Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm mô hình tăng trưởng mới

Tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
 
Không phải là lần đầu tiên được đề cập, song việc tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, cũng như giới chuyên gia kinh tế, nhất là khi Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đang trong quá trình hoàn tất.

Các khuyến nghị đầu tiên liên quan tới vấn đề này đã được đề xuất. “Việt Nam cần phải đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa chất và lượng của tăng trưởng kinh tế. Sự theo đuổi tăng trưởng kinh tế cao theo nghĩa hẹp chắc chắn sẽ không bền vững về lâu dài và có thể sẽ mang lại những tác động tiêu cực về mặt xã hội và môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, một báo cáo về chủ đề Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực và tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới, do các chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, đã viết như vậy.

Trên thực tế, trong Dự thảo Chiến lược, việc tìm kiếm một mô hình tăngtrưởng mới cũng đã được đề cập, với mục tiêu chung là phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh gắn liền với bền vững và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược và quá trình thực hiện Chiến lược.

Tuy vậy, đạt được mục tiêu này là chuyện không đơn giản.

“Nếu chúng ta tăng trưởng nhanh thì khó bền vững, còn phát triển bền vững thì lại khó tăng trưởng nhanh”, ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế nói và cho rằng, 10 năm qua, Việt Nam đã tăng trưởng chưa bền vững và do vậy, vấn đề quan trọng trong lúc này là phải có các chính sách quan trọng ở tầm vĩ mô để làm sao đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Là một nền kinh tế đang phát triển, nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa khá nhiều vào mở rộng đầu tư, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm lên tới trên 40% GDP. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay lại chính là các bất cập về năng lực trong nước, vốn là mối đe dọa nghiêm trọng đến đầu tư và tăng trưởng trong tương lai.

“Những thiếu hụt dai dẳng về vốn và con người, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thể chế và khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ dần tích tụ và tạo ra giới hạn trần tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tương lai, nếu chúng không được giải quyết một cách nhanh chóng”, các chuyên gia từ UNDP khuyến nghị.

Đồng quan điểm, song ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong bối cảnh khả năng tăng vốn không còn nhiều, vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là phải làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. “Phải áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng quản lý hiện đại để tăng hiệu quả sử dụng vốn”, ông Tuyển nói.

Trên thực tế, việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không chỉ là đòi hỏi xuất phát từ các vấn đề từ tự thân nền kinh tế Việt Nam, mà còn xuất phát từ xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Việt Nam, sau hai thập niên đổi mới đã đạt được những thành tựu nổi bật trong xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng đầu tư trong nước, tăng thu ngoại tệ... Nhưng các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, Việt Nam không thể dừng lại và thỏa mãn với những thành tựu kinh tế này. Và nếu không tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thì theo quy luật lợi suất giảm dần, nhịp độ và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ giảm đi và thậm chí, có thể làm mất đi những thành quả đã đạt được trước đây.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao gần đây, các chuyên gia kinh tế quốc tế luôn cảnh báo về việc làm sao để Việt Nam thoát khỏi cái bẫy của nước có thu nhập trung bình.

“Việt Nam không thể lặp lại những thành công của giai đoạn trước, không nên kỳ vọng tìm ra một mô hình duy nhất hoặc được xác định trước, cũng như cũng không thể lặp lại các mô hình tăng trưởng của một số nước khu vực châu Á có trình độ phát triển tương đồng như trước đây, bởi nếu không, Việt Nam thậm chí sẽ rơi vào cái bẫy của một nước có thu nhập trung bình thấp, chỉ đạt GDP bình quân đầu người 2.000 - 3.000 USD/năm rồi dừng lại. Điểm mấu chốt là hoàn cảnh, các điều kiện phát triển ngày nay đã thay đổi lớn và khác biệt căn bản so với thời thần kỳ Đông Á”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của các chuyên gia quốc tế.

Theo TS. Trần Đình Thiên, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, mục tiêu của Việt Nam không phải là xóa đói nghèo, hay tạo dựng được khu vực doanh nghiệp nội địa nữa, mà phải là xây dựng đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có thể tham gia chủ động hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Đây là một bước chuyển mục tiêu rất đáng lưu tâm”, ông Thiên nói.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Hà Nội cần thêm 500 ha đất xây dựng nhà cho công nhân đến năm 2020
  • Chiến lược việc làm 2011-2020: Cải thiện kết nối cung cầu
  • Bàn các giải pháp phát triển bền vững cây càphê
  • Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại
  • Liên kết để khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp
  • Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020 Định hướng tương lai
  • Triển khai Chương trình xử lý chất thải rắn từ 2011
  • Chiến lược và quy hoạch phát triển Hà Nội: Cần xác định điểm nhấn, động lực
  • Tìm mô hình tăng trưởng mới