Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế

Ðể đưa Kon Tum thoát nghèo, trong những năm qua,  tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương giải pháp sát hợp tình hình thực tế. Trong đó, Ðề án đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020, được coi là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở khu công nghiệp Hoà Bình (Kon Tum)

Sau ba năm đầu tư và phát triển các vùng kinh tế động lực, tỉnh đã huy động gần 1.000 tỷ đồng làm quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng của ba vùng kinh tế  trong đó thành phố Kon Tum hơn 431 tỷ đồng, huyện Ngọc Hồi 186 tỷ đồng, huyện Kon Plông 342 tỷ đồng. Cùng với các công trình trung ương đầu tư đã làm cho diện mạo Kon Tum có nhiều khởi sắc. Từ một tỉnh được coi là "ngõ cụt", Kon Tum đã có vị trí quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; có Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, các quốc lộ 40, 24, 14 qua tỉnh, nối Khu kinh tế này đối với đô thị tỉnh lỵ và Khu kinh tế Dung Quất, cùng các cảng ở miền trung và các tỉnh khác. Từ đó tạo điều kiện để Kon Tum trở thành điểm khởi đầu hội nhập, một địa điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và thương mại quốc tế nối từ  Mi-an-ma - đông bắc Thái-lan - nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền trung và Ðông Nam Bộ. Ðây là một trong các tuyến hành lang kinh tế và thương mại đông - tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu Bờ Y, tạo tiền đề đến đầu năm 2009, thị xã Kon Tum được công nhận là đô thị loại ba, góp phần để thành phố phát triển nhanh các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, y tế, giáo dục. Thành phố Kon Tum  đã có bước tiến nhanh về thu hút đầu tư. Ðến cuối năm 2009, khu công nghiệp Hòa Bình đã được lấp đầy với 24 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 488 tỷ đồng. Hiện đã có 18 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm sản; sản xuất hàng tiêu dùng; in ấn bao bì; công nghiệp vật liệu xây dựng; may xuất khẩu và cơ khí điện tử. Trong giai đoạn hai, khu công nghiệp này sẽ được mở rộng lên quy mô 100 ha, hoàn thành trong năm 2011. Song song với phát triển các khu công nghiệp, ở thành phố Kon Tum đã hình thành một số vùng chuyên canh như vùng chuyên canh lúa nước, cao-su, mía, cà-phê, rau sạch tại các xã, phường, bảo đảm nguyên liệu cho chế biến. Tiêu biểu như vùng chuyên canh lúa nước 2.000 ha tập trung tại các xã Ðoàn Kết, Hòa Bình, Ia Chim, Ðắc Cấm, Ðắc Blà; vùng chuyên canh cây sắn khoảng 4.500 ha tập trung ở các xã Ia Chim, Hòa Bình, Ngọc Bay, Chư Hreng, Kroong, Vinh Quang, Ðắc Cấm, Ðắc Rơ Wa; vùng chuyên canh rau an toàn, vùng chuyên canh cây mía tập trung tại các phường Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Ðoàn Kết, Chư Hreng.

Nằm trên ngã ba biên giới, trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (KKTCKQTBY) được xác định là khu kinh tế (KKT) động lực trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam, được Chính phủ dành những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt.

Từ năm 1999 đến nay, Nhà nước đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo vóc dáng cho Bờ Y... Nhiều tuyến đường giao thông trong KKT, trạm kiểm soát liên hợp, khu thương mại cửa khẩu, hệ thống nước sạch, nhiều phân khu chức năng được đầu tư xây dựng... tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Từ một vùng đất hoang hóa, núi đồi trập trùng, dày đặc những vết tích chiến tranh, sau một thời gian đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay Bờ Y đã có diện mạo của một khu kinh tế mang tầm vóc quốc tế.

Theo Ban quản lý KKTCK QTBY thông qua chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đến nay đã có 33 dự án đầu tư vào KKT, với số vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó có bảy dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư 126 tỷ đồng, và tám dự án đang thực hiện. Năm 2010, cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, phấn đấu đưa khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh đạt một triệu tấn/năm với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt khoảng 220 triệu USD (trong đó xuất khẩu khoảng 120 triệu USD và nhập khẩu đạt 100 triệu USD).

Khu kinh tế động lực Măng Ðen được hình thành trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng đất nằm ở độ cao trung bình 1.200 m so với mực nước biển, cách thành phố Kon Tum 50 km, được ví như một Ðà Lạt thứ hai. Ở đây có rừng nguyên sinh bao bọc, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Ðắc Ke, Pa Sỉ, Lô Ba, hồ Toong Ðam, Toong Zơ ri, Toong Pô nằm trong những tán rừng già với bạt ngàn thông và rừng nguyên sinh... Ðây là điều kiện lý tưởng để phát triển thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Hiện nay, khu du lịch sinh thái Măng Ðen đang được Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015. Ðến năm 2009, đã có 46 dự án đăng ký đầu tư vào Kon Plông, trong đó có bảy dự án du lịch; năm dự án trồng rau, hoa xứ lạnh; 19 dự án thủy điện; một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác và phân vi sinh; một dự án xây dựng khu thực nghiệm sinh học..., với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Hàng trăm ngôi biệt thự đã được xây dựng giữa rừng thông; dự án nuôi cá tầm, cá hồi, dự án nuôi thú  và săn bắt thú... đã được triển khai thực hiện. Các dự án thủy điện như Ðắc Pô Ne, Ngọc Tem, Thượng Kon Tum, Ðắc Re... đang được triển khai thi công đúng tiến độ. Tiềm năng phát triển của Măng Ðen đang được đánh thức, diện tích được quy hoạch 115 nghìn  ha do Chính phủ phê duyệt, với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng  hơn 2.000 tỷ đồng, từ năm 2006 đến nay Kon Plông đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Qua  mười năm thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội (2001-2010), tỉnh Kon Tum  đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11%; giai đoạn 2006-2010, đạt 14,5%/năm. Trung bình từ năm 2006-2009 mỗi năm Kon Tum giảm được 4,33% hộ nghèo; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Hà Ban cho biết:  Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Kon Tum vẫn còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước và vùng Tây Nguyên. Ðây là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.

(Theo Dinh Sỹ Tạo // Nhandan Online)

  • Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Hà Nội cần thêm 500 ha đất xây dựng nhà cho công nhân đến năm 2020
  • Chiến lược việc làm 2011-2020: Cải thiện kết nối cung cầu
  • Bàn các giải pháp phát triển bền vững cây càphê
  • Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại
  • Liên kết để khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp
  • Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020 Định hướng tương lai
  • Triển khai Chương trình xử lý chất thải rắn từ 2011
  • Chiến lược và quy hoạch phát triển Hà Nội: Cần xác định điểm nhấn, động lực
  • Tìm mô hình tăng trưởng mới