Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liên kết để khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp

Để đạt mục tiêu năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, thì việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) là một trong những nhân tố quan trọng.

Một góc KCN Tân Tạo - một KCN thành công tại Việt Nam

Trong hai ngày 7 và 8/5 vừa qua, tại TPHCM, Hiệp hội Bất động sản VN, PhuQuocLand Group và Công ty Cổ phần Truyền thông Sao Khuê đã tổ chức triển lãm và hội nghị quốc tế về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam (VietIP 2010).

Nhiều lý do để lựa chọn các KCN Việt Nam

Theo Ban tổ chức VietIP 2010, không chỉ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong nước, mà nhiều tổ chức, nhà đầu tư trên thế giới cũng  đặc biệt quan tâm tới diễn đàn này. Đoàn DN Nhật Bản gồm 30 công ty đã đăng ký tham dự và hy vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ hội nghị.

Đại diện nhiều DN Nhật Bản nhận xét, Chính phủ Việt Nam đang tích cực mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là thị trường dịch vụ. Bên cạnh đó, quy mô dân số ngày càng lớn, thu nhập bình quân đầu người, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng tăng... cũng là những lý do khiến nhiều DN quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam.

Nếu trước đây, DN của Nhật Bản chỉ đầu tư mạnh vào sản xuất, thì sắp tới, có thể sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính - ngân hàng, phân phối...  

Tương tự, VietIP 2010 cũng đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng từ các nhà đầu tư Đài Loan. “Không thể tìm đâu ra một nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững như Việt Nam. Đây chính là thời cơ tốt nhất cho các DN bên ngoài nắm bắt”, ông Arthur Ting, Chủ tịch Tập đoàn CT&D (một tập đoàn kinh tế lớn của Đài Loan) nhận định.

Theo ông Thân Thành Vũ, Chủ tịch PhuQuocLand, sáng lập viên và điều hành VietIP, mục đích của VietIP 2010 là nhằm giới thiệu các KCN, khu kinh tế và khu chế xuất Việt Nam tới các DN, các nhà đầu tư, các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng hoặc di dời nhà máy của họ vào Việt Nam.

Vẫn theo ông Vũ, khi đầu tư vào Việt Nam, đa số DN nước ngoài chọn việc thành lập các cơ sở sản xuất tại các KCN, vì ở đây đã có sẵn cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, có nguồn cung cấp điện, nước cùng hệ thống xử lý nước thải...

“Hơn nữa, các KCN Việt Nam hầu hết đều ở vị trí thuận lợi về giao thông”, ông Vũ nhấn mạnh.

Cần phối hợp chứ không chỉ cạnh tranh

Tuy nhiên, tính chung các KCN cả nước thì tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46% - Ảnh minh họa

TS.Trần Hồng Kỳ, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện cả nước có 228 KCN tại 56 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích khoảng 58.434 ha, trong đó 145 KCN đã đi vào hoạt động; 83 KCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Các KCN tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, trên thực tế lại cho thấy tình trạng thu hút đầu tư vào các KCN - KCX lại giảm sút. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ cuối năm 2009 đến nay, vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đổ vào các dự án phát triển đô thị, bất động sản, khu vực ngoài KCN - KCX. Nhiều KCN không thu hút được dự án nào trong 2 năm qua. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung các KCN cả nước thì tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46%.

Nguyên nhân là do phần lớn các KCN hiện nay đang chủ yếu cạnh tranh với nhau mà quên đi việc phối hợp ở tầm quốc gia. Các hình thức xúc tiến đầu tư còn khá nghèo nàn, thiếu sự khác biệt và chiều sâu.

Ông Nguyễn Kiên Trung, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư VietIP, cho rằng công tác xúc tiến đầu tư hiện nay phần lớn còn thiếu chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn. Các nhà quản lý thì lại rất thiếu thông tin hoặc thông tin không bảo đảm cũng như thiếu cơ sở dữ liệu về các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, một tín hiệu lạc quan là ngay tại VietIP 2010 lần này, Hiệp hội Bất động sản công nghiệp VN và Trung tâm Xúc tiến đầu tư VietIP đã ra mắt. Đây có thể coi như một đòn bẩy thúc đẩy đầu tư vào các KCN - KCX của Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản công nghiệp được thành lập với mục tiêu nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động và tìm kiếm cơ hội phát triển, hợp tác với quốc tế.

Còn Trung tâm Xúc tiến đầu tư VietIP thì liên kết tất cả Ban Quản lý các KCX - KCN và khu kinh tế cả nước, cùng với hơn 75 tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tập trung chủ yếu vào việc quảng bá, tiếp thị, tư vấn và môi giới đầu tư vào các KCX - KCN... một cách chuyên nghiệp và có định hướng lâu dài.

(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)

  • Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Hà Nội cần thêm 500 ha đất xây dựng nhà cho công nhân đến năm 2020
  • Chiến lược việc làm 2011-2020: Cải thiện kết nối cung cầu
  • Bàn các giải pháp phát triển bền vững cây càphê
  • Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại
  • Liên kết để khơi dậy tiềm năng các khu công nghiệp
  • Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế
  • Cần 162,5 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế đảo đến 2020
  • Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020 Định hướng tương lai
  • Triển khai Chương trình xử lý chất thải rắn từ 2011
  • Chiến lược và quy hoạch phát triển Hà Nội: Cần xác định điểm nhấn, động lực
  • Tìm mô hình tăng trưởng mới