Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát, công khai minh bạch thông tin DN sau CPH |
Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa, Luật DNNN sẽ hết hiệu lực (1/7/2010). Thực tế hiện nay, toàn bộ nền kinh tế còn khoảng 1.500 DNNN có 100% vốn nhà nước mặc dù công tác sắp xếp đổi mới DNNN đã diễn ra 17 năm. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tái cấu trúc DNNN đang gặp nhiều hạn chế về thời gian và hiệu quả. Tuy nhiên, không chỉ có các cơ quan quản lý, ngay chính trong nội tại của DN cũng cần có sự điều chỉnh tương thích.
Chỉ với 9 tháng - số lượng thời gian khá gấp gáp như vậy, liệu chất lượng của chương trình tái cấu trúc các DNNN có đạt được như mong muốn ? Một số chuyên gia dự báo, không loại trừ khả năng, Chính phủ phải trình Quốc hội ra nghị quyết kéo dài hiệu lực thi hành của Luật DNNN.
Còn nhiều khó khăn
Tiến trình sắp xếp đổi mới DNNN chính thức khởi động từ 1992, với xuất phát điểm có 6.500 DNNN. Tính đến hết năm 2008, cả nước đã có 5.414 DNNN được sắp xếp lại. Trong đó, 3.836 DNNN được tái cấu trúc ở hình thức triệt để nhất là cổ phần hóa (CPH). CPH đã huy động được thêm khoảng 100.000 tỷ đồng vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia dưới hình thức mua cổ phần.
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát, công khai minh bạch thông tin DN sau CPH. Mọi cổ đông có thể tiếp cận thông tin, các cổ đông đại chúng cùng được tham gia giám sát DN, từ đó tạo sức ép để các DN phải hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. |
Thành tựu là vậy, nhưng yếu kém và hạn chế của tiến trình tái cấu trúc DNNN cũng không ít. Theo LS Trần Hữu Huỳnh – Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, công tác sắp xếp và đổi mới DNNN hiện vẫn nặng theo phong trào. Số lượng DNNN được tái cấu trúc thì nhiều, nhưng lượng vốn được CPH thì chưa là bao. Hệ số ICOR của các DNNN đạt thấp cho thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn của khối này “có vấn đề”.
Thực tế, trong gần 4.000 DNNN đã CPH chỉ có gần 40% DN có quy mô vốn trên 5 tỷ đồng, còn lại phần lớn là các DNNVV. Mặc dù trong vài ba năm trở lại đây, đã có một số DNNN có quy mô vốn lớn được CPH (như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, VietcomBank, Sabeco...) nhưng tính đến nay cũng có khoảng 25 – 30% tổng vốn nhà nước được CPH. Theo PGS TS Nguyễn Đình Tài – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, mặc dù DNNN đang chiếm giữ một nguồn lực lớn về vốn, đất đai... tuy nhiên, tỷ trọng GDP mà khu vực này đem lại vẫn khá khiêm tốn. Theo tỷ lệ đóng góp GDP, khu vực DNNN mang về 34,35%, khu vực ngoài nhà nước là 46,97% và khu vực FDI là 18,68%. Số liệu tình hình sản xuất kinh doanh của các DN cũng cho thấy số doanh thu thuần được tạo ra bởi một đồng vốn kinh doanh của các DNNN cũng thấp hơn so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Doanh thu thuần được tạo ra bởi một đồng vốn kinh doanh theo thành phần kinh tế giai đoạn 2000 – 2007 ở mức: DNNN là 0,557, DN dân doanh là 1,134, DN vốn FDI là 0,969.
Hiện nay, khu vực DNNN đang sử dụng 9% tổng số lao động, khu vực kinh tế FDI là 4,1%, còn lại khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng đa số với 86,9%. Xét về hiệu quả tạo việc làm, suất đầu tư vốn để tạo thêm 1 việc làm của khu vực kinh tế tư nhân cũng thấp hơn đáng kể so với các khu vực khác. Vào năm 2007, khu vực DN ngoài nhà nước cần 463,65 triệu đồng để tạo 1 việc làm. Trong khi đó, con số này ở DNNN là 708,49 triệu đồng và DN vốn FDI là 505,77 triệu đồng/1 lao động.
Hệ quả của tính hình thức và phong trào là thực tế đã có nhiều DNNN không đủ điều kiện để CPH nhưng vẫn “cố” thực hiện, đôi khi còn làm xấu thêm tình hình của DN. Theo ông Phạm Mạnh Thường – Phó TGĐ Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (Bộ Tài chính), nhiều DN đã CPH “ép” do đánh giá tài sản giá trị DN không đúng dẫn đến chất lượng hoạt động sau CPH không được cải thiện. Thậm chí, nhiều DN không thể quyết toán để bàn giao tài chính sang Cty cổ phần và không thể bàn giao DN về TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo - TGĐ TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) cho rằng, tiến trình sắp xếp và đổi mới DNNN đã được tiến hành từ hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra được một phương án tối ưu. Khó khăn lớn nhất là vẫn chưa có một hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai. Nếu chúng ta cứ tiếp tục hô hào tái cấu trúc theo phong trào thì chắc chắn không đạt kết quả như mong muốn. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng ban chiến lược (TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) cho rằng, thực tế hiện SCIC đang gặp vô vàn khó khăn, bị động trong việc tiếp nhận DN cũng như hoạt động bán vốn. Nguyên nhân được xác định là do SCIC vẫn phải tiếp nhận nhiều DN quy mô nhỏ, không hiệu quả, khó bán. Đồng thời, SCIC lại thường xuyên phải chịu hai luồng áp lực trái chiều khi hoạt động thoái vốn.
Ngoài ra, nhiều DN sau CPH cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Cao Đăng Phúc - Phó TGĐ Cty cổ phần vận tải Đường sắt cho biết, DN này đã CPH được hơn một năm và tại thời điểm đó đã xác định các khoản cần bán, cần thu. Thế nhưng sau đó, do thiếu nhất quán trong cơ chế nên Nhà nước lại tiếp tục cắt thêm một khoản lớn gây khó khăn cho DN.
Cần một hành lang pháp lý đồng bộ
Xét cả về lý luận và thực tiễn, tái cấu trúc DNNN là một tiến trình mang tính quy luật không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, vấn đề chính là làm thế nào để chương trình tái cấu trúc này thực sự có chất lượng ? Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, muốn đạt được hiệu quả và chất lượng, công tác tái cấu trúc DNNN trong giai đoạn tới cần phải “bắt đúng bệnh”. Cho dù là giai đoạn “nước rút” hay yêu cầu gấp gáp về thời gian thì chương trình này cũng nên tổng kết, đánh giá lại, rồi đưa ra giải pháp thích hợp.
Với rất nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vẫn là cần một hành lang pháp lý đồng bộ. Ông Bùi Ngọc Bảo - TGĐ TCty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, tiến trình sắp xếp và đổi mới DNNN đã được tiến hành từ hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra được một phương án tối ưu. Điều quan trọng nhất với tái cấu trúc là cần phải xác định rõ chức trách của những người đứng đầu DN, người đại diện phần vốn nhà nước. Từ vai trò của HĐQT và Chủ tịch HĐQT đến quy định về lương của người đại diện vốn của nhà nước tại DN... là những vấn đề cần phải được làm rõ.
Còn ông Nguyễn Đình Tài thì cho rằng, Nhà nước cần rà soát toàn bộ các quy định pháp luật, chính sách liên quan đến CPH DN 100% vốn nhà nước. CPH cần được tiến hành phù hợp với tình hình mới và đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Ông Tài chú trọng tới việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí danh mục DN 100% vốn nhà nước theo hướng ổn định dài hơi hơn, chỉ giữ lại một số mô hình như DN quốc phòng an ninh, DN công ích quan trọng, Cty mẹ của một số tập đoàn, TCty lớn hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia về kinh tế.
CPH là việc đương nhiên phải làm để tái cơ cấu các DNNN nhằm đạt mục tiêu là tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Theo bà Lê Thị Hoa – Ủy viên HĐQT VietcomBank, quy định về chuyển DNNN thành Cty cổ phần vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp. Ví dụ cơ chế xác định giá trị DN, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Cách tính giá trị quyền sử dụng đất cần sát với thị trường và tách phần này ra khỏi giá ưu đãi cho người lao động trong DN. Trường hợp bán một phần vốn nhà nước tại DN cũng cần cân nhắc, đã bán hàng thì phải bán theo giá thị trường.
Đối với công tác giám sát hậu CPH, bà Hoa cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát, công khai minh bạch thông tin DN sau CPH. Mọi cổ đông có thể tiếp cận thông tin, các cổ đông đại chúng cùng được tham gia giám sát DN, từ đó tạo sức ép để các DN phải hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Tái cấu trúc DNNN là một chủ trương đúng đắn từ lý luận đến thực tiễn. Gần 2 thập kỷ thực hiện, chủ trương này đã mang lại những kết quả rất tích cực. Thành công sẽ tiếp tục đến trong chặng đường “nước rút” với những cơ chế thông thoáng, hợp lý của Nhà nước, sự tăng cường nhận thức và quyết tâm từ phía DN.
PGS TS Ngô Kim Thanh - Đại học Kinh tế quốc dân : DN cần chuẩn bị kỹ Thực tế các DN VN hiện nay vẫn chỉ chú trọng chữa bệnh chứ chưa đặt nặng vấn đề phòng bệnh. Điều này thể hiện qua việc các DN chỉ bàn đến vấn đề đổi mới, sắp xếp lại bộ máy và hoạt động của DN khi đã rơi vào tình trạng bế tắc hoặc trì trệ. Hầu như chưa có DN nào nghĩ đến việc tái cấu trúc Cty nhằm phục vụ chiến lược mở rộng kinh doanh hiệu quả hơn, hay bắt kịp từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Có thể thấy, các trào lưu tái cơ cấu của các DNNN thời gian qua chỉ tác động vào hình thức bên ngoài, hoặc những phạm vi cục bộ của hệ thống quản lý trong DNNN. Bản chất tư duy quản lý, các phương pháp điều hành DN về cơ bản vẫn chưa thay đổi. Để tái cấu trúc DNNN hiệu quả, DN cần có những bước chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện. Để đổi mới tư duy về tái cấu trúc, DN cần có những cuộc trao đổi tọa đàm để mọi người trong DN cùng thay đổi nhận thức. Tái cấu trúc phải được chia sẻ cùng mọi người chứ không thể vì lợi ích một vài người. Lâu nay, người ta vẫn xem nhẹ việc phổ biến lý luận về quá trình tái cơ cấu DN, nhưng thực tế cho thấy DN, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo có hiểu rõ và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tái cấu trúc thì mới mạnh dạn áp dụng vào DN mình. Muốn vậy, DN cần phổ biến những quan điểm về tái cơ cấu, tái lập DN đến các thành viên trong DN để mọi người cùng thấy được sự cần thiết của nó. Mặt khác, DN cần kiên quyết tái cơ cấu khi nhận thấy đơn vị mình đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện. Bên cạnh đó, DN cần đào tạo và trang bị cho đội ngũ lao động những kiến thức cần thiết để có khả năng thích ứng với mô hình mới sau khi tái cơ cấu. Quá trình tái cấu trúc DN bao gồm: Tái cơ cấu tổ chức quản lý, tái cơ cấu tài sản, sản phẩm, thị trường, lao động… cho nên dù muốn hay không thì người lao động cũng chịu tác động rất mạnh của quá trình này. Để tránh cho người lao động có những cú “sốc” khi bị thuyên chuyển hoặc cắt giảm do quá trình tái cơ cấu tổ chức, DN nên có sự chủ động trong vấn đề này. Cung cấp thông tin cần thiết về quyền lợi và trách nhiệm của họ để họ chủ động có kế hoạch trong công việc của mình, đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết để họ tiếp cận với vị trí mới sau khi tái cấu trúc DN. Ngoài ra, DN cần định hướng xác định đúng thời điểm tái cấu trúc, tránh quá sớm hoặc quá muộn, vì thời cơ được xem là yếu tố quan trọng đối với DN trong bất kỳ tình huống nào. Tái cấu trúc DN được đặt ra tất yếu khi các DN CPH. Tái cấu trúc DN được hiểu là việc thiết lập lại trạng thái cân bằng trong nội bộ DN nhằm duy trì ổn định và tạo cơ sở cho DN phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh luôn thay đổi. Như vậy, có thể thấy, quá trình tái cấu trúc DN là một hướng tiếp cận chuyển đổi DNNN mang tính thực tiễn rất cao. Nó có thể áp dụng cho các DN từ yếu đến mạnh, có thể áp dụng từ tái cấu trúc từng phần đến toàn bộ. Việc áp dụng thí điểm hiện nay sẽ là một trong những bước đi đầu tiên để từ đó rút kinh nghiệm và tìm được mô hình hợp lý nhất cho các DNNN. |
(Tác giả: Bá Tú // Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com