Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước nói chung và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT) miền trung nói riêng. Nhiều nhà đầu tư đã xin giãn tiến độ triển khai dự án. Các KKT miền trung cần điều chỉnh, lựa chọn những dự án và giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư, phát triển mô hình KKT một cách có hiệu quả.

 Liên kết vùng, tạo động lực phát triển

Những năm qua, do những lợi thế giống nhau nên các KKT miền trung chưa có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Hiện nay việc liên kết vùng, miền là một trong những yếu tố cần thiết để quảng bá, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển KKT bền vững. KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền trung (gồm các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, TP Ðà Nẵng, Quảng Nam, Bình Ðịnh) và mở rộng thêm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tạo thành vòng cung phát triển các KKT rất thuận lợi. Ðể thực hiện vai trò "hạt nhân tăng trưởng" cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Tây Nguyên (như đã được xác định trong Nghị quyết 39/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ), đuổi kịp hai tam giác tăng trưởng kinh tế phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và phía nam (TP Hồ Chí Minh - Ðồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu) thì các KKT miền trung cần có sự liên kết vùng chặt chẽ, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, lựa chọn dự án có công nghệ cao và đưa ra những giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho cả khu vực này.

Trong mối liên kết vùng đang hình thành sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế vùng theo hướng dựa vào lợi thế cạnh tranh và tiềm lực của từng địa phương. Tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh công nghiệp nặng với hạt nhân là KKT Dung Quất, TP Ðà Nẵng tập trung phát triển mạnh dịch vụ du lịch và công nghệ cao để trở thành đô thị trung tâm của khu vực. Thừa Thiên - Huế với KKT Chân Mây phát triển mạnh du lịch, dịch vụ. Quảng Nam với KKT mở Chu Lai phát triển mạnh du lịch và công nghiệp nhẹ. Bình Ðịnh với KKT Nhơn Hội đẩy mạnh kinh tế biển và là cửa ngõ của Tây Nguyên. Xu hướng chung hiện nay là đang phát triển, hình thành mới chuỗi đô thị và KKT biển, từng bước liên kết và hỗ trợ nhau để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy CNH, HÐH ở khu vực miền trung là rất hợp lý. Ðặc biệt, KKT Dung Quất và KKT mở Chu Lai đang hình thành mối liên kết chặt chẽ trong một không gian kinh tế thống nhất, bao gồm việc đầu tư xây dựng các trục hạ tầng kỹ thuật chung, các công trình tiện ích sử dụng chung (đường bộ, ga đường sắt, đường không, cảng nước sâu, khu tập trung chất thải rắn...). Trong thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của KKT Dung Quất đã góp phần thúc đẩy việc đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng dùng chung cho hai KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất có hiệu quả. Khu đô thị Núi Thành (Quảng Nam) phát triển như một cơ sở dịch vụ phục vụ trực tiếp cho KKT Dung Quất. Vì vậy, việc liên kết vùng để hỗ trợ nhau trong quá trình kêu gọi đầu tư, lựa chọn dự án có giá trị kinh tế lớn để phát triển các KKT miền trung là cần thiết.  
 
Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ
 
Trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, KKT thường có hệ thống hạ tầng yếu kém. Nhiều KKT hiện thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đây thật sự là khó khăn nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn từ Trung ương. Các KKT miền trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao thì mới có thể lựa chọn, thu hút được nhiều dự án công nghiệp nặng, dự án du lịch sinh thái. Cách làm của tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư hạ tầng trong KKT Chân Mây là, ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, hằng năm tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư hạ tầng như Tập đoàn Sài Gòn Geo. Tập đoàn này đã có hơn 20 khu công nghiệp trong nước đủ sức đầu tư hạ tầng thiết yếu về kỹ thuật, tiện ích; đồng thời xây dựng 100 nghìn m2 nhà xưởng tại KKT. KKT Dung Quất cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, chất lượng cao, thu hút được những tập đoàn kinh tế, nhiều dự án lớn đang triển khai đầu tư tại đây. Trong Quy chế hoạt động của KKT Vân Phong, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao khi cho phép trong thời hạn 15 năm đầu, ngân sách Nhà nước cân đối hằng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong cho yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng. Hiện tại, con số thu từ hoạt động vận chuyển dầu trên vịnh Vân Phong là khá lớn, chỉ riêng trong năm 2008, Vân Phong đem lại nguồn thu xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Thu là như vậy, nhưng trên thực tế, vốn Trung ương phân bổ cho Vân Phong mỗi năm chỉ khoảng 40 tỷ đồng, quá thấp so với chủ trương của Chính phủ và quá ít so với nhu cầu. Với số vốn này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho KKT Vân Phong là hết sức khó khăn.
 
Nhằm tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng phương án phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu Chính quyền địa phương. Ðây là sự cố gắng lớn của tỉnh Khánh Hòa, nhưng số vốn nói trên so với nhu cầu vốn khổng lồ của KKT Vân Phong chỉ như muối bỏ bể. Cho nên, vấn đề là sớm có cơ chế, chính sách thật sự phù hợp để thu hút mạnh các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, xã hội đầu tư vào KKT Vân Phong, kể cả những dự án lớn như cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - dự án theo tính toán của các nhà khoa học, muốn phát huy tốt tác dụng phải đầu tư ở mức hơn 50 tỷ USD. Vừa qua, Chính phủ đã mở ra hướng mới khi giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đơn vị đầu tư giai đoạn khởi động cảng trung chuyển quốc tế, tiếp tục chủ trì huy động vốn đầu tư dự án và tính toán nguồn vốn để bảo đảm dự án khả thi. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự cho biết: Khánh Hòa đang cố gắng tổ chức huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho KKT Vân Phong. Cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa"; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Quản lý KKT Vân Phong với các ngành liên quan và các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Trước mắt, tỉnh cố gắng khởi công xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Bởi vì sớm triển khai dự án quan trọng này mới có thể triển khai một số dự án khác, KKT Vân Phong mới có thể phát huy được vai trò của mình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Khánh Hòa mà cả khu vực...
 
Thu hút đầu tư bằng những cơ chế, chính sách hợp lý
 
Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với KKT chủ yếu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của các KKT và một số văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và đầu tư. Các quy định tại các văn bản này khá thống nhất và có tính khuyến khích cao đối với đầu tư vào KKT. Nghị định 29/2008/NÐ-CP của Chính phủ ban hành đã kế thừa những cơ chế, chính sách về KKT và bổ sung những vấn đề cần thiết bảo đảm cho KKT hoạt động, tạo động lực để thu hút đầu tư. Thực hiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển phải phù hợp với tính chất đa ngành, đa lĩnh vực của một KKT mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Các KKT hiện nay hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ, tiện ích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút được nhiều dòng vốn FDI vào KKT. Việc tạo ra cơ chế quản lý và chính sách thông thoáng, hợp lý là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư và mở đường cho các KKT miền trung phát triển nhanh và toàn diện. Chính sách đất đai, bất động sản được áp dụng mức giá ưu đãi đã khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp mua nhà ở, và thuê đất trong KKT; thực hiện tự do hóa đầu tư theo đúng chính sách chung của Nhà nước quy định. Chính sách thuế tại KKT Dung Quất được áp dụng một mức thuế suất và cho hưởng ưu đãi cao nhất. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức thuế ưu đãi 10% trong vòng 15 năm đầu của dự án, được miễn bốn năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động và giảm 50% của chín năm tiếp theo. Những dự án có ý nghĩa quan trọng  hoặc dự án công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án...       
 
Với những lợi thế về vị trí địa lý cũng như so với các chủ trương ban đầu của Bộ Chính trị về việc thành lập KKT mở Chu Lai thì những kết quả nêu trên còn khiêm tốn, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Ðiều đó, có nhiều nguyên nhân. Nhưng vấn đề mấu chốt là do cơ chế tài chính cho KKT mở Chu Lai chưa ổn định, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng không bảo đảm, hạ tầng yếu kém, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nên việc thu hút vốn đầu tư còn hạn chế. Ðiều đáng lưu ý là, theo Quyết định số 108/2003/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho KKT mở Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn trong mười năm đầu và 50% trong mười năm tiếp theo. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn. Ngày 10-9-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 185/2003/QÐ-TTg bãi bỏ cơ chế này trên toàn quốc. Khi cơ chế này thay đổi đã làm cho KKT mở Chu Lai không đủ nguồn vốn để bố trí cho các công trình đang thi công dở dang, nên đến nay kết cấu hạ tầng vẫn còn yếu kém, không tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong Quy chế hoạt động KKT mở Chu Lai có quy định các công trình hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Nhưng đến nay, chỉ có Bệnh viện Ða khoa T.Ư được hưởng nguồn ODA của Hàn Quốc, còn lại chưa có công trình hạ tầng nào được đầu tư bằng nguồn vốn này.
 
Có thể thấy, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của KKT trong chiến lược phát triển kinh tế miền trung, cho nên thời gian tới, các bộ, ngành T.Ư cần quan tâm đầu tư thích đáng các KKT này. Riêng KKT mở Chu Lai không còn những cơ chế ưu đãi, nhưng thời gian qua, tỉnh Quảng Nam vẫn nỗ lực, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng KKT mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy phát triển dịch vụ làm trung tâm kết hợp với phát triển công nghiệp hợp lý. Phó Ban quản lý KTT mở Chu Lai Nguyễn Văn Lúa cho rằng, nếu thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 155-TB/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương về cơ chế tài chính cho KKT mở Chu Lai: Theo hướng ngân sách Nhà nước cân đối hằng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng... thì bình quân mỗi năm nguồn thu phát sinh được bố trí đầu tư từ 500 đến 600 tỷ đồng. Như vậy, sau năm năm kết cấu hạ tầng thiết yếu của KKT mở Chu Lai sẽ được hoàn thiện. Tất nhiên, để Chu Lai phát triển đúng nghĩa của KKT mở, Trung ương cần áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và các dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, tạo cơ sở phục vụ yêu cầu thu hút đầu tư. Ðồng thời, Nhà nước cần sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên vùng như: sân bay Chu Lai; đường ven biển Hội An đến Chu Lai; đường cao tốc Ðà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất để tạo bước đột phá cho Chu Lai, Dung Quất và KKT lân cận. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch đầu tư sân bay Chu Lai theo quy định đã được phê duyệt làm động lực thúc đẩy các dự án khác triển khai. Trước mắt, cần tăng thêm chuyến bay tuyến Tân Sơn Nhất - Chu Lai và mở thêm chuyến bay Nội Bài - Chu Lai để phục vụ nhu cầu nhà đầu tư trong khu vực và vận chuyển hàng hóa.
 
Ðối với các địa phương trong khu vực, cần dựa vào tiềm năng, lợi thế để quảng bá, thu hút đầu tư phát triển ngành nghề, sản phẩm phù hợp; đồng thời khắc phục ngay tình trạng "ăn xổi", mạnh ai nấy làm theo kiểu "mỗi tỉnh một bến cảng, một sân bay, một nhà máy bia, một nhà máy đường và... một trường đại học"...

 

 

(Theo nhan dan)

  • Khu Công nghiệp Xuyên Á: Chủ đầu tư lừa nhà đầu tư?
  • Khu công nghiệp “đói” nhiên liệu
  • Toàn tỉnh Bình Dương có 10 KCN lấp kín trên 90% diện tích
  • Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Khó thực hiện được mục tiêu vào năm 2010
  • Ưu tiên ngân sách trung ương cho khu kinh tế ven biển
  • Khu công nghiệp - Đô thị Châu Đức : Mô hình mới nhiều tiện ích
  • Thêm 7 dự án vào Khu kinh tế Dung Quất
  • Đất ở khu, cụm công nghiệp phải được lấp đầy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container