Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến

Việc tập đoàn bán dẫn và vi mạch hàng đầu Nhật Bản là Renesas cùng với những tập đoàn điện tử khác của Nhật, Mỹ, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta.

Việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất để xuất khẩu ra toàn thế giới của các tập đoàn như Samsung, Canon, Intel... là tín hiệu cho thấy cơ hội để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đến. 

Trong số khách mời tham dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam trị giá 670 triệu đô la Mỹ vào cuối tháng trước, những người được ông Choi Gee Sung, Chủ tịch tập đoàn Điện tử Samsung Electronics, nhắc đến trong lời cám ơn có đại diện của hiệp hội các doanh nghiệp vệ tinh đến từ Hàn Quốc.

Họ không chỉ là khách mời, mà còn là những người đã đi theo Samsung Electronics vào xây dựng cơ sở sản xuất linh kiện ở tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho sản phẩm của Samsung sản xuất ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Ở thời điểm khai trương, nhà máy của Samsung có công suất 18 triệu điện thoại di động mỗi năm. Đây mới là sự khởi đầu, và chỉ sau hơn một năm nữa sẽ tăng lên 100 triệu sản phẩm và giá trị xuất khẩu hàng năm đến 5 tỉ đô la Mỹ, trở thành nhà máy sản xuất điện thoại lớn thứ hai của Samsung sau cơ sở ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Đối với ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ý nghĩa của dự án này không chỉ là đóng góp thêm vào kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ đô la Mỹ hay giải quyết việc làm cho 10.000 lao động địa phương, mà còn ở chỗ nó sẽ tạo ra cơ hội tốt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, một lĩnh vực mà Việt Nam luôn mong muốn.

Cho đến nay, đã có 17 nhà đầu tư vệ tinh của Samsung vào Việt Nam đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 300 triệu đô la Mỹ. Chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng. Sắp tới, ít nhất 30 nhà đầu tư vệ tinh nữa sẽ đến Việt Nam. Ông Yoo Young-Bok, Chủ tịch Samsung Electronics Việt Nam, cho biết đến cuối năm tới một nửa linh kiện điện cần thiết của nhà máy sẽ do các cơ sở vệ tinh tại Việt Nam cung cấp.

Trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp, từ hành chính với những quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa, cho đến khuyến khích thông qua hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên, kết quả thu được không đáng kể. Nguyên nhân chính do những nhà đầu tư đầu tiên vào Việt Nam chủ yếu hướng đến thị trường nội địa, quy mô còn rất nhỏ. Mỗi nhà sản xuất chỉ có thể mua từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn sản phẩm mỗi năm, nên không thể thuyết phục các doanh nghiệp vệ tinh theo đến Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi cách nay năm năm, khi một số tập đoàn điện tử, viễn thông nước ngoài quyết định chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất để xuất khẩu ra toàn thế giới. Khởi đầu cho xu hướng này là các tập đoàn điện tử Nhật Bản, như Nidec, Canon và Sanyo. Tiếp đến là các tập đoàn đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó đáng kể nhất là dự án của Intel, Hon Hai Foxconn, mỗi dự án có vốn 1 tỉ đô la Mỹ, và Samsung Electronics.

Sự thay đổi chiến lược đầu tư của các tập đoàn trên gần như ngay lập tức đã có tác động tích cực đến lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Trong vài năm qua, hàng loạt dự án đầu tư sản xuất linh kiện của nước ngoài đã ra đời với mức đầu tư từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Đáng kể nhất là các dự án 300 triệu đô la Mỹ của Meiko (Nhật Bản), chuyên sản xuất mạch in điện tử và các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh.

Dự án của Hoya cũng đến từ Nhật Bản, đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để sản xuất đĩa quang, linh kiện để chế tạo ổ đĩa cứng máy vi tính và máy nghe nhạc. Bên cạnh đó, còn hàng chục dự án khác, sản xuất các loại linh kiện như máy biến dòng, biến thế, linh kiện chống nhiễm từ, linh kiện cộng hưởng âm thanh, thẻ cảm ứng, bộ nối cáp quang, chíp điện tử và các loại linh kiện hàng điện tử gia dụng khác...

Đáng chú ý là các cứ điểm sản xuất của những tập đoàn điện tử không dàn trải, mà chủ yếu tập trung ở hai cụm. Khu vực phía Bắc là các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội. Còn phía Nam hầu hết các cơ sở đều đặt tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các địa phương nêu trên thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, đồng thời cũng là cơ hội cho các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phát triển, chẳng hạn như logistics, tài chính và ngân hàng.

Ngoài ra, những trung tâm sản xuất lớn ra đời còn giúp cho một số ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển mạnh. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết nhà máy của Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh sẽ tiêu thụ một số lượng lớn bao bì, catalogue... và đây là dư địa cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Ngành sản xuất linh kiện phát triển sẽ có tác động không nhỏ tới triển vọng của công nghiệp điện tử Việt Nam. Trước mắt, đây sẽ là lợi thế quan trọng để Việt Nam cạnh tranh với các nước khác, nhằm thu hút những dự án đầu tư của các tập đoàn điện tử lớn.

Có tin tập đoàn bán dẫn và vi mạch hàng đầu Nhật Bản là Renesas cùng với những tập đoàn điện tử NEC (Nhật) và HP (Mỹ), Acer (Đài Loan) sẽ đầu tư phát triển trung tâm thiết kế vi mạch, lắp ráp máy tính ở Việt Nam. Chắc chắn khi có thêm nhiều “tên tuổi” lớn như vậy xuất hiện, sức hút của Việt Nam đối với nhiều công ty cùng ngành khác, bao gồm cả những công ty vệ tinh, sẽ trở nên mạnh hơn.

 

(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Chương trình áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp
  • Phát triển ngành dầu thực vật: Khó nhất vùng nguyên liệu
  • Hoạt động của ngành công nghiệp nhẹ tháng 10 và 10 tháng năm 2009
  • Top ngành công nghiệp tăng trưởng hai con số
  • Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2009 tiếp tục đà tăng trưởng
  • Công nghiệp chế biến: "Niềm kỳ vọng" của mục tiêu XK 5,7-5,8 tỷ USD/tháng
  • Công nghiệp Việt Nam với dấu hiệu phục hồi tốt
  • Điểm thông tin công nghiệp thế giới ngày 21/9/2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container