“Nếu túi thủng thì đâu thể chi nhiều”
( Tác giả ANH QUÂN phỏng vấn TS. Vũ Thành Tự Anh // Theo Thời báo kinh tế Việt Nam )
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, Việt Nam đang ở tình thế khó xử khi lựa chọn chính sách vĩ mô, khi không gian tài khóa đã trở nên hạn hẹp hơn và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để có thể điều chỉnh linh hoạt.
Hệ lụy của vấn đề này đã được ông trao đổi với VnEconomy.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Ảnh: Anh Quân. |
Bội chi 5% GDP chỉ là trần mềm
Việc “áp cứng” mức bội chi ngân sách không vượt quá 5% có khiến cho chính sách tài khóa khó linh hoạt để đối phó với tình hình kinh tế biến động, thưa ông?
Theo Luật Ngân sách, bội chi ngân sách tối đa được phép là 5% GDP/năm. Nhưng vấn đề là mức bội chi này không phân biệt các khoản thâm hụt trong và ngoài dự toán ngân sách.
Trên thực tế, thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn vượt quá 5%, nếu tính cả thâm hụt ngoài dự toán. Tức là, 5% không phải là trần cứng mà là trần mềm, cho nên nó không áp đặt được kỷ luật đối với hoạt động chi tiêu ngân sách.
Vấn đề thực sự là với nền tài khóa quốc gia như hiện nay, nếu thâm hụt ngân sách cứ luôn vượt quá 5% GDP trong một thời gian dài sẽ nguy hiểm. Nếu không duy trì được sự lành mạnh trong cán cân tài khóa, không giảm thâm hụt ngân sách đến mức độ lành mạnh thì chắc chắn nó sẽ gây sức ép rất lớn lên việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Vì nền kinh tế Việt Nam hiệu quả thấp nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao thì phải đầu tư rất nhiều vốn. Trong một thời gian dài, Việt Nam luôn duy trì mức đầu tư rất cao, lên tới trên 40% GDP, tức là có lẽ chỉ thua Trung Quốc. Và khi đầu tư lớn như thế, chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng cũng luôn phải chạy theo.
Nếu đầu tư hiệu quả thì không sao, nhưng nếu không hiệu quả thì sẽ gây sức ép lên lạm phát. Đó là vòng xoáy của kinh tế vĩ mô Việt Nam như chúng ta đã chứng kiến rất rõ trong mấy năm gần đây.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào dòng vốn từ bên ngoài vì nhu cầu vốn của nền kinh tế cao hơn tiết kiệm nội địa tới 10-15%. Hơn nữa, vì Việt Nam đã chạm ngưỡng thu nhập trung bình thấp nên các khoản vay quốc gia trong tương lai sẽ mang tính thương mại nhiều hơn. Với tình trạng tài khóa và tiền tệ như vừa mô tả ở trên thì mức độ tín nhiệm tín dụng quốc gia sẽ không tốt, và vì vậy chi phí đi vay sẽ tăng lên. Tất nhiên điều này cũng đúng cho các khoản vay của doanh nghiệp.
Vấn đề là hiệu quả đầu tư
Ông có nói không gian tài khóa đang thu hẹp lại. Vậy điều này dẫn đến những khó khăn gì?
Theo ADB, nếu tính cả chi ngoài ngân sách thì thâm hụt của Việt Nam trong năm 2009 là trên 9% GDP. Năm 2010, ADB dự đoán thâm hụt ngân sách vào khoảng 10,2% GDP. Thâm hụt ngân sách lớn làm cho không gian chi tiêu bị thu hẹp. Nếu túi thủng thì đâu thể chi nhiều.
Thứ hai, nếu Chính phủ muốn phát hành trái phiếu thì chi phí phát hành sẽ cao lên. Ví dụ như Việt Nam, Indonesia và Philippines cùng phát hành trái phiếu quốc tế, nhưng chúng ta phải trả mức lợi suất cao hơn 1 điểm % so với hai nước còn lại, bởi vì nhà đầu tư thấy nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và nền tài khóa của chúng ta chứa đựng rủi ro cao hơn.
Hệ quả thứ ba là nó tạo nên sự chèn lấn đối với các khu vực kinh tế khác. Nếu nhà nước chi quá nhiều tiền thì không còn tiền để cho khu vực dân doanh. Bởi vì nhà nước phải bù đắp lại thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, và tiền sẽ đổ vào túi nhà nước chứ không vào khu vực dân doanh.
Tại sao đầu tư lớn như vậy nhưng tăng trưởng của Việt Nam không cao như mong muốn?
Vấn đề nằm ở hiệu quả của đầu tư. Hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) của Việt Nam vốn đã cao so với các nước trong khu vực nhưng vẫn đang tiếp tục tăng. Nếu nhìn sâu hơn vào con số ICOR thì thấy đầu tư kém hiệu quả phụ thuộc vào thể chế, cụ thể là cơ chế phân bổ vốn.
Cụ thể là nếu như chúng ta đầu tư 40% GDP và những dòng vốn này được đưa vào tay người sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất thì có thể tạo ra 9-10% tăng trưởng như thành tích của Trung Quốc. Còn nếu đưa vào tay người sử dụng chúng một cách lãng phí và thất thoát thì một mặt tăng trưởng không thể cao được, mặt khác lại gây sức ép lạm phát.
Chính sách tiền tệ cần phải “nhìn trước”
Theo dõi chính sách tiền tệ thời gian qua, dường như chúng ta đang chạy theo sau các điều chỉnh từ tín hiệu thị trường chứ không phải là chính sách có tầm nhìn vĩ mô dài hạn?
Trên thực tế, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, thời điểm ra chính sách tiền tệ và thời điểm chính sách tiền tệ thực sự đi vào cuộc sống phải qua quá trình dẫn chuyền chính sách. Khoảng cách ấy đối với Việt Nam thông thường là 5-7 tháng.
Cũng như chúng ta muốn làm điều gì đó mà nó xảy ra trong 5-7 tháng tới thì chúng ta phải làm vào thời điểm này. Hoặc là nếu chúng ta muốn điều gì đó xảy ra vào thời điểm này thì phải làm từ 5-7 tháng trước. Cho nên, chính sách tiền tệ cần phải “nhìn trước” chứ không phải “chạy theo”.
Nhưng ở Việt Nam, chính sách tiền tệ thường mang tính phản ứng chứ không có tính lường trước, và vì vậy hay gây ra những sự giật cục, làm tăng tính bất định và rủi ro cho nền kinh tế.
Dư địa chính sách không còn nhiều
Như ông nói thì dư địa cho chính sách tài khóa và cả chính sách tiền tệ trong thời điểm này dường như khó khăn hơn rất nhiều?
Về chính sách tài khóa thì tôi đã nói ở trên, nếu túi anh đã thủng thì rất khó để có thể chi tiêu thêm.
Về chính sách tiền tệ, dư địa điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng khá hạn hẹp. Lấy ví dụ như vấn đề trần lãi suất đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Lãi suất VND phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá trị đồng tiền, lạm phát, chênh lệch tỷ giá giữa USD/VND… Cho nên mỗi lần ra chính sách liên quan đến lãi suất Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc rất nhiều biến số, và do đó dư địa để có thể điều chỉnh linh hoạt là không nhiều.
Quay lại vấn đề trần lãi suất, hiện nay các khoản tín dụng trung và dài hạn đã được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng lãi suất huy động lại vẫn đang chịu mức trần 10,5%. Đây là một sự không nhất quán trong điều hành lãi suất, và sự không nhất quán này dẫn đến nhiều sự méo mó trên thị trường tín dụng, chẳng hạn như lách quy định bằng khuyến mại để tăng huy động hay biến tín dụng ngắn hạn thành dài hạn để có thể áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất...
Một hạn chế nữa là với kỳ vọng lạm phát sẽ còn cao hơn nữa, và do vậy mức lãi suất 10,5% không hấp dẫn với người gửi tiền thì dòng tiền có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, USD, chứng khoán…
Điều đó lại đẩy vấn đề đi sang một mắt xích khác, đó là chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa USD và VND với khả năng đồng VND sẽ tiếp tục mất giá. Nếu lãi suất USD thấp thì người dân gửi tiền VND và vay tiền USD. Ngược lại, nếu lãi suất USD cao thì người ta quay qua gửi tiền USD và vay tiền VND.
Riêng việc xử lý mối quan hệ tỷ giá và lãi suất của VND và USD cũng đã khá vất vả, đấy là chưa kể đến một thực tế là tình trạng "USD hóa" và "vàng hóa" của Việt Nam rất nặng nề, khiến Ngân hàng Nhà nước không nắm được một cách chính xác lượng cung tiền tệ, và vì vậy rất khó “kê đơn bốc thuốc”.
Khi mà dư địa chính sách không còn, trong khi nhiệm vụ ổn định được đặt lên hàng đầu thì việc điều hành sẽ như thế nào?
Chắc chắn là sẽ rất khó khăn. Nhìn thuần túy từ góc độ kinh tế, chung quy của vấn đề này nằm ở hiệu quả đầu tư, mà điều này lại phụ thuộc và sự tồn tại các thể chế khuyến khích người ta đầu tư hiệu quả hay không. Tôi tin rằng nếu hiệu quả đầu tư được cải thiện thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ trở nên ổn định hơn và nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng hằng năm trên dưới 7% mà không đòi hỏi phải tăng đầu tư quá mức như hiện nay, và do vậy áp lực lên lạm phát cũng không quá lớn.
Tăng trưởng luôn luôn là một cuộc trường chinh. Vì vậy, không thể chỉ vì tăng trưởng ngắn hạn mà hy sinh sự ổn định và bền vững trong dài hạn. Cổ nhân ngày xưa có câu “dục tốc bất đạt”, không những thế cái giá phải trả cho kinh tế bất ổn rất lớn, chỉ cần nhìn sang mấy nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia hay Philippines là có thể thấy rất rõ điều này.
Về mặt điều hành, để tăng hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công thì phải có những cơ chế thích hợp. Bước quan trọng đầu tiên là phải công khai và áp dụng một quy trình thẩm định nghiêm ngặt đối với các khoản đầu tư công có quy mô vượt qua một ngưỡng nhất định. Tôi hy vọng rằng Luật Đầu tư công sẽ thực hiện được yêu cầu hết sức cấp thiết này của nền kinh tế
Chính sách tiền tệ: Không để bị ru ngủ
(Tác giả:THUẬN HẢI phỏng vấn chuyên viên tài chính Lê Hồng Giang // Theo Tuanvietnam)
Theo chuyên viên tài chính Lê Hồng Giang, bài thuốc chuẩn của IMF luôn là thắt chặt tài khóa song song với thắt chặt tiền tệ (tăng thuế và giảm chi ngân sách song song với tăng lãi suất, phá giá nội tệ). Thuốc hay nhưng đắng. Các nền kinh tế phải uống nó sẽ trải qua khủng hoảng trong ngắn hạn.
LTS: Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên bỏ trần lãi suất huy động, và rộng hơn là nên thị trường hóa toàn bộ lãi suất. Giữa lúc đó, phát biểu của các quan chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về chính sách tiền tệ hiện nay của Việt Nam có thể "ru ngủ" các nhà quản lý chính sách tiền tệ trong nước. Tuần Việt Nam đã phỏng vấn thạc sỹ Lê Hồng Giang, chuyên viên tư vấn về Tài chính và Tiền tệ về vấn đề này.
- Thưa ông, hiện đang có tranh luận xung quanh quan hệ cung cầu và duy trì ổn định trên thị trường tiền tệ liên quan đến lãi suất tín dụng. Vậy, theo ông, nên hay không nên bỏ trần lãi suất huy động?
Ông Lê Hồng Giang: Trước khi trả lời câu hỏi này tôi xin đưa ra 4 câu hỏi cho các nhà làm chính sách Việt Nam:
1. Mục tiêu chính sách trần lãi suất là gì?
2. Mục tiêu này có đạt được không trong thời gian qua?
3. Cái giá phải trả cho chính sách này là gì?
4. Rủi ro nào VN sẽ đối mặt khi bỏ chính sách này vào thời điểm hiện tại?
Câu 1 có lẽ NHNN lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất như năm 2008. Câu 4 đã có một phân tích rất kỹ lưỡng về rủi ro một cuộc chạy đua lãi suất mới trên Tuần Việt Nam cách đây mấy ngày. Câu 2 chính xác nhất phải để giới ngân hàng và doanh nghiệp đi vay ngân hàng trả lời. Dẫu sao tôi cho rằng các ngân hàng không ít thì nhiều cũng có cách lách luật.
Câu 3, tôi có thể trả lời được. Về mặt vi mô, lãi suất trần (hay bất kỳ loại giá trần nào) cũng gây ra tình trạng dư cầu thiếu cung. Lãi suất trần cho vay trước đây dẫn đến tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp cần vốn phải chạy vạy, thậm chí đút lót cho cán bộ ngân hàng (như vụ BIDV vừa rồi), để được vay vốn. Với trần lãi suất huy động, các ngân hàng phải tìm mọi cách khuyến mãi, chèo kéo người dân gửi tiền vào ngân hàng mình. Những méo mó này gây ra tổn thất nguồn lực cho xã hội (deadweight loss), đáng ra phải được sử dụng vào những mục đích có ích hơn.
Về mặt vĩ mô, cố gắng duy trì lãi suất thấp trong hoàn cảnh nền kinh tế đang có nguy cơ lạm phát cao và cán cân thanh toán thâm hụt (sức ép phá giá lên nội tệ) là một chính sách sai lầm.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân của tình trạng lạm phát cao hiện tại là: (i) dư chấn của chính sách kích cầu trong năm 2009, (ii) giá thế giới của nhiều mặt hàng (xăng, dầu, sắt, thép) gia tăng, (iii) các chính sách cải cách giá của một số mặt hàng thiết yếu cuả VN (điện, than), (iv) thâm hụt ngân sách gia tăng.
Thực ra (iii) và (iv) bù trừ cho nhau, nếu tiếp tục trợ giá điện, than thì ngân sách sẽ thâm hụt nặng hơn. Do vậy cải cách giá, dù trực tiếp gây ra lạm phát nhưng gián tiếp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, nghĩa là gián tiếp giảm sức ép lạm phát trên tổng thể nền kinh tế. Trong khi đó (i) và (iv) lại song hành với nhau. Chính vì kích cầu nên phát sinh thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng. Do vậy giảm bớt hoặc chấm dứt kích cầu, thậm chí thắt chặt tài khóa sẽ vừa giải quyết (i) vừa giúp cho (iv).
Riêng với (ii), vì nền kinh tế VN có độ mở khá cao nên giá cả thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn lên mặt bằng giá trong nước. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào mức độ mềm dẻo (flexibility) và khả năng hấp thụ các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế.
Tất nhiên chính sách tiền tệ một mình không giải quyết được cả 4 nguyên nhân nói trên. Bài thuốc chuẩn của IMF trong trường hợp này luôn là thắt chặt tài khóa song song với thắt chặt tiền tệ. Thắt chặt tài khóa thông qua tăng thuế và giảm chi ngân sách, thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất đồng thời phá giá nội tệ.
Đây là bài thuốc có tác dụng kép vào tổng cầu nội địa, kéo mạnh tổng cầu xuống để vừa giải quyết thâm hụt ngân sách vừa giải quyết thâm hụt thương mại. Kết quả là sức ép lạm phát qua (i) và (iv) sẽ giảm, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp qua tiêu dùng cá nhân và đầu tư giảm. Tuy (ii) không thể giải quyết triệt để bằng các biện pháp trong nước, việc giải phóng giá cả và gia tăng lãi suất sẽ giúp nền kinh tế mềm dẻo hơn. Điều này đạt được thông qua một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng hơn, cuộc cạnh tranh sẽ sàng lọc bớt những doanh nghiệp thiếu tiềm lực và khả năng xoay chuyển (adapt) cũng như có năng suất kép (low productivity).
Tuy nhiên bài thuốc của IMF rất đắng, các nền kinh tế phải uống nó đều trải qua suy thoái trong ngắn hạn, cái giá phải trả cho những sai lầm trước đó.
- Mới đây, ông John Lipsky, Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF cho rằng: Đồng Việt Nam hiện nay, xét về trung hạn, là không có vấn đề gì. Việc bỏ trần lãi suất huy chẳng lẽ lại không có nguy hiểm gì với VNĐ?
Không phải bây giờ mà ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất trong năm 2008, khả năng VNĐ bị tấn công và sụp đổ rất nhỏ. Đơn giản vì tài khoản vốn (capital account) của Việt Nam vẫn đóng.
Thực ra có thể coi phát biểu của John Lipsky là một câu nói có tính ngoại giao hơn là một lời khuyên chính sách. Ngay cả nếu Lipsky thực sự tin rằng tỷ giá USD/VNĐ hiện tại đang nằm đúng mức cân bằng trung hạn (medium term equilibrium), điều đó không có nghĩa Lipsky loại bỏ khả năng phá giá sâu hơn VNĐ sẽ có lợi cho kinh tế Việt Nam.
Tất nhiên ở vị trí Phó giám đốc IMF hiện tại, Lipsky không thể khuyên Việt Nam phá giá VNĐ được trong khi cả thế giới đang gây sức ép lên Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ của họ.
- Ông John Lipsky cũng khuyên Chính phủ Việt Nam nên tập trung điều hành chính sách để củng cố niềm tin vào ổn định vĩ mô. Theo ông, điều ông John Lipsky muốn nói sau đó là gì?
Trong bản tin của Reuters, John Lipsky nói rõ đó là các chính sách tài khóa nhắm vào giảm thâm hụt ngân sách và thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.
Như đã nói ở trên, phá giá nội tệ phải song hành với chính sách thắt chặt tiền tệ. Mặc dù Lipsky không nói rõ ra, liều thuốc của IMF cho Việt Nam cũng giống như cho Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc năm 1997. Niềm tin vĩ mô chỉ có thể đạt được khi các mất cân dối (imbalances) trong nền kinh tế như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại được xóa bỏ hoặc giữ ở mức có thể kiểm soát được.
Nên nhớ các nước nói trên đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng hơn 10 năm trước bằng liều thuốc chuẩn của IMF, sau đó họ đã giữ đồng nội tệ thấp hơn giá trị (undervalued) cho đến tận bây giờ. Chắc chắn những đồng tiền đó đã nằm dưới mức cân bằng trung hạn.
Nhập siêu tăng mạnh ngoài dự kiến
( Tác giả: Anh Quân // Theo vneconomy)
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2010 của Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhập siêu quý 1/2010 ước đạt 3,6 tỷ USD và chiếm tới 25,6% kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng rất mạnh. |
Theo nhận định của Vụ Kinh tế công nghiệp, đây là mức khá cao, bởi nhập siêu đang vượt quá chỉ tiêu khống chế dưới 20% kim ngạch xuất khẩu mà Quốc hội đã thông qua và Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo.
Nếu so với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được công bố cuối tháng 2 vừa qua, con số này đã cao hơn khoảng 1 tỷ USD. Trước đó, Bộ này tính toán rằng, kim ngạch xuất khẩu quý 1 dự kiến sẽ đạt khoảng 14,2 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu khoảng 16,8 tỷ USD. Nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng rất mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu quý 1 ước đạt 14,1 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ (có nguyên nhân quý 1/2009, Việt Nam tái xuất một lượng vàng lớn lên đến trên 1 tỷ USD). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2009.
Xét các mặt hàng cụ thể, về phía xuất khẩu, so với quý 1/2009, nhiều mặt hàng công nghiệp chiến lược đã giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu như dầu thô đạt 2,24 triệu tấn, giảm 46,8% và bằng 24,7% kế hoạch năm 2010; than đá đạt 4,73 triệu tấn, giảm 15,5%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 48 triệu USD, chỉ bằng 1,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, không hiếm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh như dây và cáp điện đạt 292 triệu USD, tăng 119,5%; sắt thép và sản phẩm đạt 372 triệu USD, tăng 72,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 630 triệu USD, tăng 66,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 703 triệu USD, tăng 40,9%; sản phẩm nhựa đạt 210 triệu USD, tăng 20,7%; dệt may đạt 2,16 tỷ USD, tăng 12,3%; giày dép đạt 1,03 tỷ USD, tăng 10,1%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 181 triệu USD, tăng 8,4%...
Bên phía xuất khẩu, các mặt hàng có mức tăng cao về kim ngạch gồm nguyên liệu phục vụ sản xuất như bông, vải, sợi, phôi thép, máy tính và linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy. "Điều này thể hiện sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất trong nước", cơ quan lập báo cáo nhận định.
* Cụ thể, sản phẩm có tốc độ tăng kim ngạch lớn trong quý 1 gồm bông các loại đạt 92 nghìn tấn, tăng 162,9%; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 433 triệu USD, tăng 119,8%; linh kiện xe máy đạt 179 triệu USD, tăng 82,7%; sản phẩm từ dầu mỏ đạt 169 triệu USD, tăng 65,7%; kim loại thường đạt 149 nghìn tấn, tăng 55,2%; máy tính và linh kiện điện tử đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 53%; hóa chất đạt 430 triệu USD, tăng 36,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da đạt 483 triệu USD, tăng 21,7%; sắt thép các loại đạt 1,65 triệu tấn, tăng 16,2% (trong đó phôi thép đạt 444 nghìn tấn, tăng 21%); ôtô nguyên chiếc đạt 8941 chiếc, tăng 14,1%; vải các loại đạt 955 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu có kim ngạch giảm trong quý 1 gồm xăng dầu các loại đạt 2,67 triệu tấn, giảm 14,4%; khí đốt hóa lỏng đạt 147 nghìn tấn, giảm 24,6%; xe máy nguyên chiếc đạt 24.291 chiếc, giảm 30,5% so với cùng kỳ.
Kiềm chế nhập siêu: nhiệm vụ bất khả thi?
(Tác giả: Nguyễn Đình Bích // Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Tổng kim ngạch nhập siêu trong ba năm gần đây đã lên tới 45 tỉ đô la Mỹ, tác động tiêu cực không chỉ đến cán cân thanh toán quốc tế mà cả những cân đối vĩ mô của nền kinh tế nước ta. Mục tiêu “trói con ngựa bất kham” này ở mức 20% trong năm nay là hết sức cần thiết.
Các nhà quản lý đã tiếp cận mục tiêu này từ hai hướng. Vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa hạn chế nhập khẩu. Bởi như dự kiến của Bộ Công Thương, mục tiêu tăng xuất khẩu trong năm nay sẽ không phải là 6% như chỉ tiêu đã được Quốc hội định hướng, mà là 7%, nên mức phấn đấu sẽ là 60,777 tỉ đô la Mỹ (kết quả thực hiện năm 2009 đã được điều chỉnh lên 56,801 tỉ đô la Mỹ). Với việc “chốt” tỷ lệ nhập siêu ở ngưỡng 20%, “hạn ngạch” nhập khẩu trong năm nay sẽ là 72,932 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch nhập siêu sẽ là 12,155 tỉ đô la Mỹ, tức là sẽ giảm 719 triệu đô la Mỹ so với năm 2009.
Tuy nhiên, số liệu ước thực hiện tháng 1-2010 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tuy mức nhập siêu tuyệt đối đã giảm mạnh so với bốn tháng cuối năm 2009, nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn còn quá cao so với mục tiêu đã đề ra, do xuất khẩu mặc dù đã tăng rất mạnh, nhưng nhập khẩu vẫn tăng mạnh hơn.
Cụ thể, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,9 tỉ đô la Mỹ, tuy tăng 28,1%, so với cùng kỳ 2009, nhưng nhập khẩu đã lên đến 6,2 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 86,6% nên nhập siêu vẫn ở mức 1,3 tỉ đô la Mỹ, và tỷ lệ nhập siêu vẫn lên tới 26,53% so với kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu kiềm chế ở ngưỡng 20% như đã nói trên.
Hẳn nhiên, xét về lý, đây mới chỉ là “bước khởi động”, có thể còn nhiều thời gian để điều chỉnh, nhưng trên thực tế, cũng có đủ căn cứ để cho rằng, có nhiều khả năng nhập khẩu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, còn xuất khẩu sẽ tăng chậm hơn nhiều. Như vậy việc không thực hiện được mục tiêu kiềm chế nhập siêu là có thể diễn ra.
Việc tăng cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu cùng bị “cộng hưởng” của hai yếu tố tăng về lượng và tăng về giá, nhưng các yếu tố này trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” lớn hơn nhiều so với trong “rổ hàng hóa xuất khẩu”.
Cụ thể, ước thực hiện xuất nhập khẩu các mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị (9 mặt hàng xuất khẩu, 11 mặt hàng nhập khẩu) tháng 1 vừa qua cho thấy, trong khi nhập khẩu tăng tổng cộng 95,82%, trong đó 41,1% là do giá tăng và 54,5% là do lượng tăng thì yếu tố giá tuy khiến xuất khẩu tăng tới 45,24%, nhưng thực tế xuất khẩu chỉ tăng tổng cộng 37,43% vì lượng giảm 7,81% do có một lượng lớn dầu thô được tập trung cho “đứa con đầu lòng” của ngành công nghiệp hóa dầu nước ta.
Chắc chắn, trong thời gian tới, tuy các sản phẩm hóa dầu “made in Vietnam” sẽ thay thế cho lượng hàng lâu nay vẫn phải nhập khẩu, nhưng rõ ràng là đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế nói chung sẽ vẫn tăng mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu.
Nhận định này dựa trên cơ sở xu thế biến động giá khác nhau rất xa của các nhóm hàng trên thị trường thế giới, cũng như tương quan cũng rất chênh lệch của chúng trong hai “rổ hàng hóa” nhập khẩu và xuất khẩu của nước ta.Về yếu tố giá cả thế giới, thực tế cho thấy, dù tăng hay giảm, bao giờ giá của nhóm hàng chế biến và chế tạo cũng biến động ít hơn so với giá của nhóm hàng nguyên liệu. Còn ở thời điểm hiện tại, theo dự báo của IMF, thay vì ước giảm 31% trong năm 2009, giá nguyên liệu thế giới năm nay sẽ tăng khoảng 16%, trong khi cặp số liệu này của nhóm hàng chế biến và chế tạo là -9,1% và +3,1%.
Trong điều kiện giá cả thế giới như vậy, cơ cấu của cả hai “rổ hàng hóa” xuất và nhập khẩu của nền kinh tế nước ta lại đều thuộc loại “nhạy cảm”. Sở dĩ như vậy là vì hai lẽ. Một là, bình quân trong ba năm gần đây, “rổ hàng hóa nhập khẩu” lớn hơn gần 22,5% so với “rổ hàng hóa xuất khẩu”. Hai là, trong khi tương quan đã như vậy, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu lại chiếm khoảng 65% trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta trong khi nhóm hàng thô và sơ chế trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” chỉ chiếm khoảng 46%. Do vậy, lượng hàng hóa của nước ta bị giá cả thế giới tác động rất mạnh trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” hiện lớn gấp 1,7 lần so với trong “rổ hàng hóa xuất khẩu”.
Do cơ cấu khác biệt quá lớn như vậy, trong điều kiện sốt lạnh giá cả thế giới như năm 2009, “rổ hàng hóa nhập khẩu” đã “co lại” nhiều hơn so với “rổ hàng hóa xuất khẩu” (13,68% so với 9,39%). Ngược lại, “rổ hàng hóa nhập khẩu” trong năm nay sẽ phải “nở ra” mạnh hơn so với rổ hàng hóa xuất khẩu.
Chính vì vậy, thay vì giảm trong điều kiện sốt lạnh như năm 2009, tỷ lệ nhập siêu sẽ tăng trong năm nay, khi giá cả thế giới sẽ nóng trở lại, giống như kịch bản đã quá quen thuộc trong những năm qua.
Nói cách khác, muốn hạn chế nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu, chúng ta không thể không tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng công cuộc này lại đòi hỏi không ít thời gian.
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com