạn nhân là dân thường
  • Chống bạo lực bằng bất bạo lực
  • “Lang thang” ký sự qua đất Phật
  • An toàn và nhẹ tội
  • WikiLeaks lại công bố tài liệu mật
  • Vụ tham nhũng chấn động Singapore
  • Vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử Tây Ban Nha
  • Tác giả của những trái bom khủng bố