Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, năm 2009 phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu đạt 13%, tương đương với kim ngạch xuất khẩu khoảng 72 tỷ USD.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu ổn định trở lại. Chiều hướng này đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam và sẽ còn ”mạnh hơn so với dự báo trước đây.”
Đặc biệt, xuất khẩu sẽ là lĩnh vực chịu tác động trực diện khi nền kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp, nhiều quốc gia có xu hướng tăng bảo hộ kinh tế trong nước nên sẽ hạn chế nhập khẩu.
Bởi vậy, Bộ Công Thương vẫn đang phải hết sức nỗ lực thực hiện những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hỗ trợ ngành hàng có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.
63 tỷ USD và "con đường" xuất khẩu gập ghềnh
Nếu như quý I/2008, xuất khẩu chỉ tăng 24% trong khi nhập khẩu tăng tới 71%, quý II/2008, xuất khẩu tăng gần 36%, nhập khẩu tăng 61,7% thì đến hết tháng 11/2008, khoảng cách về tốc độ tăng giữa xuất khẩu và nhập khẩu được thu hẹp hơn nhiều và khá thuận lợi trong điều kiện hiện nay (11 tháng xuất khẩu tăng 34%, nhập khẩu tăng 38,4%). Tuy nhiên, xuất khẩu trong những tháng cuối năm đã có dấu hiệu sụt giảm.
Theo Bộ Công Thương, chưa có năm nào kế hoạch xuất nhập khẩu lại liên tục điều chỉnh như năm nay và "con đường" tiến tới mục tiêu lại gặp nhiều gập ghềnh và bất ngờ đến thế. Kế hoạch xuất khẩu 59,25 tỷ USD hàng hóa được đề ra từ cuối năm 2007 có nguy cơ không thành hiện thực khi liên tục trong 4 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó và tăng trưởng chậm chạp, không tháng nào xuất khẩu đạt nổi mức bình quân 5 tỷ USD/tháng.
Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 5, trên thị trường, giá một loạt các loại nhiên liệu và thực phẩm như dầu thô, than đá, cao su, gạo, cà phê... đột ngột tăng mạnh và "sốt" nóng đến tận tháng 7. "Cánh diều" xuất khẩu gặp gió bay cao khi kim ngạch xuất khẩu tăng dần từng tháng và lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD/tháng.
Với điểm tựa này, kế hoạch xuất khẩu đã được Chính phủ điều chỉnh lên mức tăng 25% so với mức thực hiện của năm trước (đạt khoảng 62 tỷ USD). Tuy nhiên, thời điểm đó ngành công thương nhận định, cơn sốt giá sẽ còn kéo dài và gặp thuận lợi ở nhiều thị trường cùng với sự nỗ lực của ngành nên kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 64 tỷ USD.
Ngoài 10 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã được thực hiện từ năm 2007 trở về trước là dầu thô, than đá, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, cao su, trong năm 2008 xuất hiện thêm 1 mặt hàng có khả năng đạt trên 1 tỷ USD là dây và cáp điện. |
Nhưng một lần nữa thị trường lại xoay chiều, khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan ra toàn thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát và nhập siêu, biến động tỷ giá trở thành những gánh nặng "đè vai" xuất khẩu. Giá các mặt hàng xuất khẩu giảm dần, giá gạo tháng 11 chỉ còn chưa đầy 1/3 so với mức giá đầu tháng 7, giá dầu thô cũng chỉ còn trên 1/3.
Dù trong tháng 11, lượng dầu thô xuất khẩu tăng 6,2% so với tháng trước nhưng kim ngạch chỉ đạt 505 triệu USD, giảm 24,5% do giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Chính sự giảm giá của mặt hàng này là nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu của Việt Nam giảm liên tục trong 3 tháng qua. Không những thế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng giảm xuống còn 460 triệu USD trong tháng 11 so với 474 triệu USD trong tháng 10, xuất khẩu gạo chỉ còn 130 triệu USD so với 144 triệu USD và than đá 100 triệu USD so với mức 118 triệu USD.
Tuy nhiên Bộ Công Thương vẫn nhận định, với kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt gần 5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 vẫn đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007, cao hơn mức tăng 27,5% của kim ngạch nhập khẩu. Nỗi lo thâm hụt cán cân thương mại đã vơi bớt khi con số nhập siêu cả năm chỉ ở mức 17 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2008. Đây là năm đầu tiên Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng cho rằng không nên chủ quan với tình hình đạt được bởi thị trường đang xuất hiện nhiều yếu tố làm gia tăng nhập khẩu trong thời gian tới, kéo theo mức tăng nhập siêu.
Năm 2009 ẩn chứa nhiều bất ngờ
Theo Bộ Công Thương, sức ép từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lên xuất khẩu trong năm 2008 không mạnh như năm 2009, khi cuộc khủng hoảng này đang lan rộng ra toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng của thế giới bị thu hẹp lại đồng nghĩa với sức ép cạnh tranh ngày càng trở nên căng thẳng. Do đó, năm 2009, Bộ Công Thương dự kiến mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 18% so với năm 2008. Trong khi dự kiến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 là 33% so với năm 2007.
Tuy nhiên, cũng như năm 2008, năm mới 2009 cũng đang ẩn chứa nhiều bất ngờ khi liên tục từ giữa tháng 11 đến nay, nhiều thông tin tốt mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ngân hàng Eximbank đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 7,5% đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng nghĩa với "tảng băng" tín dụng đã "dần tan".
Việc ngân hàng tiếp tục cho vay ưu đãi khi thu mua lúa gạo xuất khẩu, Bộ Thương mại Mỹ đã thừa nhận Việt Nam không bán phá giá hàng dệt may và các doanh nghiệp Trung Đông đến Việt Nam mua nông sản cũng chính là những "chìa khóa" để xuất khẩu lại có những lối rẽ bất ngờ đầy hiệu quả
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công Thương, mức tiêu dùng của Mỹ đang xuống rất thấp do người Mỹ tính toán kỹ hơn trước khi quyết định mua một mặt hàng nào đó.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp, Phạm Xuân Yên cũng dự báo mặt hàng giày dép của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi vào thị trường này. Sức mua của thị trường Pháp trong năm 2008 chỉ tăng 0,7% thay vì 3,3% như năm 2007. Ngoài bất lợi do xu hướng chung, giày dép của Việt Nam còn gặp bất lợi do Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá và không cho hưởng GSP từ năm 2009. Với những điểm bất lợi như trên, ước tính kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường Pháp trong năm nay chỉ đạt khoảng 370-395 triệu euro, giảm 7-8% so với năm 2007.
Ông Trần Trung Thực, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU thì cảnh báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Bỉ đang giảm rất mạnh. Đặc biệt có những mặt hàng giảm tới 50% như va li, túi xách, túi kéo… Theo ông Thực, trong năm 2009, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU qua Bỉ sẽ giảm khoảng 15-40% so với năm 2008, tùy thuộc vào mức độ khủng hoảng trong thời gian tới.
Tại các doanh nghiệp, khó khăn xuất khẩu trong năm tới càng trở nên rõ ràng khi đơn hàng liên tục sụt giảm. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vũ Đức Giang cho biết ngành dệt may đang thiếu đơn hàng do các nhà nhập khẩu nước ngoài đã cắt giảm tới 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ cắt giảm về số lượng, các đơn hàng ký từ tháng 11 và 12/2008 trở đi cũng phải giảm giá 5-10% so với trước.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng chủ động đề nghị thương thảo hợp đồng từng quý, thay vì lúc trước có thể xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch đặt hàng xuyên suốt cả năm. Ngành thủy sản tuy không bị cắt đơn hàng như dệt may nhưng lại bị khách hàng “nợ” tới 30 - 40% tiền hàng.
Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Lường trước những khó khăn tác động đến xuất khẩu trong năm 2009, đồng thời nhằm đạt mục tiêu kim ngạch đạt xuất khẩu 72 tỷ USD, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu bao gồm: Triển khai các biện pháp hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến thị trường.
Bộ cũng đề nghị xem xét tạm thời không áp dụng thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu với các mặt hàng nhựa, nguyên liệu thủy sản, điều nguyên liệu, xơ sợi… tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, tôm nguyên liệu, điều nguyên liệu, sơ sợi thực hiện thuế nhập khẩu bằng 0%, miễn thu thuế tiết kiệm vải 3%... Trước mắt, xem xét lùi thời hạn thu thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu được sản xuất từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu và tiến tới loại bỏ thuế xuất khẩu này.
Tăng cường công cụ Ngân hàng Phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng bổ sung nguồn vốn và đơn giản hóa thủ tục cho vay, cụ thể bổ sung hình thức cho vay tín chấp, thế chấp bằng hàng hóa của doanh nghiệp. Những mặt hàng như gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, xe đạp và phụ tùng, cao su, nhóm hàng cơ khí, sắt thép, các sản phẩm từ gang thép, vật liệu xây dựng và túi xách- valy- ô dù sẽ được xem xét tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu. Các mặt hàng như gạo, nông sản… được bảo lãnh tín dụng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị các hình thức hỗ trợ xuất khẩu qua việc nghiên cứu các hình thức hỗ trợ nông dân phù hợp cam kết WTO về hỗ trợ nông nghiệp; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các mặt hàng và hợp đồng xuất khẩu, quan tâm đến các thị trường lớn, truyền thống như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh ở cả cấp Chính phủ và doanh nghiệp.
Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng khuyến cáo các doanh nghiệp rà soát các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nhất là các hợp đồng dài hạn, hợp đồng có kỳ hạn. Các doanh nghiệp đặc biệt chú ý đến khả năng thanh toán của đối tác, phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý và khả năng thanh toán của đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro.
… và nhập khẩu không tăng đột biến
Có những lý do khiến nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng như năm 2008, đó là, các biện pháp của Chính phủ đã ban hành nhằm kiềm chế lạm phát, thực hiện tiết kiệm trong chi phí công, cắt giảm đầu tư các công trình không hiệu quả hoặc chưa cần thiết; hạn chế nhập khẩu thông qua việc tăng thuế suất nhập khẩu, nộp thuế trước khi thông quan, quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động. Hơn nữa, giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào đã giảm mạnh đến 30-50% so với năm 2008 như sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu… sẽ làm cho giá trị hàng nhập khẩu giảm mặc dù lượng có thể tăng nhẹ.
Hơn nữa, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động nên lượng xăng dầu nhập khẩu trong 2009 sẽ giảm. Dự tính, lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2009 khoảng 11 triệu tấn với kim ngạch khoảng 6 tỷ USD. Đồng thời khó khăn về thị trường xuất khẩu cũng làm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu sẽ giảm sút…
Để hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp triển khai trong năm 2009, đó là, quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát hàng tiêu dùng; công bố danh mục hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan; tăng cường kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để nâng cao chất lượng nhập khẩu; phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy sớm ký kết các hiệp định song phương và đa phương thiết lập các khu vực mậu dịch tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại./.
(Theo báo điện tử điện tử Đài tiếng nói Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com