Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế

Đôi điều về cải cách cơ cấu nền kinh tế
(Tác giả: Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore)// Theo TuanVietNam)

Cải cách cơ cấu là một đòi hỏi nghiệt ngã đối với tất cả các nước muốn tiến bước trên con đường đi đến phồn vinh. Thế nhưng, có nhiều nước không chủ động vượt qua đòi hỏi này khi tình thế kinh tế còn thuận lợi và thường bắt đầu nó quá muộn khi đất nước đã rơi vào khủng hoảng.

Cải cách cơ cấu kinh tế là gì?

Cải cách cơ cấu là nỗ lực tổng hợp của toàn xã hội, trong đó chính phủ đóng vai trò trung tâm, nhằm nâng cao mạnh mẽ năng suất lao động (NSLĐ) và hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng thêm việc làm, kiến tạo nền tảng lâu dài và thuận lợi hơn cho công cuộc phát triển.

Tâm điểm của cải cách cơ cấu là tăng năng suất, được đo bằng giá trị gia tăng tạo ra trên mỗi đơn vị nguồn lực (bao gồm lao động, vốn, và đất đai) ở mọi ngành nghề và cấp độ, từ  cá nhân đến doanh nghiệp, từ địa phương đến toàn bộ nền kinh tế.

Nỗ lực của cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong tăng năng suất được thực hiện thông qua hai quá trình chủ yếu:

+ Tăng năng suất trên chính lĩnh vực đang hoạt động; và

+ Chuyển dịch nguồn lực sang lĩnh vực hoạt động mới với năng suất cao hơn.

Trong nỗ lực cải cách cơ cấu, nhiệm vụ trung tâm của nhà nước là tạo cơ chế thuận lơi, khuyến khích, và thúc dục doanh nghiệp tăng năng suất, trước hết là năng suất lao động.

Các phương thức tăng năng suất, trước hết là NSLĐ ở cấp độ doanh nghiệp hướng theo ba trục chính (xem hình 1 dưới đây):

+ Trục A-A: Tăng thêm giá trị cho mỗi đơn vị sản phẩm. Giá trị của một sản phẩm được đo bằng cả giá trị nội tại và giá trị cảm nhận của nó. Giá trị nội tại của sản phẩm có thể được tăng thêm nhờ nâng cao chất lượng, mẫu mã, và tính năng sử dụng thông qua thiết kế và đầu tư nghiên cứu phát triển; trong khi giá trị cảm nhận của nó có thể được tăng thêm thông qua các hoạt động tiếp thị, từ đóng gói, phân phối, đến chọn thị trường và khuyến mại.

+ Trục B-B: Tăng năng suất sản phẩm (sản lượng trên đơn vị nguồn lực): một mặt thông qua đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, ý thức của công nhân; mặt khác đầu tư nâng cấp thiết bị và kỹ năng quản lý sản xuất, giám sát chất lượng.

+ Trục C-C: Tăng giá trị từ khai thác xu thế, thời cơ và nguồn lực ngoại biên thông qua khả năng hoạch định chiến lược và năng lực hợp tác-liên minh. Trên trục này, doanh nghiệp tạo thêm giá trị mới thông qua hoạch định chiến lược kinh doanh cho phù hợp nhất với mục tiêu, thế mạnh cốt lõi của bản thân và xu thế thị trường; hoặc thông qua các mối quan hệ hợp tác, liên kết-liên minh với các doanh nghiệp khác trong cùng hiệp hội hoặc địa bàn, các đối tác và bạn hàng. Việc chuyển dịch cơ cấu sâu rộng thường được thực hiện chủ yếu trên hướng trục này.

 
 Hình 1: Các Phương thức tăng Năng suất ở Doanh nghiệp



Để khởi động một quá trình cải cách cơ cấu sâu rộng và sống động cuốn hút mọi cá nhân và doanh nghiệp theo mô hình trên, chính phủ cần đặc biệt coi trong các điều kiện sau:

- Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

- Tuân thủ nghiêm ngặt và không ngừng hoàn thiện cơ chế thị trường, đặc biệt điều kiện cho việc sáp nhập, mua bán, và giải thể công ty; đảm bảo sự thắng thế của hiệu quả và sáng tạo.

- Xây dựng hệ thông quản lý nhà nước ưu tú với luật chơi rõ ràng, mạch lạc, và nhất quán; khuyến khích mạnh mẽ nỗ lực tạo giá trị và ngăn chặn hiệu quả các hành vi đầu cơ trục lợi.

- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; không biệt đãi doanh nghiệp nhà nước.

- Hỗ trợ các hiệp hội khai thác và cung cấp thông tin công nghệ và thị trường cho các thành viên.

- Có chính sách thuế và cơ chế tín dụng tốt khuyến khích cải cách cơ cấu tăng NSLĐ và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

- Ráo riết đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các địa bàn có ý nghĩa chiến lược và chủ đạo trong vai trò động lực cho công cuộc cải cách cơ cấu, như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tại sao phải xúc tiến cải cách cơ cấu kinh tế khi còn thuận lợi?

Cải cách cơ cấu là một đòi hỏi nghiệt ngã đối với tất cả các nước muốn tiến bước trên con đường đi đến phồn vinh. Thế nhưng, có nhiều nước không chủ động vượt qua đòi hỏi này khi tình thế kinh tế còn thuận lợi và thường bắt đầu nó quá muộn khi đất nước đã rơi vào khủng hoảng. Điều này lý giải tại sao nhiều nước có khởi đầu tốt nhưng rồi sa lầy trong cạm bẫy của mức thu nhập trung bình như hiện thực của hầu hết các nước Đông Nam Á và Mỹ La tinh.

Nghịch lý "tăng trưởng cao trong khi sức cạnh tranh phát triển tranh sa sút" minh họa bằng ví dụ ở Bảng 1 dưới đây giải thích tại sao một nền kinh tế có tăng trưởng ngoạn mục trong khi sức cạnh tranh phát triển của nó suy giảm nhanh chóng cho đến khi đất nước rơi vào khủng hoảng (một ví dụ điển hình là trường hợp của Indonesia giai đoạn 1967-1997: Indonesia được thế giới khen ngợi như một nền kinh tế tăng trưởng cao trong ba thập kỷ - 70, 80, và 90 cho đến khi chính quyến Suharto sụp đổ do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra năm 1997).

Trong ví dụ này, để đơn giản, ta giả định là số lao động không đổi ở mức 100 người. Nền kinh tế bao gồm hai khu vực: A và B. Ở thời mốc 1, khu vực A có 80 người, NSLĐ là 10 triệu đồng trong khi khu vực B có 20 người, NSLĐ là 100 triệu đồng; tổng giá trị GDP của nền kinh tế là 2.800 triệu đồng[1]. Nhờ chính sách thoáng đáng, mở cửa, lao động ở khu vực A chuyển mạnh sang khu vực B; thế nhưng, do chiến lược phát triển không tốt, NSLĐ ở hai khu vực đều giảm rõ rệt. Giả sử rằng, với động thái này, vào thời mốc 2, khu vực A còn 60 người (giảm 20 người), trong khi khu vực B có 40 người (tăng 20 người); đồng thời NSLĐ của mỗi khu vực giảm 20%, còn 8 triệu đồng ở khu vực A và 80 triệu đồng ở khu vực B. Mặc dù sa sút về NSLĐ, chuyển dịch lao động từ khu vực A sang khu vực B làm cho bức tranh tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế rất ấn tượng: tổng giá trị GDP tăng 31% từ 2.800 triệu đồng ở thời mốc 1 lên 3.680 triệu đồng[2] ở thời mốc 2.

Tuy nhiên bức tranh tăng trưởng trên không bền vững. Giả sử tiếp theo rằng, từ thời mốc 2 sang thời mốc 3, NSLĐ trong mỗi khu vực tiếp tục giảm ở mức -20%, trong khi chuyển dịch lao động từ khu vực A sang khu vực B chậm lại hẳn, với 5 người người chuyển từ khu vực A sang khu vực B. Kết quả là, sang thời mốc 3, khu vực A còn 55 người, NSLĐ còn 7,2 triệu đồng trong khi khu vực B có 45 người, NSLĐ còn 64 triệu đồng. Trong quá trình này, GDP giảm 11%, từ 3.680 triệu đồng ở thời mốc 2 xuống 3.276 triệu đồng[3] ở thời mốc 3, trong khi NSLĐ ở cả hai khu vực giảm sút tới mức báo động. Hậu quả là, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng với tất cả những hậu quả khắc nghiệt của nó.

 
Bảng 1: Nghịch lý về nền kinh tế tăng trưởng cao trong khi sức cạnh tranh suy giảm nhanh chóng


Ví dụ trên tuy được thiết kế ở mức thái quá để dễ hiểu, nhưng cũng có thể thấy phần nào trong thực tại nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, người dân ở nông thôn (nhất là ở miền Bắc) ra thành thị làm nghề lao động thuê với thu nhập khá hơn trước nhiều. Nhờ vậy, hàng tháng, họ có một số tiền gửi về quê hỗ trợ người thân.

Tuy nhiên, do thành phố tắc nghẽn, nông thôn mất ruộng do đô thị hóa và đầu cơ đất, chuẩn mực đạo đức xã hội sa sút, nên năng suất của cả hai khu vực đều giảm mặc dù mức sống của người dân khá lên rõ rệt, tăng trưởng kinh tế cao, nhiều người lạc quan mà không hề hay biết rằng khó khăn sa sút đang mỗi ngày một tới gần.



Bàn thêm đôi điều về tái cấu trúc nền kinh tế
(Tác giả: GS. Nguyễn Quang Thái // Theo TuanVietNam)

Một mô hình, mô thức phát triển có đúng nhiều trong ¼ thế kỷ, cũng không nhất thiết đã phù hợp trong chặng đường tiếp theo. Chúng ta có thể chọn ra các con đường hoàn thiện hơn, tốt hơn.

Kinh tế và xã hội Việt Nam đã vượt qua chặng đường khá dài kể từ sau thống nhất đất nước vào năm 1976 và cuộc đổi mới chưa từng có từ 1986. Nếu tính theo tổng thu nhập quốc dân tương đương theo đôla Mỹ thì GNP/GNI của Việt Nam đã tăng từ mức bình quân đầu người theo đôla Mỹ 141$ (năm 1976) lên 890$ (năm 2008). Việt Nam đã ứng phó thành công với cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 và đã là một điểm sáng trong chống lại khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh nhất là sau khi tham gia ASEAN 1995, ký Hiệp định thương mại BTA với Hoa Kỳ năm 2001 và tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO từ 2007.



Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào bên trong các thành tựu đó, có thể thấy bên cạnh những thành tựu đóng vai trò nền tảng, cũng có nhiều điểm yếu kém, sai sót và cả các chính sách cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo tôi, phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng được biện minh bởi lẽ 3 lý do:

Một là, tăng trưởng kinh tế quá dựa vào K (vốn) theo kiểu "quảng canh", mà ít chú ý tới các nhân tố năng suất tổng hợp TFP (các yếu tố khoa học công nghệ, quản lý và chất lượng nguồn nhân lực,...) và ngay cả năng suất lao động sống L. Theo phân tích của Giáo sư M. Porter, nhà khởi xướng các lý thuyết về cạnh tranh, khi tới Việt Nam năm 2008, Giáo sư đã có những nhận xét về sự giảm sút rất nhanh của các nhân tố năng suất tổng hợp TFP (giảm từ 50% xuống khoảng 20% và thấp hơn) trong khi đã dựa vào đầu tư (Capital) lại tăng lên quá nhiều (từ 30% lên 60%), nhưng lại giảm phần đóng góp của Lao động (Labor).


Ngay gói kích thích kinh tế tương đương 8 tỷ đôla Mỹ đã có tác động tốt, hòa cùng các chính sách khác, nhưng cũng làm cho bức tranh kinh tế cũng có những gam mầu khác nhau: lượng cung tiền tăng lên, dự nợ tín dụng tăng lên, đồng tiền trong lưu thông M2/GDP cũng tăng lên, thâm hụt thương mại tăng lên, ... đã làm cho thâm hụt ngân sách tăng, trong khi dự trữ ngoại tệ giảm.

Dư nợ cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất


Hai là, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đặt nhân loại trước những tiềm năng và thực tiễn phát triển phi thường, dựa vào tri thức nhân loại đã tích lũy được. Trong điều kiện toàn cầu hóa, các quốc gia, các Nhóm nước đã có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách liên kết và hội nhập. Mọi chính sách của từng quốc gia hiện nay cần được thiết kế uyển chuyển hơn, mềm dẻo hơn, thay đổi linh hoạt hơn theo diễn biến của thời cuộc. Một dự báo dài hạn 40-50 năm cho thấy, trong khi Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ như cường quốc lớn nhất nhì hành tinh, thì các nguy cơ xung đột giữa "liên minh xuyên Đại Tây Dương" (Mỹ-Tây Âu) với nước này dường như có xu hướng được giải quyết qua các cuộc thương thuyết, dung hòa lợi ích[2]. Gần đây các nghiên cứu về sự nổi lên của Nhóm nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), cũng như VISTS (Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi) đang làm nhiều nhà nghiên cứu kinh tế rất quan tâm[3].


Ba là, Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhưng với cách thức nặng về gia công thì cũng không thu được nhiều phần giá trị gia tăng cho Đất nước, trong khi tính giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lại tính toàn bộ giá trị đầu ra, có nghĩa là đã bao hàm cả giá trị được tạo ra do nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, bí quyết công nghệ, trong khi người Việt chỉ thu lợi từ giá trị gia tăng rất nhỏ bằng mồ hôi và sức cơ bắp.


Do đó, dù một mô hình, mô thức phát triển có đúng nhiều trong ¼ thế kỷ, cũng không nhất thiết đã phù hợp trong chặng đường tiếp theo. Chúng ta có thể chọn ra các con đường hoàn thiện hơn, tốt hơn. Nhân dịp tiến hành Đại hội lần thứ XI của Đảng chính là lúc có thể nhìn lại một cách toàn diện khoảng thời gian 20-25 năm qua và nhìn dài hạn không chỉ tới 2020, 2030 mà cần hướng tới 2045 đại lễ 100 năm nước Việt Nam mới, độc lập dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ. Đó là cách làm biện chứng, vừa trân trọng những thành quả đã đạt được, vừa tìm cách kế thừa, phát triển cho thành quả đã đạt "thêm hoa, đâm trái"
______________________________________________

[1] GS Nguyễn Quang Thái. Góp ý kiến với bài "Đôi điều về cải cách cơ cấu (tái cấu trúc) nền kinh tế", của TS Vũ Minh Khương, đã đăng một phần ngày 13/2/2010 trên Tuần Việtnam của Vietnam Net. Bài viết là ý kiến cá nhân và không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan  đang làm việc.

[2] COMPETITION AMONG THE GIANTS, 2010 - 2050: US-EU-CHINA & IMPLICATIONS FOR REGIONAL INTEGRATION IN EUROPE. Birol Yeşilada, Portland State University; Brian Efird Sentia Group; Peter Noordijk, Portland State University, 2005

[3] Theo dự báo của BRIC, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2050, quy mô kinh tế tính bằng đồng đô-la Mỹ của nhóm VISTA sẽ tăng gấp 28 lần, cao hơn mức tăng 2,5 lần của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và mức tăng 20 lần của nhóm BRIC.

 
VAFI đề xuất 7 giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế
(Theo Chí Tín // Báo đầu tư)

Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) vừa đưa ra 7 giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó, giải pháp đầu tiên là tập trung đẩy nhanh việc thăm dò và đưa vào khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước.
 
Theo VAFI, gần đây cụm từ “tái cấu trúc nền kinh tế” luôn luôn được nhấn. Ở phương diện quản lý nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế  là cần đánh giá lại các chính sách kinh tế để trên cơ sở đó hoạch định cho được những chính sách kinh tế mới để mở đường cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Để cụ thể hoá chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, VAFI đề xuất 7 giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh việc thăm dò và đưa vào khai thác các nguồn tài nguyên   quan trọng của đất nước. 

Cần đẩy mạnh công tác thăm dò khai thác dầu khí, than đá, quặng sắt....bên cạnh đó đẩy mạnh công nghiệp chế biến khoáng sản....

Các cơ quan chính phủ cần đánh giá tiến độ khai thác một số mỏ quặng sắt lớn, tiến trình thăm dò khai thác này đang bị chậm trễ, cần tìm hiểu nguyên nhân.

Thứ hai, tăng cường khuyến khích sản xuất hàng trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.

Những mặt hàng trong nước sản xuất được và đảm bảo chất lượng tương đối thì cần dùng nhiều biện pháp phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để không cho nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu.

Cần đẩy nhanh tiến trình sản xuất những mặt hàng thiếu yếu mà trong nước hoàn toàn làm được như phân bón, thuỷ điện, sản phẩm dầu lửa.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát tình trạng nhập siêu.

Những mặt hàng tiêu dùng mà trong nước sản xuất được hoặc những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cần dùng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu, đồng thời tăng tối đa các loại thuế để không chỉ giảm bớt tình trạng nhập siêu mà còn tạo nhiều điều kiện cho kinh tế trong nước phát triển.

Các bộ quản lý ngành cần rà soát xem xét những ngành nào đang hoặc sẽ có dư thừa về năng lực sản xuất.

Thứ tư, thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá và đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Chính sách đổi mới doanh nghiệp nhà nước cần phải được đánh giá lại trên cơ sở những thành tựu từ tiến trình cổ phần hoá  và từ sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Những đối tượng doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm chi phối thì cần nhanh chóng cổ phần hóa, cho dù nhà nước nắm giữ đến 95%/vốn điều lệ.

Tất cả loại hình doanh nghiệp nhà nước đã , chưa hoặc không cổ phần hoá đều phải thực hiện chế độ công bố thông tin thường xuyên về tình hình hoạt động và tình hình tài chính một cách đầy đủ như các doanh nghiệp niêm yết.

Thứ năm, sắp xếp lại bộ máy hành chính.

Các bộ, ngành, UBND tỉnh nên đánh giá lại hiệu quả hoạt động của từng cơ quan hành chính. Cắt giảm những cơ quan đơn vị thừa hoặc trùng lắp chức năng để giảm chi tiêu hành chính.

Việc cắt giảm biên chế là việc khó khăn, tuy nhiên việc hợp nhất, sát nhập các đơn vị là việc dễ làm.Giảm bớt các đơn vị hành chính thừa sẽ giảm nhiều chi phí như chi phí xây dựng trụ sở, chi phí hành chính thuờng xuyên.

Thứ sáu, xây dựng chính sách tiền tệ ổn định.

Đặc trưng nổi bật của chính sách này là bảo đảm tỷ giá ổn định lâu dài, lãi xuất huy động và cho vay thấp. Đây là mục tiêu cần hướng tới và đây không chỉ là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà học giả thường lý luận là VND yếu có lợi cho xuất khẩu và nền kinh tế, lý luận này không thực tế. Nếu duy trì ổn định tỷ giá lâu dài sẽ có những lợi ích lớn.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngoài việc cải thiện cán cân thanh toán ngoại tệ, chúng ta còn phải định hướng được dòng tiền nhàn rỗi trong dân chúng.

Thứ bảy, tái cấu trúc nền kinh tế luôn luôn là nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương.

Để tái cấu trúc nền kinh tế được hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà còn là nhiệm vụ lâu dài của các bộ, ngành địa phương .

Để thực hiện hiệu quả công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, từng bộ, ngành địa phương, từng cơ quan hành chính cần hoạch định những mục tiêu ưu tiên cho từng giai đoạn, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống giải pháp khả thi để thực hiện.


Tái cấu trúc” tư duy và chính sách
(Theo TS PHẠM MINH TRÍ // SGGP online)

Chúng ta đang trù tính việc tái cấu trúc nền kinh tế cho các giai đoạn tới. Để có thể làm tốt việc này, có lẽ chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình xây dựng mô hình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua.

Trước hết phải nói ngay rằng, trong thời gian qua tư duy và chính sách đã giữ vai trò quyết định, mang nặng yếu tố chủ quan của mong muốn và quyết tâm hơn là xuất phát từ thế mạnh, lợi thế so sánh của bản thân nền kinh tế. Trong khi đó, mọi chủ trương, chính sách, giải pháp của chúng ta lại định hướng theo mục tiêu chạy theo tăng trưởng gần như bằng mọi giá, bỏ qua các vấn đề quan trọng khác. Việc xây dựng mô hình phát triển và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm chạp, không như mong muốn của chúng ta đã cho chúng ta một số bài học cay đắng nhưng rất bổ ích. Bài học lớn nhất và phải nói đến trước hết là sự quyết tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nhưng chỉ đặt kỳ vọng lớn lao vào đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên, nông sản nguyên liệu, sản phẩm sơ chế, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng khoa học- công nghệ thấp, mang nặng tính gia công; còn thu hút đầu tư nước ngoài nhưng lại không cân nhắc kỹ hiệu quả và bảo vệ môi trường nên chưa thực sự đem lại cho chúng ta công nghệ mới, hiện đại và kinh nghiệm quản lý như một số nước trong khu vực có được.

Trong 63 nền kinh tế địa phương, trừ một số đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, địa phương nào cũng muốn có bước “đột phá”, nên đều có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, phải tăng bằng được tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP, giảm tỷ trọng nông nghiệp, trong khi nông nghiệp đang là thế mạnh, cái hiện hữu của địa phương, còn công nghiệp thì hầu như chưa có gì. Đây có thể là bài học kinh nghiệm lớn nhất về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta trong thời gian qua.

Một bài học khác là, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành phải xuất phát từ tích lũy trong nội bộ ngành và chịu sự tác động mạnh của quy luật phân phối lợi nhuận hay bình quân hóa lợi nhuận của K.Mac. Tuy nhiên, quá trình này đã diễn ra hết sức chậm chạp.

Vấn đề cốt lõi đã chỉ ra rằng, nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng của các vấn đề kinh tế-xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng vậy. Cái phải có trước tiên là vốn đầu tư từ mọi nguồn: ngân sách, xã hội, trong và ngoài nước. Muốn có chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng, muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, đưa kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại vào nông nghiệp thì phải có vốn. Muốn có một nền công nghiệp phát triển, hiện đại, có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ cũng phải có vốn và các thứ khác. Tương tự, muốn chuyển dịch cơ cấu trong các ngành nghề khác cũng cần phải có vốn, dù nguồn nào.

Tuy nhiên thời gian qua, trong khi chúng ta theo đuổi tăng trưởng, đã tập trung quá mức mọi nguồn vốn có được cho mục tiêu tăng trưởng, còn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là cái chỉ để tham khảo, tổng kết sau. Như vậy, chạy theo tăng trưởng thì đi một đàng, còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế lại đi một nẻo, hình như không ăn nhập gì với nhau cả.

Nếu tính từ khi chính thức bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay chúng ta đã mất 23 năm nhưng thành quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa rõ nét, trong khi Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để trở thành một nước công nghiệp phát triển. Có thể nói, bài học kinh nghiệm cốt lõi của Hàn Quốc là tư duy và chính sách, chiến lược công nghiệp hóa. Do đó, để thành công trong việc tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới, việc cần thiết trước hết là “tái cấu trúc” tư duy và chính sách.

Xem thêm:

1.  Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2010: Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế

2.  Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam

3. Nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
: “Tái cấu trúc là chìa khóa để thoát bẫy tăng trưởng”

4. Nhận định của GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Tái cấu trúc - kinh tế hay tư duy?

5. Nhận định của TS. TRẦN DU LỊCH - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh và phát triển bền vững

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)

  • Đề xuất chính sách kinh tế thời hậu khủng hoảng
  • Công bố nghiên cứu: Toàn cảnh cơ hội thương mại mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Á
  • Giữ vững, mở rộng thị phần hàng Việt tại thị trường truyền thống
  • Việt Nam trong cạnh tranh toàn cầu
  • Nhức nhối nạn tảo hôn ở người dân tộc thiểu số
  • Tháng 3 sẽ tăng giá ở mức từ 0,5% đến 1%
  • Xây dựng cơ bản 2010: Giảm mạnh vốn ngân sách, thu hút nguồn lực xã hội
  • Việt Nam qua lăng kính nước ngoài: Nhu cầu mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi