Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Về hiện tượng động đất liên tiếp tại khu vực Thái Bình Dương

Hiện tượng xảy ra những trận động đất và bão lớn dồn dập vừa qua tại khu vực châu Á - nam Thái Bình Dương là sự cảnh báo về tình trạng khí hậu biến đổi. Ðây cũng là một sự cảnh tỉnh đối với chính quyền và nhân dân khu vực này trong chính sách đối  với  môi trường thiên nhiên đang thay đổi.

 

Trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, tại khu vực nam Thái Bình Dương liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ động đất mạnh, gây thiệt hại nặng nề. Bắt đầu là trận động đất cường độ 8,3 độ rích-te có tâm chấn ở sâu dưới đáy đại dương gần quần đảo Samoa rạng sáng 30-9, gây ra sóng thần cao từ bốn đến sáu mét ập vào quần đảo Samoa, đảo Samoa (thuộc Mỹ), Tonga. Cùng ngày 30-9 và ngày 1-10, tại vùng biển gần đảo Sumatra của Indonesia cũng đã xảy ra hai trận động đất mạnh và hàng loạt dư chấn, làm sập đổ hơn 100 nghìn ngôi nhà và hơn một nghìn người chết. Những ngày sau đó, tại Peru, Ðài Loan (Trung Quốc), Philippines, Nhật Bản  và một số bang miền nam nước Mỹ cũng có những trận động đất từ năm đến sáu độ rích-te. Ðại hội đồng LHQ phải họp phiên khẩn cấp bàn thảo biện pháp cứu trợ và giúp đỡ các nước bị thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

 Các nhà khoa học cho rằng, vùng nam Thái Bình Dương nằm trên "Vành đai lửa", một khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương. Nó có hình dạng tương tự vành móng ngựa và dài khoảng 40 nghìn km, đi qua quần đảo Samoa, Indonesia và  Peru. Con số thống kê cho thấy, khoảng 71% trận động đất  trên thế  giới xảy ra tại vành đai lửa này.

 

Theo tạp chí National Geographic, mặc dù có bằng chứng cho thấy những trận động đất mạnh có thể nới rộng các đường đứt gãy trên vỏ địa cầu cách đó nửa vòng Trái đất. Nhưng, nhiều nhà khoa học vẫn chưa có đủ cơ sở để nói rằng, những trận động đất và  địa chấn  vừa qua tại quần đảo  Samoa, Indonesia  và Peru có mối liên quan với nhau. Bởi vì, những trận động đất mạnh là sự kiện rất phổ biến  ở vùng này trong những năm qua. Tại Peru, mỗi năm xảy ra hàng trăm trận động đất mạnh. Tại Indonesia cũng vậy, những trận động đất mạnh như hồi đầu tháng 10 vừa qua không phải là hiếm thấy. Cơn sóng thần ập vào nhiều nước ven bờ Ấn Ðộ Dương cuối năm 2004 xuất hiện sau động đất mạnh tại Indonesia. Có giả thiết cho rằng,  có thể sức căng địa tầng của trận động đất từ năm 2004 đã "kích hoạt" hai cơn địa chấn trên đảo Sumatra của Indonesia tuần trước. Tuy nhiên, trận động đất năm 2004 ở Indonesia chỉ xảy ra trong phạm vi khá ngắn, bán kính xấp xỉ một nghìn km, vì vậy nó không thể gây nên động đất tại  Samoa, vì quần đảo này cách Indonesia khoảng 6.400 km. Vả lại giữa hai nước có một số rãnh nứt, nên  sự lan truyền của ứng suất kiến tạo bởi động đất sẽ bị cản trở.

 

Nhưng, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature số ra mới đây, các nhà khoa học của trường  Ðại học Rice (Mỹ) chứng minh rằng, sự rung lắc trong trận động đất có thể tác động tới những rãnh nứt ở khoảng cách cực xa. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những đợt rung lắc từ trận động đất tại Indonesia năm 2004 có thể làm tăng tần số xuất hiện của những cơn địa chấn nhỏ ở  tận châu Mỹ bằng cách đẩy chất lỏng vào rãnh nứt. Sự hiện diện của chất lỏng khiến hai phía của rãnh nứt dễ bị sạt lở, dịch chuyển và gây nên động đất. Nhưng tạp chí này cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, bởi vẫn chưa có  những bằng chứng đáng tin cậy.

 

Về bài học từ trận động đất tại đảo Sumatra mới đây,  nhóm các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm về kết cấu và vật liệu xây dựng thuộc trường Ðại học Indonesia (UI) sau khi khảo sát và nghiên cứu tình hình tại TP Pa-đang trên đảo này đã kết luận rằng, chất lượng xây dựng kém cả về thiết kế lẫn thi công làm tăng thêm thiệt hại nặng nề của trận động đất ngày 30-9. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Giô-xi-a I-oan Rô-xtan-đi cho biết, hầu hết phần mái của các tòa nhà bị sập đều không được gia cố bằng thép để trợ lực cho những bức tường gạch, vì vậy các tòa nhà này đều không trụ được khi động đất xảy ra. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều tòa nhà khi "cơi nới" thêm tầng đã vi phạm những quy định về kết cấu, kể cả không dùng thép gia cố cột và rầm nhà. Khách sạn Am-ba-cang bị đổ sập là một thí dụ điển hình về sự cơi nới tùy tiện. Khách sạn cũ này có hai tầng và đã được xây chồng lên thêm bốn tầng nữa.  Các nhà nghiên cứu kêu gọi chính quyền địa phương và người dân tuân thủ và giám sát chặt chẽ các quy định về xây dựng và kết cấu chiều cao của các tòa nhà, đồng thời khi xây nhà phải tuân thủ các biện pháp chống động đất.

(Theo Trịnh Minh Phương // Báo Nhân dân điện tử)

  • Ấn Độ: 2 tàu hỏa đâm nhau
  • Xung đột ác liệt ở Yemen
  • Vũ khí thông thường là mối đe dọa an ninh thế giới
  • Hội đàm thượng đỉnh lịch sử giữa Peru và Ecuador
  • Ai Cập tổ chức tập trận quốc tế quy mô lớn
  • Ấn Độ - Mỹ tập trận chung lớn nhất giữa hai nước
  • Tăng cường an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN
  • Tổ chức "Ngày Gia đình ASEAN" tại Argentina