Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Nhân dịp đầu năm 2009, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá đã dành cho VOVNews cuộc trò chuyện cởi mở về tình hình kinh tế đất nước, những khó khăn, thách thức chúng ta phải vượt qua trong năm nay…
PV: Gần như đã trở thành một chu kỳ, năm 1997 nền kinh tế Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy những khó khăn của nền kinh tế hôm nay có điểm gì tương đồng với thời kỳ 1997, thưa ông?
Ông Trần Xuân Giá: Câu chuyện kinh tế hiện nay khá giống các năm 97-98-99 của thập kỷ trước. Cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra năm 1997, cuối năm đó, Quốc hội nước ta thông qua kế hoạch năm 1998 là tăng trưởng kinh tế khoảng 9%. Tháng 3/98, thấy tình hình không ổn Chính phủ trình và được Quốc hội tại kỳ họp giữa năm quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5-6%. Và thực tế đạt 5,8%.
Thời điểm đấy, cũng có nhận định, năm 1999 sẽ khó khăn hơn năm 1998. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1999, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5-6% và thực tế năm đó chỉ đạt 4,8%.
Một điểm cần chú ý là cân đối vĩ mô của nước ta trước đây khá hơn hiện nay, lạm phát năm 1998 chỉ là 9,2%, còn năm 2008 có thể đến 20%.
Nếu ví cuộc khủng hoảng tài chính như cơn bão thì kinh nghiệm của 10 năm trước cho hay cơn bão này đổ bộ vào nước ta chậm, nhưng ở lại lâu và sẽ tàn phá nặng nề. Do đó, cần có hành động ngay để ngăn chặn bớt sự tàn phá của cơn bão tài chính đang diễn ra, giảm thiểu tác động xấu của nó.
Một điểm nữa cần lưu ý là quy mô của cuộc khủng hoảng năm 1997 chỉ ở khu vực và Việt Nam chưa hội nhập quốc tế sâu rộng như bây giờ.
Cũng phải nghiêm túc nhìn lại rằng, nếu không có khủng hoảng tài chính khu vực năm 97 thì lúc đó kinh tế nước ta cũng đã bắt đầu có những khó khăn. Năm 2007, khi chưa xảy ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ thì kinh tế Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát cũng đã lên 2 con số. Chúng ta có câu chuyện của ta chứ không phải đổ cho khách quan, đó là yếu kém của nội tại nền kinh tế.
PV: Nhiều người đưa ra nhận xét rằng cơ cấu kinh tế của nước ta còn nhiều vấn đề. Theo ông, nhận định này có đúng hay không và điểm cần khắc phục là gì?
Ông Trần Xuân Giá: Điều này hoàn toàn đúng. Ở nước ta, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn, yếu tố vốn chiếm đến khoảng 60%. Chính vì vậy, có thể khẳng định, không có đầu tư là không có tăng trưởng kinh tế và kích cầu thực chất là tăng vốn đầu tư.
Mặc dù biết rằng chỉ chạy theo vốn như thế này là không cơ bản và rất có giới hạn, không thể đi mãi bằng con đường này, nhưng trước mắt, khi chưa “đi” được bằng con đường khoa học công nghệ, bằng năng suất cao thì buộc lòng phải sống bằng con đường này.
Nói như vậy để thấy rõ chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ việc thay đổi cơ cấu đầu tư nhằm nhanh chóng cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian ngắn nhất phải tạo cho các yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, công nghệ - tức là các yếu tố tăng chất lượng của tăng trưởng kinh tế phải vượt trội. Làm được như vậy thì may ra từ sau năm 2010 mới có thể dần từng bước có tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững như mong muốn.
PV: Nhiều người cho rằng, chính sách tiền tệ của chúng ta chưa thực sự linh hoạt nên đã dẫn tới tình hình lạm phát hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Xuân Giá: Lạm phát không chỉ nổ ra một ngày, không phải chỉ có nguyên nhân từ tiền tệ mà còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác. Chẳng hạn, nhập siêu nhiều cũng có thể có nguyên nhân từ tiền tệ, nhưng nguyên nhân quan trọng, sâu xa hơn là ở chỗ khác, trước hết là ở cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất. Trong khi chúng ta nhập về những loại hàng hoá có giá trị cao mà xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công và tài nguyên, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Cơ cấu này không cải thiện sẽ gây ra lạm phát. Ví như chúng ta nhập khẩu lạm phát.
Muốn chống lạm phát chúng ta phải bắt đầu từ những giải pháp rất cơ bản và ngay từ bây giờ. Giải pháp cơ bản sẽ phát huy tác dụng chậm nhưng ổn định lâu dài. Yếu tố giá cả thông qua thước đo tiền tệ chỉ là cái bóng phản ánh giá trị hàng hóa mà thôi. Do đó, nó chỉ có tác dụng ngắn, nhanh và kết thúc nhanh. Tôi xin nhắc lại rằng, chúng ta không phủ nhận vai trò của các giải pháp liên quan đến tiền tệ, nhưng không phải chính sách tiền tệ là quyết định tất cả.
PV: Thưa ông, hàng loạt các giải pháp kích cầu (1 tỷ USD), hỗ trợ nền kinh tế (6 tỷ USD) mà chúng ta đã và đang đẩy nhanh thực hiện, có phải là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế?
Ông Trần Xuân Giá: Giải pháp kích thích kinh tế không phải chỉ có được mà không mất và bất kỳ giải pháp kinh tế nào cũng vậy. Những giải pháp này chắc chắn không phải chỉ đem lại hiệu quả mà sẽ có những hậu quả. Như khi uống thuốc kháng sinh thì chữa được bệnh nhưng lại có những tác dụng phụ. Đây chính là cái chúng ta phải “đánh đổi”. Thông minh, khôn ngoan thì được nhiều, mất ít.
Bản thân kích cầu cũng cũng có thể làm cho một loạt doanh nghiệp phá sản, nếu không vươn lên được. Muốn chống lạm phát thì phải rút tiền về nhanh và ồ ạt. Điều đó lại gây ra không ít khó khăn. Dung lượng thị trường hàng hóa luôn có giới hạn. Kích cầu cũng có giới hạn, nâng doanh nghiệp này lên thì doanh nghiệp khác sẽ khó khăn, vượt ngưỡng nào đó thì doanh nghiệp có thể “chết”. Thế nhưng chúng ta cũng cần coi đây là cơ hội để sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp.
Chúng ta phải biết lựa chọn giải pháp nào ít phải trả giá nhất.
PV: Dường như trong hỗ trợ kinh tế chúng ta vẫn quá nặng về phần vốn liếng, tiền tệ mà chưa quan tâm đến các giải pháp không cần vốn khác. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Trần Xuân Giá: Trong điều hành hiện nay, nhiều hoạt động của chúng ta vẫn hướng đến việc cho người ta con cá hơn là cho người ta cần câu. Thực tế cho con cá vừa được “tiếng” vừa được “miếng”. Còn để cho cần câu, thì việc kiếm cần câu cực khó mà lợi ích mang lại cho người “làm cần câu” lại ít. Chính sách của Nhà nước hiện nay chưa tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp để tạo cần câu, tâm huyết, sống chết với chính sách. Do đó, người tạo cần câu ngày càng ít dần và trình độ cũng ít được cải thiện. Nhìn vào bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng có thể nhận ra sự mất cân đối đó. Số người muốn xin vào làm việc tại những đơn vị xây dựng chính sách cũng thưa thớt dần. Điều này xuất phát từ một so sánh rất đơn giản: một người ngồi bàn giấy làm chính sách ra trường được 5 năm hưởng lương 1,3 – 1,4 triệu đồng, trong khi công việc lại khó mà có mấy ai biết đến. Còn làm dự án, quản lý dự án vừa được “hoạnh hoẹ” người khác lại vừa được “bồi dưỡng”.
ông Trần Xuân Giá - |
PV: Thời gian qua có nhiều ý kiến phàn nàn về hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Vậy theo ông, đây có phải là thời điểm để chúng ta sắp xếp lại và cắt bỏ đầu tư cho các doanh nghiệp này?
Ông Trần Xuân Giá: Một trong những thành công quan trọng của chống lạm phát phi mã giai đoạn 1989-1992 là sắp xếp lại sản xuất của hệ thống DNNN. Lúc bấy giờ, để chống lạm phát phi mã chúng ta thực hiện nghiêm ngặt chủ trương “Ngân hàng vay lấy mà cho vay”, “Ngân sách thu lấy mà chi”, tức Nhà nước không còn dùng máy in tiền để bù đắp thiếu hụt của hai hệ thống này nữa. Theo cách đó các DNNN tự đi vay để đầu tư chứ không bao cấp như trước. Và từ đấy vốn Nhà nước cấp hẹp dần (kể cả vốn lưu động lẫn vốn đầu tư cơ bản). Đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần sắp xếp hệ thống DNNN từ trên 13.000 doanh nghiệp xuống còn khoảng 6.000 sau vài ba năm.
Nhưng chúng ta đừng cực đoan đến mức xoá bỏ DNNN. Cả các nước như Anh, Pháp mới đây thôi, tỷ trọng các DNNN vẫn chiếm đa số sau đó mới đến DNTN. Vấn đề đặt ra là thu hẹp dần đến mức độ nào, tiến trình thu hẹp, lộ trình thu hẹp… ra sao. Vì có vô số lĩnh vực tư nhân không thể và chưa thể làm được do đầu tư dài, thu hồi vốn chậm, lãi suất thấp nhưng xã hội thì cực cần. Những công trình ấy dù lỗ Nhà nước cũng phải làm để phát triển đất nước.
Nhưng nếu DNNN cứ “ôm” lấy để làm mãi mãi thì lại là sai lầm. Nhà nước sẽ lui dần tuỳ thuộc mức độ lớn lên của các DNTN. Ta chỉ phê phán là lúc nó đã đáng thay thế rồi mà vẫn cứ khư khư ôm lấy, giành lấy để làm mà làm kém hiệu quả.
Tôi cho rằng chúng ta phát triển tập đoàn kinh tế có phần ồ ạt, thí điểm chưa được tổng kết đến nơi đến chốn, cung cách và phương pháp luận làm tổng kết có mặt chưa ổn. Tôi lấy ví dụ nhỏ, một nhóm DNNN nào đó trước khi sắp xếp tạo ra từng này hiệu quả, một năm sau khi sắp xếp làm ra hiệu quả cao hơn ít nhiều gì đó thì đã kết luận ngay về hiệu quả của tổ chức lại DNNN, kể cả theo hướng thành lập các tập đoàn KT. Nhưng chúng ta không làm thử, với lợi thế từ vốn liếng, thương hiệu, với tất cả những ưu ái của Nhà nước của nhóm DNNN nói trên mà chuyển cho tư nhân làm thì kết quả có khi cao hơn nhiều so với DNNN đạt được sau khi sắp xếp. Nếu làm tổng kết theo cách này chắc chắn chúng ta sẽ có kết luận khác về cách sắp xếp DNNN.
Đến giờ phút này có vô số lĩnh vực, ngành, dự án , công trình có thể chuyển cho tư nhân làm mà không cần câu nệ Nhà nước hay ngoài Nhà nước. Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước của chúng ta đã khá lớn mạnh. Đó là lực lượng đáng tin cậy để xây dựng đất nước.
PV: Sau hàng loạt phân tích ở trên, theo ông, mức tăng trưởng đặt ra cho năm 2009 của Việt Nam liệu có phù hợp?
Ông Trần Xuân Giá: Theo tôi, tăng trưởng kinh tế 6,5% đề ra cho năm 2009 cũng là con số khá cao, đạt được nó là không đơn giản. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, tăng trưởng kinh tế cao là nguyện vọng cháy bỏng của mỗi người dân, là con đường sống của cả dân tộc. Song tăng trưởng nhanh phải đi đôi với bền vững, tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển văn hóa, thực hành dân chủ, phát triển con người; phát triển kinh tế của thời kỳ này phải tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của giai đoạn tiếp theo.
Nói như vậy để thấy tăng trưởng 6,5% cho năm 2009 là con số không thấp, không đơn giản nếu gắn được các yêu cầu của sự phát triển nêu trên đây.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo báo điện tử điện tử Đài tiếng nói Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com