Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020

Một chiến lược phát triển dài hạn được toàn dân quan tâm và có tính cách như một tuyên ngôn của đảng cầm quyền về đường hướng phát triển đất nước phải hội đủ một số điều kiện:

Thứ nhất, chiến lược phải đưa ra được các mục tiêu đáp ứng yêu cầu thiết thân của tuyệt đại đa số dân chúng để họ có thể mơ thấy một cuộc sống khác hẳn bây giờ trong khoảng một thập niên sắp tới.

Thứ hai, trong thời đại hội nhập ngày càng sâu vào thị trường khu vực và thế giới, chiến lược phải xuất phát từ sự đánh giá đúng đắn về vị trí hiện tại của kinh tế Việt Nam và những thách thức cũng như những mặt thuận lợi của ta.

Thứ ba, chiến lược phải tạo được niềm tin trong dân là các chính sách, biện pháp để đạt các mục tiêu phát triển phải có tính khả thi cao đồng thời cho người dân thấy bộ máy hành chính và đội ngũ quan chức sẽ đủ năng lực và trách nhiệm để thực hiện các chính sách, biện pháp đó.

Từ nhận định này, theo tôi, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cần có những nội dung sau:

1. Nhận định về giai đoạn hiện nay của kinh tế Việt Nam

Sau gần 25 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế, xã hội Việt Nam đã khác hẳn. So với 10 năm trước, đời sống của dân chúng nói chung hiện nay được cải thiện nhiều, vị trí của Việt Nam trên thế giới cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên trong thời gian qua cũng nảy sinh sự chênh lệch ngày càng lớn trong việc phân phối thành quả của đổi mới.

Sự chênh lệch đó quá lớn, ngoài dự tưởng của lý luận về kinh tế phát triển và của kinh nghiệm các nước đi trước. Đối với người có thu nhập thấp, thành phần chiếm đa số trong dân, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc, cái ở hàng ngày, gánh nặng chi phí về giáo dục và y tế kéo mức sống của họ xuống thấp hơn nữa.

Mặt khác, việc làm của con em của những người có thu nhập thấp sau khi ra trường cũng là mối lo, nhất là vẫn còn hiện tượng phải có quan hệ, phải có những điều kiện tiêu cực khác mới xin được việc làm. Người có thu nhập trung bình cũng trực diện với những lo lắng về gánh nặng giáo dục, y tế, việc làm, tuy ở một mức độ nhẹ hơn.

Nhìn Việt Nam trong bối cảnh của vùng Đông Á, ta thấy thành quả phát triển của mình còn rất khiêm tốn. Từ khi có đổi mới đến nay, khoảng cách phát triển giữa Việt Nam so với Thái Lan chẳng hạn có rút ngắn nhưng không đáng kể (GDP đầu người theo giá trị thực của Thái Lan gấp gần năm lần Việt Nam vào năm 1984, đến năm 2008 cũng còn tới bốn lần) và so với Trung Quốc thì khoảng cách ngày càng mở rộng (GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30% vào năm 1984 nhưng vào năm 2008 Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam).

Rõ ràng ở đây có vấn đề hiệu suất phát triển, có khả năng bỏ lỡ các cơ hội mà nguyên nhân sâu xa nằm ở cơ chế, ở sự chậm hoàn thiện cơ chế thị trường, ở năng lực nắm bắt cơ hội, và việc thực thi các chính sách, vì các điều kiện về bối cảnh khu vực và cơ hội phát triển Việt Nam không bất lợi so với các nước lân cận.

Trong 10 năm tới thách thức lớn nhất của Việt Nam là gì? Theo tôi là Việt Nam sẽ trực diện hai cái bẫy mà nếu không có nỗ lực vượt qua thì kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển bền vững, sẽ bước vào giai đoạn trì trệ dù khả năng phát triển như hiện nay sẽ kéo dài một thời gian nữa.

Thứ nhất là khả năng xảy ra cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do và cái bẫy này đang to ra và mạnh hơn dưới áp lực của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tại vùng Đông Á lợi thế so sánh của các nước chuyển dịch nhanh, thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhiều nước nỗ lực tăng hàm lượng kỹ năng, công nghệ, tri thức trong sản phẩm để duy trì vị trí hiện tại, để thúc đẩy phân công hàng ngang với Trung Quốc ở một thứ nguyên cao hơn. Trong khi đó lợi thế so sánh của Việt Nam vẫn là nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn. Hơn nữa, hàng công nghiệp xuất khẩu phải phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và các sản phẩm trung gian khác.

Đặc biệt hiện nay cơ cấu mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính chất Bắc Nam, nghĩa là quan hệ giữa nước tiên tiến và nước chậm tiến, trong đó Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thiên nhiên kể cả sản phẩm sơ chế và nhập khẩu hàng công nghiệp.

Dưới trào lưu mậu dịch tự do tại Đông Á, đặc biệt dưới tác động của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, trong đó từ tháng 1-2015 Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm rẻ từ Trung Quốc sẽ ào ạt vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã gây ra hiệu quả là nhiều công ty đa quốc gia đang có khuynh hướng xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ và tập trung sản xuất hàng công nghiệp tại các nước ASEAN khác.

Trong khuôn khổ AFTA, đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp, Việt Nam đã cắt giảm thuế xuống còn dưới 5% và từ năm 2015 sẽ không còn thuế (0%) để tham gia thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nguy cơ của hiện tượng tự do hóa mậu dịch này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn. Tôi gọi đây là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do mà Việt Nam sẽ trực diện trong vài năm tới. Nếu không có chiến lược, biện pháp mạnh mẽ để thoát khỏi cái bẫy này, Việt Nam sẽ mãi mãi là nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng lao động giản đơn.

Thứ hai là cái bẫy thu nhập trung bình. Trong nước, vấn đề này gần đây được bàn đến nhiều nhưng chưa thấy các nhà vạch chiến lược đặt thành một bức xúc thật sự để có chính sách đối phó cụ thể. Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng không đề cập đến điểm này. Việt Nam vừa đạt mức thu nhập trung bình thấp, và đến khoảng năm 2020 Việt Nam cũng có lẽ sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao. Vấn đề là sau đó Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững để trở thành nước có thu nhập cao trong một, hai thập kỷ sau đó không.

Trong lịch sử kinh tế thế giới, rất ít nước đã vượt qua được cái bẫy này. Về mặt lý luận cái bẫy này cũng đã được chứng minh. Từ kinh nghiệm các nước và từ phân tích lý luận ta thấy khả năng Việt Nam sa vào bẫy thu nhập trung bình rất cao. Con đường thoát khỏi cái bẫy này tùy thuộc nỗ lực trong giáo dục đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và trong việc xây dựng một thể chế chất lượng cao liên quan đến hiệu suất của bộ máy hành chính, quan hệ lành mạnh và có hiệu quả giữa Nhà nước và thị trường, liên quan đến việc xây dựng một xã hội pháp trị.

2. Mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020

Mục tiêu không nên dàn trải mà tập trung vào vài trọng điểm có tính cách chiến lược. Các trọng điểm đó được thực hiện thành công sẽ lan tỏa ra các mặt khác và do đó các mục tiêu khác cũng sẽ đạt được. Ngoài ra, trừ một vài trường hợp đặc biệt, không nên đưa ra chỉ tiêu số lượng và xem đó như tiêu chí phải đạt được (như tốc độ tăng GDP), mà nên trực tiếp nhắm vào việc giải quyết các vấn đề cốt lõi đã nêu. Tốc độ tăng trưởng sẽ là kết quả của các nỗ lực này.

Từ nhận định trên, theo tôi, chiến lược nên đưa ra ba mục tiêu sau:

a. Toàn dụng lao động, đến năm 2020 trên căn bản không còn ai phải lo không có việc làm, không còn phụ nữ muốn lấy chồng người nước ngoài vì lý do kinh tế, không có ai muốn đi lao động nước ngoài một cách bất đắc dĩ vì không có một chọn lựa nào khác.

b. Trong trung hạn (đến năm 2015), trên căn bản ngăn ngừa được cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do.

c. Trong trung và dài hạn phải chuẩn bị đủ các tiền đề để ngăn ngừa được cái bẫy thu nhập trung bình.

Chỉ tiêu định lượng (tốc độ phát triển, GDP đầu người...) không cần đưa ra nhưng các mục tiêu nói trên được thực hiện sẽ cho thấy kinh tế phát triển ở tốc độ cao và bền vững. Các chỉ tiêu định lượng thuộc loại này có thể đưa ra nhưng là để tham khảo chứ không phải là mục tiêu phải đạt cho được.

3. Chính sách, biện pháp để đạt các mục tiêu

Có ba cụm chính sách liên quan mật thiết với nhau: Thứ nhất, trong ngắn và trung hạn phải tạo ra một khí thế đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả, kể cả thu hút đầu tư từ nước ngoài, để vừa liên tục tạo ra công ăn việc làm, vừa sớm xác lập vị trí của một nước sản xuất hàng công nghiệp. Với các chính sách này, Việt Nam sẽ tránh được cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do, tránh áp lực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, chấn hưng giáo dục, phát triển khoa học, công nghệ bằng các chính sách cụ thể, quyết liệt, để bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, và đưa trình độ khoa học và công nghệ của đất nước ngang tầm với nhiều nước trong khu vực, chuẩn bị chuyển sang nền kinh tế tri thức.

Thứ ba, hiệu suất hóa bộ máy hành chánh, đưa ra biện pháp cụ thể về chế độ thi tuyển quan chức các cấp và cải cách tiền lương, và có cơ chế cụ thể xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ. Cụm chính sách thứ hai và thứ ba là những điều kiện cần để tránh cái bẫy của nước thu nhập trung bình.

Dưới đây nói thêm về ba cụm chính sách này.

a. Tạo ra khí thế đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả

Cải thiện triệt để môi trường đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất, thông tin, kèm theo các chính sách về thuế, tín dụng để khuyến khích các dự án đầu tư có chất lượng cao; cần xây dựng các khu công nghiệp có chất lượng, cải thiện thị trường lao động để thu hút FDI. Cải thiện thị trường vốn và thị trường đất đai để thúc đẩy đầu tư trong nước, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là các chính sách cụ thể để hoàn thiện cơ chế thị trường.

Cần đưa ra các biện pháp quyết liệt để giảm chi phí hành chánh của doanh nghiệp. Chí phí hành chánh chủ yếu là phí tổn cho các thủ tục hành chánh, bao gồm cả chi phí cụ thể và thì giờ bỏ ra để có giấy phép mở rộng hoạt động, để đóng thuế, để nhận hàng ở kho bãi…

Vấn đề nầy không mới và Nhà nước cũng đã có một nỗ lực cải thiện. Nhưng tình trạng không thay đổi bao nhiêu, nhất là so sánh với các nước thì thấy đây vẫn còn là yếu tố lớn làm giảm tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp trong nước và làm xấu môi trường đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài. Ở lĩnh vực này nên đưa ra chỉ tiêu định lượng (cải thiện vị trí của Việt Nam trong các đánh giá quốc tế về môi trường đầu tư, về sự minh bạch của chính sách, về tham nhũng,...) và thực hiện cho bằng được trong 3-4 năm trước mắt.

Nhiều mặt hàng nông sản phải xuất khẩu ở dạng thô vì để chế biến phải có vốn đầu tư dài hạn nhưng nông dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không thể vay vốn này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp cũng vậy. Họ không có vốn để tân trang thiết bị, mua công nghệ mới. Các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng phụ thuộc vào nguồn vốn không chính thức (vốn tự tích lũy hoặc vay của họ hàng, bạn bè). Nguyên nhân có tình trạng này là do các ngân hàng quốc doanh có khuynh hướng chỉ cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp lớn. Một nguyên nhân nữa là khả năng thẩm định dự án tại các ngân hàng không cao nên họ ngại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

Cần có chính sách kiểm tra, phân tích tình hình cho vay vốn của các ngân hàng quốc doanh và có đối sách cụ thể. Bồi dưỡng cán bộ có khả năng thẩm định dự án đầu tư, khả năng thẩm định độ rủi ro của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng quan trọng. Phần lớn các biện pháp, chính sách để hoàn thiện thị trường vốn nầy cần thực hiện trong 2-3 năm trước mắt.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường lao động hiện nay có vấn đề không ăn khớp giữa cung và cầu: Ở các khu công nghiệp tại các thành phố lớn bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động, doanh nghiệp khó tuyển dụng số lao động cần thiết, mặc dù ở nông thôn vẫn còn lao động dư thừa. Nguyên nhân là do thiếu thông tin cung cầu lao động, thiếu các dịch vụ liên quan đến lao động như trung tâm giới thiệu việc làm chẳng hạn. Một nguyên nhân nữa là chất lượng lao động (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, khả năng tiếp thu tri thức về hoạt động của doanh nghiệp,...) không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Biện pháp để cung cấp lao động một cách ổn định phải bao gồm chính sách ngắn hạn và chính sách trung dài hạn. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương (tỉnh, huyện) liên kết và phối hợp với các khu công nghiệp để xây dựng một cơ sở dữ liệu về cung cầu người lao động và thực hiện các hợp đồng môi giới và giới thiệu công việc. Chính quyền địa phương phải tích cực lập các văn phòng môi giới lao động tại các khu công nghiệp, theo dõi động thái về nhu cầu lao động và tổ chức cung cấp lao động tại địa phương mình.

Trong trung và dài hạn, cần có chính sách đẩy mạnh đào tạo trình độ cao đẳng và chuyên môn trung, cao cấp như khả năng thao tác máy móc, sửa chữa máy móc, tri thức về quản lý nhân sự, kế toán, tài chính, tiếp thị,… và khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết với doanh nghiệp để thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và sử dụng lao động. Chính sách thuế để thúc đẩy quá trình này cũng nên được áp dụng. Chẳng hạn, xây dựng chế độ lấy chi phí đào tạo nhân viên của các doanh nghiệp để khấu trừ thuế (các doanh nghiệp lựa chọn nhân viên của mình để cử đến các trường cao đẳng, trường chuyên môn học tập trong một thời gian và phí tổn đó được khấu trừ khi khai thuế).

Một yếu tố khác làm yếu sức cạnh tranh của nền công nghiệp Việt Nam là chi phí vận tải cao. Việc xây dựng đường bộ cao tốc và các cảng biển bị trì trệ, và đầu tư cho các công trình công cộng này dễ bị phân tán ở các địa phương. Trong nước thì chi phí nhân sự và thu mua nguyên liệu từ các địa phương về đến các khu công nghiệp cũng cao vì hệ thống giao thông chưa được hoàn chỉnh. Cần đầu tư thích đáng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trực tiếp phục vụ sản xuất. Vấn đề thiếu điện và tình trạng bất ổn định trong cung cấp điện cũng giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cần hoãn lại những công trình tốn kém nhiều vốn mà chưa cần thiết để ưu tiên ngân sách cho việc xây dựng hạ tầng giao thông và cung cấp đủ và ổn định điện năng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Cụ thể về việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, cần ưu tiên nâng cấp, cải thiện đường sắt Thống nhất, mở rộng đường sắt phổ thông đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ở miền Bắc. Đường bộ cao tốc cũng nên được xây dựng theo hướng này. Ngoài ra, quan tâm xây dựng hệ thống đường bộ nối các vùng nông thôn đến các xương sống của đường bộ cao tốc và đường sắt phổ thông. Hệ thống hạ tầng giao thông này cùng với nỗ lực cải thiện giáo dục đào tạo như sẽ được đề cập sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển nông thôn, một trong những điều kiện để đạt mục tiêu toàn dụng lao động.

b. Cụ thể hóa các biện pháp làm cho giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

Triệt để thực hiện miễn phí bậc tiểu học và trung học cơ sở (chậm nhất là đến năm 2015) và trung học phổ thông (đến năm 2020). Song song với việc nâng cấp các đại học đang có, cần có ngay kế hoạch xây dựng một hoặc hai đại học chất lượng cao, trong đó nội dung giảng dạy, cơ chế quản lý, và trình độ giáo sư cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ tương đương với các đại học tiên tiến ở châu Á (có kế hoạch cụ thể sớm để chậm nhất là khoảng năm 2015 các đại học này có thể bắt đầu hoạt động).

Về các đại học và trường cao đẳng ngoài công lập, cần có biện pháp chấn chỉnh giải quyết ngay những nơi không đủ chất lượng và có quy chế để ngăn ngừa hiện tượng kinh doanh giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần ban hành các sắc thuế khuyến khích doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản đóng góp vô vị lợi (chủ yếu là tặng không) cho sự nghiệp giáo dục. Những vấn đề này cũng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể trước năm 2015.

Như báo chí đã phản ảnh, Việt Nam đang có sự sự lãng phí quá lớn trong xã hội, nhất là trong nhiều hoạt động liên quan đến lễ hội, đến tổ chức khen thưởng, nhận huân chương,… và nhiều hoạt động không mang lại lợi ích thực chất cho đại đa số dân chúng. So với trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay và so với kinh nghiệm các nước thì tiêu chuẩn chi tiêu cho xe con, cho việc đi lại của lãnh đạo các cấp ở Việt Nam rất cao, còn nhiều dư địa để tiết kiệm, cắt giảm. Thêm vào đó, cần cắt giảm ngân sách dành cho các chuyến đi tham quan, khảo sát ở nước ngoài của cán bộ, quan chức ở trung ương và địa phương, mà ai cũng thấy là ít hoặc không cần thiết.

Cần có chương trình cụ thể giản lược các hoạt động ít cần thiết nói trên và tiết kiệm ngân sách hơn nữa mới có nguồn lực cho giáo dục, đào tạo. Trong nửa đầu của thập niên tới phải thực hiện cho bằng được chính sách này mới có thể xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra nên tăng cường các sắc thuế đặc biệt, đánh vào giai tầng sở hữu nhiều bất động sản và tiêu thụ hàng ngoại cao cấp để có ngân sách nhiều hơn cho giáo dục.

Cần có chính sách cụ thể để đến khoảng năm 2015 giải quyết cho bằng được vấn đề bằng giả, chấm dứt tệ nạn tiến sĩ giấy, lập lại kỷ cương về bằng cấp. Cần có chương trình cụ thể cải thiện hẳn vấn đề giáo dục tại chức (chỉ đề bạt quan chức theo trình độ đang có, chấm dứt tình trạng đề bạt xong rồi cho đi học để tiêu chuẩn hóa cán bộ, chỉ dùng ngân sách cho quan chức bồi dưỡng ngắn hạn, không cấp kinh phí đi học lấy bằng cấp cao hơn).

Về nghiên cứu khoa học, đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành chuyên môn, cần lập ngay một ban tư vấn gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước để giúp Nhà nước rà soát lại các cơ chế liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đưa ra chiến lược, chính sách nâng cao trình độ nghiên cứu và đào tạo. Nhiều ý kiến cho thấy hiện nay trình độ của ta còn thấp, mặt khác có sự lãng phí trong việc thực hiện ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Cần có kế hoạch để khoảng năm 2015 giải quyết được các mặt yếu kém và tạo ra bước phát triển mới.

c. Cải cách chế độ tiền lương và thực hiện việc thi tuyển quan chức

Đây là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề. Các chính sách dù hay nhưng không thể được thực hiện có hiệu quả nếu không có một đội ngũ quan chức, một tầng lớp cán bộ hành chánh từ trung ương đến địa phương có năng lực và phẩm chất đạo đức. Họ phải là những người được tuyển chọn nghiêm túc qua các kỳ thi định kỳ và cuộc sống của họ và gia đình phải được bảo đảm bằng tiền lương. Tiền lương cũng phải đủ sức hấp dẫn người có năng lực vào bộ máy công quyền.

Nội dung các kỳ thi tuyển cho quan chức cấp trung trở xuống cũng cần chú trọng trình độ văn hóa và sự hiểu biết về luật pháp và cơ cấu hành chánh. Quan chức cấp trung ương, cũng với nội dung ấy nhưng ở trình độ cao cấp hơn và thêm các môn chuyên môn cần thiết. Trình độ văn hóa và sự khó khăn phải vượt qua các cửa thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của quan chức, tránh hoặc giảm được tệ nạn tham nhũng. Việc thi tuyển quan chức còn có tác dụng tạo niềm tin và động lực học tập trong giới trẻ vì ai cũng có cơ hội bình đẳng thi thố tài năng cho việc nước. Chế độ tiền lương và việc thi tuyển quan chức cần được thực hiện trong vòng 3-4 năm tới.

Chiến lược, chính sách chỉ cần xoay quanh các vấn đề cốt lõi nói trên cùng với quyết tâm thực hiện bằng các biện pháp cụ thể với lộ trình khả thi sẽ khơi dậy không khí phấn chấn, tin tưởng trong dân. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ yên tâm, tin tưởng ở tương lai kinh tế Việt Nam và sẽ tích cực đầu tư vào các lĩnh vực tận dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao. Qua đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng chuyển dịch lên cao, và sẽ đạt được mục tiêu toàn dụng lao động, tránh được khả năng rơi vào bẫy tự do mậu dịch và bẫy của nước thu nhập trung bình.

( Giáo sư Trần Văn Thọ, Nhật Bản // theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn )

  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nhỏ mà đóng góp lớn
  • “Điệp khúc” kêu lỗ của ngành điện: Đừng đổ lỗi cho... thời tiết
  • Giám sát, rồi sau đó?
  • Làng Việt kiều Lào
  • TPHCM: Nhiều bệnh viện chưa xây hệ thống xử lý nước thải
  • Cần đầu tư mạnh mẽ và tương xứng hơn cho “tam nông”
  • Có nên xã hội hóa dịch vụ công?
  • Nói nhiều, làm ít
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi