Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Với những động thái hiện nay của thị trường thế giới và trong nước, hầu như có thể chắc chắn rằng, việc đối mặt với xu thế giá cả tụt dốc nhanh những tháng cuối năm 2008 chỉ mới là "khúc dạo đầu" và xu thế này sẽ giữ vai trò chủ đạo trong năm 2009.
Do đó, các DN không thể không tính tới trong khi hoạch định các phương án sản xuất kinh doanh của mình. Nhận định này dựa trên bốn căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, là một nền kinh tế ngày càng dựa nhiều vào thị trường thế giới để phát triển, cho nên kinh tế, thương mại thế giới ảm đạm và giá cả rơi tự do đương nhiên sẽ kéo giá cả trong nước cùng tụt dốc theo.
Trước hết, với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 62 tỷ USD năm 2008, độ mở ở đầu ra này đã tròm trèm 70%, còn với khoảng gần 82 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu, độ mở đầu vào này của nền kinh tế nước ta đã đạt gần 92%. Với các độ mở đều rất lớn như vậy, đương nhiên những tác động của thương mại và giá cả đối với nền kinh tế nước ta là rất lớn.
Trong khi đó, theo dự báo của IMF, thay vì liên tục tăng đại nhảy vọt trong 5 năm qua, giá cả hàng hóa thế giới năm 2009 sẽ rơi tự do 21,38%. Việc thương mại thế giới ảm đạm, giá cả hàng hoá tụt dốc như vậy chính là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay: tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 ước tính chỉ còn 3,7%, giảm rất mạnh so với 4,9-5,3% trong 4 năm trước đó và dự báo năm 2009 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 2,2%. Trong đó, điều đặc biệt là ở chỗ, tuy năm 2008 chính là năm "giao mùa" giữa hai cơn sốt nóng và lạnh, nhưng cả tốc độ nóng lẫn tốc độ lạnh đều rất cao. Đó là, nếu như giá nguyên liệu thế giới hầu như liên tục tăng trong cả năm 2007, nhưng cuối năm so với đầu năm cũng chỉ tăng 38,71%, trong khi 7 tháng đầu năm 2008 là thời gian liên tục tăng còn mạnh hơn với 39,85%, còn từ tháng 8 trở đi thì tốc độ rơi tự do còn mạnh hơn nữa: tháng 8 giảm 10,87%; tháng 9 giảm 9,99%; tháng 10 rơi tự do 21,23%; tháng 11 tiếp tục rơi tự do 16,76%, cho nên từ thời điểm này trở đi bắt buộc hầu như tất cả ngành sản xuất đều phải nhập "cuộc đua" giảm giá sản phẩm theo giá nguyên liệu thế giới.
Điều này có nghĩa là, nếu từ tháng 7/2008 trở về trước, càng "ôm" nhiều nguyên liệu càng thắng to, thì từ tháng 8/2008 trở về sau đã ngược trở lại, dự trữ càng mỏng, nguy cơ thua lỗ càng giảm. Điều đó có nghĩa, thay vì quy mô "nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới" và "nhập khẩu lạm phát" ngày càng gia tăng mạnh trong suốt 5 năm qua, "nhập khẩu sốt lạnh giá cả thế giới" vào thị trường trong nước của nước ta trong năm 2009 cũng lớn gấp bội. Điều đó cũng có nghĩa là, thay vì bị lạm phát do chi phí đẩy ngày càng mạnh trong gần 5 năm qua, thị trường trong nước năm 2009 sẽ bị chi phối rất mạnh bởi sốt lạnh giá cả thế giới.
Thứ hai, bên cạnh tác động rất mạnh của thị trường và giá cả thế giới như vậy, thay vì liên tục tăng tốc trong 8 năm trước đó, sức mua xã hội năm 2009 bước vào năm thứ hai liên tục suy giảm sẽ là nguyên nhân trong nước quan trọng bậc nhất cùng kéo giá cả tụt dốc.
Sở dĩ như vậy chính là bởi lẽ, với đà tăng trưởng kinh tế hầu như liên tục năm sau cao hơn năm trước rất ngoạn mục từ năm 2000 đến năm 2007, tốc độ tăng trưởng năm 2008 dù vẫn được coi là thành công lớn, nhưng vẫn là lần đầu tiên "tụt dốc" rất mạnh, còn năm 2009, cho dù thực hiện được mục tiêu tăng 6,5% như dự kiến đã có thể coi là thành công lớn, nhưng sẽ là năm thứ hai giảm tốc. Điều đó đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư trong xã hội sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu đi và cũng đồng nghĩa với sức mua của thị trường sẽ diễn ra theo chiều hướng tương tự.
- Thứ ba, nếu như thu nhập giảm sút là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sức mua của những bộ phận dân cư "yếu thế" rất đông đảo trong xã hội, thì xu thế tụt dốc của giá cả lại là nguyên nhân chủ yếu khiến "căn bệnh lười chi tiêu" của phần lớn trong bộ phận dân cư còn lại sẽ trở nên trầm trọng hơn. Sở dĩ như vậy chính là bởi lẽ, một phần do tốc độ tăng thu nhập chậm lại khiến tâm lý "thắt lưng buộc bụng" ở bộ phận dân cư có thu nhập trung bình và khá mạnh thêm, phần khác thì do giá cả hàng hóa liên tục tụt dốc, cho nên tâm lý tạm dừng chi tiêu, chờ cho giá cả hàng hóa "chạm đáy" cũng mạnh thêm.
Việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta đột ngột rơi tự do từ 20,40% năm 1996 xuống chỉ còn 10,99% vào thời điểm nền kinh tế nước ta bắt đầu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997 đủ cho thấy tác động "cộng hưởng" của những tác nhân này. Nói cách khác, trái ngược với xu thế ngày càng mạnh trong những năm trước đây, lạm phát do cầu kéo của cả thị trường trong nước lẫn thông qua xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Thứ tư, sức mua của thị trường trong nước năm 2009 còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những "di chứng" của lạm phát quá cao trong thời gian rất dài vừa qua. Sở dĩ như vậy chính là bởi lẽ, do thủ phạm chính gây ra lạm phát như vậy là giá của những mặt hàng thiết yếu đều tăng quá mạnh, cho nên sức mua của các tầng lớp dân cư càng nghèo càng bị suy kiệt và trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, chính những bộ phận dân cư "yếu thế" này trong xã hội lại là những bộ phận dân cư phải đối mặt nhiều nhất với tình trạng công ăn việc làm khó khăn, tốc độ tăng thu nhập tiếp tục tăng chậm lại, thậm chí giảm, cho nên sức mua càng yếu.
Việc tốc độ tăng trên danh nghĩa của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 luôn cao ngất ngưởng ở ngưỡng 30%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì đã từ 11-15% những tháng đầu năm "co lại" chỉ còn trên dưới 6% trong những tháng cuối năm đủ cho thấy triển vọng ảm đạm đó của thị trường trong nước.
Do vậy, suy thoái kinh tế thế giới "cộng hưởng" với những tác nhân bên trong sẽ khiến cho thương mại trong nước giảm mạnh và xu thế tụt dốc của giá cả trong nước sẽ là xu thế chủ đạo của 2009.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com