Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê

Đằng sau con số tăng trưởng GDP năm 2009
(Theo Anh Quân // Vneconomy)

Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP. - tinkinhte.com
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP.

Năm 2009, tăng trưởng GDP đạt 5,32% với lạm phát được kiềm chế dưới 7%. Những con số này có thể cho cảm nhận  kinh tế vĩ mô đang ở tình trạng khá ổn định.

Tuy nhiên, tăng trưởng được dẫn dắt bởi đầu tư đã khiến bội chi và thâm hụt ngân sách tăng cao. Thêm vào đó, mức tăng cung tiền lớn liệu có đẩy rủi ro lạm phát sang năm tới?

Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Bùi Bá Cường lưu ý một vài con số khác trong các cân đối liên quan đến GDP, bên lề buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2009 sáng 31/12.

Ông Cường nói:

- GDP tính theo tổng cầu thì tiêu dùng cuối cùng tăng 4,19%, trong đó tiêu dùng của nhà nước tăng 7,6%, tiêu dùng của hộ gia đình tăng 3,85%; tích lũy tài sản tăng 4,31%; xuất khẩu tăng 11,08%, nhập khẩu tăng 6,66%.

Lưu ý khi sử dụng con số xuất nhập khẩu là về mặt giá trị, xuất khẩu giảm 9,7%, nhưng sau khi loại trừ yếu tố giá, mà năm nay giá xuất khẩu giảm trên 10%, về mặt lượng xuất khẩu tăng, nhập khẩu cũng tăng.

Ở đây có một diễn biến rất đáng quan tâm. Trong quý 1/2009, tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng âm. "Sâu" nhất là tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, âm đến 9,3%, nhưng sang quý 2 bắt đầu tăng lên 3,8%; quý 3 lên 8,4%; và quý 4 tăng 9,3%. Vì thế, cả năm tiêu dùng cuối cùng hộ gia đình mới giữ được 3,85%.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn tăng trưởng GDP. Năm trước, tiêu dùng của hộ gia đình tăng tới 9,6%, cao hơn rất nhiều mức tăng 6,18% của GDP năm 2008.

Thứ hai, tích lũy tài sản quý 1 cũng giảm rất sâu, âm 3,1% chủ yếu do lượng tồn kho cuối năm ngoái lớn, khoảng 5% GDP. Nhưng, đến quý hai bắt đầu tăng lên 1,9%; quý 3 tăng 9,6%; và quý 4 tăng 13,1%. Tính chung lại cả năm tăng 4,3%.

Trong các con số kể trên, đâu là nhân tố có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GDP của năm nay, thưa ông?

Đóng góp vào mức tăng 5,32% GDP của năm nay, tiêu dùng cuối cùng là nhiều nhất, tới 49%; sau đó đến tích lũy tài sản 29,7%; và cuối cùng là chênh lệch xuất nhập khẩu đóng góp 21,3%.

Tính theo USD, năm nay GDP của Việt Nam đạt khoảng 91 tỷ USD, bình quân đầu người 1.055 USD. Trong khi đó, năm ngoái là 89 tỷ USD; bình quân là 1047 USD/người. Như vậy mức tăng là không đáng kể.

Cũng phải lưu ý ở đây là tỷ giá VND/USD cũng có điều chỉnh trong năm nay.

Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đang giảm

Nói về mức tăng trưởng 5,32%, Tổng cục Thống kê đánh giá rằng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp. Vậy cụ thể chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) thể hiện như thế nào trong năm nay?

Năng suất các yếu tố tổng hợp phải đến cuối quý 1/2010 mới có tính toán chính thức, nhưng khái quát chung, TFP có xu hướng giảm.

Theo tính toán của chúng tôi, giai đoạn 2004 - 2009, TFP khoảng 15,1%. Trong khi đó giai đoạn 2003 - 2008 là 15,53%. Như vậy là đóng góp vào tăng trưởng có giảm.

Tăng đầu tư có đóng góp đáng kể làm tăng GDP năm nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hệ số ICOR khu vực nhà nước năm 2009 có thể lên đến 10. Tính toán của ông?

Cách tính ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư - PV) hiện nay, nhiều người chưa sử dụng đúng phương pháp, vẫn dùng tử số là đầu tư thực tế, trong khi đó mẫu số lại lấy tăng trưởng GDP theo giá so sánh năm 1994. Vì thế, vừa rồi có ý kiến cho rằng ICOR năm 2009 cỡ khoảng 8,6 là không đúng. Chúng tôi tính là 5,16.

Theo quy định quốc tế, ICOR phải tính bằng giá trị thuần vốn tài sản tại thời điểm cuối năm nghiên cứu (không kể khấu hao), trừ đi con số tương ứng thời điểm cuối năm trước, chia cho chênh lệch GDP năm trước so với năm sau, chứ không phải dùng con số tổng vốn đầu tư.

Nhưng đến hiện giờ, chưa có thông tin kiểm kê tài sản của cả nước đến thời điểm 31/12/2009, nên vẫn phải dùng tích lũy tài sản để thay thế.

Lưu ý là vốn đầu tư chỉ là nguồn tài chính bỏ ra để hình thành tài sản, còn tài sản là kết quả hình thành từ việc đầu tư đó. Ví dụ, vốn đầu tư toàn xã hội năm nay là 42,8% GDP, không có nghĩa là  704,2 nghìn tỷ vốn đầu tư là thành tài sản hết.

Năm nay, theo giá thực tế, tích lũy tài sản so với vốn đầu tư chưa đến 90%. Những năm trước còn thấp hơn. Có nghĩa là bỏ ra một đồng không có nghĩa là hình thành 1 đồng tài sản.

Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, dùng tích lũy tài sản cũng không ổn, vì tích lũy tài sản nhiều khi bị ảnh hưởng bởi tồn kho. Tồn kho càng lớn thì tích lũy tài sản càng lớn, nhưng thực chất tồn kho là sản xuất của những thời kỳ trước tồn lại do không bán được.

Năm ngoái, tồn kho so với GDP là 5,2% thì năm nay chỉ còn trên 3%. Cho nên, khi dùng tích lũy tài sản thì có sai lệch đó.

Dự kiến trong quý 1, khi thông tin tương đối đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa số liệu chính thức về hệ số ICOR và TFP, đồng thời nêu rõ phương pháp tính của quốc tế.

Như ông nói, đầu tư đem về gần 90% tài sản tích lũy, cao hơn các năm trước. Có nghĩa là hiệu quả đầu tư đã cao hơn trước?

Điều đó chưa thể khẳng định, vì về mặt tài sản có khi chẳng tăng gì.

Ví dụ một cơn bão vào Việt Nam phá sập nhiều nhà cửa. Người dân không thể sống ngoài trời được, buộc lòng phải bỏ tiền ra xây dựng, dù là nhà tạm. Nhà nước cũng có thể bỏ tiền ra hỗ trợ, xây dựng lại cầu, cống, đường xá… Khi đó, vốn đầu tư bỏ ra chỉ là tạo lại tài sản đã có, mà chỉ tạo được một phần thôi.

Hay là con đường đang tốt, anh đào lên thì công sức và tiền của đổ ra đã làm tăng GDP rồi. Khi lấp thì động tác ấy cũng tốn tiền tốn của, cũng làm tăng GDP. Nhưng con đường đó có khi không còn tốt như con đường cũ.

Hiện giờ, tăng trưởng của ta vẫn dựa vào đầu tư. Cho nên phải làm sao cho hiệu quả đầu tư tăng lên.

Rất lưu ý lạm phát

Tổng cục Thống kê đưa con số thâm hụt ngân sách năm nay tới 7% GDP, cao hơn nhiều so với các năm trước. Theo ông, điều này dẫn tới nguy cơ gì?

Con số 7% nói trên mới chỉ là ước thôi.

Có mấy lưu ý với con số thâm hụt 7% chúng tôi đưa ra. Thứ nhất, thâm hụt ngân sách được tính toán từ con số bội chi 115,9 nghìn tỷ đồng mà Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội tháng 11/2009, đến nay chúng tôi chưa có con số điều chỉnh.

Thứ hai, con số này lúc trước so với GDP thực tế ước tính từ tháng 9 có cao hơn so với hiện nay. Cho nên, nếu vẫn giữ con số 115,9 nghìn tỷ đồng thì bội chi ước tính là 7,04%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Nếu Bộ Tài chính tới đây điều chỉnh con số bội chi thì kết quả sẽ còn thay đổi.

Trong bối cảnh cung tiền và tín dụng tăng cao, việc GDP tăng 5,32% có tạo áp lực lạm phát?

Một trong những yếu tố làm tăng lạm phát trở lại là tăng trưởng cung tiền M2.

Nếu theo logic con số, so với năm trước tổng phương tiện thanh toán năm 2007 tăng 46,1%; tín dụng cho vay nền kinh tế tăng 53,9%; nhưng GDP theo giá thực tế chỉ tăng 17,4%.

Tức là, lượng tiền cung ra không tương xứng với lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất của cả nước, thể hiện qua giá trị sản lượng hoặc giá trị GDP như nói trên, cho nên độ trễ lạm phát đẩy sang năm sau, tương ứng là 23% trong năm 2008.

Sang năm 2008, chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt thì M2 tăng 20,3%, tín dụng tăng 23,4%; nhưng GDP thực tế tăng tới 29,2%, lạm phát năm 2009 chỉ còn 6,9%. Năm 2009, M2 tăng 28,7%; tín dụng tăng 37,7% và GDP thực tế chỉ còn tăng 11,4%.

Như vậy, theo tôi khả năng lạm phát năm sau không dưới 7%. Chúng ta rất phải lưu ý chính sách tiền tệ và bội chi. Tuy nhiên, bội chi ngân sách và tăng trưởng cung tiền cũng chưa nói hết được. Vấn đề nữa là phải tính được vòng quay của tiền tệ.

Kinh tế Việt Nam 2009: Bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
(Theo Anh Quân // Vneconomy)

Năm 2009 kết thúc với toàn cảnh kinh tế Việt Nam khá sáng sủa. Nhiều chỉ tiêu vĩ mô đã xoay chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng ở mức khá: GDP tăng vượt mục tiêu, lạm phát được kiềm chế, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh chóng, đầu tư trong nước khơi thông, tỷ lệ hộ nghèo giảm…

Tuy nhiên, nổi lên trong năm qua là 4 hạn chế yếu kém, tồn tại ngay trong những kết quả đạt được. Tổng cục Thống kê đã làm rõ những vấn đề này tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2009, tổ chức ngày 31/12.

Thứ nhất, nhận xét về kết quả tăng trưởng 5,32% trong năm nay, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP tuy đã tăng lên, vượt qua giai đoạn suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả.

Năm 2009, vốn đầu tư phát triển đạt 704,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Với kết quả này, tỷ lệ đầu tư so với GDP đã tăng từ mức 41,3% trong năm 2008 lên mức 42,8% năm 2009. Tuy nhiên, tăng trưởng lại sụt giảm từ mức tăng 6,18% xuống 5,32%.

“Tăng trưởng chưa thật vững chắc, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao… Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Hòa nhận xét.

Làm rõ thêm quan điểm cấp lãnh đạo cao nhất của mình, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường cho biết thêm, năng suất các yếu tố tổng hợp TFP có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Theo tính toán của ông Cường, giai đoạn 2004 - 2009, TFP khoảng 15,1%. Trong khi đó, giai đoạn 2003 - 2008 là 15,53%. “Như vậy là đóng góp vào tăng trưởng có giảm”, ông Cường nhận xét.

Thứ hai, cơ cấu kinh tế tuy bước đầu có chuyển dịch nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất.

Năm 2009, cơ cấu tổng sản phẩm 3 khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ lần lượt là 20,66%; 40,24%; và 39,1%. Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ trọng này không khác nhiều so với năm 2008 và những năm gần đây.

“Cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý, chưa phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước”, Thứ trưởng Hòa dẫn lại nội dung báo cáo trong phần phát biểu của mình.

Thứ ba, Tổng cục Thống kê cho rằng các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc.

Cụ thể, nhập siêu hàng hóa năm 2009 tuy giảm 32,1% so với năm 2008 nhưng vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; nhập siêu dịch vụ bằng 18,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 17% so với năm 2008. Trong khi đó, kiều hối được dự báo sẽ giảm khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ USD trong năm nay; dòng vốn FDI giảm lượng vốn chảy vào và tăng lượng tiền rút ra…

Một số chuyên gia cho rằng thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm nay sẽ nghiêm trọng hơn so với nhiều năm trở lại đây.

Một điểm đáng chú ý khác, lạm phát trong năm 2009 tuy đã được khống chế nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

Phân tích các yếu tố gây áp lực tăng lạm phát hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ Giá cả Nguyễn Đức Thắng trước đó cho rằng, tác nhân có cả cầu kéo, chi phí đẩy và nhập khẩu lạm phát.

Đồng tình với quan điểm này ông Cường phân tích thêm, tăng trưởng cung tiền M2 đã đạt gần 29%; trong khi đó, tín dụng cho nền kinh tế cũng tăng gần 38%. Trong tương quan so sánh tiền - hàng, tăng trưởng GDP thực tế chỉ 11,4% trong năm nay không thể tạo vị thế cân bằng. Thêm vào đó, mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế nhưng đã lên tới 7% GDP trong năm nay.

Trong khi đó, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng lên, chưa kể phụ phí đươc có xu hướng gia tăng trong hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, chi phí tiền lương cũng sẽ tăng trong năm 2010. Nhưng ngược lại, nhiều chính sách hỗ trợ đã được cắt giảm vào cuối năm 2009 vừa qua. Có nghĩa rằng, doanh nghiệp phải thêm chi phí.

Thêm nữa, xu hướng tăng giá của thế giới là rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng sắp tới sẽ phải tăng nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đầu vào.

Thứ tư, Tổng cục Thống kê cho rằng một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, cả nước có 1,3 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp với tỷ lệ thất nghiệp là 2,9%, cao hơn mức 2,38% của năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn còn 12,3% (năm 2008 là 13,4%).

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng; tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện trên tất cả các khâu từ sản xuất đến bảo quản, giết mô và chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản, báo cáo của Tổng cục Thống kê chốt lại.

(Tinkinhte.com - Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới)

  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi
  • Nền kinh tế năm 2010: Khó khăn nhất là quý I
  • Phấn đấu 85% dân số có nước sạch trong năm nay
  • Tản mạn về cán cân thanh toán Việt Nam năm 2009
  • GS. Trần Phương: Bàn về “cơ chế xin - cho”
  • Việt Nam 2010: Hai kịch bản lạm phát và gánh nặng xuất khẩu
  • Bài toán khó
  • Tránh “bẫy thu nhập trung bình”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi