Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020

Tác giả: -  GS.TS Nguyễn Văn Nam 
                -  PGS.TS Ngô Thắng Lợi
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Kể từ những ngày đầu manh nha thành lập cho đến nay, các vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay quy mô của các VKTTĐ đã mở rộng đên gấn 25% diện tích và chiếm khoảng 70% thu nhập kinh tế của cả nước. Sắp tới, trong định hướng phát triển, quy mô của VKTTĐ có thể còn được mở rộng hơn nữa về diện tích. Một vấn đề đặt ra là: quan điểm ngày càng mở rộng quy mô diện tích của các VKTTĐ của Việt Nam có hợp lý hay không? Làm thế nào để các VKTTĐ phải thực sự là động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước cả góc độ là những điểm cực tập trung kinh tế, lại có một thế đứng vững chắc trong tương lai và dòng lan tỏa ngày càng mạnh cho các vùng khác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

 Khu Công Nghiệp


Để giải đáp những câu hỏi này, điểm mấu chốt là cần phải tìm ra được những quan điểm mang tính chiến lược làm cơ sở cho quá trình định hướng và hoạch định chính sách nhằm thay đổi diện mạo, vị thế và tạo dựng những bước đột phá cho phát triển các VKTTĐ của Việt Nam trong thế kỷ 21. Đó là những ý tưởng chủ đạo của bài viết này.


I. NHỮNG CƠ SỞ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT QUAN ĐIỂM

1. Những bất cập về thực trạng phát triển các VKTTĐ tại điểm xuất phát của giai đoạn phát triển lan tỏa.

Có thể phân chia sự phát triển các VKTTĐ ở nước ta thành ba giai đoạn: giai đoạn hình thành (thời kỳ 1992-1999); giai đoạn phát triển mở rộng (2000 – 2005) và từ năm 2006 đến nay là giai đoạn phát triển lan tỏa. Giai đoạn phát triển lan tỏa của các VKTTĐ, gắn với sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (vào tháng 11/2006), sức thu hút đối với bên ngoài của nền kinh tê Việt Nam đã bắt đầu nổi mạnh, và đặc biệt, hướng vào các VKTTĐ, khu vực lãnh thổ có môi trường đầu tư thuận lợi hơn so các vùng khác. Về tính chất, sự phát triển của các VKTTĐ giai đoạn này từ đây có tính chất lan tỏa rõ hơn, trong đó các vùng động lực tạo đà (cơ hội) phát triển cho những khu vực phát triển mới. Khác với giai đoạn phát triển mở rộng (tính lan tỏa gắn với yêu cầu cải cách và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế một cách tương đối chủ quan), giai đoạn phát triển lan tỏa gắn với yêu cầu hội nhập và sự phát triển theo lãnh thổ một cách khách quan hơn. So với yêu cầu mới, thực trạng phát triển các VKTTĐ khi bước sang giai đoạn lan tỏa còn nhiều bất cập, có thể tóm tắt như sau:

(1)  Quy mô diện tích quá lớn và mức độ tập trung dân số còn thấp:

 


Qua biểu 1, phần diện tích tập trung ở VKTTĐVN chiếm 22,3% so với diện tích đất nước, trong đó VKTTĐBB chiếm 4,6%, VKTTĐMT là 8,4 còn lại VKTTĐPN chiếm 9,3%. Trong khi đó, quy mô diện tích của các vùng động lực của nhiều nước, ví dụ như: Cairo (Ai cập) chiếm 0,5% diện tích đất nước; Ba bang Miền Trung – Nam của Braxin chiếm 15% ; hay các nước như Gana, Ba Lan, Neu Dilân, với diện tích đất nước đều khoảng 250 000km2 nhưng khu vực kinh tế tập trung cao hay gọi là vùng động lực tăng trưởng, chỉ chiếm diện tích khoảng 5% diện tích đất nước v.v…Các con số so sánh này cho thấy, quy mô diện tích chiếm của ba VKTTĐ ở VN là khá cao so với các nước khác trên thế giới, sức chứa về dân số và khả năng kinh tế của các vùng này rất cao.

Trong khi đó, nếu mật độ dân số trung bình của cả nước là 256người/km2 thì mật độ dân số trung bình của VKTTĐ là 478 người/km2  (gần gấp hai lần so với mật độ dân số chung), mật độ dân số của Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước - hiện nay là 2409 người/km2. Còn ở Thái Lan, mật độ dân số trung bình chỉ là 123 người/km2 nhưng mật độ của vùng động lực tăng trưởng lên gấp 5 lần, tức là khoảng 600 người/km2; hay ở Indonexia, các con số tương tự là 289 và 12 500. Những số liệu so sánh trên đây cho thấy, diện tích của VKTTĐ Việt nam còn quá cao so với mật độ tập trung dân cư, hay nói cách khác, sức chứa dân cư vào VKTTĐVN còn khá lớn. 

(2) Mức độ tập trung kinh tế còn yếu và hiệu quả phát triển không cao:


Biểu 2 cho thấy, mặc dù mức độ tập trung kinh tế ở các VKTTĐVN đạt tới 72,3% GDP, xấp xỉ 90% thu ngân sách cả nước, nhưng với quy mô về diện tích và dân số lớn (như trên đã nói) thì việc chỉ đạt được các con số về tăng trưởng, tổng thu nhập của nền kinh tế như trên là còn quá khiêm tốn so với chức năng là vùng động lực tăng trưởng của cả nước. Tại các nước đang phát triển các vùng động lực tăng trưởng đóng góp vào việc làm gia tăng thu nhập của toàn nền kinh tế quốc gia rất lớn, vùng Mexico City góp tới 30% GDP của cả nước Mehico mặc dù chỉ chiếm 0,1% diện tích cả nước; Thành phố Luanda cũng đóng góp trên 30% GDP cả nước mặc dù chỉ chiếm 0,2% tổng diện tích. Với chỉ khoảng 5% diện tích đất nước, nhưng các vùng kinh tế động lực của các nước Gana, Ba Lan và Niu Dilan đã sản xuất từ 27% đến 39% GDP của cả quốc gia. Ở Brazil, các bang ở miền Trung – Nam như Minas Gerais, Rio de Janeiro và Sao Paulo chiếm tới 52% GDP nhưng chỉ chiếm khoảng 10% diện tích đất nước. 

Một chỉ tiêu mới hiện nay chúng ta thường dùng để xác định mật độ kinh tế cao hay thấp là mức GDP/km2. Các vùng động lực kinh tế ở ở các nước trên thế giới có mức độ tập trung rất cao: Nhật Bản, Mỹ, Anh v.v… đạt tới 30 triệu USD/1km2, một số thành phố lớn có thể lên tới 200 triệu USD. Trong khi đó, các VKTTĐ ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 6 triệu USD, KKTTĐ miền Trung, đạt khoảng 1,3 triêuUSD/km2, VKTTĐBB đạt 9,6 triệu USD/km2, VKTTĐPN đạt 10,6 triêuUSD/km2. Thu nhập bình quân đầu người ở các VKTTĐ mặc dù có tăng lên nhưng mới chỉ hơn mức chung của cả nước khoảng 1,75 lần. Cơ cấu ngành kinh tế chưa thực sự thể hiện sự phát triển cao hơn của VKTTĐ so với cả nước, thậm chí tỷ trọng dịch vụ còn có phần thấp hơn (38%) so với cả nước (38,1%).  

2. Những bài học quốc tế về phát triển kinh tế theo lãnh thổ và xu thế phổ biến hiện nay trên thế giới.

Lịch sử phát triển kinh tế của nhiều nước thành công trên thế giới cho thấy: Chính phủ không thể đồng thời vừa thúc đẩy sản xuất kinh tế vừa trải rộng chúng trên khắp đất nước một cách suôi sẻ. Hàng nhiều chục năm trào lưu “tăng trưởng cân đối theo không gian” trở thành phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, là mục tiêu của nhiều Chính phủ mang mầu sắc chính trị khác nhau như: cộng hòa Arập Aicập, Braxin, Nigieria, Nga, Nam Phi, v.v… Thậm chí, chính phủ nhiều nước phát triển đã từng có sự cam kết mạnh mẽ về sự phát triển cân đối theo không gian, kể cả Anh, Canada. Tuy vậy, kết quả mang lại là không có ý nghĩa. Trong quá trình phát triển, cũng có nhiều quốc gia đã đưa ra cơ chế khuyến khích để tạo sự tập trung kinh tế cho những vùng tụt hậu. Ý tưởng ở đây là để thu hút các doanh nghiệp, các vùng tụt hậu cần phải đến bù những điểm bất lợi như chi phí vận chuyển hay logistics cao hơn, cơ sở hạ tầng yếu kém hơn và mức độ cung cấp dịch vụ công kém hơn (rõ rệt nhất là các quốc gia châu Âu),đã sử dụng các chính sách công nghiệp để thu hút các công ty đến những vùng tụt hậu. Tuy nhiên, các cơ chế khuyến khích tài chính, mặc dù có hiệu quả về mặt chính trị, đã không chuyển đổi được số phận kinh tế của các vùng tụt hậu.

Ở Liên Xô cũ, theo quan điểm phát triển đồng đều rộng khắp quốc gia,Chính phủ đã ra sức giảm tỷ trọng kinh tế của các vùng công nghiệp cũ như Sanh Peterbua, vùng Trung tâm và Trung Uran từ 65% xuống còn 32%, cưỡng chế chuyển dịch sản xuất sang các vùng phía Đông từ 4% năm 1925 lên đến 28% vào cuối chế độ XHCN, mà sự tan rã của chế độ đó đã được đẩy nhanh hơn bởi sự phi hiệu quả theo vùng do những nỗ lực này gây ra. Ngay cả một số nước Đông Nam Á, như Indonexia cũng đã có một thời kỳ dài mà cao điểm là giai đoạn 1974-1984  thực hiện chính sách chuyển dân cư ra khỏi các vùng đông đúc để đến những vùng thưa dân với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển đồng đều, và giảm đói nghèo. Tuy vậy, các chương trình này cũng không thể điều chỉnh nổi dân cư ở những vùng đông dân và các chi phí cho thực hiện chương trình  khá tốn kém, và quan trọng hơn là kết cục không giảm đi được sự nghèo đói cho dân cư các vùng này.
 
Những thất bại trong thực hiện chính sách phát triển dàn đều kinh tế đã dẫn đến một xu hướng tập trung hóa về kinh tế trên thế giới nói chung và các nhóm nước ngày càng rõ nét và cao hơn. Cùng với sự phát triển, mức độ tập trung kinh tế ngày càng tăng lên. Ở khoảng ¼ các nước trên thế giới như Brazil, Na Uy, Nga, Thái Lan  - hơn ½ thu nhập quốc dân được tạo ra ở khu vực chiếm chưa đầy 5% diện tích đất đai của cả nước. ½ tổng các nước trên thế giới chẳng hạn như Argentina, Arâp Xê-út, v.v… ít nhất 1/3 thu nhập quốc dân được tạo ra ở những vùng chiếm chưa đầy 5% diện tích đất nước.

Trong quá trình thực hiện tập trung hóa kinh tế, mặc dù giai đoạn đầu có thể dẫn đến hiện tượng phân hóa mức sống theo khu vực giữa vùng phát triển và vùng tụt hậu, nhưng hiện nay, bằng chứng thực nghiệm của nhiều nước phát triển cũng như các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh cho thấy: việc tăng cường tập trung hóa sản xuất vẫn có thể đi cùng với thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các vùng địa lý. Cùng với sự phát triển, những khác biệt về phúc lợi giữa nông thôn – thành thị và trong chính thành thị được thu hẹp. Sự tập trung hoạt động kinh tế và sự đồng nhất mức sống có thể diễn ra song hành với nhau. Tập trung hóa kinh tế lại trở thành điều kiện để tạo sự phát triển toàn diện trên phạm vi lãnh thổ, như quan điểm của Ông Đặng Tiểu Bình(TQ): "Muốn để toàn bộ đất nước trở nên phồn thịnh thì nhất quyết một số vùng phải giàu lên trước những vùng khác".

II. QUAN ĐIỂM CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VKTTĐ Ở VIỆT NAM


Những phân tích trên đây gợi mở một số quan điểm chiến lược trong phát triển các VKTTĐ ở Việt nam thời gian đến năm 2020. Những quan điểm này bảo đảm quá trình phát triển bền vững các VKTTĐ ở Việt Nam, một mặt phù hợp với đặc điểm và thực trạng các vùng động lực tăng  trưởng ở nước ta hiện nay, nhưng mặt khác dứt khoát phải phù hợp với xu thế chung, trên cơ sở sự thành công trong việc tổ chức các vùng động lực kinh tế của các nước trên thế giới.

1. Chiến lược phát triển các VKTTĐ phải được coi là mắt xích quan trọng nhất nhằm tạo dựng động lực tăng trưởng nhanh trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập trong nước và quốc tế ngày càng phát triển.

Hai thập kỷ qua, chúng ta có bước tiến khá dài. Kinh tế liên tục tăng trưởng trong 27 năm. Riêng 22 năm đổi mới, tốc độ tăng bình quân 6,8%, thời kỳ 1991 đến nay đạt bình quân 7,5%. Tốc độ tăng trưởng nói trên thuộc nhóm đầu châu lục, chỉ sau Trung Quốc. Tuy tăng trưởng cao, tăng liên tục suốt thời gian dài nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ tiến từng bước chậm (hiện đứng thứ 7 khu vực, thứ 35 châu Á và 137 trên thế giới). Vì vậy, dù tăng trưởng cao và mục tiêu thoát nhóm những nước nghèo nhất thế giới sắp vượt qua nhưng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là nguy cơ lớn, không gì khác, buộc chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Những  phân tích về kinh nghiệm quốc tế cho thấy: tăng trưởng kinh tế nhanh hiếm khi cân đối. Các nỗ lực trải rộng sự tăng trưởng một cách vội vàng sẽ khó duy trì được lâu. Nhu cầu phải có các vùng động lực tăng trưởng nhanh ở các VKTTĐ hiện nay được hỗ trợ tích cực bởi khả năng hình thành nó trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập. Khi các đường biên giới kinh tế ngày càng “mỏng đi”, kèm theo các khía cạnh về đổi mới thể chế (như di cư tự do, xóa bỏ hành chính về quản lý nhân hộ khẩu theo kiểu hành chính trước kia), phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và các chính sách khuyến khích (trong đó có quan điểm khuyến khích ưu tiên đầu tư cho các “đại gia”), sẽ tạo những dòng chảy lớn về vốn, nguồn nhân lực cũng như các yếu tố khác hướng về các vùng động lực tăng trưởng, làm cho mật độ kinh tế các vùng này ngày càng đậm đặc hơn. Kết quả của sự tập trung kinh tế ở các VKTTĐ, các vùng động lực tăng trưởng sẽ là yếu tố quyết định để chúng ta có thể vượt qua cửa ải quan trọng là: thoát khỏi danh sách các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp một cách vững chắc.
   
2. Các VKTTĐ của Việt Nam phải thực sự  trở thành  khu vực phát triển động lực theo hướng  nâng cao đáng kể tính tập trung và mức độ đậm đặc về kinh tế trên mỗi vùng ( tính theo tiêu chí GDP/km2)
 
Hiện nay cấu trúc các VKTTĐ ở nước ta còn mang nặng tính chất hành chính. Mỗi vùng bao gồm một số tỉnh trọn vẹn nằm gần nhau. Điều này có một số điều bất cập:
  1. Do bị ảnh hưởng bởi địa giới hành chính, theo quan điểm hiệu quả và bền vững thì phạm vi các VKTTĐ của nước ta hiện quá rộng lớn so với các khu vực động lực tăng trưởng của nhiều nước trên thế giới;
  2. Thực chất nhiều địa phương trong một số tỉnh thuộc VKTTĐ có trình độ phát triển kinh tế rất thấp, lại không có các điều kiện hay dấu hiệu nổi trội để làm động lực tăng trưởng, làm cho sức hấp dẫn của các VKTTĐ đối với các nhà đầu tư bị hạn chế, khiến cho khả năng nổi trội và bật dậy của VKTTĐ kém đi rất nhiều;
  3. Việc gắn địa giới hành chính vào VKTTĐ gây ra những rào cản lớn về hành chính cho việc tiếp cận thị trường của các khu vực, ảnh hưởng đến việc phát huy tối đa khả năng của vùng động lực trên cơ sở hội nhập trong nước và quốc tế ngày càng rộng.
Vì vậy, để các VKTTĐ của Việt Nam thực sự trở thành động lực tăng trưởng và là trung tâm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, thì cần thiết phải có quan điểm đúng hơn về mặt địa giới các VKTTĐ ở Việt Nam. Cần lấy tiêu chí về mức độ tập trung, mật độ đậm đặc về kinh tế thay cho tiêu chí và xu hướng mở rộng quy mô diện tích của vùng khi đánh giá sự phát triển của các VKTTĐ. Tiêu chí để đo mật độ kinh tế được tính bằng giá giá ttrị gia tăng (GDP) được tạo nên trên một kilomét vuông đất (GDP/km2). Mật độ kinh tế cao đương nhiên đòi hỏi tập trung hóa cao về lao động, vốn, gắn liền với mật độ việc làm, mật độ dân cư cũng như mật độ các khu đô thị trên vùng. Theo quan điểm này, một số điểm cần được xem là những phát hiện mới cần nhấn mạnh trong tư duy và hành động hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển VKTTĐ ở VN trong thời gian tới:
  1. Chỉ nên bao hàm trong VKTTĐ những địa điểm thực sự có các dấu hiệu làm động lực tăng trưởng, coi đây là nguyên tắc hiệu quả trong quá trình quy hoạch phát triển các VKTTĐ ở VN đến 2020. Không nên gắn với địa giới hành chính trong vùng trọng điểm và không nên coi việc mở rộng địa giới hành chính hay quy mô địa lý là mục tiêu hay kết quả của quá trình phát triển các VKTTĐ.
  2. Chấp nhận xu hướng quá tải về dân cư, kinh tế, xã hội và hạ tầng kỹ thuật trên các VKTTĐ, nhất là các khu vực đô thị tập trung của các vùng. Vùng kinh tế trọng điểm phải chủ động đón nhận sự “quá tải” để thực hiện quy hoạch, tổ chức lại và đầu tư hiện đại hóa, bảo đảm xử lý tối ưu những phát sinh do sự quá tải gây ra.
  3. Không nên xem sự di cư nội bộ là một mối đe dọa cho sự không ổn định kinh tế, xã hội và sự quá tải cho các khu vực tăng trưởng cao. Điều quan trọng trong hoạch định chính sách là không nên tạo ra các rào cản sự di cư, cần có hệ thống thông tin kinh tế, thị trường để ngăn cản dòng di cư không hợp lý theo các khía cạnh kinh tế.

3. Các VKTTĐ nói chung, các khu vực tập trung kinh tế, khu đô thị trong vùng phải được tổ chức theo nguyên tắc hiệu quả, hiện đại và vững chắc, bảo đảm tính chất “ba cao, ba lớn”.

Quan điểm này dựa trên lập luận chủ yếu là VKTTĐ phải thực sự là “bộ mặt” của cả nước không chỉ về kinh tế mà cả trong tổ chức không gian đô thị. Để bảo đảm các VKTTĐ của Việt Nam thực sự trở thành vùng động lực tăng tưởng và có khả năng thích ứng với tính chất tập trung kinh tế xã hội cao, cần phải hình thành mạng lưới hạt nhân trong các vùng, đó là các đô thị, các khu vực kinh tế tập trung mang tính hiện đại, được xây dựng theo quan điểm“ ba cao – ba lớn”.  “ba cao”, đó là:  nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao, không gian cao. “Ba lớn” bao gồm: tổ chức lớn, sản xuất lớn và phải có những người bạn lớn. Cụ thể:
  1. Hình thành và mở rộng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô,  làm cho nó thực sự trở thành những “bệ phóng” tăng trưởng kinh tế cho vùng và cả nước.
  2. Hệ thống đô thị của VKTTĐ phải phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa và hiện đại để tận dụng tính kinh tế nhờ đô thị hóa.
  3. Tổ chức hoạt động kinh tế trong các khu đô thị phù hợp với điều kiện hình thành và phát triển của từng loại đô thị. Đối với các đô thị lớn: mô hình tổ chức thường mang tính có xu hướng đa dạng hóa cao và định hướng dịch vụ nhiều hơn; đây cũng là nơi sáng tạo, phát kiến, ươm trồng và nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới và loại dần các ngành đã trưởng thành. Các thành phố, đô thị có quy mô trung bình và nhỏ thường được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa sâu và sản xuất đại trà, quy mô lớn đối với các ngành, sản phẩm đã trưởng thành và phát triển trên cơ sở sử dụng tính kinh tế nhờ chuyên môn hóa sâu theo quy trình cung cấp và tiêu thụ sản phẩm lẫn cho nhau.
  4. Xây dựng đô thị với quan điểm hiện đại, bền vững về cấu trúc và cơ sở hạ tầng. Đối với các khu vực bắt đầu đô thị hóa, mục tiêu phải là hỗ trợ sự chuyển đổi tự nhiên giữa nông thôn và thành thị. Các khu đô thị hóa ở giai đoạn giữa, sự tăng trưởng mạnh mẽ ở đô thị gây ra sự tắc nghẽn ngày càng tăng, cần có chính sách tập trung giảm sự tắc nghẽn và khoảng cách kinh tế, sử dụng tính kinh tế nhờ mạng lưới, bao gồm đầu tư cao cơ sở hạ tầng để tăng cường tính liên kết bên trong khu đô thị và khuyến khích các quyết định lựa chọn địa bàn hoạt động có hiệu quả  về mặt xã hội của các đơn vị kinh tế. Đối với các khu vực đô thị hóa phát triển ở trình độ cao, điều quan trong là các chính sách cần tập trung vào phát triển hệ thống khu dân cư sinh sống hiện đại, bảo đảm tiêu chí đô thị phát triển theo chiều cao và chiều sâu, bảo đảm vấn đề môi trường và chất lượng cuộc sống.  

4. Các VKTTĐ phải có một thế đứng vững chắc dựa trên cơ sở tạo dựng các mối liên kết vững chắc với các vùng khác trong khu vực và các nước.

Quan điểm này một mặt tạo điều kiện để phát huy thế mạnh của chính các VKTTĐ trong việc phấn đấu trở thành điểm động lực tăng trưởng từ việc dễ dàng nhận được sự hỗ trợ của các vùng lân cận; mặt khác chính là cơ sở để thực hiện vai trò lan tỏa của VKTTĐ đối với các vùng khác trong cả nước. Việc tạo dựng hệ thống kết nối vững chắc là quan điểm mang tính chiến lược để giảm thiểu khoảng cách giữa VKTTĐ với các vùng khác trong các nước và phạm vi quốc tế, nó có tác dụng làm mỏng đi biên giới địa lý tạo ra sự chia cắt kinh tế và xã hội giữa các địa phương trên các VKTTĐ với nhau cũng như giữa VKTTĐ với các vùng khác.Trên một mức độ nhất định, nó làm giảm mật độ tập trung trong tương lai dài của VKTTĐ so với các vùng khác.

Thực hiện quan điểm này: Thứ nhất, cần tổ chức một mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các VKTTĐ với các khu vực lân cận cũng như hệ thống đường vành đai nối vùng trọng điểm với mọi địa bàn trên cả nước cũng như phạm vi quốc tế, tạo ra tính kinh tế nhờ mạng lưới. Thứ hai, Phát triển mạnh hệ thống công nghệ thông tin kết nối VKTTĐ với các vùng khác, nhất là với các vùng tụt hậu, chậm phát triển. Hệ thống thông tin kết nối giữa vùng phát triển với vùng tụt hậu đem lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất trong các vùng tụt hậu. Họ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để nhận thông tin về giá cả hàng hóa có thể trao đổi với vùng trọng điểm.

5. Phát triển bền vững VKTTĐ phải luôn luôn được quán triệt bằng phương châm: “Tăng trưởng mất cân đối, phát triển mang tính hòa nhập” ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.  

Theo quan điểm này, có hai vấn đề đặt ra: một mặt, sự gia tăng mật độ tập trung kinh tế ngày càng cao trên các VKTTĐ đòi hỏi phải được tiến hành đồng thời với giảm đi khoảng cách và sự chia cắt với các vùng chậm phát triển về lĩnh vực xã hội; mặt khác, tăng cường tập trung hóa sản xuất cao vẫn cho phép có thể đi cùng với thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các vùng trong nước. Giải quyết hợp lý mối quan này, cần phải có hai điều kiện: một là, sử dụng triệt để hiệu ứng tác lực của kinh tế thị trường thông qua quá trình thực hiện tích tụ, tập trung, di cư và chuyên môn hóa; hai là, phải có sự trợ giúp đắc lực của các chính sách chính phủ đối với cả hai vấn đề tập trung hóa sản xuất, kinh tế, vừa tạo ra sự hội tụ về kinh tế. Để thực hiện quan điểm này:
  1. Cần quan tâm mạnh hơn đến việc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông “cứng” và “mềm” để kết nối các VKTTĐ với các vùng phụ cận, các vùng trung gian và các vùng chậm phát triển, phát huy ưu thế của từng vùng để thực hiện phân công lao động xã hội hợp lý trên cơ sở quy luật thị trường để tiến hành chuyên môn hóa, tích tụ, tập trung tùy theo khả năng của các vùng.
  2. Không sốt ruột đòi hỏi sự hội tụ xã hội phải được thực hiện ngay một lúc đồng thời với tập trung kinh tế. Phải chấp nhận sự phân hóa ban đầu để có sự hội tụ xã hội một cách vững chắc ở giai đoạn sau và mãi mãi.
  3. Những chính sách của Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tập trung hóa kinh tế, hội tụ trong phát triển xã hội. Những chính sách cần ưu tiên hàng đầu là chính sách di dân tự do; chính sách đầu tư cho các vùng không trọng điểm, nhất là các vùng tụt hậu; chính sách điều tiết  phân phối lại thu nhập từ các VKTTĐ đến các vùng còn lại của địa phương và quốc gia, làm tăng tính hấp dẫn về mặt xã hội cho các vùng không trọng điểm.

6. Các VKTTĐ phải có cơ quan chủ quản chính thức với tư cách là chủ thể trong việc xác định các định hướng ,mục tiêu phát triển, đồng thời là địa chỉ triển khai các chính sách của chính phủ ban hành cho các VKTTĐ.

Trong quá trình phát triển bền vững các VKTTĐ, các dấu hiệu của thị trường và nguyên tắc thị trường cần phải được quán triệt xuyên suốt và đầy đủ nhất, nhưng yếu tố thúc đẩy của nhà nước đóng vai trò quan trọng không kém. Vấn đề là ở chỗ, Chính phủ thông qua các cơ quan chức năng chuyên trách, phải làm thế nào đó để nắm bắt được các dấu hiệu của thị trường trong các VKTTĐ, các thị trường có liên quan, thị trường liên kết, từ đó định hướng được các mục tiêu phát triển của các VKTTĐ trên cơ sở nắm bắt thị trường, và cuối cùng là đưa ra hệ thống chính sách hỗ trợ thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu phát triển.

Yêu cầu về vai trò của Chính phủ đối với phát triển bền vững các VKTTĐ đặt ra vấn đề về tổ chức bộ máy quản lý các VKTTĐ như thế nào? Một mặt phải có chức năng và khả năng hoạch định sự phát triển, quy hoạch tổng thế và chi tiết nội bộ VKTTĐ; điều tiết sự vận hành, tổ chức phối hợp hoạt động liên kết của vùng trong điều kiện không gian địa lý được hình thành từ nhiều địa phương hành chính khác nhau; là địa chỉ để triển khai các chính sách của nhà nước áp dụng cho các VKTTĐ. Tổ chức bộ máy như vậy không thể là chính quyền của từng cấp địa phương hành chính, cũng không thể chỉ là một ban điều phối làm chức năng tổng kết cho dù là người lãnh đạo là Thủ tướng chính phủ.

Vì vậy, theo quan điểm này, đối với Việt Nam, một là phải hoàn chỉnh, nâng cấp và xác định rõ chức năng của Ban điều phối VKTTĐ để làm; thứ hai, và tốt nhất là nên hình thành một bộ máy  làm chức quản lý, điều tíết hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách phát triển VKTTĐ. Cơ quan đó theo kinh nghiệm của các nước phát triển, kể cả các nước vùng lân cận, đó là Hội đồng vùng. Chỉ với tư cách là một Hội đồng thì mới thực sự thực hiện được các chức năng nói trên.
          
KẾT LUẬN

Từ những phát hiện về thực trạng các VKTTĐ ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức các vùng động lực tăng trưởng của nhiều nước trên thế giới, việc tìm ra những quan điểm chiến lược phát triển các VKTTĐ của Việt Nam thực sự có ý nghĩa quan trọng nhằm hướng các VKTTĐ của nước ta phát triển theo một xu hướng hợp lý, đúng quy luật.

Hệ thống 6 quan điểm nêu ra trong khung khổ chiến lược phát triển VKTTĐ của Việt Nam nhằm vào những mục tiêu nói trên. Ba quan điểm đầu nhằm hướng các VKTTTĐ phát triển theo đúng nội hàm là các vùng động lực tăng trưởng quốc gia thực sự; hai quan điểm tiếp theo tạo thế đứng vững chắc cho các VKTTĐ và sự lan tỏa tích cực của các VKTTĐ với cả nước theo phương châm: vừa tạo sự tập trung hóa về kinh tế, vừa tạo sự hội tụ về mức sống; quan điểm cuối cùng  có liên quan đến việc hình thành bộ máy quản lý các VKTTĐ, làm được chức năng điều hành, phối hợp hoạt động của vùng trong điều kiện có nhiều thay đổi trong quan điểm về tổ chức, nội dung, tính chất và vai trò của VKTTĐ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết sử dụng các tài liệu tham khảo:
  1. Các báo cáo hoạt động của VKTTĐ Việt Nam của Ban điều phối VKTTĐ
  2. Các báo cáo và phỏng vấn trực tiếp: Văn phòng điều phối VKTTĐ, UBND tmột số tỉnh thuộc VKTTĐ như Đà Nẵng, Bình Định, Bình Dương, TP HCM, TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Viện Kinh tế và xã hội Thành phố HCM, Viện chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT
  3. Báo cáo phát triển Thế giới, 2009
  4. Các webside của Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ KH&ĐT, Bộ Khoa học công nghệ, v.v…
  5. Ngô Doãn Vịnh, Chiến lược phát triển, bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược, NXB Chính trị quốc gia, 2007.

 

( Theo Tạp chí Kinh tế & Phát triển )

  • Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Hà Nội cần thêm 500 ha đất xây dựng nhà cho công nhân đến năm 2020
  • Chiến lược việc làm 2011-2020: Cải thiện kết nối cung cầu
  • Bàn các giải pháp phát triển bền vững cây càphê
  • Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại
  • Liên kết để khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp
  • Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020 Định hướng tương lai
  • Triển khai Chương trình xử lý chất thải rắn từ 2011
  • Chiến lược và quy hoạch phát triển Hà Nội: Cần xác định điểm nhấn, động lực
  • Tìm mô hình tăng trưởng mới