Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đất hiếm: nguồn xung đột mới

Cuộc tranh cãi về đất hiếm âm ỉ đã từ lâu (*) bỗng bùng lên thành một đề tài nóng trong những ngày cuối tuần qua, có nguy cơ phủ bóng lên các diễn đàn kinh tế và ngoại giao quốc tế.

Hôm Chủ nhật 24-10, báo New York Times cho biết Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akihiro Ohata đã yêu cầu Trung Quốc nối lại việc xuất khẩu đất hiếm bị đình trệ hơn tháng qua sau khi vụ tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước bùng nổ.

Báo này cũng cho biết Trung Quốc đã lặng lẽ dừng các chuyến tàu chở đất hiếm sang Mỹ và châu Âu từ ngày 18-10 sau khi cáo buộc Mỹ tiến hành điều tra “phi pháp” về chính sách năng lượng sạch của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc luôn phủ nhận chuyện cấm hoặc đình hoãn xuất khẩu đất hiếm mà giải thích rằng các chuyến tàu bị chậm có thể do ngành hải quan nước này siết chặt quy trình kiểm hóa ở các hải cảng. Một thông báo trên website của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu đất hiếm ra thị trường thế giới. Nhưng đồng thời, để bảo vệ nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế phù hợp đối với việc khai thác, chế biến và xuất khẩu đất hiếm”.

Báo chí Trung Quốc, cụ thể là Nhân dân nhật báo và báo Tài Kinh, thì lên án các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ và Nhật đã “đạo đức giả” trong vấn đề đất hiếm, gây sức ép để có được nguồn nguyên liệu quý với giá rẻ từ Trung Quốc.

Thực tế cuộc tranh cãi như trên là bước căng thẳng mới của một vấn đề cũ.

Đất hiếm không phải là đất mà là tập hợp 17 khoáng chất có tính chất chiến lược trong các ngành công nghệ cao, và cũng không thật sự “hiếm” như tên gọi.

Lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từ những năm 1990 đã xác định: “Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc chúng tôi có đất hiếm” và coi đó là lợi thế tài nguyên để cạnh tranh.

Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc sử dụng lao động rẻ, bất chấp nguy cơ về môi trường để khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên này. Kết quả là hầu hết các doanh nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm ở phương Tây phải đóng cửa hoặc chuyển nhà máy tới Trung Quốc; theo báo chí Trung Quốc, nước này hiện sản xuất mỗi năm khoảng 120.000 tấn đất hiếm, chiếm 97% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu.

Do các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc… đều phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc nên loại nguyên liệu này vô tình đã trở thành một vũ khí chiến lược của Bắc Kinh. Từ năm 2005, Trung Quốc giảm dần hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, tăng thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và dùng nhiều biện pháp buộc các tập đoàn đa quốc gia phải sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Trung Quốc để được sử dụng nguồn nguyên liệu này. Năm 2010, lượng đất hiếm mà Trung Quốc cho phép xuất khẩu giảm 40% so với năm ngoái, sang nửa cuối năm 2010 lại giảm thêm 72%...

Một phần nhờ chính sách “đổi đất hiếm lấy công nghệ” mà Trung Quốc đã có được những thành quả lớn trong các lĩnh vực chế tạo bình điện cho xe hơi điện, turbine điện gió, đầu máy xe lửa cao tốc, panel điện mặt trời… vượt qua cả các nước có công nghệ phát triển. Sự khôn khéo của Trung Quốc là ở chỗ, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm không bao giờ được thừa nhận là một chính sách của chính phủ mà chỉ là biện pháp hành chính của các địa phương, các ngành như hải quan, khai khoáng… nhằm tránh bị kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới WTO vì vi phạm điều luật cấm hạn chế xuất khẩu.

Các đối tác thương mại của Trung Quốc cũng đã âm thầm đối phó với ý đồ của Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản hoặc tích trữ đất hiếm phòng khi bị Trung Quốc “bắt chẹt” như hiện nay. Trong gói kích thích kinh tế công bố hôm 8-10, chính phủ Nhật đã dành ra 100 tỉ yen (1,2 tỉ đô la Mỹ) để tìm kiếm nguồn đất hiếm mới và cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama trong chuyến thăm Hà Nội tuần này, cũng đã vận động chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các công ty Nhật đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Theo hãng tin Reuters, hai Thủ tướng Nhật và Việt Nam có thể sẽ ký một thỏa thuận về đất hiếm vào ngày 31-10 nhân dịp ông Naoto Kan đến Hà Nội. Chính phủ Đức thì gia tăng đầu tư thăm dò và khai thác đất hiếm ở các nước Đông Âu và Trung Á. Mỹ đã thông qua đạo luật tài trợ tín dụng cho việc khôi phục mỏ đất hiếm ở California để khỏi phụ thuộc vào nguồn Trung Quốc. Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản cũng đã tìm ra những công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao mà không cần sử dụng đất hiếm...

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, Mỹ và châu Âu trong tháng qua - “dấu hiệu mới nhất về sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh” như nhận định của báo IHT - tuy là một “độc chiêu” nhưng xem ra khó có thể gây tác động lớn cho các nền kinh tế này.

Ngược lại, nó đã thúc đẩy sự hình thành mối liên kết giữa các đối tác để cùng ứng phó với Trung Quốc mà trước mắt là kiện Trung Quốc ra WTO, hay đưa vấn đề đất hiếm vào nghị trình của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc những ngày tới. Bên cạnh vấn đề tỷ giá đồng tiền, đề tài đất hiếm có khả năng sẽ là một khó khăn mới mà Trung Quốc phải đối mặt trên các diễn đàn ngoại giao và kinh tế quốc tế.

____________________________________________

(*) Xem bài “Cạnh tranh trên thị trường đất hiếm” TBKTSG số ra ngày 2-10-2009 - http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/kinhtecacnuoc/24008/

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Tìm “vàng” thay đất hiếm
  • Kinh tế 24h qua: 3 nguy cơ tiềm ẩn
  • Tay lái ở trong tay các nền kinh tế đang trỗi dậy
  • Kinh tế 24h qua: Chưa thể xoa dịu
  • Các mối đe dọa với nguồn cung lương thực thế giới
  • Kinh tế 24h qua: Thế giới rung lắc dữ dội
  • Tiếp tục tranh cãi quanh Chương trình QE2 của Mỹ
  • Báo động về hệ sinh thái các vùng nhiệt đới