EVN lý giải nguyên nhân vẫn phải mua điện từ phía Trung Quốc sau những ý kiến trái chiều của các chuyên gia và dư luận. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định và đảm bảo chất lượng điện năng cho các tỉnh Tây Bắc, EVN vẫn phải duy trì mua điện Trung Quốc với một sản lượng tối thiểu.
EVN cho biết, giá mua điện Trung Quốc hiện tại là 6,28 cents/kWh, thấp hơn giá phát điện của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy chạy khí nhưng cao hơn giá của nhà máy thuỷ điện.
Đó là khẳng định của một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với VnEconomy trước thắc mắc của dư luận và báo giới về việc tại sao Việt Nam vẫn mua điện từ Trung Quốc, trong khi nhiều dự án phát điện nhỏ trong nước đang đứng trước nguy cơ bị “ế” điện.
Theo đại diện EVN, trong giai đoạn từ 2004 - 2008, hệ thống điện Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là miền Bắc. Việc này đe dọa đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện là do tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện mỗi năm khá cao, đạt trên 17%/năm.
Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn đến tiến độ xây dựng và phát triển các dự án nguồn điện không theo đúng quy hoạch đã được lập.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn 2004-2008, năm 2003, EVN đã lập đề án nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Đề án sau đó đã được báo cáo các bộ, ngành và được Chính phủ chấp thuận, thể hiện rõ trong Quy hoạch điện 6 và ngay lập tức đề án được Tổng công ty Điện lực Việt Nam gấp rút thực hiện. Đến năm 2004, EVN đã nhập khẩu điện ở cấp điện áp 110 kV và năm 2006 nhập khẩu ở cấp điện áp 220kV để cung cấp điện cho 13 tỉnh phía Bắc.
Theo EVN,việc nhập khẩu điện từ năm 2004 đã giải quyết được tình trạng thiếu điện trầm trọng ở giai đoạn 2004-2008 và đặc biệt là giai đoạn 2008-2010, góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc khi các dự án nguồn điện trong nước đang ở giai đoạn đầu tư xây dựng.
Năm 2010, vào mùa khô có thời điểm EVN đã mua điện Trung Quốc với công suất lớn nhất lên tới hơn 1000MW và tổng sản lượng mua cả năm là 5,6 tỷ kWh. Nếu không có nguồn điện mua này, EVN sẽ phải tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trên diện rộng.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, việc mua điện Trung Quốc đã giảm rất nhiều do hệ thống điện quốc gia được bổ sung bởi các nguồn điện mới trong nước cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại nên nhu cầu tiệu thụ điện không cao. Trong 6 tháng đầu năm 2014 tổng sản lượng mua điện Trung Quốc là 1,14 tỷ KWh, giảm nhiều so với cùng kỳ các năm giai đoạn trước.
Ngoài ra, hàng năm, căn cứ vào cân đối giữa nhu cầu sử dụng điện và các nguồn điện trong nước, EVN đưa ra dự kiến kế hoạch sản lượng mua điện Trung Quốc cho năm đó. Kế hoạch này sẽ được EVN điều chỉnh hàng tháng dựa vào khả năng phát điện của các nguồn điện trong nước.
Hơn nữa, thời hạn mua điện được các bên thống nhất trong hợp đồng đã ký là đến hết 2015. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện việc trao đổi điện năng đối với các đường dây hiện tại và có thể ở cấp điện áp 500kV nhằm mục đích Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc lúc thừa điện và nhập khẩu lúc thiếu điện.
EVN cho biết, giá mua điện Trung Quốc hiện tại là 6,08 cents/kWh. Giá điện này thấp hơn giá phát điện của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy chạy khí nhưng cao hơn giá của nhà máy thuỷ điện. Do vậy, vào mùa mưa, khi nguồn thuỷ điện trong nước dồi dào, EVN hạn chế mua điện từ Trung Quốc đến mức thấp nhấp có thể (chỉ bằng 1/2 so với các tháng mùa khô) để đảm bảo tận dụng tối đa các nguồn thuỷ điện trong nước.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy Thuỷ điện nhỏ ở khu vực Tây Bắc đều không có hồ chứa nên không thể chủ động về thời gian cũng như công suất phát điện.
Thực tế đó đã buộc EVN vẫn phải duy trì mua điện Trung Quốc với một sản lượng tối thiểu nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và đảm bảo chất lượng điện năng cho các tỉnh Tây Bắc.
Song Hà
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com