Bên cạnh những vấn đề quản lý đô thị, trung tâm hành chính quốc gia… thì bài toán kinh tế là băn khoăn lớn nhất khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, sáng 11/5.
Một số ý kiến tỏ ra lo ngại khi triển khai thực hiện đồ án sẽ không được “đẹp” như phim và các “bức vẽ” đã trình chiếu và trưng bày tại buổi họp.
Một góc bản đồ Hà Nội. Thành phố đang được dự kiến mở rộng về hướng Tây - Ảnh: Google. |
Nan giải bài toán kinh tế
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ 2010 - 2050 tại đồ án khoảng 90 tỷ USD.
Nguồn vốn này được huy động chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội.
Giai đoạn 2010 - 2020 sẽ huy động từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ tính khả thi khi xây dựng tổng vốn đầu tư, vì cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán. Mặt khác trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng theo ủy ban này, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện đồ án phải phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch. Đồng thời cần đặt trong tổng thể cân đối vốn đầu tư của toàn quốc cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM...).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn khi chủ yếu nguồn vốn là từ ngân sách. "Hiện nay một năm Hà Nội thu ngân sách trên 72 nghìn tỷ đồng, nếu tốc độ tăng từ 15 - 20% mỗi năm thì toàn bộ tiền ngân sách có đủ đầu tư không?", Chủ nhiệm Hiển đặt câu hỏi.
Nếu đi vay thì rất nhiều công trình như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng phải đi vay. Nguồn tài chính cần cho đồ án là rất lớn nên phải tính về nguồn lực và phân kỳ đầu tư, ông Hiển nhấn mạnh.
Văn minh, hiện đại, nhưng phải… hạnh phúc
Bên cạnh nguồn vốn, nhiều vấn đề cụ thể khác của đồ án cũng chưa thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn không biết “tầm tư duy đến đâu” khi đặt vấn đề khống chế nhập cư vào thành phố tại đồ án. “Hà Nội không thể là ốc đảo, là của riêng người Hà Nội, đồ án được thực hiện gấp gáp thế có vì mục đích gì không?”, ông Thuận đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng lo quy định về khống chế nhập cư không phù hợp với xu thế "nông dân thành thị dân" khi đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Lúc đó nông dân thỉ còn dưới 10 triệu người, hơn 20 triệu nông dân khi đó sẽ trở thành thị dân thì khống chế nhập cư có phải là xu thế hợp lý không, ông Hiển băn khoăn.
Cũng theo ông Hiển, bên cạnh tiêu chí văn hiến, văn minh, hiện đại thì Thủ đô cũng cần thêm tiêu chí là “thành phố có chỉ số hạnh phúc cao nhất nước”.
Đa số ý kiến phát biểu đều tỏ ra băn khoăn về định hướng quy hoạch đối với trung tâm hành chính quốc gia và đề nghị làm rõ cơ sở quy hoạch trung tâm này về Ba Vì, trong khi trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình.
“Than thở” là “không hiểu ra làm sao”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình phân vân, theo quy hoạch này liệu có phải các cơ quan Chính phủ sẽ lên Ba Vì, còn các cơ quan Đảng ở lại Ba Đình?
Theo dự kiến, đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy tới. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Quốc hội chỉ thảo luận, cho ý kiến chứ không quyết định hay ra nghị quyết. Đồ án này do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình phân tích, “xin ý kiến của Quốc hội để Thủ tướng phê duyệt, như thế Quốc hội làm tư vấn cho Chính phủ hay sao?”.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng băn khoăn: đồ án rất lớn, đặc biệt là về tài chính thì có nằm trong quy định của Nghị quyết số 66/2006/QH11 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay không? Nếu không thì luật có quy định là trước khi Thủ tướng phê duyệt thì đại biểu góp ý không?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, theo luật hiện hành thì phê duyệt đồ án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, còn Quốc hội chỉ cho ý kiến và giám sát. Đồ án này cũng chưa phải là dự án đầu tư, sau này khi triển khai có dự án nào đó rơi vào Nghị quyết 66 thì Quốc hội lại cho ý kiến.
Liên quan đến những lo ngại về khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận “làm được như bản vẽ cũng là một vấn đề”. Bởi, quy hoạch chung Thủ đô cách đây 13 năm cũng đã được phê duyệt, đến nay đã có gần 10 lần điều chỉnh. Và kết quả thế nào thì… mọi người đều đã nhìn thấy.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, đồ án đã đủ điều kiện để báo cáo với Quốc hội và đề nghị chuẩn bị kỹ hơn để có thể cung cấp cho đại biểu những thông tin đầy đủ nhất.
(Theo Nguyên Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com