Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

72 tỷ USD xuất khẩu 2009: Mục tiêu khiêm tốn

Lường trước những diễn biến bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bộ Công Thương chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 ở mức 13%, với kim ngạch khoảng 72 tỷ USD, chưa bằng nửa mức tăng của năm nay so với năm 2007.

Trao đổi với Vietnam+, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu ổn định trở lại. Chiều hướng này đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam và sẽ còn ”mạnh hơn so với dự báo trước đây.”
 
Đặc biệt, xuất khẩu sẽ là lĩnh vực chịu tác động trực diện khi nền kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp, nhiều quốc gia có xu hướng tăng bảo hộ kinh tế trong nước nên sẽ hạn chế nhập khẩu.
 
Bởi vậy, dù đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức khiêm tốn, Bộ Công Thương vẫn đang phải hết sức nỗ lực thực hiện những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hỗ trợ ngành hàng có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.
 
Hỗ trợ cho những nỗ lực này, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng sẽ phối hợp để thực hiện tỷ giá linh hoạt hơn tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời áp dụng nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, hoặc giãn thời gian nộp thuế.
 
Về thị trường, những chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn sẽ tiếp tục được triển khai nhằm vào các khu vực trọng điểm tiềm năng như châu Phi, châu Mỹ Latinh và EU.
 
Đặc biệt, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng chủ trương thúc đẩy sớm việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các nước để thiết lập các khu vực mậu dịch tự do tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu.
 
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, loạt giải pháp kiềm chế nhập siêu cũng tiếp tục được tăng cường, chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, sử dụng hàng rào kỹ thuật, bổ sung danh mục hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan.
 
Năm 2008 đã ghi nhận những thành tựu vượt trội của hoạt động xuất khẩu với hai điểm nhấn cơ bản là kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và lần đầu tiên tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu.
 
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2008 đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007, cao hơn mức tăng 27,5% của kim ngạch nhập khẩu. Nỗi lo thâm hụt cán cân thương mại đã vơi bớt khi con số nhập siêu cả năm chỉ ở mức 17 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2008.
 
Những kết quả này còn góp phần giúp đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối và cân đối tiền tệ ở cấp độ vĩ mô. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tỷ lệ tăng trưởng xuất - nhập khẩu tiếp tục giữ được “phong độ” này trong các năm tiếp theo thì việc cân bằng cán cân thương mại trong nay mai là hoàn toàn khả thi./.

(Theo vietnamplus.vn)

  • Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2009 đạt khoảng 52,9 tỉ USD
  • Năm 2009, mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 4 tỷ USD
  • Mục tiêu phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050
  • Định hướng phát triển ngành than đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
  • TP Hồ Chí Minh: Sáu giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 2009
  • Bình ổn thị trường xi-măng năm 2009
  • Năm 2009, ngành chè phấn đấu xuất khẩu đạt gần 170 triệu USD
  • 72 tỷ USD xuất khẩu 2009: Mục tiêu khiêm tốn
  • Năm 2009: Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa
  • Năm 2009, nhiều dự án công trình giao thông ở Đồng Nai sẽ được khởi công
  • Nhiệm vụ sản xuất công nghiệp năm 2009
  • Một số chỉ tiêu chủ yếu của Hà Nội năm 2009
  • Mục tiêu của Bộ công Thương: Nhập siêu 2009 chỉ được phép bằng 2008
  • Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2009 giảm mạnh
  • Năm 2009, Tây Ninh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 700 triệu USD, tăng 16% so với năm 2008