Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khó khả thi, khu vực thương mại tự do Nga-EU

Đề xuất của Thủ tướng Nga về việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) Nga-châu Âu xem ra khó khả thi, vì con đường dẫn đến thỏa thuận vẫn còn đầy rẫy chông gai.

Giới phân tích cho rằng sáng kiến FTA Nga-châu Âu mà Thủ tướng Putin đưa ra tại thời điểm này là nhằm tối đa hóa nỗ lực mở rộng thương mại với các đối tác nước ngoài khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa và mở đường để Nga "hội nhập với châu Âu".

Là một nước châu Âu lớn và quan trọng, Đức vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Nga trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Thế nhưng, dư luận ở Đức lại có những phản ứng khác nhau về sáng kiến của ông Putin. Giới quan sát cho rằng nhìn chung, dự luận tỏ ý hoài nghi hơn là ủng hộ sáng kiến nói trên.

Nhật báo "Sueddeutsche Zeitung" (Nam Đức) đã đăng tải bài viết của Thủ tướng Putin, trong đó ông đề ra một chương trình dài hạn nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế Nga-Liên minh châu Âu, đặc biệt nhấn mạnh tới ý tưởng thành lập một cộng đồng kinh tế hài hòa với EU để đặt nền móng cho việc thiết lập một FTA Nga-EU trong tương lai. Ông Putin gợi ý Nga và EU nên EU nên thiết lập một mối quan hệ bình đẳng và cân bằng trong vấn đề cung cấp, tiêu thụ và vận chuyển năng lượng. Ông cũng cho rằng Nga và EU nên duy trì quan hệ hợp tác gần gũi để duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và giáo dục trên toàn thế giới.

Giới phân tích cho rằng có 3 lý do khiến Thủ tướng Putin đưa ra đề xuất FTA nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện đại hóa kinh tế Nga và mở đường để nước này "hội nhập châu Âu".

Thứ nhất, do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Nga cần mở rộng hợp tác với các nền kinh tế châu Âu có khả năng hỗ trợ cho Nga, để Mátxcơva có thêm nguồn tài chính, công nghệ và tích lũy thêm kinh nghiệm quản lý.

Thứ hai, Nga đang cân nhắc mối quan hệ hợp tác đa phương trong khuôn khổ WTO cũng như các mô hình và cơ cấu mới để hợp tác với các nền kinh tế châu Âu, nhằm khai thác triệt để vai trò thành viên WTO để phát triển kinh tế.

Thứ ba, là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU, việc tăng cường hợp tác năng lượng rõ ràng sẽ giúp hai phía xóa đi sự hiểu lầm và thúc đẩy quan hệ. Đây là một nhân tố thuận lợi giúp Nga thiết lập quan hệ mật thiết hơn với EU.

Chỉ có điều, kế hoạch nói trên không được phía Đức chào đón nồng nhiệt và bà Merkel vẫn tỏ ra khá do dự. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Putin, Thủ tướng Đức Merkel cho biết Đức đánh giá cao ý tưởng của Nga về một FTA, nhưng chính sách thuế quan của Nga sẽ là một trở ngại.

Còn một quan chức người Đức cho rằng thương mại tự do cần sự bảo vệ của luật pháp và nên được xây dựng dựa trên nền tảng an ninh đầu tư và các giá trị chung. Đối với FTA Nga-EU, những tiêu chuẩn này vẫn chưa được đáp ứng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle lại lên tiếng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Putin khi nói rằng Đức ủng hộ Nga gia nhập WTO và cũng ủng hộ các cuộc đàm phán về việc thành lập FTA Nga-EU. Một số phương tiện truyền thông của Đức cũng cho rằng kế hoạch của ông Putin là một ý tưởng mới đối với việc tiến tới thành lập một nền kinh tế Nga-EU thống nhất.

Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán con đường để thành lập một FTA Nga-EU sẽ là một chặng đường rất dài và đầy rẫy chông gai. Thứ nhất, Nga và các nước châu Âu có những giá trị khác nhau và giữa hai phía vẫn tồn tại những khoảng cách lớn trong việc phát triển kinh tế, công nghệ và xã hội. Thứ hai, sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài để 27 nước thành viên EU nghiên cứu và chấp thuận sáng kiến này, nhất là khi xảy ra những tranh cãi mới về an ninh và chính trị giữa Nga và EU.

(tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới tuần 22-28/11: Căng như dây đàn
  • Chủ tịch WB muốn tái áp dụng chế độ bản vị vàng
  • Lượng khí thải đã đạt mức kỷ lục
  • Đất hiếm: nguồn xung đột mới
  • Tìm “vàng” thay đất hiếm
  • Kinh tế 24h qua: 3 nguy cơ tiềm ẩn
  • Tay lái ở trong tay các nền kinh tế đang trỗi dậy
  • Kinh tế 24h qua: Chưa thể xoa dịu