Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần qua: Thiên tai khắc nghiệt - hậu quả của biến đổi khí hậu

Trong những ngày gần đây, thiên tai tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng đây là hậu quả của biến đổi khí hậu và con người đã “góp phần” gây nên thảm họa này.

Một lính cứu hỏa dập đám cháy rừng gần làng Dolginino thuộc vùng Ryazan của Nga vào ngày 4/8 - Ảnh: AP

Trong tuần qua chúng ta tiếp tục chứng kiến những diễn biến khốc liệt của nắng nóng làm cháy rừng lan rộng ở Nga gây nhiều thiệt hại về người và của; Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ … cũng đang phải chịu đựng hậu quả ghê gớm của lũ lụt do mưa lớn…

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiều khu vực trên thế giới hiện đang phải đối phó với các hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Và đó là hậu quả của những hoạt động của chính con người: Việc tàn phá rừng bừa bãi, việc sử dụng tràn lan các nguyên liệu hóa thạch … Nói cách khác, con người đáng gánh chịu những hậu quả của chính mình.

Bài học rút ra từ những hiện tượng này có thể giúp các nước định hình những phản ứng chính sách thích hợp trong tương lai khi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên phổ biến hơn vào các thập kỷ cuối của thế kỷ 21.

Trong tuần, lễ kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập ASEAN được tổ chức tại trụ sở của Ban Thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia.  Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng những nỗ lực hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN phụ thuộc vào nhân dân, vì vậy họ cần nhận thức rõ những lợi ích của ASEAN, cần được thôi thúc hướng tới "tầm nhìn ASEAN", người dân cần hiểu rằng "ASEAN chính là chúng ta". Các hoạt động kỷ niệm còn diễn ra ở nhiều nước trong khu vực.

Ngày 9/8, Nhật Bản kỷ niệm 65 năm Ngày Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ 2 xuống thành phố Nagasaki (9/8/1945 - 9/8/2010) chỉ 3 ngày sau quả bom đầu tiên ném xuống Hirosima. Lễ tưởng niệm các nạn nhân ở Nagasaki có sự xuất hiện lần đầu tiên của đại diện 2 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là Anh và Pháp.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan khẳng định Nhật Bản luôn tuân thủ ba nguyên tắc phi hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản, với tư cách là quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom nguyên tử, có trách nhiệm đạo đức phải đi đầu trong các nỗ lực thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngày 8/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung- Bak đã bổ nhiệm ông Kim Tae-ho, 47 tuổi, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsang Nam làm Thủ tướng Hàn Quốc. 7/15 ghế Bộ trưởng khác cũng được bổ nhiệm. Đây được coi là cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi Tổng thống Lee nhậm chức.

Trên chính trường các quốc gia khu vực Trung Âu, Chính phủ Czech và Chính phủ Slovakia đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Với 118 phiếu ủng hộ, Chính phủ mới theo đường lối trung hữu của Czech đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện gồm 200 ghế vào tối 10/8.

Cùng ngày, Chính phủ trung hữu của Slovakia cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, giành được sự ủy nhiệm cho những kế hoạch thắt chặt chính sách tài chính và chống tham nhũng.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (phải) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez - Ảnh: CNN

Ở Tây bán cầu,  sự kiện được chú ý nhất là  Tổng thống mới của Colombia  Juan Manuel Santos và Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez đã tuyên bố chính thức tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại giữa hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng này.

Trước đó, ngày 22/7, Venezuela đã cắt đứt các quan hệ thương mại và ngoại giao với Colombia sau khi Chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Alvaro Uribe tuyên bố 1.500 phiến quân thuộc Tổ chức Các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) đang hoạt động bên trong lãnh thổ Venezuela.

Tin mừng lớn nhất tuần qua trong lĩnh vực y tế là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/8 chính thức tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 đã chấm dứt, sau hơn 1 năm – từ ngày 11/6/2009, WHO tuyên bố cúm A/H1N1 là "đại dịch toàn cầu".

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tuần, các nhà khoa học Anh đã  gây sự chú ý của dư luận khi cho biết về một loại vi khuẩn có chứa enzym ghê gớm “NDM-1” có thể  kháng lại hầu hết những kháng sinh mạnh nhất, trong đó có cả kháng sinh tốt nhất hiện nay là carbapenems.

Các chuyên gia cũng cho biết hiện không có loại thuốc mới nào có thể điều trị được nhóm vi khuẩn nguy hiểm này. Họ sợ rằng chúng có thể lây lan trên toàn cầu, theo con đường du lịch chữa bệnh.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

 

 

  • 'Choáng' trước khu vườn cực khủng
  • Khoảng khắc ‘hồn nhiên’ của động vật
  • Rực rỡ sắc màu với muôn loài chim... giấy
  • Độc đáo tranh - ảnh kết hợp
  • Huyền ảo thác nước Niagara
  • Những tác phẩm từ trứng luộc siêu cute
  • Thành phố rực rỡ dưới hàng ngàn chiếc ô
  • Xây toilet lớn nhất hành tinh hút khách du lịch
  • Vẽ tranh trên đồng lúa
  • Độc đáo tác phầm điêu khắc trên bút chì
  • Giỡn mặt với bò tót
  • 10 vụ tràn dầu kinh hoàng trên thế giới
  • Những tác phẩm mỹ thuật làm từ báo cũ
  • Nội thất khổng lồ
  • Khách sạn trên cây
  • Hình ảnh: Thót tim với lễ hội “bò rượt” San Fermin ở Tây Ban Nha