Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 8.000ha cà phê, được trồng chủ yếu trên các vùng đất đỏ bazan ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và Tân Thành, một ít còn lại trồng ở huyện Đất Đỏ và TX. Bà Rịa. Hiện nay, đa số các vườn cà phê là giống cà phê vối (Robusta), trồng bằng cây gieo hạt thực sinh, có tuổi đời từ 15 – 20 năm nên rất già cỗi, do vậy năng suất, kích cỡ, trọng lượng hạt không đồng đều. Trong những năm qua, do giá cà phê xuống thấp, bà con nông dân không đầu tư chăm sóc như: cải tạp đất và bón phân; nước tưới hạn chế; chưa chú ý đến cây che bóng; tỉa cành tạo tán chưa đúng kỹ thuật… nên năng suất đạt thấp (16,3 tạ/ha, bình quân cả nước là 17,7 tạ/ha). Khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến cũng chưa được quan tâm. Hầu hết nông dân thu hoạch cà phê theo hình thức hái trắng toàn bộ kể cả trái xanh, trái chín chỉ đạt tỷ lệ 50-60%. Những nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng đến phẩm chất cà phê nhân nguyên liệu.
Từ những tồn tại trên, để nâng cao năng suất chất lượng cà phê, bà con nông dân cần chú ý một số khâu then chốt sau:
TẠO ĐỘ ĐỒNG ĐỀU CHO VƯỜN CÀ PHÊ
Phần lớn vườn cà phê của bà con nông dân hiện nay đều cho quả nhỏ, ít quả, một số cây bị bệnh rỉ sắt nặng, tiếp tục có đầu tư thâm canh cũng không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây, ngoài việc bón phân hợp lý, tưới nước, tạo cành thì cần phải tạo cho vườn cây đồng đều về tỷ lệ cây mang quả nhiều. Phải cưa các cây không đạt yêu cầu để nuôi chồi, sau đó lai ghép cải tạo bằng các tinh dòng cà phê vối chọn lọc cho năng suất cao, kháng bệnh rỉ sắt tốt như: TR1, TR3, TR4, TR5, TR6, TR8, TR9… Các loại giống này có năng suất 4-7 tấn/ha, trọng lượng 100 nhân từ 18 – 20g, tỷ lệ hạt trên sàn 16 (loại 1) hơn 75%, chỉ số bệnh rỉ sắt nhỏ hơn 2%.
CHẾ ĐỘ PHÂN BÓN
Cà phê là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng cao. Hàng năm cần bổ sung chất hữu cơ từ 10 – 20 kg/cây và bón vào giai đoạn sau thu hoạch. Riêng đối với phân vô cơ, tùy thuộc vào tuổi và giai đoạn sinh trưởng của cây để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Chú ý nên tập trung bón vào 3 giai đoạn chủ yếu: đầu mùa mưa, giữa và cuối mùa mưa. Cần đào rãnh bón xung quanh tán và lấp đất. Những vườn cà phê cho năng suất cao so với bình thường phải bổ sung thêm 30-40% so với lượng phân trong năm để khắc phục hiện tượng xen kẽ: năm cho năng suất cao, năm cho năng suất thấp.
TƯỚI NƯỚC
Giai đoạn cà phê ra trái, lần tưới đầu khi hoa có dạng hình mỏ sẻ màu xám hoặc xám xanh. Sau đó tưới định kỳ 7 ngày/lần đối với đất sỏi cơm, 10 – 12 ngày/lần đối với đất đỏ bazan, đảm bảo 150 – 200 lít/cây/lần tưới. Dùng rơm rạ, cỏ tủ gốc cây trong mùa khô để giảm sự bốc hơi nước. Có thể gắn hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp với việc bón phân qua đường ống nhằm tiết kiệm nước và công lao động, giảm giá thành và tăng hiệu quả kinh tế.
CÂY CHE BÓNG
Cây cà phê vối thích hợp ánh sáng trực xạ yếu, do đó cần trồng cây che bóng để điều hòa ánh sáng cho vườn cây cà phê hợp lý, đặc biệt là giai đoạn kiến thiết cơ bản. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một số vườn cà phê được nông dân trồng xen hợp lý trong vườn điều, tiêu, cây ăn trái… nên đã tận dụng được cây che bóng trong giai đoạn đầu và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
Cà phê thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công. Do vậy, cần phải vệ sinh vườn thông thoáng, thường xuyên theo dõi và phát hiện bệnh sớm để phòng trị kịp thời. Chú ý việc sử sụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc 4 đúng để phát huy hiệu lực của thuốc và mang lại hiệu quả cao.
THU HÁI ĐÚNG ĐỘ CHÍN
Khi thu hoạch chỉ nên hái trái cà phê vừa chín, vì những trái cà phê quá chín hoặc xanh, ngoài việc làm cho cà phê mất mùi vị ngon còn tạo điều kiện cho nấm mốc và độc tố phát triển. Cà phê thu hoạch ngày nào, chế biến ngay ngày đó, không nên ủ quá 24 giờ, làm giảm chất lượng.
(Theo Xuân Vinh // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com